"Nghèo" như... điện ảnh Việt!

11:34 | 30/09/2013

638 lượt xem
|
Hai năm với gần 40 sản phẩm cho một Liên hoan phim, thế nhưng khi cần so “bó đũa” thì điện ảnh Việt vẫn khó có thể chọn “cột cờ”.

Với số lượng phim tham dự LHP lần thứ 18 đông đúc như năm nay, những tưởng chúng ta sẽ có một mùa tranh giải rôm rả. Nhưng thực chất ngoài việc quá nhiều những tác phẩm được xếp vào hạng thảm họa thì các sản phẩm còn lại cũng nhàng nhàng không điểm nhấn.

Còn nhớ trong LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 2, điện ảnh Việt đã tỏ rõ sự lép vế ngay trên chính sân nhà khi chỉ có hai bộ phim đủ điều kiện tham dự LHP và duy nhất có Thiên mệnh anh hùng là giành giải mà còn có ý kiến là vì... chiếu cố. Tuy nhiên, điều này có thể cảm thông khi nền điện ảnh của chúng ta còn “non trẻ” trước sàn đấu quốc tế nhưng việc không thể lựa chọn một sản phẩm xứng đáng trong chính LHP thường niên của nước nhà thì quả là đáng buồn.

Hello cô Ba, phim thảm họa tranh giải Bông sen vàng năm nay

23 bộ phim “đủ điều kiện” đưa ra tranh giải trong hạng mục phim truyện nhựa ngay khi được công bố đã khiến công chúng không khỏi giật mình. Bởi đến hẹn lại lên, cứ hai năm LHP lại trở thành điểm đến của các tác giả, tác phẩm đến tranh giải Bông sen vàng, Bông sen bạc... Và đến nay đã là mùa thứ 18 nhưng trạng thái dường như càng đi những bước thụt lùi khi khó chọn được một sản phẩm thực sự nổi trội.

Nhìn về mặt số lượng thì có thể mừng lòng bởi chưa năm nào chúng ta lại có lực lượng phim dự giải hùng hậu đến thế. So với LHP Việt Nam lần thứ 16 (diễn ra tại Phú Yên) có 15 phim, LHP lần thứ 17 (tại TP.HCM) có17 phim tham dự. Thì đến LHP lần thứ 18, 23 phim tham dự quả cũng là con số đáng mơ ước. Tuy nhiên, xét đến chất lượng mới thật tá hỏa bởi có quá nhiều những cái “tên” được xếp vào hạng "thảm họa" vẫn nghênh ngang được đưa ra tranh giải.

Rà soát tổng thể thì có đến già nửa phim được xếp vào hạng hài nhảm như: Hello cô Ba, Hit: Hoàng tử và lọ lem, Yêu anh! Em dám không… thậm chí có phim những phim sau khi ra mắt đã bị la ó như: Mùa hè lạnh, Ranh giới trắng đen, Cưới ngay kẻo lỡ… vẫn can trường được đưa ra tranh giải.

Ở hạng mục nào điện ảnh Việt cũng tỏ rõ sự... thiếu thốn. Mặc dù mỗi năm có gần 20 chục bộ phim mới được ra mắt, như vậy 2 năm tương đương gần 40 bộ phim. Thế nhưng việc chọn ra những tác phẩm dự thi đã khó, thì việc tìm một tác phẩm nổi trội còn khó hơn nhiều. Tình trạng này tiền lệ đã thấy ở các mùa trước và việc 2 năm để chuẩn bị cho một LHP trong nước cũng có vẻ chật vật đối với các nhà làm phim.

Nhảm nhí hết mức, Nàng men chàng bóng đã bị đánh bật ra khỏi LHP Việt Nam lần thứ 18

Thừa nhận, những tác phẩm tham gia dự thi là nhảm và nhạt, chính trưởng BTC, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng từng nhắn nhủ: “Hãy cứ để các bộ phim tham dự thêm màu sắc cho LHP. Biết đâu, khi cùng nhau ngồi xem một bộ phim từng bị xếp vào diện “thảm họa”, các bạn sẽ tìm thấy thêm những điều khác của phim…”. Chắc hẳn đây cũng là sự ngoài ý muốn của BTC và sự “cố vơ bèo vạt tép” để khỏa lấp cái vừa thiếu, vừa yếu của điện ảnh Việt?

Lý do gì lại xuất hiện quá nhiều những sản phẩm thảm họa trong LHP? Có lẽ câu trả lời không hề khó bởi từ lâu các nhà sản xuất phim ở xứ ta đã mải mê đáp ứng thị hiếu của dòng phim thị trường. Thay vì làm những bộ phim vị nghệ thuật thì những bộ phim nặng nặng về giải trí để có thể móc hầu bao của công chúng nhanh hơn. Bên cạnh đó sự lép vế của phim nhà nước với phim tư nhân cũng đủ thấy sự lấn sân mạnh mẽ của dòng phim thị trường.

Thực tế thực trạng phim Việt ở cả hạng mục nhà nước hay tư nhân cũng đều đáng lo ngại. Bởi trong khi phim nhà nước bị sa vào lối tư duy làm phim cũ kỹ từ cách lựa chọn đề tài đến nội dung hình thức thể hiện. Còn phim tư nhân rõ ràng đã chú trọng đầu tư nhưng lại bám nhiều vào yếu tố giải khuây, chọc cười. Đầu tư nhưng làm sao để nhanh chóng thu hồi được vốn là áp lực hàng đầu. Chính những yếu tố đó cho ra đời những món ăn nhanh và hậu quả là một loạt những sản phẩm nhàn nhạt.

Điển hình xét trong những bộ phim dự giải năm nay, thể loại do nhà nước sản xuất thì có Lạc lối của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và Đam mê  của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Hai bộ phim này có phần lạc nhịp so với mặt bằng thị trường phim ảnh đương đại khi đề cập nội dung cũ, cách thể hiện không có nhiều đặc sắc và tiết tấu chậm. Tiến bộ hơn chút thì có Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh. Nhưng sản phẩm này lại bị đánh giá là hơi bạo lực và sử dụng nhiều dục tính, không phù hợp với văn hóa Việt.

Những "gương mặt trẻ" như Đường Đua vẫn chưa có sức bật đáng kể

Còn những bộ phim do tư nhân sản xuất thì sự áp đảo của lực lượng này thể hiện rõ, bởi trong 23 phim tham dự thì có đến 18 phim là của tư nhân. Đó là chưa kể đến những bộ phim đạt doanh thu đình đám như Lời nguyền huyết giải, Mỹ nhân kế, Ngôi nhà trong hẻm... không tham dự tranh giải. Thực tế ở xứ ta, phim được khen cũng chưa chắc đã đạt doanh thu khủng, điều đó đồng nghĩa với việc có bán được vé chưa chắc phim đã hay. Vì thế những bộ phim được gắn mác “nhạt, nhảm” cứ tằng tằng được ra lò hàng năm. Và ở mùa này thì số lượng cũng có sự vượt bậc khi nhảm từ ngay cái tên như:Yêu anh, em dám không, Hit: Hoàng tử và lọ lem, Hello cô Ba... cũng là đương nhiên.

Việc xã hội hóa điện ảnh có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên cũng để lại những mối lo ngại. Bởi trừ những phim được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thì các nhà làm phim tư nhân phải vật lộn với mưu sinh, ở đây là bán được vé. Trong khi thị hiếu của công chúng là giải trí thì câu trả lời của thị trường mới là điều mà họ quan tâm.

Chính vì thế, dù LHP năm nay có lực lượng hùng hậu phim dự thi nhưng nhìn vào đó chỉ có thể thấy được sự phát triển của công nghệ, thậm chí là kỹ nghệ điện ảnh, chứ chưa thể mừng điện ảnh Việt đã có những bộ phim hay. Và khi có đem ra để thi thố thì mới thấy điện ảnh Việt còn quá "nghèo nàn" khi không thể chọn được những sản phẩm ra tấm, ra món.

 Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan