Nhọc nhằn đời shipper

07:05 | 12/02/2017

1,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ việc bán hàng qua mạng Internet (shop online) lại nở rộ như vài năm trở lại đây. Không chỉ các công ty lớn mà rất nhiều tiểu thương nhỏ lẻ cũng tích cực mở shop online. Và từ đó mà tạo nên một nghề mới là nghề “ship” hàng (vận chuyển thuê). Ngoài đội ngũ shipper chuyên nghiệp thì vẫn có các bác xe ôm rỗi việc, nam sinh viên muốn kiếm thêm tiền hay cả viên chức nghèo... tham gia công việc này.

Mỗi khi tham gia giao thông, người ta rất dễ dàng bắt gặp những thanh niên, trung niên quần áo tuyềnh toàng, ngồi trên những chiếc xe máy mang một lượng hàng khá lớn. Đó có thể là những tải rau thập cẩm đủ loại, hay một túi to đựng đủ loại hộp sữa, hộp thuốc, hộp bánh ngọt, bánh sinh nhật cho đến lẵng hoa… rồi cả những chú gấu bông to hơn người phóng vèo vèo trên phố.

Để gia nhập đội quân shipper (tạm dịch: người vận chuyển hàng hóa) cũng rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc xe máy cà tàng và thuộc đường Hà Nội là có thể bắt đầu hành trình “chạy và chạy”.

Đức Minh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Giao thông Vận tải đã tham gia vào đội quân shipper được hơn 3 năm nay. Đẹp trai, hiền lành, chịu khó, giá cả phải chăng nên Minh được khách hàng rất tín nhiệm. Minh cho tôi biết, làm gì thì làm chứ tham gia ngành dịch vụ thì đích thị phải “làm dâu trăm họ”. Nghe kể thì đơn giản, nhưng để có thể gắn bó lâu với nó cũng không phải là dễ.

nhoc nhan doi shipper
Shipper đang chuẩn bị giao hàng

Đơn cử, với một món hàng dưới 1kg khoảng cách vận chuyển 3-7km thì phí ship thường là 30 ngàn đồng. Ngoài việc phải giao hàng đúng người, đúng địa chỉ, đúng thời gian thì shipper còn phải có chút vốn liếng nữa. Vì mình phải “đặt cọc” một khoản tiền tương đương bằng với giá trị của mặt hàng cho người bán, giao xong cho người mua thì mình mới lấy lại được tiền vốn và tiền ship. Sau một thời gian dài làm ăn có uy tín thì người bán mới thôi không bắt mình phải đặt cọc nữa.

Minh nhớ nhất những lần phải đi giao hàng vào ngày hè nắng bỏng rát, hoặc những ngày đông lạnh buốt. Lần đó Minh nhận ship 4 bát phở đến phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội). Khi ấy vừa mới vào nghề nên Minh không dám “chảnh”, bất cứ giờ nào khách yêu cầu (ngoài giờ học ở trường) là Minh phải lên đường. Mang mấy chiếc cặp lồng phở còn nóng giãy, đi 30 phút mới đến phố Bùi Xương Trạch, nhưng hỡi ôi con phố này quá lắm ngõ ngách, tìm bở hơi tai mới thấy nhà người mua. Khi ấy cặp lồng phở đã nguội ngắt. May là gia chủ không hủy đơn, bắt mang về thì có mà... lỗ vốn.

Lần khác Minh nhận đơn ship bánh pizza đến một biệt thự ven Hồ Tây. Đó là dịp giáp tết Nguyên đán nên thời tiết rất lạnh. Phóng xe trên đường ven hồ mà gió lùa qua mấy lớp áo lạnh thấu xương. Vòng vèo mãi rồi Minh cũng tìm được căn nhà của cô tiểu thư nọ. Nhưng cô tiểu thư không mở cổng ra nhận hàng mà bắt Minh vòng ra sau nhà, dưới cửa sổ tầng ba. Cô bé ròng dây xuống bảo cậu buộc hộp bánh rồi để cô ta kéo lên.

Khi hộp bánh được kéo lên đến tầng 3 thì Minh bất ngờ bị một người đàn ông trung niên chạy ra túm áo, tát cho một cái như trời giáng. Thì ra cô tiểu thư vì giận bố mẹ nên bày trò… tuyệt thực. Song lại bí mật nhắn người yêu đến… tiếp tế. Đêm khuya người yêu không đến được nên cô ta phải gọi shipper. Báo hại Minh phải năn nỉ cô gái xuống, ba mặt một lời rằng “cháu không phải là bạn trai của em nó” thì ông bố mới tin. Để bù lại cái tát sai địa chỉ vừa rồi, ông bố bắt tiểu thư phải đi nấu nướng rồi mở Chivas 21 ra bắt Minh uống bằng được với ông ta 3 ly thì mới cho về!

Nghề shipper được gặp đủ mọi loại người, gặp đủ tình huống bi hài và cũng không ít “tai nạn”. Ngoài việc bị người mua trả hàng do không đúng với thỏa thuận thì shipper còn có nguy cơ bị va chạm giao thông khá cao. Cá biệt, có những shipper do thiếu kinh nghiệm còn bị “chăn” mất hàng. Phan Long, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Quốc gia Hà Nội kể lại tai nạn đau thương của cậu.

Đó là lần Long nhận ship 2 hộp sữa đến một chung cư tại quận Thanh Xuân. Người mua là một “mụ” béo, vẻ như vừa đi đâu về. Gặp Long ở sân chung cư mụ ngọt nhạt bảo: “Cháu đợi cô 5 phút nhé, cô vừa đi tập thể dục về nên không mang tiền”. Thế rồi mụ ôm hai hộp sữa biến mất. Chờ mấy tiếng đồng hồ không thấy bà ta xuất hiện, gọi cho hàng chục cuộc không nghe máy. Hỏi người bảo vệ chung cư thì họ cũng bó tay, không biết bà ta ở đâu. Vác bộ mặt như đưa đám về kể với người chủ shop. May cho Long là chủ cửa hàng chia sẻ, bù cho cậu một nửa số tiền hàng.

Sau khi gặp phải kha khá “trái đắng”, Long đã rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề. Long cảnh báo những bạn mới chập chững vào nghề cần hết sức cảnh giác với trò lừa đảo của những chủ shop “ảo”. “Có nhiều đối tượng lợi dụng quy trình ứng tiền trước khi ship nên đã gom quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, sữa bột trẻ em… dởm, rẻ tiền rồi gói bọc cẩn thận, ghi đơn hàng kèm số điện thoại và địa chỉ khách hàng rồi rao tìm shipper trên mạng. Nhiều bạn đã bị “dính bẫy” khi ứng trước giá trị đơn hàng cho những đối tượng này có khi lên tới cả vài triệu đồng. Sau đó, khi gọi vào số điện thoại khách hàng “ma” thì một là nhầm máy, hai là số điện thoại không hợp lệ, khi liên hệ lại với chủ cửa hàng thì đã bị chặn số. Nhiều shipper cay đắng vì bị lừa và phải ôm lại đống hàng “dởm” không thể sử dụng vì quá kém chất lượng” - Long nói.

Tưởng như chỉ có cánh nam giới mới tham gia đội quân shipper, song vẫn có không ít nữ sinh tỏ ra “có duyên” với nghề này. Nhữ Mai, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trở thành “người vận chuyển” được gần 1 năm nay. Mai tâm sự, là dân tỉnh lẻ về Hà Nội học, thấy bạn bè đều khá năng động. Người thì mở shop, người tham gia làm cộng tác viên trong doanh nghiệp, công ty… Mai cũng muốn đi làm để có thêm kinh nghiệm

Sau khoảng hai năm “mài đũng quần” trên giảng đường, Mai cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt khi cứ ngày ngày từ phòng trọ đến trường rồi lại từ trường về phòng trọ. Mai quyết định kiếm việc làm thêm ngoài giờ học để trải nghiệm cũng như để tự tạo một khoản thu nhập nhỏ cho bản thân.

nhoc nhan doi shipper
Dù hai tay bị cụt đến tận khuỷu song Lý Láo Lở vẫn là một shipper chuyên nghiệp

Nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng Mai đều không nhận được phản hồi tích cực nào. Cực chẳng đã Mai nộp hồ sơ làm… shipper cho một cửa hàng ở quận Đống Đa, không ngờ lại trúng tuyển! Ngày đầu tiên đi làm, Mai được giao những đơn hàng gần khu vực quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Sau dần phải đi giao ở những chỗ xã hơn như quận Hoàng Mai hay Long Biên.

Mai nhớ nhất cái hôm trời nắng, nóng tới 36-370C, giữa trưa nhiệt độ lên tới 39-400C thì nhận được yêu cầu ship hàng lên khu vực Phố Cổ. 11h30’ Mai chuẩn lên đường sau khi đã nai nịt gọn ghẽ nào là kính râm, khẩu trang, áo khoác chống nắng… Nhưng vừa thò mặt ra đường, cô gái đã vội quay trở lại vì thấy bức bối kinh khủng. Mai đề nghị chị chủ shop lùi lại lịch. Nhân viên cửa hàng gọi điện lại cho khách nhưng khách hàng bảo họ đang cần món hàng đó gấp vì 13 giờ nay họ bay rồi. Vậy là không còn cách nào khác, Mai phải lên đường.

Lần đầu tiên trong đời Mai phải đi xe giữa phố đường Hà Nội nắng nóng không một bóng người, chịu những hơi bỏng rát từ trên trời dội xuống, từ dưới mặt đường bốc lên. Mồ hôi bắt đầu cứ chảy tứa ra trong người Mai, cứ lép nha lép nhép. Hình như có con gì cắn ngứa như điên mà không dám dừng lại.

Rồi cuối cùng cũng đến được địa chỉ giao hàng. Gọi điện mãi mà không thấy người ta nghe máy. Mai muốn bốc hỏa trong đầu, thầm chửi cái nghề gì mà cơ cực. Vừa quay xe chuẩn bị đi thì thấy có người gọi lại. Hóa ra khách hàng đang… tắm nên không thể nghe máy. Giao hàng xong, Mai chui tọt vào một quán nước mía gọi 2 cốc liền uống cho đã cơn khát.

Trong giới shipper, có lẽ trường hợp chàng trai người Dao - Lý Láo Lở (thường gọi là Khang, trú tại bản Pạc Tà, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thuộc loại đặc biệt nhất. Khang sinh năm 1987, bị mất cả hai tay đến tận khuỷu nhưng đã tốt nghiệp Khoa Khoa học quản lý, Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn. Và nghề chính của Khang hiện giờ là shipper.

Khang tâm sự, khi đang học lớp 8 Khang sơ sểnh bị điện giật. Nhiều người đinh ninh cậu bé sẽ chẳng thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Song được các bác sĩ đã tận tình cứu chữa và nội lực mạnh mẽ Khang đã kiên cường chiến thắng tử thần. Thoát chết, nhưng cậu bé cũng buộc phải cắt đi cả hai bàn tay.

“Giàu hai đôi mắt, khó hai bàn tay” cậu bé người dân tộc đã phải vô cùng vất vả những ngày sau đó. Gần 1 năm ở nhà “ăn không ngồi rồi” Khang ngứa ngáy, muốn được đi học lại. Nhưng mà mất đôi tay rồi, cầm bút thế nào đây. Tìm hiểu những người khuyết tật khác, Khang thấy họ vẫn có thể tập viết bằng chân, bằng miệng… Vậy là Khang quyết tâm phải học theo.

Bao nhiêu ngày tháng trôi qua Khang cũng không nhớ nữa, Khang miệt mài tập viết, tập làm lại những công việc tưởng chừng rất đơn giản với một cậu bé 13 tuổi, song lại vô cùng phức tạp với người như cậu. Trải qua biết bao nhọc nhằn, Khang đã cầm được bút và lần lượt tốt nghiệp THCS, THPT và đỗ vào đại học. Sau 4 năm phấn đấu miệt mài trên giảng đường, Khang tốt nghiệp loại khá. Tuy nhiên Khang nộp hồ sơ vào nhiều cơ quan doanh nghiệp song chẳng nơi nào nhận. Khang đành gia nhập vào đội quân shipper qua một người quen giới thiệu.

Mua lại chiếc xe máy cũ với số tiền dành dụm hai triệu đồng, Khang nhờ người chế lại để có thể đi hàng chục, thậm chí cả trăm kilômét để ship hàng mỗi ngày. “Mọi người nói đi như vậy nguy hiểm nhưng mình luôn tự ý thức về sự an toàn khi tham gia giao thông” Khang nói, miệng cười hiền.

Mới làm nghề được khoảng vài tháng, song Khang đã được nhiều đồng nghiệp giúp đỡ. Bất kể ngày nắng hay mưa, chàng trai đều ra khỏi nhà từ sáng sớm và chỉ về khi đã gần nửa đêm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, Khang bảo vẫn cảm thấy vui vì ít ra mình còn sống có ích. Khang tâm sự đôi khi cũng bị khách trả lại đơn hàng. Thậm chí, chủ hàng nhìn thấy anh khiếm khuyết đôi tay nên hủy đơn, không nhận nữa. Những lúc đó, chàng trai buồn nhưng quyết không bỏ cuộc…

Yên Chi