"Người hát" - Tập thơ của người đàn bà yêu chồng

11:03 | 12/03/2025

231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tôi biết chị một cách rất tình cờ qua bài viết của nhà văn Trần Thị Trường lúc anh Hoàng Nhuận Cầm (chồng cũ của chị) mất. Tôi tò mò vào Facebook cá nhân của chị "xem" vợ cũ của nhà thơ với những vần thơ đốn tim bao thế hệ độc giả.

Một bắt đầu như thế. Và rồi tôi đồng hành cùng trang Facebook cá nhân của chị bấy lâu nay, từ tháng 4/2021 đến bây giờ.

Tôi theo dõi khá thường xuyên, đầy đủ từng bài viết của chị, từng sẻ chia của chị về cuộc sống, đặc biệt hành trình vòng quanh nước Úc của vợ chồng chị cách đây chưa lâu. Một cảm giác thật là Yomost (tức một trạng thái tò mò, thú vị và tưởng tượng bay bổng, đong đầy yêu thương và niềm vui của con người).

"Người hát" - Tập thơ của người đàn bà yêu chồng

Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh chị và ông nông dân của chị trên màn hình điện thoại, cảm giác của tôi thật hạnh phúc. Họ rạng rỡ như tiên ông, tiên bà và niềm rạng rỡ của họ dường như lan tỏa sang tôi. Từng góc nhỏ trong căn nhà, trong khu vườn đầy cỏ cây hoa lá và ngập tràn ánh sáng của anh chị luôn mang lại cho tôi cảm giác thân thuộc, ấm áp và tràn đầy nhựa sống. Theo dõi những sinh hoạt đời thường bình dị của cặp tiên ông, tiên bà này, trong tôi ngập tràn tình yêu và niềm tin vào sự đẹp đẽ, thánh thiện và màu nhiệm của cuộc sống này.

Và rồi một ngày mùa Xuân phơi phới, đến dự buổi ra mắt thơ “Người hát” của Bùi Mai Hạnh, tôi ôm tập thơ về nhà và rón rén đọc. Tôi đọc nhiều nhưng không phải người mê thơ. Tôi cũng tò mò không biết "bà tiên" ấy "hát" gì trong cuốn sách của mình.

Và trời ơi, thật là kỳ diệu, cái thiên đường trên mặt đất, tất cả những gì tôi tưởng tượng, tôi cảm nhận từ cuộc sống của anh chị suốt 4 năm qua chảy tràn trên từng trang viết. Khúc hoan ca cuộc sống. Cái thiên nhiên tươi đẹp bao quanh cuộc sống của anh chị nó chỉ là "cái vỏ", cái lộ ra, nhìn thấy của một sự gắn kết hữu cơ khăng khít, gắn bó, lựa nhau để hoà hợp và yêu thương tan chảy của 2 ông bà tiên. Họ cưng chiều tâm hồn nhau, nâng đỡ tâm hồn nhau, cùng nhìn nhau để mỗi người nhường nhau một chút, lựa nhau một tí, làm điểm tựa cho nhau để cùng thăng hoa.

Mỗi bài thơ là một câu chuyện. Bùi Mai Hạnh kể chuyện bằng thơ. Chuyện đời mình, chuyện của chồng, chuyện về cỏ cây hoa lá, về những mối quan hệ bình dị trong cuộc sống. Chảy tràn trong từng câu chuyện là tình yêu.

Cách cảm của Bùi Mai Hạnh, một người đàn bà đã trải bao ghềnh thác, đã vượt bao cam go bằng sự quả cảm và bản lĩnh đáng kinh ngạc, đầy lòng trắc ẩn và tình yêu. Trong mắt "bà nông dân" Mai Hạnh, giờ đây mọi thứ đều lấp lánh hương thơm và ánh sáng. Mai Hạnh nhìn vạn vật và con người đều đẹp theo cách riêng. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi bị hút chặt vào những câu thơ không vần điệu mà làm tan chảy trái tim bởi vẻ đẹp và tính nhân văn, trữ tình trong từng câu chữ.

Tôi nhớ cách đây vài năm, chị Hạnh có chia sẻ vườn quả của chị bị bọn chim trời đến ăn quả. Chị rất xót ruột mắng lũ chim và làm những cái lưới quây quanh cây để ngăn lũ chim rỉa trái. Ông nông dân chồng chị bảo chị rằng: quả mình ăn không hết, hãy chia cho lũ chim trời ăn cùng. Bọn nó được ăn, mình lại được nghe tiếng hót. Cách nhìn nhân văn ấy của ông nông dân tôi nhớ mãi.

Đọc trong “Người hát” của chị, tôi òa lên thích thú với câu chuyện chị chia sẻ trong tập thơ này. Đại ý là: có gia đình thỏ dắt díu nhau vào vườn nhà chị. Ông nông dân e ngại chúng sẽ phá hoại hoa màu. Bà nông dân Mai Hạnh mơ màng: "Chỉ cần thay PHÁ HOẠI bằng THƯỞNG THỨC, em thấy mình lạc vào cảnh giới khác".

Trời ạ, họ đã cảm hoá nhau theo cách kỳ diệu như vậy đấy. Lẽ nào mà mặt đất không hoá thiên đường. Và khi mặt đất hoá thiên đường, cái chết không còn đáng sợ:

"Này anh

Anh sẽ không khóc trong đám tang

Em cũng không khóc trong nghĩa trang

Lúc chúng mình tiễn nhau về với Mẹ Thiên Nhiên"

Cả một đoạn đời u tối cũ, Bùi Mai Hạnh đưa vào thơ, tôi đọc với tâm thức không phải để chìm vào u tối mà lấy đó như một mốc định vị để mà củng cố niềm tin và hi vọng về một sự bứt phá diệu kỳ từ bóng tối ra ánh sáng khi người ta còn khao khát sống. Hãy tưởng tượng "bà nông dân", "bà tiên" Mai Hạnh rạng rỡ tràn đầy nhựa sống hôm nay đã từng sống 7 năm cùng con trai trong căn bếp có mấy mét vuông, cạnh chuồng lợn nhà hàng xóm (đọc bài “Vũ điệu mới”). Đúng là không gì là không thể khi ta còn khao khát sống.

Đọc “Người hát” để hiểu một hồn thơ của "hồn và xác" năm ấy tại sao lại gắn kết định mệnh vợ chồng với "viên xúc xắc mùa thu". Cái gì tồn tại cũng có lý của nó. Chẳng có gì là hoàn toàn ngẫu nhiên. Có cái lò xo bị nén cùng cực Bùi Mai Hạnh ngày đó mới có một "bà nông dân" Mai Hạnh tươi rói, an nhiên, tràn đầy nhựa sống hôm nay bên ông nông dân bảy mươi với tâm hồn mười bảy.

Yêu lắm tâm hồn đa cảm, mong manh dễ vỡ nhưng cũng thật nồng nàn, mạnh mẽ đầy bản lĩnh Bùi Mai Hạnh.

Đọc “Người hát” để thấy sâu hơn nhiều góc khuất dễ thương tan chảy của Bùi Mai Hạnh. Đọc thơ của người đàn bà yêu chồng để thấy nghĩa phu thê và tình yêu vợ chồng là có thật. Để tin hơn, yêu hơn cuộc đời đẹp đẽ, thánh thiện này.

Nào những người vợ, bạn cảm thấy gì qua những câu thơ không vần, không điệu mà tan chảy con tim này:

"anh vừa gieo hạt vừa huýt sáo...

anh vừa đổ rác vừa huýt sáo...

anh vừa tìm kính lão vừa huýt sáo...

anh vừa giặt đồ lót của vợ vừa huýt sáo...

.....

Mẹ bảo anh giống bố

"con đừng lo, vợ chồng con sẽ ổn"

"sao mẹ biết?"

"vì mẹ được nghe tiếng bố huýt sáo suốt đời""

Cám ơn vợ chồng ông nông dân Bùi Mai Hạnh.

PGS.TS Trần Thị Thu Hoài - Đại học Kinh tế Quốc dân

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps