Cuộc chiến bản quyền báo điện tử:

Họ ăn cắp được bởi vì ta hèn?

08:53 | 13/03/2013

1,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chưa bao giờ vấn đề bản quyền trên các báo điện tử lại nóng như những ngày vừa qua. Dường như làng báo đã sẵn sàng gạt bỏ một cách mạnh mẽ các “vật ký sinh”, ăn bám trên trí tuệ của những người làm báo. Đã xuất hiện những tư tưởng “xét lại” trong cuộc chiến bản quyền trí tuệ này, tuy nhiên, chừng nào đội ngũ những người làm báo còn đổ mồ hôi, công sức, còn làm nhiệm vụ đưa tin phục vụ độc giả thì cuộc chiến này không thể dừng lại.

Ông Tô Văn Long (Trưởng phòng Quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam)

Tin, bài báo chí là một loại tài sản trí tuệ, tuy là tài sản vô hình nhưng vẫn được bảo vệ về bản quyền tác giả, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất ra bài báo đó.

Theo Nghị định 47/2009/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm bản quyền như của các trang tổng hợp tin có thể bị phạt ở mức cao nhất 400-500 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị trên 500 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, trong nhiều năm, các báo đã bị lấy cắp hàng trăm ngàn tin bài, trong số đó hầu hết đã chọn lọc lại những tin bài “nóng”, “độc” để đăng tải. Giá trị của những tin bài này có thể đã vượt quá con số 500 triệu đồng.

Các đơn vị có bài báo bị lấy lại mà không xin phép có thể gửi công văn cụ thể gửi lên Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để xác định mức độ vi phạm về bản quyền. Từ đó có thể khởi kiện các trang tổng hợp tin ra tòa để đòi lại công bằng cho các cơ quan báo chí.

Ông Hà Minh Huệ (Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Trong những ngày qua, thông qua sự lên tiếng của các tờ báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã nắm được chuyện các trang thông tin điện tử tổng hợp lấy lại tin bài từ các báo điện tử mà không xin phép. Việc này xâm hại đến quyền lợi của các phóng viên, của đội ngũ những người làm báo.

Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nghiên cứu cụ thể để đưa ra tiếng nói bảo vệ quyền lợi của anh em phóng viên.

 

 

Ông Trần Hùng (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)

Luật Quảng cáo đã có hiệu lực từ 1/1/2013, trong đó có quy định, việc quảng cáo phải đúng với thuần phong, mỹ tục, tuân thủ luật pháp.

Ông Hùng cho biết, sắp tới, Hiệp hội sẽ có “bản quy tắc” nghề nghiệp, trong có yêu cầu, nhắc nhở hoặc đề nghị doanh nghiệp ngừng quảng cáo, hợp tác với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Bản quyền.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng mong muốn Thanh tra Bộ TT&TT, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần quyết liệt xử lý các trang tin vi phạm. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tự nhận thấy thương hiệu của mình bị ảnh hưởng, khi quảng cáo trên đó.

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp khi trang web nào đó vi phạm, các doanh nghiệp chân chính sẽ rút quảng cáo trên web đó.

Thường thì các doanh nghiệp nổi tiếng và đẳng cấp ở Việt Nam họ phân biệt rất rõ ràng rằng: Hình ảnh của mình là sang trọng, vậy nên các quảng cáo cũng phải đặt ở những nơi sang trọng và xứng tầm. Đương nhiên, họ sẽ không mạo hiểm mà gắn thương hiệu được tạo dựng công phu của mình vào các trang web không tôn trọng bản quyền.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM

Hành vi sao chép tác phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý triệt để.

Theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền 1.000.000 -500.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử trên mạng Internet.

 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng:

Điều 19, nguyên tắc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử quy định: Việc thiết lập trang thông tin điện tử, việc cung cấp, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin điện tử trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về báo chí, pháp luật về xuất bản, pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, pháp luật về bản quyền, pháp luật về quảng cáo và các quy định quản lý thông tin điện tử trên Internet.

Theo đó, điều kiện cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp quy định tại Điều 21 Nghị định 97 và điều 8 Thông tư 14/2010/TT-BTTTT ngày 29/6/2010 của Bộ TT&TT về Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Trong đó, Báo Mới đã không đảm bảo tất cả các nguồn tin đăng trên báo mới là hợp pháp.

 

Chuyên gia pháp lý Lê Cao (Công ty Luật hợp danh FDVN)

Chúng tôi rất hoan nghênh hành động của chính những người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ âm nhạc, văn học nghệ thuật mà còn ở cách lĩnh vực sở hữu khác... Tự bảo vệ chính quyền của mình cũng là một trong những giải pháp có nhiều cơ may nhất để chống lại sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Khi có chứng cứ, cơ sở pháp lý kết luận việc các tác phẩm báo chí của mình được pháp luật bảo hộ bị xâm phạm thì các tòa soạn hoàn toàn có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình...

 

Nhóm phóng viên Petrotimes