Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?

15:34 | 25/11/2023

191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sản lượng nhựa hằng năm ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có thể tăng gấp 3 vào năm 2060 nếu không có biện pháp nào được thực hiện.

Rác thải nhựa toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lượng sản phẩm nhựa được sản xuất dựa vào nguyên liệu hóa thạch hàng năm trên thế giới dự kiến sẽ vượt 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và rác thải sẽ vượt mức 1 tỷ tấn.

Ngay cả khi hành động tích cực để giảm nhu cầu đối với sản phẩm nhựa và cải thiện hiệu quả sử dụng, sản xuất đồ nhựa cũng sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm.

Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?
Quá trình phân hủy của rác thải nhựa tạo ra các chất gây hại với sức khỏe con người. (Ảnh minh họa).

Nếu thế giới không làm gì, tình trạng ô nhiễm này đương nhiên sẽ tồi tệ hơn, vì theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và OECD, nếu không có gì thay đổi, sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp ba vào năm 2060. Thậm chí, các tổ chức này còn cảnh báo rằng lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương sẽ tăng nhanh gần gấp ba lần. Đến trước năm 2040, con số này sẽ đạt 30 triệu tấn.

Tác động của nhựa đến hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng ngày càng trở nên rõ ràng và nặng nề hơn. Mặc dù khí thải từ nhựa chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019 nhưng con số này có thể tăng đến 15% vào năm 2050.

Nỗ lực loại giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Kể từ những năm 1950, khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất với hơn 60% trong số đó thải vào các bãi rác, đốt hoặc đổ trực tiếp ra sông và đại dương. Khoảng 460 triệu tấn nhựa đã được sử dụng vào năm 2019, nhiều gấp đôi so với 20 năm trước đó. Lượng rác thải nhựa cũng tăng gần gấp đôi, vượt 350 triệu tấn, với chưa đến 10% trong số đó được tái chế.

Theo xu hướng hiện nay, việc sử dụng nhựa được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Ở các nước mới nổi và đang phát triển khác, con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 đến 5 lần và gấp hơn 6 lần ở châu Phi cận Sahara.

Báo cáo mới của OECD so sánh quỹ đạo kinh doanh thông thường với lợi ích của các chính sách toàn cầu đầy tham vọng hơn về giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nhựa. OECD cảnh báo, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và dân số ngày càng mở rộng, sản lượng nhựa có thể sẽ tăng theo cả hai kịch bản.

Hiện tại, gần 100 triệu tấn rác thải nhựa được quản lý không đúng cách hoặc rò rỉ ra môi trường, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Báo cáo kết luận, những nỗ lực toàn cầu được phối hợp gần như có thể loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2060. Đồng thời, sự nỗ lực này có thể hạn chế lượng khí nhà kính làm ấm hành tinh.

Hiện tại, toàn bộ vòng đời của nhựa nguyên sinh - từ sản xuất đến phân hủy - đóng góp khoảng 2 tỷ tấn CO2 hoặc con số tương đương trong các loại khí khác, chiếm khoảng 3% ô nhiễm carbon do con người gây ra. OECD cảnh báo, nếu không có hành động chính sách, con số đó có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Tuy nhiên, OECD cho rằng các chính sách phối hợp toàn cầu có thể giúp tăng mạnh tỷ lệ rác thải nhựa có thể tái chế trong tương lai từ 12 lên 40%.

Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã khởi động một tiến trình phát triển một hiệp ước mang tính ràng buộc quốc tế nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa.

G.M

Từ năm 2023, Pháp cấm đồ dùng một lần tại các quán ăn nhanhTừ năm 2023, Pháp cấm đồ dùng một lần tại các quán ăn nhanh
Rác thải nhựa - Kẻ thù của đại dươngRác thải nhựa - Kẻ thù của đại dương