Ăn nước nhiễm asen, sống cùng nước thải y tế

07:00 | 14/07/2013

1,205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không những phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm nặng, người dân Hà Nội đang hằng ngày, hằng giờ phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm độc và sống chung với môi trường nước thải độc hại.

Nước thải không được xử lý

Hiện nay, hầu hết những con sông ở nội thành Hà Nội đều biến thành kênh thoát nước, đen ngòm và hôi thối! Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nước mặt ở các sông, hồ đều bị nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, nhất là vào mùa khô. Theo Sở TN&MT Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000m3/ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90% tổng lượng nước thải công nghiệp, dịch vụ, xả thẳng vào nguồn nước mặt. Hiện Hà Nội mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải.

Trong khi đó, lượng nước thải do các cơ sở sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng nước thải. Nước thải sinh hoạt phần lớn mới được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại. Hơn nữa, với mật độ dân số ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, hệ thống sông, hồ vốn đã ô nhiễm sẽ ngày càng bị ô nhiễm hơn.

Theo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Việt Nam có hơn 1.000 bệnh viện thì chỉ 1/3 trong số đó có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến Trung ương và tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn. Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hóa chất khử trùng... Nước thải y tế chưa qua xử lý còn rất nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Sông Nhuệ ngập ngụa rác thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Mới đây, một thông tin đáng báo động là hầu hết các khu đô thị mới ở Hà Nội không có hệ thống xử lý nước thải đang hằng ngày hằng giờ đầu độc môi trường sống của người dân xung quanh.

Là một trong số ít khu đô thị mới ở Hà Nội được đưa vào sử dụng sớm, Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm) hằng ngày thải ra hàng nghìn m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Không chỉ cư dân gần khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì kêu trời vì nước thải xả thẳng ra kênh, nhiều người dân tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay Khu đô thị mới Văn Khê cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe con người. Nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc.

Kết quả xét nghiệm môi trường cho thấy, một số vùng đất nông nghiệp bị ô nhiễm rất nặng. Chẳng hạn, vùng trồng rau tại Hà Nội, hàm lượng CO trên tầng mặt đất dao động 9,9-15mg/kg. Tại vùng Thanh Trì, Từ Liêm, hàm lượng nitơ trong đất 30-102mg/kg. Vùng đất gần Nhà máy Phân lân Văn Điển còn bị nhiễm các kim loại nặng như Cd, Cu, Pb và Zn. Tất cả những số liệu trên đây đều vượt quá ngưỡng cho phép về an toàn.

Nước sinh hoạt nhiễm độc

Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay tại Hà Nội, việc cung cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất được lấy từ hai nguồn nước là nước mặt và nước ngầm, trong đó số người sử dụng nước ngầm chiếm khoảng 73%. Tuy nhiên, về chất lượng thì nguồn nước ngầm đang sử dụng để cấp nước cho Hà Nội khai thác có đặc tính: Nguồn nước ở phía nam nội thành Hà Nội có hàm lượng sắt, amoniac rất cao. Tại các bãi giếng của nhà máy nước như Pháp Vân, Tương Mai, Hạ Đình, hàm lượng Fe trung bình vào khoảng 8,1-11,2mg/l, còn hàm lượng NH4+ trung bình lên tới 10,4-19,7mg/l, đồng thời nguồn nước có dấu hiệu bị nhiễm bẩn hữu cơ ở mức độ thấp.

Nguồn nước ngầm của các bãi giếng ở khu vực phía bắc nội thành Hà Nội lại có hàm lượng mangan cao hơn các bãi giếng phía nam. Trong khi đó, hàm lượng sắt và amoniac tại khu vực này lại rất thấp. Các khu vực như Gia Lâm, Sài Đồng, Cáo Đỉnh thường xuất hiện nguồn nước có sắt và mangan tồn tại ở dạng keo của axit humic và keo silic. Dù các chỉ tiêu chất lượng vẫn nằm trong phạm vi cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh quy định, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nếu sử dụng nước thô (chưa xử lý), để cấp nước trực tiếp cho sinh hoạt và ăn uống thì việc nước nhiễm asen có thể sẽ xảy ra. Khu vực có hàm lượng asen tương đối cao 0,016-0,018mg/l tại các giếng khoan của các nhà máy nước ngầm Pháp Vân, Ngô Sỹ Liên và Kim Liên.

Người dân gánh hậu quả

Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu phải trả giá về mặt sức khỏe con người do một thời gian dài chưa thật sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Cụ thể là ngày càng xuất hiện nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như những “làng ung thư” ở Hà Tây, Phú Thọ, Hải Phòng… Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em tử vong tại các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước là rất cao. Theo thống kê của Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% do gen di truyền.

Ô nhiễm nước là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mãn tính như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư... Tỷ lệ người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước ngày càng tăng lên. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản.

TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc sử dụng nước bị nhiễm asen quá mức cho phép trong một thời gian dài (từ 3 đến 20 năm) thì cơ thể bị phơi nhiễm asen mãn tính. Khi cơ thể nhiễm asen mãn tính rất dễ bị mắc bệnh ung thư da. Khi đó trên da xuất hiện các vảy sừng, đốm chấm khác màu da ở vùng trên lưng và tay.

Thậm chí những đám vảy sừng xuất hiện trên chân gây chết dần vùng da và da sạm đen. Nặng hơn những tế bào ung thư phát triển trong cơ thể gây lở loét da với biểu hiện như bông súp lơ. Người nhiễm asen lâu ngày còn có thể bị ung thư gan, phổi, bàng quang, thận. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9 ngàn ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém.

Phúc An