Nghệ sĩ Lê Bình: Lại bắt đầu, dẫu muộn

06:00 | 08/12/2014

3,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay cả bản thân Lê Bình cũng không thể tưởng tượng ra rằng, một chú “Cò hoạt bát trong đội Hướng đạo ngày nào lại còng lưng với ti tỉ những nỗi niềm ở tuổi xế chiều như vậy…

Năng lượng Mới số 380

1.  Lê Bình kể, suốt hơn chục năm dài trước đó, ông hay đi diễn về đến nhà lúc giữa đêm. Ông đứng dưới chung cư ngước nhìn lên trên tầng 5, cũng là tầng cao nhất của một chung cư đã cũ, nơi đó có vợ và các con ông, trong căn phòng rộng bằng “bao diêm”. Đã bao lần đứng dưới sân nhìn lên như thế mà tự hỏi rằng, trong căn nhà nhỏ đó, có ai đợi ông về hay không?! Hỏi thế thôi chứ ông biết câu trả lời. Ông nói: “Vợ chồng tôi “đồng sàng dị mộng”.

“Mỗi đêm tôi về, tôi không lên nhà ngay. Tôi ngồi một mình dưới quán nước cho đến tận 2, 3 giờ sáng. Nhiều người thấy tôi một mình, họ muốn chia sẻ, nhưng tôi từ chối để họ ngồi chung. Riết rồi hình ảnh ấy thành quen, mọi người cứ mặc tôi ngồi đó, một mình. Tôi, cô độc. Tôi ngồi hàng giờ như thế, có khi chỉ để tự gặm nhấm nỗi buồn cuộc đời mình; có khi nghĩ ngợi chuyện hiện tại, tương lai; có khi là để nghĩ về công việc, về những vai diễn; cũng có khi cũng chẳng suy nghĩ gì, ngồi thừ ra đó như một kẻ vô hồn. Gió lạnh về đêm lúc thì như vuốt ve, lúc như quất thẳng vào mặt, tê tái…”, Lê Bình tâm sự.

Lê Bình đang buồn, đang lo, điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt ông. Ai rơi vào hoàn cảnh như ông hiện tại mà không buồn. Ở tuổi ngoài 60, ông phải chia tay người vợ, sau 37 năm gắn bó. Ông phải gánh những món nợ lớn trên vai, mà đó là nợ của vợ ông tạo ra sau những ngày lao mình vào trò đen đỏ. Lưng ông đã bắt đầu còng, càng còng thêm khi ông phải gánh ti tỉ mối lo khác, lo cho hai con trai ông, một đang trong trại cai nghiện, một thì học hành dở dang, không công việc ổn định.

Ông chia sẻ rằng, đời ông là một chuỗi ngày đan xen giữa buồn - vui, khổ hạnh - an lạc. Có khi mới buồn đó, ông lại vui đó, vừa khóc đó, nhưng lại phải cười ngay. Ông nói mình như một người điên. Nhưng thật ra do hoàn cảnh, ông ở nhà thì nặng nề, tâm trạng nhưng ra đoàn phim hay sân khấu là lại hài, hài trong vai diễn và hài với bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều đồng nghiệp trong đoàn phim nói: “Ở đâu có chú Bình là ở đó có niềm vui”; rồi “Lê Bình là cơn gió mát lành”... Thật ra, ông hài hước là để anh em nghệ sĩ có tiếng cười, thoải mái, thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Mà ông nói, ông không phải diễn gì cả, tất cả chỉ ngẫu hứng, máu hài có sẵn trong ông rồi.

“Tuổi thơ tôi buồn, buồn lắm”. Cha mẹ ông chia tay khi ông còn nhỏ, ông sống với ông bà nội. Có một kỷ niệm buồn mà ông nhớ như in và đều rớt nước mắt mỗi khi nhắc lại, đó là ngày ông đến tìm ba mình để xin tiền đóng học phí. Ngày nhỏ ông bị cà lăm, nói mãi mới được một câu. Sáng đó, ông đứng đón ba mình trước cửa công ty, khi thấy xe đến, ông chỉ mới kịp đưa tay nói tiếng “ba…” thì xe đã chạy qua mất. Lê Bình lại ngồi trước cổng đợi tới giờ trưa ba mình về và lần này ông lại bị hụt lần nữa vì cái tật cà lăm của mình. Thế là, dù bụng đói, ông cũng phải ngồi đợi thêm đến đầu giờ chiều, khi ba ông quay lại. Thấy xe vừa tới, ông không gọi nữa mà lao ra chặn đầu xe, cũng may xe thắng kịp… “Ba tôi rút ví lấy tiền ra cho, tay tôi cầm mà mắt rưng rưng bởi tủi thân. Ba đi khuất, tôi khóc òa, nỗi xót xa cho phận mình cứ dâng lên” - ông xúc động.

Nghệ sĩ Lê Bình trên sân khấu

Vì hoàn cảnh gia đình nên Lê Bình tự lập từ rất sớm. Ông kể, lúc 15-16 tuổi ông đã bắt đầu lăn lộn với cuộc đời bằng đủ thứ nghề, từ chạy bàn trong nhà hàng đến công nhân trong công trình thủy lợi và sau đó là họa sĩ vẽ tranh. Sau giải phóng, ông bước chân vào nghệ thuật từ các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ban đầu, ông tham gia vào đội kịch của phường, sau đó vào đội kịch của Nhà Văn hóa Thanh niên. Khoảng năm 1982, ông được Hội Sân khấu mời về diễn tại Sân khấu kịch 5B và gắn bó với sân khấu kể từ đó, ở cả hai vai trò diễn viên và tác giả.

Rồi từ sân khấu, ông bén duyên với điện ảnh lúc nào không hay. “Dòng sông không quên” (đạo diễn Lê Dân) là phim đầu tiên Lê Bình tham gia với vai diễn ông chủ tiệm thuốc Bắc. Lúc đó là giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Cũng chính phim đó đã để lại trong ông một kỷ niệm sâu sắc… Ông kể, một ngày quay nọ, cả đoàn làm phim đã đến đông đủ nhưng phải chờ anh kép chính, anh này đang đi chơi ở Vũng Tàu. Cả đoàn chờ anh ta từ sáng cho đến chiều tối mới quay được phân đoạn ấy.

Quay xong đã quá nửa đêm. Ông cặp nách chai rượu thuốc mua ở tiệm, lững thững bước đi về mà lòng nặng trĩu. Đường phố vắng tênh khiến cho nỗi niềm càng xâm chiếm ông. Ông cám cảnh cho thân phận một diễn viên mới, băn khoăn với con đường nghệ thuật của mình sẽ về đâu? “Lúc đó, tôi bi quan lắm vì tiền
cát-sê không đủ nuôi sống bản thân, tôi phải làm nhiều nghề mà thời gian thì lại phung phí trong những cuộc chờ đợi vô nghĩa. Nhưng rồi, tôi cũng tự an ủi mình để vượt qua, đơn giản vì tôi yêu nghề, tôi thích khóc, cười với vai diễn, với khán giả”.

2. Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, đó là thời vàng son của dòng phim “mì ăn liền”, cũng vào thời của Lê Bình. Song, có một điều lạ là ông hầu như không có được mấy vai diễn trong dòng phim ấy. Ông giải thích rằng, để được mời vào những phim này thì người diễn viên phải có ngoại hình mập mạp. Nhưng ông thì ngược lại, gầy còm như kẻ đói ăn, lại có tướng khắc khổ của những lão nông miền sông nước. Thế là ông luôn nằm trong danh sách được lựa chọn cuối cùng. Khi nào thiếu diễn viên lắm thì mới tới lượt ông, nhưng mà có mấy khi! Ông nói, thời đó nhìn những Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng… chạy show đóng phim mà thòm thèm!

Nhưng không phải vì vậy mà Lê Bình bị cùng đường trong nghề diễn viên, ông không phù hợp với thể loại phim này nhưng phù hợp với thể loại khác. Mà cụ thể đó là vai diễn trong serier phim “Cổ tích Việt Nam”. Ông thật sự tiếp cận với phim ảnh qua phim “Đất Phương Nam”, đây cũng là bộ phim thứ hai mà ông tham gia. Nhưng tên tuổi ông được nhiều người nhớ đến nhất cho đến lúc này là từ các vai diễn trong loạt phim cổ tích của đạo diễn Nguyễn Minh Chung. Tính đến nay ông đã đóng 16 phim cổ tích và có những vai diễn đã gắn bó với cả hai thế hệ. Các phim “Mụ yêu tinh và bầy trẻ”, “Ông giã tràng”… đến giờ vẫn còn là phim được yêu thích dù đã có hàng chục năm rồi.

Lê Bình nói, thời trai trẻ ông thẳng tính lắm nên nhiều người không ưa ông, ông bị trù dập suốt. Nhưng từ ngày gặp một tai nạn trong lúc đóng phim, ông đổi tướng, đổi luôn tính! Số là trong một bộ phim nọ, ông vào vai một giám thị bị một học sinh giở thói côn đồ đánh vì bắt được học sinh này quay cóp trong giờ thi. Kịch bản ban đầu là cậu diễn viên kia chỉ đánh trên lưng ông thôi nhưng có lẽ do quá nhập tâm khi diễn nên anh ta lên gối vào mặt ông, lúc đó ông lại đang cúi người xuống. Kết quả, ông bị gãy sống mũi, máu chảy ướt cả mặt. Vết thương theo năm tháng đã lành nhưng cho đến giờ này, sống mũi ông vẫn hơi lệch sang phải. “Nói ra thì hơi mê tín nhưng thú thật là từ sau khi bị lệch mũi, tôi bớt thẳng tính đi, nói gì, làm gì cũng đắn đo suy nghĩ trước sau. Bình yên với tôi cũng về từ đó!” - ông nói.

Những năm gần đây, Lê Bình bắt đầu được mời đóng phim nhựa, mà chưa bao giờ ông được mời đóng quá 2 phân đoạn trong một phim. Ông vừa tham gia 3 phim nhưng cộng lại cũng chỉ vỏn vẹn có 4 phân đoạn. Điều đó cũng không khó lý giải, tuổi ông đã cao, chỉ phù hợp với những vai nhỏ. Còn ông thì cho rằng: “Cái số nó vậy!”. Song, dù chỉ một phân đoạn nhưng ông chăm chút cho nó nhiều hơn cả những vai diễn lớn khác, bởi theo ông, cái khó là làm sao chỉ trong vài phút ngắn ngủi xuất hiện, khán giả nhớ đến mình. Thế là mỗi khi nhận kịch bản, ông thường phải tư duy thêm rất nhiều về cách diễn cũng như lời thoại. Lợi thế của ông từng là tác giả, vừa là diễn viên nên ông biết cách nêm nếm thêm gia vị cho vai diễn hấp dẫn hơn. Và đương nhiên, đạo diễn nào cũng đồng ý điều đó.

3. Năm nay, nghệ sĩ Lê Bình đã ngoài 60, dấu hiệu tuổi tác đã hằn lên con người ông. Với những vai đòi hỏi vận động nhiều, ông bắt đầu ngần  ngại. Nhưng ông nói, ông vẫn phải cố gắng thôi. Bởi có ai ngờ, thậm chí chính ngay bản thân ông cũng không tin rằng, khi đã 62 tuổi rồi mà vẫn còn phải bắt đầu tích lũy lại từ đầu để lo cho thân mình về già và người thân xung quanh ông. Những gì ông có được sau mấy mươi năm lao động nghệ thuật miệt mài đã mất sạch cách đây không lâu, vì những nợ nần của vợ!

Lê Bình kể, ngày ông ra tòa làm thủ tục ly hôn với vợ cách đây khoảng 5 tháng, một thẩm phán rất trẻ có nói với vợ chồng ông rằng, đã ngoài 60 rồi, ráng sống tiếp cùng nhau chứ ly hôn làm gì! Nhưng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ông cũng chẳng lấy làm vui gì khi phải chứng kiến hôn nhân tan vỡ ở cái tuổi xế chiều này. Hai ông bà có nói nửa đùa nửa thật với thẩm phán trẻ kia rằng: Chúng tôi đã chịu đựng nhau hơn 30 năm rồi, không thể tiếp tục được nữa! Vậy là hai người chính thức ly hôn!

Về vấn đề “chịu đựng” suốt mấy chục năm qua của vợ chồng ông, ông nói, ông là người hay chiều chuộng vợ con và rất giỏi chịu đựng. Nhưng mãi đến sau này ông mới nhận ra đó là sai lầm nghiêm trọng của bản thân ông. Các con ông hay ỷ lại cha mình, những thói hư tật xấu vợ ông không bỏ được. Những mâu thuẫn vợ chồng ông đã xuất hiện từ lâu, cũng có vài lần đứng trên bờ vực tan vỡ nhưng vì tình thương và trách nhiệm, lẫn cả sự chịu đựng “xuất sắc” của mình mà ông kéo dài cuộc hôn nhân đến 37 năm qua. Ông nói, vợ chồng ông mà chia tay thì con sẽ khổ, vợ ông cũng vậy. Trong khi người ngoài ông còn thương mà gia đình ông lại bỏ sao?! Nghĩ vậy, ông lại bước tiếp.

Thật ra trước đây nhiều năm, vợ chồng ông đã một lần ra tòa ly dị. Lần đó, tòa cho hòa giải đi hòa giải lại rất lâu, hơn 2 năm mới có quyết định công nhận ly hôn. Sáng đó, ông đến tòa, bà thẩm phán hẹn hôm sau ra lấy quyết định. Ngày đó còn nghèo, ông đi đến tòa bằng xe đạp, ông vừa ra khỏi tòa thì thấy vợ ông đứng tần ngần trước cổng. Ông đề nghị: “Thôi em lên xe tôi chở em về…”. “Trên đường về, tôi cứ ray rứt suy nghĩ, vợ tôi không có công việc ổn định, nếu như buông bà ấy ra thì bà ấy sẽ làm gì để sống? Rồi lại nghĩ về bản thân tôi, biết đâu tôi từ chối cô vợ này rồi sau đó lại gặp một cô tệ hơn nữa thì sao? Tôi lại suy nghĩ, chắc lần chia tay này vợ tôi hiểu và sẽ thay đổi... Nhiều suy nghĩ cứ đan xen nhau níu chân tôi lại…

Chiều đó tôi mời vợ tôi ra quán cà phê trò chuyện, tôi nói mong muốn hàn gắn trở lại, bà ấy khóc. Thế là sáng hôm sau, vợ chồng tôi đến tòa nói về quyết định đột xuất của chúng tôi. Bà thẩm phán cười, bảo mừng cho anh chị. Nhưng bản án vẫn sẽ được giữ lại, khi nào thay đổi ý định thì tòa sẽ công bố thi hành”.

Những tưởng cuộc sống sẽ hạnh phúc trở lại với ông, nhưng ông nói, vợ ông chỉ thay đổi được 3 tháng thì đâu lại vào đấy! Ông trách bà nhưng trách bản thân mình nhiều hơn vì đã không cứng rắn trong gia đình. Rồi mới đây, sau mấy chục năm dài cố dung hòa, chịu đựng nhau để sống, ông bỗng trở nên cương quyết hơn bao giờ. Nếu như những lần trước, khi đối diện với lỗi lầm của vợ, ông thường xách túi quần áo bỏ đi. Ông nói, đã hơn chục lần như vậy rồi, nhưng sau đó ông lại về. Song, lần này khác, ông quyết định ly hôn.

Lê Bình có nói trên báo chí rằng, sở dĩ ông làm điều đó vì ông nghĩ không thể suốt đời làm lụng cực khổ chỉ để trả nợ cho vợ, mà không phải nợ nần có ý nghĩa mà nợ từ thói hư tật xấu. Ông cũng quyết định chia sẻ về chuyện tan rã trên báo chí với mục đích tuyên bố cùng mọi người, mà chủ yếu trong đó là các chủ nợ rằng, vợ chồng ông không còn quan hệ gì với nhau, đừng gọi ông đòi nợ, cũng đừng ỷ lại ông có tiền mà cho vợ ông vay nữa. Ông đắn đo rất lâu mới quyết định chia sẻ chuyện đó trên báo chí, bởi đó là chuyện chẳng vui vẻ gì, bình sinh ông cũng là người kín tiếng, không thích nói những chuyện riêng tư trên báo chí.

Ông kể, ông mới viết thư cho vợ, đại ý là từ giờ hãy xem nhau như người xa lạ, thân ai nấy lo. Nhưng, nói là nói vậy, chứ thật ra ông vẫn còn lo nghĩ về bà. Ông nói, tính ông hay quan tâm đến nỗi khổ người khác mà quên đi rằng bản thân mình cũng đang rất khổ. Ông là vậy, ông muốn khác, cũng không khác được. Như vợ chồng ông chia tay rồi, giờ hai người đã có cuộc sống riêng nhưng ông vẫn hay nghĩ về vợ mình, rồi tự hỏi không biết bà ấy sống ra sao?! Hằng tháng ông vẫn chu cấp cho bà một số tiền để trang trải cuộc sống, bên cạnh một khoản tiền không nhỏ mà ông phải trả số nợ còn lại.

Ông muốn tập quên để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng có lẽ, quên đi 37 năm qua, dẫu có quá nhiều chuyện đáng quên thì với ông cũng là một điều rất khó. Điều này dễ thấy qua những hành động của ông. Sau khi chia tay vợ, ông nhờ đám học trò của mình sơn phết lại toàn bộ căn nhà bằng một màu sơn mới; toàn bộ những vật dụng mà vợ chồng ông dùng trước đây từ tủ, bàn ghế đến cả cái bát ăn cơm ông cũng quyết thay mới hết. Song liệu ông có quên được những gì quen thuộc đã qua!

Nhưng, như lời của một người anh em thân thiết với ông từ thời trai trẻ, cũng như bao bạn đọc chia sẻ về câu chuyện của ông trên báo, họ đều mong muốn ông vượt qua, quên đi những chuyện buồn xưa cũ để bắt đầu cuộc sống mới, dẫu có muộn màng. Họ mong ông sẽ là chú “Cò hoạt bát” như thuở hoa niên, cái thời ông còn sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo; và “cò hoạt bát” là “nickname” mà mọi người đặt cho ông với nghĩa: gầy như thân cò nhưng rất hoạt bát, vui tươi”!

Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Bình Sơn, sinh năm 1953, xuất thân trong một gia đình gốc miền Tây, quê cha ở Sa Đéc, quê mẹ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nhưng Lê Bình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham dự liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông đã giành được 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu IDECAF, 5B, kịch Phú Nhuận...

Lê Bình còn được biết đến với vai trò diễn viên trong hơn 60 phim truyện nhựa và phim truyền hình. Ông được nhắc nhiều qua các phim “Mùa len trâu”, “Đất phương Nam”, “Vịt kêu đồng”, “Cô gái xấu xí”... Ông tham gia tổng cộng 16 vai diễn trong loạt phim “Cổ tích Việt Nam”.


Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.