Tết thời Hậu Lê và những tập tục thú vị trong ngày tết

06:00 | 18/02/2015

2,458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Triều Hậu Lê là triều đại tồn tại dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến, những tư liệu, thư tịch viết về vương triều này, đến nay tuy không còn được đầy đủ nhưng cũng phần nào giúp hậu thế tìm hiểu được những thông tin hữu ích, quý báu. Riêng chuyện ăn tết đón xuân của các vị vua, vị chúa thời Hậu Lê cũng là những điều đặc biệt để chúng ta quan tâm.

Năng lượng Mới số 398+399

Theo bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Hằng năm, Tư thiên giám tính trước lịch cho năm sau, đến tháng 6 viết hai bản dự thảo, một bản dâng lên vua và khải chúa xin tiền in. Vua xem xong, giao cho Trung thư giám viết lại, Tri giám coi việc khắc, khắc rồi Tư thiên giám đối chiếu trước khi đem in. Trong tháng Chạp chọn ngày dâng lên vua chuẩn. Ðến ngày 24 tháng Chạp làm lễ Tiến lịch. Sáng hôm ấy, các quan mặc phẩm phục, theo chỉ của chúa vào triều làm lễ”. Sau khi vua duyệt xong, “Tư thiên giám bưng cái án lịch trước ngự tọa sang tiến ở phủ chúa. Quan Lễ khoa đem lịch ban cho các quan”.

Theo sách “Lê triều hội điển” thì “giấy in quan lịch do Hộ phiên phái Thiên giám lĩnh tiền rồi phát cho mua” và “vào kỳ tháng 12 bộ Lại vâng lệnh ban quan lịch cho các hoàng thân, vương thân, các quan văn võ”. Tùy theo đối tượng mà số lượng lịch ban có khác nhau, như: “Đức Thái tôn Thái phi 30 bản. Ban cho Đức Bảo mẫu 15 bản, Quan Thị nhũ 5 bản, quan quản các hiệu và thuộc viên đều 1 bản. Thị hầu lương từ 10 quan trở lên và ưu binh, mỗi người 1 bản…”.

Lễ Hạp Ấn còn được gọi là lễ khóa ấn hay cất ấn được thực hiện vào ngày 25 tháng Chạp. Nhà vua truyền lệnh mang quốc ấn đi lau rửa thật sạch rồi bọc vải vàng cho vào hộp khóa lại; tiếp đó là đến lượt ấn tín của các quan từ triều đình tới công đường, phủ đệ trong cả nước được lau rửa sạch sẽ rồi bọc lụa đỏ cất trong hộp gỗ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là mọi công việc điều hành, quản lý đều bị dừng lại mà vẫn được tiến hành bình thường, chỉ khác là không có chỉ dụ, hay mệnh lệnh nào được ban hành bằng văn bản. Những việc khẩn cấp và bất thường, vẫn được quyết định nhưng phải chờ đến sang năm mới sẽ ra văn bản và đóng dấu để thi hành.

Trong cuốn “Du ký” của nhà buôn người Hà Lan tên là Samuen Baron viết năm 1683 miêu tả những điều tai nghe mắt thấy khi đến Đàng Ngoài, trong đó có phần ghi lại tục tết ở Đông Kinh (Thăng Long) và có đoạn viết về lễ hạp ấn như sau: “Ngày 25 tháng Chạp là ngày “sấp ấn”. Ấn của vua và quan đều được cất một tháng. Không một văn bản nào được đóng ấn. Mọi công đường đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp; các tội tiêu hình vặt vãnh không bị trừng phạt; tội phản nghịch thì hãy giam chờ…”.

Ở phần “Lễ nghi chí” của bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, cũng có đoạn viết về lễ khóa ấn: “Ngày 25 tháng Chạp làm lễ Khóa ấn trong một tháng, hộp đựng ấn úp mặt xuống. Chỉ những việc trọng đại như sát nhân, phản quốc... mới được xét ngay, còn trộm cắp lặt vặt, đánh nhau, đòi nợ v.v… thì đình chỉ, đợi sau ngày khai ấn mới xét xử”.

Lễ tắm tất niên:  Tiếc là sách vở ghi chép về nghi thức tắm tất niên của Vua Lê không còn, nhưng lễ tắm tất niên của Chúa Trịnh thì còn thấy ghi trong sách “Lê triều hội điển”, cụ thể như sau: “Hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, có lễ hầu tắm. Quan Binh phiên vào báo trước cho Tiểu giám sáu cung và quan binh các cơ đội thuyền, Thể sát, Thị hầu đều mặc áo mũ bằng gai, chiếu theo bản đồ xếp hàng thứ tự. Ngày 29 Tết, 12 cơ hiệu Thị hầu xếp hàng, sau giờ Ngọ đi tuần xem xét trước, chờ nghe hiệu trống thì đem binh lần lượt tiến vào. Quan Đề lĩnh giữ phủ, vào buổi tối đem quân đến túc trực. Sớm hôm đó, đội Nghiêm nhất đánh một tiếng trống, đội Bả môn mở cổng. Binh Thị vệ tiến vào. Hiệu Thị trung đánh trống nghiêm lệnh, các hiệu lần được đánh trống, rước chúa ngự đến lầu thay áo. Kiệu nhất gõ chiêng báo thu quân về cung, truyền cho các quan Thân huân và hiệu cung Thị hữu, Thị hậu rước chúa cởi áo tắm gội. Đội Nhưng nhất, Kiệu nhất ngồi nghỉ. Quan văn võ các hiệu lần lượt tiến đến điếm chầu, chờ truyền đánh trống tiên nghiêm. Hiệu Tiền phát lệnh đi đứng cho hồi quân. Đội Nhưng nhất đánh trống tiến trước, rước chúa lên xe về cung. Quan Binh phiên vẫy quạt, Binh thị hầu tề chỉnh hô to, xong lần lượt đi ra”.

Lễ bái yết, cúng tế tại các nơi thờ tự: Nghi thức này cũng được tiến hành vào ngày đầu tiên của năm mới, như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết mồng Một tết năm Ất Mão (1435) vua Lê Thái Tông dẫn các quan làm lễ yết miếu tưởng nhớ công ơn sáng lập triều đại của tổ tông.

 Sách “Lê triều hội điển” cũng cho biết: “Sáng sớm mồng Một, rước vua đến cung miếu chính thức làm lễ. Quan binh hiệu Thị trung đều dùng mũ áo lam đứng chầu. Lễ xong, rước vua về cung. Sau đó các Vệ hiệu Thị hầu đều mặc chỉnh tề y phục bằng gai, vâng lệnh vào Nội phủ, chiếu theo thứ bậc y như ngày chúa coi chầu mà đứng hầu”. Các nơi thờ tự khác cũng được các quan đại thần thay mặt vua đến tế tự, bộ Hộ có trách nhiệm cấp phát tiền, vật dụng để chuẩn bị đồ cúng tế trong các ngày lễ với mức khác nhau, đối với việc “thờ cúng ba ngày tết Nguyên đán…, bộ Hộ lĩnh tiền, gạo, lụa, mắm muối ở Lễ phiên, phát cho Thần trù, Thần cung, Thái quan, Lương uẩn làm” (“Lê triều hội điển”).

Ngoài vua, chúa cũng tiến hành các lễ tế, theo đó quan Tư thiên giám chọn giờ tốt để chúa đi lễ Thái Miếu, Cung Miếu.

Nghi thức quan trọng nhất được thực hiện là lễ tế Giao (Nam Giao), được chọn trong ba ngày đầu tiên của năm mới để làm lễ, thường là ngày mồng Một tết. Một nhà truyền giáo phương Tây cũng ghi chép lại lễ tế Giao xuân năm 1658, theo đó “sáng mồng Một, vua ra khỏi cung điện đến đàn Nam Giao, có đến 4 vạn binh lính tiền hô hậu ủng. Họ mang vũ khí đánh bóng sáng loáng, mặc quần áo bằng vải dạ Hà Lan nhiều màu… Trong khi vua làm lễ tế trời, toàn quân đứng im phăng phắc. Ba phát súng thần công báo hiệu nhà vua đã làm lễ xong và quay về cung”.

Lễ khai điền hay còn gọi là lễ mở đất thường được tổ chức vào ngày mồng Ba tết. Hôm đó nhà vua được rước ra khỏi cung điện trong với nghi thức trang trọng, quy mô đến một thửa ruộng tốt đã được lựa chọn từ trước. Tại đây vua làm lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa sau đó cầm cày, cày một đường để mở đất với ý nghĩa mang lại may mắn cho thần dân một năm trồng cấy thuận lợi, mùa màng bội thu.

Giáo sĩ Alexandre Rhodes đã viết về lễ khai điền thời Vua Lê - Chúa Trịnh như sau: “Một trong những phong tục chính được thực hiện một cách thiêng liêng ở vương quốc Đàng Ngoài vào đầu năm mới, đó là lễ mở đất hạ cày. Tất cả các quan chức văn võ phải cân đai mũ áo chỉnh tề, tập trung tại hoàng cung để tháp tùng nhà vua với lễ rước trọng thể từ kinh thành ra đến đồng quê”.

Đi đầu đoàn rước là hàng ngàn binh lính đội ngũ nghiêm chỉnh được trang bị cung tên, giáo mác và cả súng. Tiếp đó là các vị chưởng cơ cùng vương công đại thần đi ngựa và khoảng 300 thớt voi. Nối tiếp sau là cỗ xe ngựa của Chúa Trịnh, hộ tống chúa là đông đảo các tiến sĩ, cử nhân, tú tài. Cuối cùng là vua ngự trên kiệu với một chiếc ngai phủ vải kim tuyến lộng lẫy. “Đoàn rước đi qua các phố chính của kinh đô có tên là Kẻ Chợ, đi tới một cánh đồng cách kinh thành gần một dặm, ở đó đã có toàn bộ đám tiền quân và đông đảo dân chúng đứng đón vua. Bước xuống ngai, sau khi đã long trọng tế trời, cầu phúc, nhà vua cầm lấy cán một chiếc cày được trang hoàng cầu kỳ, sặc sỡ, cày một đường trên ruộng để nhắc nhở người dân đã đến lúc sắp hết thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị bắt tay vào làm lụng cày bừa”.

Lê Thái Dũng