Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, Chuyên gia Xã hội học - Tội phạm:

Không nên “nhân danh chống mại dâm duy ý chí”?!

06:55 | 11/08/2014

16,270 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà quản lý nước ta đang thể hiện sự bối rối tột cùng trong cách xử lý với mại dâm. Bao năm quyết tâm phòng chống với vô vàn các biện pháp nhưng kết quả gần như vẫn là con số 0. Thậm chí, mại dâm ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, giải pháp hợp thức hóa mại dâm thì vấp phải phản đối gay gắt, gần như không thể thực hiện…!

Năng lượng Mới số 346

Mua” sự im lặng!

PV: Chúng ta đang bàn luận về đề xuất của Hà Nội là “công khai danh tính người mua dâm”, tiến sĩ có ý kiến gì về đề xuất này?

TS Trương Văn Vỹ: Ðề xuất đó của Hà Nội không có gì mới, trước Hà Nội đã có Cần Thơ thực hiện cách đây khá lâu rồi. Và đề xuất của Hà Nội cũng như Cần Thơ đều xuất phát từ một mong muốn hết sức tích cực là làm sao giảm bớt, bài trừ được mại dâm. Nhưng chúng ta phải quay lại vấn đề là liệu có thực hiện được không và thực hiện đến bao giờ, ai thực hiện, công khai được tên những ai? Cần Thơ là một bài học nhỡn tiền, họ chỉ bêu tên được trong một số báo duy nhất và không xuất hiện lại nữa. Tôi lo ngại rằng, những số đầu có thể đăng, nhưng những cái tên cần phải đăng lên, mà cụ thể là những người có chức, có quyền trong xã hội thì có đăng được hay không? Hay cuối cùng cũng chỉ là bêu tên của mấy người dân lao động, mấy tên trộm cướp?

Mong muốn của người đề xuất là tốt nhưng phải tính toán đến vấn đề hiệu quả. Bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đặc tính của văn hóa Việt Nam, đó là truyền thống, tính cách, văn hóa. Người Việt Nam có tính sĩ diện rất cao. Nếu người bị bêu tên là người có điều kiện, có vị trí trong xã hội thì họ sẽ “chạy” đầu tiên và cái tên đó không bao giờ có trong danh sách “đen”.

Không nên “nhân danh chống mại dâm duy ý chí”?!

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM

PV: Như vậy, theo tiến sĩ nếu như đề xuất này được thực hiện thì vấn đề đầu tiên là người mua dâm “có điều kiện” sẽ dùng tiền mua sự im lặng. Và khi đó việc công khai danh tính người mua dâm sẽ không có hiệu quả gì, trái lại còn đẻ ra thêm nhiều tiêu cực xã hội?

TS Trương Văn Vỹ: Chắc chắn là sẽ có việc “mua” sự im lặng xảy ra nếu như tiến hành công khai người mua dâm. Người lao động bình thường thì có thể do thấp cổ bé họng mà chịu, chứ các quan chức có nhiều cách tác động để tên mình không bao giờ xuất hiện, dẫu họ có bị bắt tận tay day tận mặt… Ngoài ra, việc công khai danh tính của người mua dâm có thể chỉ làm tăng thêm sự tinh vi, phức tạp của vấn đề mại dâm hiện tại. Mại dâm có thể sẽ biến tướng thành rất nhiều hình thức khác, như mối quan hệ tình dục được đồng thuận, lúc đó thì thật khó khăn cho bộ phận xử lý, ghi danh. Và lịch sử chống mại dâm cũng đã cho thấy, một khi có những biện pháp, chủ trương mới, sẽ ngay lập tức có cách để chống lại tinh vi hơn và tình hình dường như diễn biến càng phức tạp hơn.

Mọi chủ trương, chính sách đều đúng đắn cả, nhưng cuối cùng vẫn dừng lại ở vấn đề ai thực hiện, khả năng thực hiện tới đâu và hiệu quả hay không mà thôi! Nếu có thể thực hiện thì cứ thử công bố. Tôi cho rằng, những thông tin đó rất hay, rất đáng nghiên cứu, đặc biệt từ khía cạnh xã hội học, từ việc tìm hiểu nhân thân của những người vi phạm, để từ đó xác định xem hiệu quả của việc làm này đạt đến mức nào.

PV: Thêm một điều là việc công bố danh tính người mua dâm rất dễ vi phạm quyền nhân thân được quy định tại Ðiều 38 Luật Dân sự. Ðó là chưa kể đến việc hàng loạt các hậu quả về xã hội kéo theo nếu người mua dâm bị bêu tên. Tiến sĩ nghĩ gì về điều này?

TS Trương Văn Vỹ: Hậu quả của việc công bố danh tính người mua dâm là đặc biệt lớn mà chúng ta cần hết sức thận trọng xem xét, đánh giá. Có thể, ngay cả khi người đề xuất đưa ra ý tưởng này họ cũng chỉ nghĩ đến mục tiêu đạt được là hạn chế mại dâm, triệt phá mại dâm chứ chưa nghĩ đến hậu quả kéo theo của nó! Công khai danh tính người mua dâm cũng là một hình phạt đáng sợ. Nó có thể phá tan hạnh phúc của một gia đình, hủy hoại thanh danh của một con người, có thể để lại những tổn thương sâu sắc cho người thân… Nó sẽ khiến người ta phải suy nghĩ về những rủi ro khi quyết định mua dâm. Có thể, ý tưởng “công khai danh tính người mua dâm” này được xây dựng trên cơ sở đó.

Nhưng cũng chính những hệ lụy phía sau đó sẽ làm rối loạn xã hội hơn. Ðó là vấn đề hạnh phúc của những gia đình, sự kính trọng của con cái với cha mẹ, là sự ổn định xã hội bị phá vỡ. Không chỉ người bị bêu tên ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng cả gia tộc, dòng họ của họ. Và theo một tâm lý bình thường thì chắc chắn, chẳng có người vợ hay người thân nào mong muốn điều đó cả! Và khi đó, người ta nhân danh chống mại dâm là để bảo vệ gia đình nhưng thật ra đang phá hoại gia đình.

Vậy nhà quản lý, cơ quan chức năng có nên cân nhắc cẩn thận điều này trước khi áp dụng hay không?!

Chống mại dâm kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”

PV: Thưa tiến sĩ, tôi thấy rằng, việc công khai danh tính người mua dâm với mục đích triệt tiêu hoạt động mại dâm là một ý tưởng khá cực đoan, có phần ngây thơ! Bởi mại dâm là một nghề cổ xưa nhất của nhân loại và nó đã từng tồn tại trong những điều kiện pháp lý còn ngặt nghèo hơn rất nhiều so với chuyện công khai người mua dâm. Tiến sĩ nghĩ sao?

TS Trương Văn Vỹ: Câu trả lời rất kiên quyết của Việt Nam đến bây giờ vẫn là chống mại dâm. Nhưng tại sao bao lâu nay việc chống mại dâm gần như không đạt kết quả? Bởi lẽ, chúng ta chống mại dâm chủ yếu là hướng tới đối tượng người bán, nhưng đó chỉ là một mắt xích, thậm chí còn là mắt xích yếu nhất trong hệ thống.

Có lẽ đến giờ này, hình ảnh chủ yếu nhất về việc chống mại dâm là gần đến những ngày lễ, dân phòng, công an lôi xềnh xệch mấy cô gái lên xe và đưa đến trường phục hồi nhân phẩm… Nhưng sau đó các cô cũng quay lại nghề cũ bởi đây là một nghề rất bế tắc. Tôi có tìm hiểu, có cô gái nọ có đến 24 lần vào trường ra trại. Vào trường, họ dạy cho gái mại dâm may vá, thêu thùa, đan lát nhưng bây giờ thì những nghề đó rất khó sống, nếu không nói là không thể nào hành nghề thực tế được. Quần áo thì bán đầy đường với giá không thể rẻ hơn, làm sao họ cạnh tranh cho được! Ðan lát thì nguyên liệu ở đâu ra?... Nói chung, việc chống mại dâm hiện nay cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

PV: Cụ thể hơn, chúng ta có những quan niệm sai lầm dẫn đến việc chống mại dâm theo một cách không giống ai như thế nào, thưa tiến sĩ?

TS Trương Văn Vỹ: Muốn việc chống mại dâm có hiệu quả thì phải đánh vào toàn bộ hệ thống, bao gồm người mua, người bán, kẻ tổ chức mại dâm (hay còn gọi là tú bà, tú ông, chủ chứa, chăn dắt), người môi giới…

Ðối với người mua, trước đây chúng ta chưa có chế tài xử lý. Gần đây mới có một số quy định phạt tiền từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng, nhưng đối với người mua, số tiền này là quá nhỏ nên chắc chắn là họ sẽ nhanh chóng bỏ tiền ra. Do đó, việc phạt tiền này chắc chắn là không hiệu quả. Ðồng tiền thu được đó cũng không biết là về đâu? Việc đề xuất công khai danh tính người mua trên báo cũng là một biện pháp để đánh vào người mua. Nhưng người mua cũng chỉ là một mắt xích yếu thứ hai trong toàn bộ hệ thống mại dâm mà thôi.

Nhà tổ chức mại dâm hay còn gọi là tú bà, tú ông ngày nay có khi chỉ 16-18 tuổi. Theo tôi tìm hiểu, một nửa số tiền các cô gái kiếm được phải ngay lập tức nộp cho các tú ông, tú bà. Tuy nhiên, việc đánh vào các đối tượng này là rất khó khăn bởi chúng luôn lánh mặt.

Còn một loạt những mắt xích tiếp theo không thể thiếu đối với hoạt động mại dâm là môi giới, bảo kê, vận chuyển…

Môi giới là mắt xích rất cần cho hoạt động mại dâm, nhưng cũng lại rất khó xử lý, rất khó bắt được. Mắt xích này là cầu nối giữa người bán - người mua và ăn tiền của cả hai đầu. Kế đến là mắt xích bảo kê. Các cô gái bán dâm đều phải trả tiền cho bảo kê. Ðây cũng là mắt xích mà không cách gì, không có lý do gì để bắt được họ cả.

Tiếp theo là vấn đề vận chuyển. Các cô gái mại dâm không bao giờ làm việc gần nhà, bao giờ cũng hành nghề rất xa nơi cư trú, do đó mại dâm gắn liền với vận chuyển, như xe ôm, taxi, thuê mướn xe máy… Nhưng đây cũng là mắt xích mà không cách gì xử lý, kết tội được. Trong hệ thống mại dâm còn có mắt xích là những người cho các cô gái mại dâm thuê mướn nhà. Ðây là những đối tượng mang tính quyết định cho “nghề nghiệp” của các cô gái bán dâm, bởi người ta nói an cư mới lạc nghiệp. Thế nên phải đánh vào tận “ổ”, tức là vào tận nơi ở của người bán dâm. Nhưng, cũng như những mắt xích trên, chuyện ai đó cho gái bán dâm thuê nhà không phải là điều cấm kỵ.

Không nên “nhân danh chống mại dâm duy ý chí”?!

Nhiều gái mại dâm hoạt động trong các cơ sở giải trí không lành mạnh bị bắt quả tang

Gái bán dâm phải trả tiền cho tất cả các mắt xích trong hệ thống. Nhưng hiện nay cơ quan chức năng chỉ có thể bắt được 2 đối tượng là 2 mắt xích yếu nhất: người mua và người bán. Nhưng trong nhiều trường hợp, người bán dâm lại chỉ là nạn nhân. Bởi những người trong các mắt xích còn lại trong hệ thống mại dâm đều bóc lột, chèn ép, ra giá… Tôi lấy ví dụ đơn giản, nếu người bán kiếm được 100 nghìn đồng thì phải trả 50 nghìn đồng cho chủ chứa, 50 nghìn đồng còn lại phải trả cho toàn bộ cho các mắt xích còn lại. Do đó, nghề bán dâm là một nghề “xưa như trái đất” nhưng lại vô cùng bế tắc. Các cô gái bán dâm phải gắn bó với “tổ chức” rất chặt và không bao giờ thoát ra được!

Như vậy, việc công khai danh tính người mua dâm trên báo cũng chỉ là đánh vào thêm một mắt xích trong hệ thống mại dâm nên sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chúng ta phải đánh vào cả hệ thống.

Coi chừng ngụy đạo đức?!

PV: Cách đây khoảng 15 năm, khi đại dịch AIDS đời đầu tấn công xã hội thì vấn đề hợp thức hóa nghề mại dâm đã được khởi xướng trên Báo Lao động. Nhưng ngay lập tức thì đề xuất này bị các tổ chức xã hội khác phản đối, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Kể từ sau đó, mọi ý kiến đều trở nên rất yếu ớt. Tiến sĩ nghĩ gì với việc nên hay không nên công nhận mại dâm là hợp pháp?

TS Trương Văn Vỹ: Quan điểm của tôi là ủng hộ việc công nhận mại dâm là một nghề để quản lý. Không riêng tôi, đã có nhiều người có ý kiến ủng hộ việc này, nhưng vẫn rất khó để thực hiện.

Việc công nhận mại dâm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Ðơn cử ở Thái Lan, mại dâm được quản lý như bao ngành nghề khác theo Luật Lao động. Chính vì thế mà Nhà nước có thể kiểm soát được con người, bệnh tật và điều quan trọng nhất là thu được tiền. Thái Lan là một nước nông nghiệp, nhưng 60% GDP là từ hoạt động dịch vụ, trong đó có đến 30% là thu từ dịch vụ “sex industry” (công nghiệp tình dục) với số lượng người hoạt động trong ngành công nghiệp này là khoảng 800.000 người. Ðó là một con số khổng lồ. Ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp này đóng góp đến 15% GDP.

Ðiều quan trọng là đồng tiền thu được này quay ngược lại đóng góp cho xã hội rất nhiều điều. Từ việc xây dựng trường học, bệnh viện, cầu cống, đường sá, giúp đỡ người nghèo, cho đến giúp đỡ chính những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục.

Còn ở Việt Nam hiện tại thì Nhà nước không quản lý, không kiểm soát được con người hoạt động mại dâm, nên cũng không thể kiểm soát được bệnh HIV/AIDS và cũng không thu được một đồng xu nào từ hoạt động âm thầm nhưng rầm rộ bậc nhất này! Có nơi đưa ra con số thống kê là cả nước hiện nay có khoảng 10.000 gái mại dâm. Nhưng tôi xin cam đoan, riêng ở TP Hồ Chí Minh, số lượng gái mại dâm đã gấp 10 lần con số đó.

Không nên “nhân danh chống mại dâm duy ý chí”?!

Phố đèn đỏ De Wallen - Amsterdam, Hà Lan

PV: Tất cả ý kiến phản đối việc nên công nhận mại dâm là một nghề đều cho rằng, đó là một việc làm băng hoại đạo đức, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, danh dự của người phụ nữ Việt Nam. Tiến sĩ nghĩ sao?

TS Trương Văn Vỹ: Sai lầm căn bản nhất của xã hội là quan điểm coi tình dục là xấu xa, dơ bẩn, trong khi thực tế thì tình dục thuộc về nhu cầu bản năng và mang tính nhân văn của con người. Ðiều này không có gì phải bàn cãi, lịch sử văn hóa, khoa học đã chứng minh rất rõ ràng. Ðặc biệt là trong tình hình hiện nay, vấn đề hôn nhân, giới tính, tình yêu rất phức tạp, nhiều người không muốn lập gia đình. Nhưng tình dục là nhu cầu thiết yếu. Việc công nhận mai dâm cũng là việc làm mang tính nhân văn. Bởi khi đó không chỉ những “nàng Kiều” mà những “chàng Thúc Sinh” thời hiện đại, hay những người độc thân cũng dễ dàng tiếp cận với những dịch vụ “vui vẻ” để giải tỏa nhu cầu sinh lý một cách đàng hoàng.

Khi tôi tham gia nhiều hội thảo, với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi có ý kiến ủng hộ công nhận mại dâm là một nghề thì nhiều người nhìn tôi như người từ trên trời rơi xuống. Hầu hết người ta đều phản đối, họ kết tội là cổ súy tệ nạn. Và mọi ý kiến phản đối đều nhân danh truyền thống, đạo đức, nhân phẩm phụ nữ... rồi quy chụp, kết tội rằng, công nhận mại dâm hợp pháp là làm băng hoại giá trị đạo đức xã hội, là đồi trụy. Ðó là những biện giải không có tính thuyết phục, là ngụy đạo đức, ngụy khoa học!

Tôi kể câu chuyện nhỏ này, có cô gái mại dâm nọ hỏi quản lý trường “phục hồi nhân phẩm” rằng: Tôi đứng đường để kiếm tiền nuôi 5 đứa con, 2 cha mẹ già, chồng thất nghiệp. Tôi hy sinh đời tôi để nuôi nhiều người như vậy thì tôi mất đạo đức, tư cách, nhân phẩm ở chỗ nào? Và câu hỏi đó đã không có câu trả lời!

Nhiều nơi họ không gọi mại dâm là tệ nạn. Tôi nhớ năm 1999, các cô gái làm nghề mại dâm trên toàn thế giới đã tụ họp tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trong một hội nghị riêng cho giới của họ. Và tại đây, họ đã thống nhất đưa đến một đề xuất lên Liên Hiệp Quốc là phải thay đổi tên gọi nghề nghiệp của họ, từ cách gọi xách mé, chê bai, miệt thị trước đây là “Prostitution” (mại dâm) thành “sex worker” (công nhân tình dục).

PV: Thưa tiến sĩ, vậy cách nhìn thực tiễn và nhân văn nhất đối với “nghề” mại dâm hiện tại sẽ là gì?!

TS Trương Văn Vỹ: Chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm, không nên xem mại dâm là một tệ nạn để truy quét! Theo tôi, có một cách hạn chế, thậm chí còn có thể hoàn toàn xóa bỏ tệ nạn mại dâm là nên lập những khu hoạt động mại dâm dưới sự quản lý Nhà nước. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm về việc này từ nhiều nước trong khu vực, trên thế giới. Chúng ta phải xác định đó là đội quân lao động đông đúc hơn bất cứ ngành nghề nào. Và đó còn là một nghề mang lại nguồn thu thuế rất lớn cho một đất nước.

Hơn nữa, khi hoạt động mại dâm chịu sự quản lý thì người tham gia hành nghề sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ðiều này góp phần đẩy lùi được phần nào căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, bởi mại dâm là đường lây lan căn bệnh này mạnh thứ 2, sau ma túy. Hiện tại, do không được kiểm soát được mại dâm nên nguy cơ lây lan bệnh HIV là rất lớn, gây nguy hại đến tính mạng con người, ảnh hưởng đến cả xã hội.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Trúc Vân - Trương Văn Ngọc (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc