Lênh đênh xóm vạn chài ven sông Hồng

07:10 | 09/06/2013

2,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 6h chiều, trời nắng nhạt, những người đàn bà ở xóm vạn chài nghèo lại lục tục chuẩn bị nấu bữa cơm tối trong ánh đèn leo lét. Những đứa trẻ nô đùa trên mạn thuyền, bơi lội ở khúc sông gần đó…

Không hộ khẩu, không điện, không nước sạch...

Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, tìm đến xóm vạn chài ven sông Hồng (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội). Con đường duy nhất vào xóm làng chài nhỏ hẹp, lúc nào cũng ướt rượt, đi qua bãi rác của khu dân cư với đầy rẫy những mảnh nhọn, những kim tiêm… Nếu ai không quen thì không dám bước chân xuống con đường đó nhưng “người ta đi rồi thành quen, cứ chân đất họ đi như vậy, có sao đâu” – một người dân sống gần con đường đó vừa chỉ đường vừa nói.

Tháng 6, mùa nước nổi nên muốn vào xóm vạn chài phải lội qua một khúc sông sâu và phải dùng bè để đi lại. Cả xóm vạn chài có 14 hộ gia đình, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau. Hầu hết, những hộ gia đình sống ở đây đều không có hộ khẩu, tự xuống đây làm thuyền, làm nhà lấy chỗ trú mưa, trú nắng. Họ đều là những người dân “tứ xứ”, ở các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình… về đây làm ăn rồi lập thành xóm chài. Vì không có hộ khẩu nên họ rất thiệt thòi, đặc biệt là những đứa trẻ ra đời lại không có giấy khai sinh, không được đi học và không được hưởng những chế độ của địa phương.

Xóm chài ven sông Hồng

Cả xóm có 4 nhà có điện nhưng giá điện rất cao 4.000 đồng/kWh nên họ chỉ dùng dè chừng, tiết kiệm. Muốn có điện, người ta phải nối nhờ đường dây của những nhà trên bờ. “Mà chỉ có hộ nào gần bờ mới mắc điện thôi, chứ những nhà xa bờ thì cũng chịu, đành dùng đèn dâu hoặc ắc quy” – cô Lĩnh, người dân trong xóm cho hay.

Nhà cô Lĩnh trước kia cũng có điện nhưng do xa bờ, lại đông người nên dùng điện khá tốn kém, có tháng phải trả gần 1 triệu tiền điện nên cô không dám dùng nữa. Nhà cô Lĩnh dùng ắc quy với bóng đèn quả nhót, ánh sáng leo lét. Dùng điện để thắp sáng là một điều xa xỉ đối với gia đình cô, “Chỉ dám bật lên lúc ăn cơm tối và cho em nó soạn sách đi học thôi, chứ bình thường thì làm hết mọi việc vào ban ngày, cần gì đến điện cho tốn kém” – cô Lĩnh cho biết thêm.

Không chỉ thiếu điện mà ở đây còn không có nước sạch. Muốn có nước sạch, vào buổi sáng, những người phụ nữ đi bộ gần 2km lên trên bờ để mua nước. Mỗi gánh nước là 4.000 đồng. Tuy nhiên, họ cũng chỉ dùng để nấu ăn còn tắm giặt thì vẫn dùng nước sông. Có những ngày mưa xuống, nước đục, đường lầy lội không thể đi gánh nước được, người ta dùng phèn hoặc thuốc lắng nước (người dân ở đây gọi thuốc làm trong nước là thuốc lắng nước) cho nước trong để dùng cho cả nấu ăn, cả sinh hoạt.

Tất cả sinh hoạt của từng ấy con người trên một chiếc thuyền rộng khoảng 6-7 m2, cao chừng 1,5m với lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ đạc: từ xoong nồi, bát đũa, quần áo… “Nhà” trên xóm vạn chài là những con thuyền xi măng, người dân tự thuê thợ về dựng kèo, cột, dùng thùng xốp đệm bên dưới, dùng bạt phủ ở trên để che mưa, che nắng.

Tất cả mọi sinh hoạt trên chiếc thuyền nhỏ

Mùa nước lũ, nước dâng lên mấp mé cửa nhà, nền nhà lúc nào cũng ẩm ướt. Mùa đông, gió thốc vào qua những khẻ hở ở mạn thuyền lạnh buốt đến tận da, thịt. “Ngày nước nổi, ẩm ướt còn chịu được chứ ngay đông thì khổ lắm. Người lớn còn chịu không nổi, cứ nhìn bọn trẻ con da thâm, tái vì rét mà thương con không biết làm thế nào được. Năm ngoái, thấy các em sống khổ qua, cả nhà 6 mẹ con với 2 đứa cháu ngoại sống chen chúc trong cái lều này khổ sở quá, cô tích cóp và vạy mượn bà con được 10 triệu đồng để cơi nới hai cái trái, chuyển hết nấu nướng sang bên đấy cho nhà rộng rãi hơn” – cô Lĩnh trầm buồn kể.

Những người dân sống ở đây cho biết, cuộc sống hiện giờ còn đầy đủ hơn trước. “Mấy năm về trước, đến cái xoong cái nồi, cái chậu còn thiếu chứ chưa nói đến có xà phòng, dầu rửa bát như bây giờ” – cô Xuyến, người dân sống gần 20 năm ở xóm chài kể. Không chỉ có vậy, trước kia những người dân xóm chài muốn lên bờ làm ăn thì phải đi thuyền đến gần chân cầu Long Biên vì không có chỗ lên, “những người trên bờ, họ khinh ghét nên đã rào dậu hết lối đi. Giờ chỉ có lối đi duy nhất là qua bãi rác trên kia thôi”.

Lênh đênh những kiếp người

Tiếng là xóm vạn chài nhưng ở đây không mấy ai làm nghề chài lưới mà chủ yếu họ làm ăn trên bờ, làm đêm ở chợ hoa quả Long Biên. Người thì gánh hàng, người làm xe đẩy, có người làm ở chợ tôm, cá. Thu nhập của họ chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Vào mùa nước nổi, nước dâng cao ngập cầu sang nhà, muốn đi lại phải dùng bè, Nước dâng cao ngấp ngé sàn nhà nên việc làm ăn của dân vạn chài ngày càng khó khăn. “Mùa đông, mặc dù rét mướt nhưng đường lên bờ vẫn còn, chỉ cẩn chịu khó dậy sớm thì vẫn làm được. Chứ còn mùa hè, nước lên, ngập hết lối đi, không thể đi làm được. Mấy mẹ con chỉ biết ở nhà thôi” – cô Xuyến tâm sự.

Cô Xuyến lục tìm giấy khen của cậu con trai

Trong căn nhà ọp ẹp, chật chội và ẩm thấp, giữa những đống quần áo lộn xộn, cô Vũ Thị Xuyến (hay thường gọi là Oanh vẩu), vừa phì phèo điếu thuốc lá cô trầm ngâm kể về cuộc đời mình. Là con gái gốc Hà Nội nhưng cô đã sớm lang bạt xứ người để làm ăn, buôn bán. Năm 15, 16 tuổi cô đã theo người chị họ đi Lạng Sơn, Quảng Ninh buôn bán. Sau nhiều năm lăn lộn, cô trở về Hà Nội làm cửu vạn ở chợ Long Biên và lấy chồng về Hưng Yên. Chồng cô là người có tính trăng hoa, sau khi có 2 người con thì bỏ đi theo người khác. Từ đó, cô vừa là mẹ, vừa là bố của hai cậu con trai. Ba mẹ con sống dưới thuyến chật chội, ẩm thấp, xập xệ nhưng “đành vậy, chả biết làm thế nào vì cô làm không đủ tiền nuôi 2 đứa con”.

Vừa kể, cô vừa lục tìm giấy khen của cậu út. Cô khoe: “Trông vậy mà nó sáng dạ lắm nhé, năm nào cũng được giấy khen”. Nam, con trai cô, 12 tuổi nhưng mới học đến lớp 3 Trường tiểu học Nghĩa Dũng vì 9 tuổi em mới vào được lớp 1. Mới đây, người con trai lớn của cô lấy vợ. Thế là “nhà” có thêm người mới, chật chội thêm, đông đúc thêm.

Là hộ dân sống xa bờ nhất, gia đình nhà cô Phạm Thị Lĩnh (Việt Yên, Bắc Giang) đến làng chài này hơn chục năm. “Căn nhà hai trái” mới được cô sửa sang lại bộn bề những quần áo, sách vở của cô con gái út cùng hai đứa cháu ngoại còn đang tuổi chập chững học nói, học đi. Chồng cô không chịu được cảnh nghèo đói, đã mang người con trai duy nhất đi biệt xứ, để lại 4 người con gái đang tuổi ăn tuổi lớn lên đôi vai gầy của cô. Ba cô con gái của cô đã đi lấy chồng, “đứa nào cũng không học hành gì, có học chỉ biết cái chữ thôi. Còn đều lấy chống từ hồi 16, 15 ấy” – cô Lĩnh kể.

Mỗi ngày, cô đi gánh thuê được 100.000 đồng, đủ để mua thức ăn, đong gạo cho mấy mẹ con, bà cháu cùng ăn. Người con gái thứ hai, đi làm xa, để lại cho cô 2 đứa con nhỏ để ngược lên Lạng Sơn buôn bán. Thế nên, cô Lĩnh vừa là bà, vừa là mẹ chăm sóc cho hai đứa cháu nhỏ. Việt Anh, cháu ngoại cô Lĩnh, 5 tuổi nhưng chưa được đi học mẫu giáo vì chưa có giấy khai sinh, suốt ngày quanh quẩn trong thuyền và thỉnh thoảng hát vài câu theo người lớn.

Rời làng chài trong buổi chiều muộn, tôi ra về mà lòng còn mang nặng nỗi cám cảnh cho những kiếp người nơi xóm vạn chài nghèo. Đó còn là nỗi ám ảnh về những đứa trẻ, quần áo lấm lem chơi đùa bên mép nước, là những bà mẹ “không chồng” đang gọi con về ăn cơm… Chiều tàn. Bóng tối dần buông xuống, đặc quánh như số kiếp lênh đênh bám đuổi họ.

Lưu Nhạn