Chấm dứt tình trạng "đại học dạy đại học" trong năm 2015

06:30 | 13/09/2013

736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ đã qua 3 năm áp dụng trong các trường đại học bước đầu đã có kết quả, lãnh đạo nhiều trường đại học trong cả nước thừa nhận, qua 3 năm thực hiện nhiều trường đã thực hiện được nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, tổ chức phương pháp giảng dạy…

Chất lượng giảng viên còn thấp

Theo Bộ GD-ĐT, trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, trong đó có các quy định hướng dẫn cụ thể việc thi hành Luật Giáo dục Đại học.

Cùng với việc giao quyền tự chủ, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, tập trung quản lý chất lượng đào tạo; các điều kiện mở ngành đào tạo, việc cấp phát bằng,…

Quy hoạch nhân lực cho ngành sư phạm: Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và chấm dứt tình trạng đào tạo giáo viên vượt quá nhu cầu như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo cần tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao và xây dựng một số chương trình giáo dục đại học đạt trình độ quốc tế, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đào tạo nhân lực ngành Y dược đang gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cầu, đảm bảo về chất lượng, phấn đấu đến năm học 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ cũng xác định việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả GDĐH cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Các giải pháp được đưa ra là: Đẩy mạnh biên soạn giáo trình, thí điểm mở các chương trình giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học…

Tuy nhiên, tại một số trường ĐH, chất lượng giảng viên còn thấp, vẫn còn tình trạng cử nhân đào tạo cử nhân, nên chưa triển khai được các giải pháp nói trên. Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường sẽ phải quy hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng. Thứ trưởng khẳng định: “Phấn đấu đến năm học 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học”.

Cẩn trọng khi mở ngành Y

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng nếu bộ tiếp tục để các sở GD-ĐT đi thẩm định về cơ sở vật chất cho các trường ĐH đào tạo chuyên ngành Y thì chỉ dễ cho nhà trường mà làm khó, làm khổ SV sau này.

Ông đặt vấn đề: “Điều này bắt nguồn từ việc ngành y có tính đặc thù rất cao. Trường y, ngành đào tạo y phải gắn bó chặt chẽ với cơ sở thực hành. Song thực tế kiểm tra có nhiều trường đào tạo ngành Y mà xa các bệnh viện, đơn vị để SV đi thực hành đến 20-30km, SV sẽ thực hành thường xuyên bằng cách nào?”.

Ông Lợi khẳng định trong thời đại công nghệ thông tin, việc “vận dụng” chương trình đào tạo đã có của các cơ sở đào tạo truyền thống để làm hồ sơ mở ngành không khó, nhưng nếu cơ quan quản lý làm chặt chẽ, việc mở ngành y sẽ không dễ dàng như hiện nay. Theo đó, các trường đào tạo đa ngành, nhất là các trường ngoài công lập, đội ngũ giảng viên rất ít nhưng đào tạo, chiêu sinh rất ồn ào.

Trước băn khoăn của đại diện Bộ Y tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận trong hội nghị về đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã chê trách Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT khi quy trình thẩm định mở ngành có vẻ rất nhiều khâu, nhưng rốt cuộc nhiều trường không đủ điều kiện thực hành, không bảo đảm chất lượng.

Bộ trưởng kiên quyết: “Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ GD-ĐT thẩm định lại thông tin, nhưng cũng mong Bộ Y tế cùng rút kinh nghiệm, tiến hành kiểm tra đột xuất, kiểm tra tái định kỳ các cơ sở đào tạo ngành y. Một số nơi phản ảnh cho tôi hiện tượng các trường đào tạo y khoa chỉ đi mượn thiết bị y tế của các công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, mang về trưng ra cho các cơ quan quản lý kiểm tra. Mình kiểm tra xong họ lại mang trả hết. Nếu có chuyện đó thật phải đóng cửa ngay, đình chỉ tuyển sinh tức thì”.

Kiểm soát chặt trường ĐH mới thành lập

Bộ GD-ĐT cho biết, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg, số lượng các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã tăng lên nhanh chóng với hơn 400 trường. Nhiều ngành nghề đã được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng các trường ĐH tăng quá nhanh nhưng chất lượng không đồng bộ. Nhiều trường được mở ra nhưng đã không đáp ứng được chất lượng đào tạo. Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp rất nhiều nhưng không xin được việc làm vì thiếu các kỹ năng và kiến thức cơ bản, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngành GD cần phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của chất lượng giáo ĐH và phải nhanh chóng khắc phục. Theo đó, Bộ cần có những biện pháp quản lý hoạt động của các trường ĐH mới thành lập. Những trường nào không đủ điều kiện giảng dạy thì không được tuyển sinh mới hoặc tăng chỉ tiêu.

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...