Lúng túng trong quản lý game online

09:24 | 15/09/2012

995 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Câu chuyện quản lý game online lại một lần nữa nổi lên khi mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đưa dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet để lấy ý kiến.

Rất nhiều quy định xử phạt hành chính với người cung cấp dịch vụ và người chơi game được đưa ra trong dự thảo Nghị định này nhưng hầu hết các ý kiến cho rằng rất khó khả thi khi thực hiện.

Đa số những người chơi game đều không nhận thức được chơi game quá nhiều có thể gây nghiện và dẫn đến những hậu quả khó lường. Đã có không ít người vì nghiện game mà bỏ bê công việc, học hành, đổ tiền vào để chinh phục các đỉnh cao mới của game, chưa kể một số trường hợp bị suy kiệt cơ thể vì chơi game quá sức.

Do đó, việc quản lý game online là điều rất cần thiết. Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt những quy định nhằm kiểm soát, hạn chế những hệ lụy từ loại hình giải trí này nhưng kết quả không được như mong muốn. Văn bản mới nhất liên quan đến việc quản lý game online vừa được Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra vào cuối tháng 8 để lấy ý kiến là dự thảo áp dụng hình thức xử phạt hành chính với việc chơi game trái phép nhằm tăng cường tính răn đe với các trường hợp vi phạm.

Theo đó, sẽ phạt từ 30 – 50 triệu đồng với việc cung cấp các game có tính bạo lực, có hình ảnh âm thanh ghê sợ, rùng rợn, kích thích, dâm ô, trụy lạc…; phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với điểm cung cấp dịch vụ game công cộng gần các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (bán kính dưới 200m)…

Đối với người chơi game, phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với người chơi các loại game chưa được cấp phép, không chấp hành giới hạn thời gian chơi (không quá 3 giờ chơi/ngày), không đăng ký thông tin cá nhân…; cấm việc chuyển đổi vật phẩm ảo hoặc điểm thưởng thành tiền hay tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Liệu có khả thi khi đưa ra quy định giới hạn giờ chơi game

 

Quy định có vẻ chặt chẽ nhưng thực hiện như thế nào là điều nhiều người quan tâm. Cơ quan nào sẽ kiểm tra và xử phạt những người chơi game chưa được cấp phép, không cung cấp thông tin cá nhân, chơi game quá giờ quy định? Trường hợp người chơi game online tại nhà vi phạm thì liệu có thể kiểm tra, xử phạt? Giới hạn giờ chơi đối với những trường hợp chơi game ở tiệm internet đã khó, những trường hợp chơi game ở nhà thì càng không thể kiểm soát.

Ngoài ra, nhiều ý kiến game thủ cho rằng: Việc xử phạt người chơi khi chơi các game không được cấp phép là không hợp lý, bởi ở các tiệm internet cung cấp hàng loạt các loại game, làm sao người chơi biết được game nào đã được cấp phép, game nào chưa để lựa chọn?

Việc buộc người chơi đăng ký thông tin cá nhân cũng không khả thi vì họ có thể khai báo thông tin ảo, tiệm internet không có quyền yêu cầu kiểm tra Chứng minh thư để xác định thông tin.

Trước đây cũng đã có nhiều quy định quản lý game online được đặt ra nhưng không được thực hiện một cách nghiêm ngặt dẫn đến vi phạm vẫn diễn ra ở hầu hết các điểm cung cấp dịch vụ internet. Nhiều doanh nghiệp vẫn kinh doanh game online bạo lực, tiệm internet vẫn hoạt động sau 23 giờ, người nghiện game vẫn “luyện ngày luyện đêm”, thậm chí một số game từng nằm trong danh sách bị cấm trước đây như: Biệt kích, Đột phá giang hồ, Kiếm thế… vẫn được chơi nhan nhản bằng chính dịch vụ trong nước chứ không phải dịch vụ nước ngoài.

Các game thủ vẫn yên tâm: “Cấm thì cứ cấm, chơi vẫn cứ chơi vì nói là cấm nhưng có thấy có ai kiểm tra, xử phạt gì đâu!”.

Còn các tiệm internet thì cho rằng: Lâu lâu mới có lực lượng chức năng đến kiểm tra mà chủ yếu họ kiểm tra tình hình an ninh trật tự chứ kiểm tra nội dung game và thời gian chơi của game thủ thì chưa thấy.

Nhiều người cho rằng, việc quản lý game online còn lúng túng và thiếu hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung quản lý game online ở phần ngọn chứ không quản lý triệt để từ phần gốc. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử phạt trực tiếp từ nguồn là những doanh nghiệp sản xuất ra các game bạo lực, dâm ô…, hơn là chuyển sang cấm và xử phạt người chơi khi tình trạng game lậu tràn lan trên thị trường như hiện nay. Và dù có cấm thì rất khó kiểm soát để xử phạt vì lực lượng chức năng không thể túc trực ở các tiệm game để phát hiện được vi phạm của các game thủ.

 

Mai Phương