Có nên cấp riêng giấy phép lái xe số tự động?

15:59 | 24/05/2015

693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó đưa ra phương án cấp giấy phép lái ôtô số tự động cho người dân không có nhu cầu học và lấy bằng xe số sàn. Chủ trương này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều…

Năng lượng Mới số 424

Chạy theo… xu hướng

Ngay sau khi chủ trương này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ khi đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, chỉ nên cấp một giấy phép lái xe chung để không gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như việc xử lý vi phạm.

Có nên cấp riêng giấy phép lái xe số tự động?

Một trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội

Đồng tình với chủ trương này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, hiện nay ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng xe số tự động nên Bộ GTVT đã xem xét và nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46. Trong đó bổ sung việc cấp giấy phép lái xe cho những người chỉ có nhu cầu sử dụng xe số tự động.

Dự kiến, trong tháng 9-2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ sửa xong Thông tư 46 để trình Bộ GTVT xem xét, ban hành. Như vậy, ngoài các loại giấy phép hiện có thì sẽ có thêm loại mới ghi rõ loại xe số tự động. Người học và cấp giấy phép lái xe số tự động không được điều khiển loại xe có số sàn, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Thông tư 46 để cấp riêng giấy phép lái xe số tự động thực chất là đáp ứng từ thực tế ngày càng nhiều người có nhu cầu học lái xe số tự động, nhất là đối tượng phụ nữ thường lái xe số tự động 2-5 chỗ ngồi.

“Cấp riêng giấy phép lái xe số tự động tuy có thêm thủ tục lằng nhằng, nhưng đây là chủ trương hướng tới mục đích phục vụ người dân” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Khẳng định một số nước trên thế giới cũng đang áp dụng quy định cấp riêng giấy phép lái xe số tự động, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu quan điểm, Bộ GTVT có thể xem xét không quy định hạng giấy phép lái xe riêng. Nhưng trên giấy phép lái xe có ghi điều kiện hạn chế phạm vi hoạt động như của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp. Đây cũng là chủ trương nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Người có yêu cầu học số tự động sẽ không phải học số sàn nên thời gian học và chi phí cũng sẽ giảm so với giấy phép lái xe thông thường.

Dưới góc độ là đơn vị đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, đại diện một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội bày tỏ quan điểm việc cấp giấy phép lái xe tự động là bắt kịp trào lưu hiện nay. Bên cạnh đó, phần lớn ôtô nhập khẩu hiện nay đều là số tự động, trong khi đào tạo sát hạch lái xe số sàn khó hơn, rất nhiều người đã biết lái xe số tự động nhưng khi thi bằng lái thì vẫn trượt.

Mặc dù đồng tình với chủ trương chạy theo thời đại, tuy nhiên đại diện nhiều cơ quan chức năng và đơn vị sát hạch cũng kiến nghị Bộ GTVT nên có lộ trình để các trung tâm sát hạch đầu tư trang thiết bị, xe phục vụ học vì kinh phí ước tính không nhỏ.

Xe loại nào, giấy phép loại ấy

Theo ông Trần Hữu Minh - giảng viên Đại học GTVT, chủ trương cấp riêng giấy phép lái xe số tự động là đúng đắn. Vì nguyên lý hoạt động của hai loại xe số tự động và số sàn khác nhau, kỹ năng sử dụng khác nhau, đòi hỏi người lái phải học và thi lấy bằng riêng biệt. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải hoàn thiện thể chế để ngăn chặn tình trạng người sử dụng xe không đúng quy định.

Các nước phát triển quản lý lái xe và phương tiện rất chặt chẽ. Trước khi sử dụng xe, người lái phải mua bảo hiểm phương tiện, khai báo những người sử dụng thì mới được thanh toán bảo hiểm khi gặp tai nạn, nên hầu như không có tình trạng mượn ôtô tràn lan như ở Việt Nam. Khi người lái có nhu cầu đổi xe số tự động sang số sàn, họ sẽ tiếp tục thi lấy bằng lái xe số sàn.

Mặc dù rất nhiều cơ quan chức năng ủng hộ, nhưng chủ trương này cũng có nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu cấp riêng một loại giấy phép lái xe cho người lái xe số tự động, liệu người học loại bằng đó có thể điều khiển xe số sàn được không? Hoặc vấn đề quản lý, kiểm soát loại bằng đó thế nào?

Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, học lái xe số sàn có tính chất truyền thống cơ bản và lái xe chuyên nghiệp đều phải học qua số sàn. Nếu học số tự động xong chuyển sang lái số sàn sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta nên quy định bắt buộc học số sàn trước, sau khi học cơ bản số sàn sẽ bổ túc tăng thời gian học số tự động lên 20-30 giờ. Như vậy người dân vẫn có thể sử dụng một loại bằng nhưng lái được cả 2 loại xe số sàn và số tự động như hiện nay.

Việc tồn tại cả 2 loại giấy phép lái xe sẽ khiến lực lượng cảnh sát giao thông khó có thể kiểm soát được người dân có sử dụng đúng bằng lái không. Trừ khi xảy ra những sự cố mất an toàn giao thông thì mới có cơ sở để xử lý. Đây là chủ trương “mua” thêm rắc rối.

Nhận xét về chủ trương này, rất nhiều cán bộ cảnh sát giao thông đều cho rằng, rất dễ xảy ra tai nạn nếu người có bằng lái xe số tự động điều khiển xe số sàn. Mặt khác, sẽ gây khó cho lực lượng chức năng khi kiểm soát, xử lý vi phạm.

Quang Dương