Rác thải nhựa - Kẻ thù của đại dương

06:30 | 13/04/2023

113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển trên toàn thế giới, đang gây nên hiện tượng “ô nhiễm trắng” và sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống con người.
Rác thải nhựa - Kẻ thù của đại dương
Tình trạng gia tăng chóng mặt của rác thải nhựa đang ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp lên đời sống con người

Vừa qua, Hãng thông tấn Tunisia (TAP) dẫn kết quả nghiên cứu của dự án chống rác thải biển ở Địa Trung Hải (COMMON) cho biết, nhựa chiếm 80% rác thải được tìm thấy trong môi trường biển và ven biển của 3 quốc gia Địa Trung Hải là Tunisia, Italia và Liban.

Đây là kết quả của các hoạt động giám sát thuộc dự án COMMON do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và được công bố trong một hội nghị tổng kết gần đây ở thủ đô Tunis (Tunisia). COMMON đã thúc đẩy sáng kiến Clean Up The Med, một sáng kiến thu hút hơn 2.000 tình nguyện viên đến từ 20 nước ở Địa Trung Hải tham gia các hoạt động làm sạch bãi biển dọc theo chiều dài gần 24.000km bờ biển.

Theo kết quả giám sát nhắm vào 5 khu vực thí điểm của 3 quốc gia trên, bao gồm cả quần đảo Kuriat của Tunisia, hơn một nửa số chất thải được thu thập và phân tích là nhựa sử dụng 1 lần (53%). Trong tổng số 90.000 vật thể được thu thập và phân tích, có 17.000 (khoảng 20%) là đầu mẩu thuốc lá, tiếp theo là các mảnh nhựa kích thước 2,5-50cm (khoảng 9%) và 6.000 tăm bông (khoảng 7%).

Dữ liệu thu được trong dự án COMMON kéo dài 3 năm cũng xác nhận tác động của rác biển và vi nhựa đối với đa dạng sinh học ở Địa Trung Hải. Cụ thể, nghiên cứu hơn 700 mẫu vật của 6 loài cá có lợi ích thương mại như cá cơm, cá mòi, cá tráp biển..., kết quả chỉ ra rằng, 1/3 mẫu được phân tích đã ăn phải vi nhựa. Điều này có khả năng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong do ngạt thở, tắc nghẽn đường tiêu hóa và chết đói của những loài cá. Ngoài ra, việc cá ăn phải nhựa và vi nhựa có thể dẫn đến thay đổi quá trình trao đổi chất và hệ thống nội tiết do việc giải phóng các chất độc hại có trong nhựa.

Rác thải nhựa - Kẻ thù của đại dương
Nhựa chiếm 80% rác thải được tìm thấy trong môi trường biển

Trong dự án COMMON, rùa biển Caretta-Caretta cũng được sử dụng như một chỉ báo về sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên tổng số hơn 140 mẫu vật được phân tích ở Tunisia, Liban và Italia, tỷ lệ rùa ăn phải các mảnh vụn nhựa dao động 40-70%.

Cũng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 13 triệu tấn bị đổ ra biển. Cụ thể hơn, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỉ túi nilon được tiêu thụ. Trong số rác thải nhựa được thải ra có tới 79% bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, 12% là đốt, chỉ có 9% được tái chế.

Có thể nói, tình trạng gia tăng chóng mặt của rác thải nhựa đang ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp lên đời sống con người. Ô nhiễm môi trường kéo theo biến đổi khí hậu và hàng loạt bệnh tật nguy hiểm làm cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa nặng nề.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã nhận ra tác hại vô cùng lớn của rác thải nhựa và bắt đầu có những hành động thiết thực. EU và Anh cấm sử dụng ống hút làm bằng nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc kêu gọi người dân nâng cao ý thức, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích những dự án tái chế rác thải nhựa.

Lam Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan