Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững

16:12 | 16/11/2023

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 16/11, tại Hà Nội, Báo Đầu tư - Vietnam Investment Review đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”.

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết: Tại hội nghị COP26, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử. Không chỉ tái khẳng định việc duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững
Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại hội thảo.

“Nhưng giờ đây, câu chuyện mà cả thế giới quan tâm không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động như thế nào? Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một hành tinh xanh hơn, vì một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Tổng biên tập Lê Trọng Minh bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành ở Việt Nam và quốc tế sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều về trách nhiệm và hành động để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong đó, tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Điều này, đã được xác định trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã tiếp tục thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới trong giai đoạn sắp tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, thực trạng tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, ông Trần Quốc Phương khẳng định.

Để tận dụng các cơ hội phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề xuất như: Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các giải pháp cũng cần tập trung vào việc tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.

“Với nỗ lực của tất cả chúng ta, của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng.

Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong chương trình hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận mở. Tại các phiên thảo luận, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ về những nỗ lực thực thi phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trong chặng đường vừa qua và mục tiêu thời gian tới. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị phù hợp về phát triển bền vững, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận thứ nhất, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) chia sẻ, việc đầu tư cho nền tảng công nghệ là yếu tố giúp phát triển nông nghiệp bền vững tại TTC AgriS. Từ năm 2020, TTC AgriS tiến hành bước phát triển đầu tiên với việc thực hiện chuyển đổi số. từ cuối tháng 10/2022, TTC AgriS chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị. Với mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp của TTC AgriS mang đến lợi ích chung các bên liên quan như cho phép người nông dân sử dụng ứng dụng, xác định các thời điểm trong quá trình trồng trọt, tiếp cận các nghiên cứu nông học…

Đồng quan điển trên, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam cho rằng việc đầu tư phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư ban đầu tương đối lớn. Tuy nhiên, về lâu dài khoản đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Còn ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây không phải là khoản chi phí, mà là đầu tư cho tương lai. Khi đã rõ, nhận biết được tương lai và kiên trì thực hiện, thành quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí đầu tư.

Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững
Ông Lê Việt Anh và ông Lê Trọng Minh đại diện Ban Tổ chức vinh danh các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này, Báo Đầu tư cũng tổ chức Lễ vinh danh “Doanh nghiệp đồng hành vì sự nghiệp phát triển bền vững” nhằm tri ân các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đồng hành với các chương trình Phát triển bền vững và CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) của cơ quan Báo Đầu tư trong nhiều năm qua.

Quang Phú