Cấm xe máy tại các đô thị lớn: Không còn là chuyện bất khả thi

07:00 | 05/12/2013

4,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù còn nhiều ý kiến phản đối chủ trương cấm xe máy tại các đô thị lớn, nhưng lại có rất đông người đồng tình, dù chính họ cũng đang sử dụng phương tiện di chuyển hằng ngày là xe máy. Thế nhưng để có thể thực hiện chủ trương này lại cần cả một lộ trình dài, bắt đầu từ chính sách phát triển hạ tầng phương tiện giao thông công cộng…

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, từ đầu năm đến ngày 15/10 cả nước đã xảy ra 24.369 vụ tai nạn giao thông làm chết 7.812 người, bị thương 24.387 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.092 vụ, giảm 2.595 người bị thương nhưng tăng 123 người chết. Điều này khiến các cơ quan chức năng được nhắc nhở về vai trò tìm biện pháp khắc phục. Và chủ trương cấm xe máy tại các đô thị lớn lại thêm một lần “nóng” lên. 

Thực tế cho thấy, cấm xe máy vào hai thành phố lớn của Việt Nam là TP HCM và Hà Nội được các ngành chức năng đề xướng như là một biện pháp nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, với số đông người dân thì đây là một ý tưởng khó khả thi. Bởi lẽ, xe máy là phương tiện gắn với đời sống và công việc của hàng triệu người dân. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở với những phương tiện giao thông công cộng lại ở tình trạng xuống cấp, không đảm bảo an toàn và an ninh, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Có không ít người phản đối ý tưởng này và đặt câu hỏi: Chúng ta đã có hệ thống tàu điện ngầm chưa? Có tuyến tàu điện trên cao chưa? Phương tiện vận tải hành khách chủ yếu là xe bus đã đảm bảo chất lượng chưa?... Tất nhiên câu trả lời luôn gắn với từ “sẽ”. Nhưng đến thời điểm này, câu trả lời được chia ở “thì tương lai” đó đã đến gần với thực tế hơn và lòng dân cũng đã bắt đầu thuận hơn.

Đừng nói xe máy “vô tội”

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, Nhà nước đã có chủ trương về lộ trình, hạn chế cấm xe máy vào các thành phố lớn. Ông nhận định: “Xe máy chính là “thủ phạm” gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc vì người đi xe gắn máy không có gì bảo vệ ngoài mũ bảo hiểm. Đương nhiên, cả ôtô cũng là tác nhân gây tai nạn, ùn tắc, nhưng “tội” của xe máy nhiều hơn”. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng thừa nhận: Ở Việt Nam, những người điều khiển xe gắn máy thường là người gây ra tai nạn do không tuân thủ luật quy định, nhận thức về an toàn giao thông thấp.

Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) phân tích: Từ cuối năm 2012, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT): “Thị phần hành khách của 3 loại cơ giới chủ lực hiện đại là đường sắt, hàng không, đường biển chỉ đạt dưới 1% so với cả 5 loại hình vận tải”. Đây là số liệu chính xác, trung thực được đưa ra từ một quan chức cao cấp chuyên quản lý theo dõi thị phần của các loại hình giao thông thuộc Bộ GTVT để vạch chiến lược. Có thể thấy rằng, tỷ lệ dưới 1% (thị phần hành khách đường sắt, hàng không, đường biển) là điều “quái dị nhất”, chưa từng có trong lịch sử giao thông thế giới. Như vậy đường bộ và đường sông phải gánh trên 99,1% thị phần vận tải hành khách mà đường bộ là chủ yếu.

Trong khi phương tiện giao thông công cộng duy nhất là xe buýt chỉ đáp ứng được vài phần trăm - tức chưa đủ cho học sinh, sinh viên đi học hằng ngày thì hầu hết là xe máy của người dân phải gánh. Việt Nam hiện có 63 sân bay giá trị 70 tỉ USD, tiềm năng vận tải 200 triệu hành khách/năm mà chỉ đạt 12 triệu hành khách/năm, lãng phí trên 94%. Chúng ta có 260 cảng biển - nhiều gấp 2 lần các nước thuộc liên minh châu Âu (EU). Chúng trị giá 100 tỉ USD mà chỉ đạt 2% thị phần hàng hóa, chưa kể không chở được hành khách. Đường sắt 3.200km trị giá 30 tỉ USD với 42.000 người vận hành mà chỉ đạt 16 triệu hành khách/năm, tính ra chỉ bằng 1/20 đường sông. Lượng thị phần vận tải này thua xa đội ngũ xe ôm và lái xe taxi tại TP HCM. Sự chênh lệch quá lớn này sẽ là câu trả lời cho câu hỏi vì sao phải có lộ trình cấm xe máy.

Kế sách của Bộ GTVT

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trình Thủ tướng những kế sách thực hiện lộ trình “Phát triển hợp lý các phương tiện giao thông vận tải tại các thành phố”. Theo đó, Bộ GTVT đồng tình với quan điểm cần kiểm soát, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố, trong một vành đai đô thị hoặc trong một khu vực cụ thể bằng cách tổ chức phân luồng giao thông, tổ chức khu phố đi bộ… Bộ cũng đề xuất bổ sung phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố vào danh mục phí và lệ phí nhằm phục vụ nghiên cứu, xây dựng đề án “Thu phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông”. Đồng thời, Bộ đề xuất tiếp tục triển khai thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh đảm bảo khoa học, hợp lý. Song song với đó, trên một số trục giao thông chính, tới đây sẽ có hệ thống giám sát giao thông, cưỡng chế và xử phạt vi phạm bằng hình ảnh.

Về các giải pháp kết nối giữa các phương thức vận tải, Bộ GTVT đề xuất phát triển các tuyến xe buýt chuyên dụng (chở hành khách đồng thời có khoang chở hàng hóa) kết nối với cảng hàng không, bến xe khách, ga đường sắt, bến cảng… Bố trí các điểm đỗ xe miễn phí tại các điểm trung chuyển, điểm phát sinh thu hút lớn… cho hành khách gửi phương tiện cá nhân khi tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Với Hà Nội, giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra là phải xây dựng lộ trình cụ thể, phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm hạn chế phương tiện cá nhân tại khu vực phía trong vành đai 1. Bộ còn đề xuất phát triển không gian đi bộ, các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố như: khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, khu bảo tồn cấp 1 trong khu vực phố cổ Hàng Đào, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 2)… 

Với thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đề xuất phát triển và mở rộng không gian đi bộ trên các tuyến phố đi bộ như: Khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi… “Đầu tư xe ôtô điện trong khu vực trung tâm thành phố, dọc đại lộ Võ Văn Kiệt nối trung tâm với khu chợ Lớn, bến xe miền Tây và dọc sông Sài Gòn. Tăng cường, bố trí hợp lý một số tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (bao gồm cả xe buýt có khoang chở hành lý) tiếp cận với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ga Hòa Hưng, các bến xe liên tỉnh. Đầu tư nâng cấp, cải tạo ga Hòa Hưng - đầu mối trung chuyển hành khách và kết nối các loại phương tiện vận tải, trung tâm dịch vụ đa năng của thành phố”…

Theo thăm dò ý kiến độc giả của một cơ quan báo chí, về lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn, kết quả khá bất ngờ khi số đông ý kiến đồng tình (54%) và số cho rằng chỉ nên cấm khi đã có phương tiện giao thông công cộng hiện đại là 31%. Có thể thấy, yếu tố “khả thi” của ý tưởng này đã đến gần với thực tế và lòng dân hơn.

Hiền Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc