Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

07:00 | 29/01/2015

10,065 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Một buổi tối mùa đông năm 1955, trời tối đen như mực, tôi vừa từ đơn vị về nhà đã nhận được điện thoại của Bộ Nông nghiệp, nói là đồng chí Lưu Thụy Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp đang tìm tôi và sẽ cho ngay xe đến đón. Một lát xe đã tới, phần thì trời tối, phần do đèn đường yếu quá, xe lại chạy nhanh nên tôi cũng không biết đi tới nơi nào…”.

Đoạn hồi ức kể trên của Tiền Yến Văn, nguyên Phó phòng Động vật thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã vén lên bức màn lịch sử về “Chiến dịch chim sẻ” trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Trong phòng có 2 vị lãnh đạo đang ngồi chờ. Họ nói với tôi là, đồng chí Mao Trạch Đông nhận được phản ánh của bà con nông dân: Chim sẻ phá hoại mùa màng, chúng sinh đầy đàn, đầy lũ, ăn hại lương thực không biết đâu mà kể. Chim sẻ là giống có hại, liệu có thể tiêu diệt được chúng không?”.

Khi đó, chúng tôi vừa mới bắt tay vào nghiên cứu các loài chim chưa được bao lâu, nên trả lời họ: Chim sẻ là loài chim ăn hạt thực vật, bao gồm cả lương thực; chúng sống thành từng bầy trên các cánh đồng, trên mái nhà và các kho lương thực…, số lượng chúng rất nhiều nên ăn cũng rất tốn, có thể nói rằng, đây là giống chim có hại. Chỉ có điều là chúng tôi chưa nghiên cứu một cách có hệ thống về đặc tính của chim sẻ, nên tôi không dám khẳng định có nên tiêu diệt chim sẻ hay không”.

Nhưng đối với Mao Trạch Đông, một người hết sức thông thạo về nông thôn đã đưa ra quyết định: “Chim sẻ là loài có hại, cần phải tiêu diệt ngay”.

Tháng 11-1955, Mao Trạch Đông cùng với 14 vị bí thư tỉnh ủy đã viết xong 17 điều khoản về nông nghiệp. Sau đó 2 tháng, 17 điều khoản được bổ sung sửa đổi thành 40 điều khoản, tức là bản “Cương lĩnh phát triển nông nghiệp toàn quốc”, trong đó điều 27 quy định: “Phải trừ tứ hại. Bắt đầu từ năm 1956, lần lượt trong vòng 5 năm, 7 năm hoặc 12 năm, tại tất cả các địa phương có thể, về cơ bản phải tiêu diệt hết chuột, chim sẻ, ruồi nhặng và muỗi”.

Nhiều hình ảnh còn được lưu lại về "Chiến dịch chim sẻ - Đả ma tước vận động"

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Một quyết sách quan trọng đã được ra đời như thế đó! Trong 5 năm sau đó, chim sẻ được xác định là giống chim có hại và phải chịu mọi cực hình, khắp các địa phương phát động phong trào toàn dân diệt chim sẻ.

Đối với “Chiến dịch chim sẻ” long trời lở đất của thời kỳ đó, người dân Trung Quốc đã sống ở thập niên 50, không ai là không biết rõ, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhắc đến rất nhiều. Có lẽ bài viết của một người ngoài cuộc sẽ mang tính khách quan hơn về vấn đề này.

Đó là bài viết của Mikhain, một nhà khoa học Liên Xô được Viện Khoa học Trung Quốc mời sang: “Mấy ngày đầu, khi vừa tới Bắc Kinh, tôi đã nhìn thấy một bức tranh cổ động đồ sộ trong đó vẽ một phụ nữ mặc quân phục đang trừng mắt chỉ tay và lũ chuột, chim sẻ, ruồi nhặng và muỗi - 4 loài hại người đó đều được gạch chéo bằng nét bút to,màu đỏ.

Vào một buổi tối, khi đang dạo bước trước cửa khách sạn, tôi nhặt được một tờ truyền đơn. Điều khiến tôi phải ngạc nhiên là tờ truyền đơn được viết bằng tiếng Nga, mà càng đọc tôi càng thấy kỳ quặc. Truyền đơn viết cho con em các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại Trung Quốc, nhắc nhở chúng không được gây cản trở đến phong trào tiêu diệt chim sẻ. Còn mấy hôm nữa, cuộc vận động sẽ bắt đầu.

Chủ nhật, ngày 20-4, vừa mới tinh mơ, cả nhà tôi chợt bừng tỉnh bởi tiếng hét chói tai, khiến người nghe phải rùng rợn. Tôi vội bước đến bên cửa sổ, trông thấy một phụ nữ trẻ đang chạy đi chạy lại trên đỉnh nóc ngôi nhà gần đó, nom cô ta giống như một người điên đang khua khoắng cây sào lớn, trên đỉnh có buộc một chiếc chăn chiên. Đột nhiên, cô ta ngừng hò hét, có vẻ như nghỉ lấy hơi. Được một lát, từ trên đường phố, tiếng trống nổi lên, người phụ nữ đó lại phát ra tiếng hét rợn người và điên cuồng múa may “lá cờ” cổ quái đó. Cứ thế diễn ra trong vòng mấy phút. Sau đó ngừng tiếng trống, người phụ nữ cũng không hò hét nữa. Khi ấy, tôi mới nhận ra trên đỉnh khách sạn, chỗ nào cũng thấy những phụ nữ mặc áo trắng, tay phất drap trải giường và khăn mặt bông, với ý đồ không cho lũ chim sẻ đậu xuống nóc nhà.

Đó là màn mở đầu của cuộc vận động tiêu diệt chim sẻ. Suốt một ngày ròng rã, nào là gõ trống, nào là bắn súng, hò hét;  nào là khua chăn, nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng một con chim sẻ nào. Tôi cũng chẳng rõ, liệu có phải những com chim sẻ đáng thương kia đã ý thức được mối hiểm nguy đó, nên chúng đã sớm cao chạy xa bay đến một nơi an toàn rồi chăng? Hay là ở đây không có con chim sẻ nào.

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Sự thật về “Chiến dịch chim sẻ”

Chiến thuật của “Chiến dịch chim sẻ” này là làm cho những sinh linh nhỏ bé đáng thương kia không có lúc nào được đậu trên nóc nhà hoặc ngọn cây mà cứ phải bay lượn suốt không được nghỉ. Được biết, một con chim sẻ bay liên tục 4 giờ liền, nhất định sẽ bị kiệt sức mà rơi xuống. Vì vậy, suốt từ sáng tới tối, trống ếch, thanh la cứ khua gõ không lúc nào ngớt. Các cháu nam thiếu niên thì vác súng hơi, mang cung tên đi lùng sục khắp thành phố, phàm là những sinh linh có cánh đều bị tiêu diệt thẳng tay”.

Bài viết trên của “người ngoài cuộc” về cơ bản là chân thực, nhưng cũng có thêm thắt đôi chút. Ông ta nói rằng, quyết sách đó là “hoàn toàn do Đảng đề xướng và phát động” và “không hề trao đổi với bất cứ một chuyên gia nào”, điều đó hoàn toàn không chính xác.

Qua thống kê được biết, trước khi ban hành “40 điều khoản về nông nghiệp” trong đó có cả “Chiến dịch chim sẻ”. Mao Chủ tịch không những đã bàn bạc với các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố mà còn mời các nhà khoa học về công, nông nghiệp, y dược, xã hội… lãnh đạo các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân, cả thảy 1.375 người, chia thành tổ thảo luận và lắng nghe mọi ý kiến. Tháng 10-1956, tại Thanh Đảo đã tổ chức Đại hội Động vật học toàn quốc lần thứ 2, một số đại biểu Viện Khoa học Trung Quốc đã phát biểu ý kiến. Nhà sinh vật hoc thực nghiệm là Chu Tẩy phát biểu đầu tiên. Ông nói: “Nếu như chúng ta xem xét một cách sòng phẳng những lợi hại được mất thì phải thừa nhận rằng, trong suốt thời gian dài ngoài một số thời vụ chim sẻ gây hại, còn những thời vụ khác chúng là những con vật có ích. Do vậy, có tiêu diệt chím sẻ hay không, còn là vấn đề phải cân nhắc kỹ”.

Nhà điểu học Đặng Tác Tân đưa ra ý kiến: “Khi nước ta bắt đầu tiến hành cuộc vận động tiêu diệt chim sẻ, trong bài  phát biểu tại buổi tọa đàm, tôi đã nêu ra 2 điểm: Thứ nhất là không thể diệt hết chim sẻ được, bởi vì chúng được phân bố mang tính thế giới, vấn đề là phòng ngừa chứ không phải là tiêu diệt chúng mà chỉ nên diệt loài có hại. Điểm thứ hai là trong thời kỳ nuôi con, chim sẻ ăn sâu bọ, vì thế ở giai đoạn này chúng có ích cho con người”.

Vấn đề lợi hại của chim sẻ không thể bàn một cách ôm đồm mà phải nhìn nhận một cách biện chứng mới được.

Trong buổi thảo luận, rất nhiều nhà động vật học đồng thanh kiến nghị hãy tạm hoãn việc tiêu diệt chim sẻ.

Nhà động vật học Đinh Hán Ba nói: “Tạm hoãn việc bắt giết chim sẻ, mong rằng Viện Khoa học hãy nghiên cứu điều đó”.

Nhà động vật học kiêm nông sử học Tân Thụ Trì hy vọng rằng: “Chính phủ sẽ hoãn thi hành việc này, chờ điều tra nghiên cứu rõ mới làm”.

Nhà động vật học bò sát Trương Mạch Văn thì nói: “Trong khi chưa có kết luận khoa học chính thức, mong rằng chính phủ hãy cân nhắc, chớ nên tiến hành rầm rộ”.

Ngày 26-10-1957, cuộc đấu tranh “chống hữu” đã kết thúc. Nhân dân Nhật báo đã chính thức công bố bản “Cương lĩnh phát triển nông nghiệp toàn quốc từ 1956-1967” (bản sửa đổi). Có lẽ sau khi tiếp thu một phần ý kiến của các nhà sinh vật học, nên nội dung “trừ tứ hại” ở điều thứ 27 của bản cương lĩnh được sửa là: “Kể từ năm 1956 trở đi, trong vòng 12 năm, ở tất cả những nơi có thể, sẽ tiêu diệt về cơ bản chuột, chim sẻ, ruồi nhặng và muỗi. Diệt chim sẻ nhằm bảo vệ mùa màng; chim sẻ ở thành phố hoặc vùng rừng núi có thể không cần tiêu diệt”.

Vậy mà sau khi bản cương lĩnh sửa đổi được công bố, nhiều thành phố vẫn không dừng việc diệt chim sẻ theo quy định mà còn tăng cường gióng trống phất cờ, phát động rầm rộ một phong trào quần chúng tiêu diệt chim sẻ.

Ở Thượng Hải, đợt đầu tiên của “Chiến dịch chim sẻ”, trong vòng 3 ngày, diệt được 88.171 con, thu nhặt được 265.968 trứng chim; đợt thứ 2, tiến hành trong 2 ngày, diệt được 598.001 con.

Còn khẩu hiệu ở thành phố Bắc Kinh là: “Gian khổ 3 ngày để tiêu diệt hết chim sẻ”. Tại đây, người ta tổ chức hành động thống nhất trong phạm vi toàn thành phố nhằm tiêu diệt hết chim sẻ.

Đương lúc “Chiến dịch chim sẻ” triển khai long trời lở đất thì nhà sinh vật học Trịnh Tác Tân đã quyết tâm làm một “luật sư bào chữa” cho chim sẻ.

Ông đã cùng các đồng nghiệp đi khắp các khu vực trồng lê ở tỉnh Hà Bắc và các vùng nông nghiệp gần ngoại ô Bắc Kinh để thu thập 848 tiêu bản chim sẻ và lần lượt mổ diều, mổ bụng từng con một.

Ông mở cuộc điều tra, khảo sát hết sức tỉ mỉ: Về mùa đông chim sẻ sống bằng những hạt cỏ. Mùa xuân thì đẻ và ấp trứng. Thời kỳ nuôi con, chúng bắt rất nhiều sâu bọ và trứng sâu, trong thức ăn của chim non chiếm 95%. Vào tháng 7, tháng 8, chim non trưởng thành bay ra khỏi tổ cũng vừa lúc thu hoạch vụ mùa, chim sẻ chủ yếu nhặt ngũ cốc còn sót lại và ăn hạt cỏ. Vì vậy, về mùa hè trong thời kỳ sinh sản, chim sẻ có nhiều cái lợi. Còn về mùa thu ở nông thôn, tại các nơi cất giữ lương thực, chim sẻ lại gây hại. Vùng rừng núi, thành thị và các mùa vụ khác, cố gắng để cho chim sẻ tự do hoạt động. Nói tóm lại, bàn về vấn đề lợi hại của chim sẻ, phải có cách nhìn biện chứng, không thể vơ đũa cả nắm, mà phải xem xét tùy theo từng vụ, tùy theo sự khác biệt của môi trường. Rất tiếc là, tiếng nói mang ý nghĩa khoa học đó đã không được truyền đến tai Mao Trạch Đông kịp thời.

Ngày 10-7-1959, Mao Trạch Đông đến nói chuyện tại Hội nghị Lô Sơn, khi nhắc đến việc cần phải sửa đổi 40 điều về nông nghiệp, bàn về vấn đề chim sẻ, ông nói: “Có người bảo trừ tứ hại không ổn, nên đã buông lỏng. Còn phải làm tiếp, hiện nay chim sẻ đã trở thành vấn đề lớn, còn phải tiêu diệt”.

Rồi cuối cùng, thời gian vẫn đủ để chứng minh: Quy luật tự nhiên thường vẫn có sức mạnh hơn ý chí các vĩ nhân. Chính khi Mao nhắc “còn phải tiêu diệt chim sẻ” thì cũng là lúc nhiều vùng nông thôn truyền lan cái tin “sâu bệnh hoành hành khắp mọi nơi”. Thêm nhiều nhà khoa học khác bắt đầu đứng ra “biện hộ” cho chim sẻ. Thậm chí, có nhà khoa học còn mạnh dạn nói rằng: “Lật lại vụ án chim sẻ còn có ý nghĩa hơn cả việc minh oan cho Tào Tháo”.

Ngày 27-11-1959, Trương Kinh Phu, Bí thư Đảng ủy, Viện phó Viện Khoa học Trung Quốc đã viết một bản “Báo cáo gửi Mao Chủ tịch về vấn đề chim sẻ”, trong đó có đoạn:

“Vấn đề chim sẻ, chúng tôi đã thu thập được một số tư liệu, nay báo cáo lên trên để phê duyệt.

Từ những tư liệu đó, chúng tôi có mấy ý kiến như sau:

1- Chim sẻ có lợi hay có hại, ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng không giống nhau. Ý kiến chung đều cho rằng: Tùy theo sự khác nhau về thời gian hay địa điểm mà cái lợi, cái hại cũng khác nhau. Chẳng hạn ở thành phố, rừng núi, vườn cây ăn quả và khu vực sản xuất nông nghiệp khác nhau, từng thời vụ cũng khác nhau, còn về vụ thu hoạch mùa màng mối nguy hại là lớn nhất.

2- Một số nhà khoa học nêu ra khuynh hướng: Chỉ tiêu diệt chim sẻ có hại chứ không phải là tiêu diệt chim sẻ nói chung.

3- Phần lớn các nhà sinh vật  học đều cho rằng, quy định nêu trong bản “Cương lĩnh phát triển nông nghiệp toàn quốc” sau khi đã sửa đổi là tương đối phù hợp. Song cũng có một số người nhận xét là có những thành phố chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Hiện nay, các nhà khoa học trong nước chưa thể đi sâu nghiên cứu toàn diện vấn đề lợi, hại của chim sẻ, chúng tôi đang khẩn trương bố trí việc nghiên cứu, sau một thời gian nữa, khi đã có thêm nhiều thành quả và tư liệu nghiên cứu, hãy triệu tập các nhà khoa học có liên quan trong cả nước để thảo luận kỹ càng đồng thời sẽ viết một bản báo cáo có đầy đủ căn cứ khoa học gửi lên Trung ương. Bản phụ lục “Một  số tư liệu phân tích về cái hại của chim sẻ” kèm theo báo cáo là tài liệu đã được chỉnh lý trên cơ sở tài liệu thực tế do Phòng Nghiên cứu động vật cung cấp, trong đó có cả mấy thí dụ lịch sử của nước ngoài liên quan đến vấn đề chim sẻ. Cách nhìn nhận vấn đề của các nhà khoa học trên thế giới hiện nay cũng như cách nhìn của các nhà khoa học trong nước”.

Cuối cùng thì “Chiến dịch chim sẻ” đã biến thành “Vụ án chim sẻ” và được chuyển tới Trung Nam Hải, đặt trên bàn của “Pháp quan tối cao” để chờ quyết định cuối cùng của Mao Trạch Đông.

Báo cáo của lãnh đạo Viện Khoa học và tài liệu do các nhà khoa học cung cấp đã được đặt trên bàn làm việc của Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông chăm chú xem những văn kiện đó và quyết tâm của vị Chủ tịch đã bị lay động. Mao Trạch Đông muốn “cải chính” lại, mà đây lại là “cải chính” của một quyết sách quan trọng do Mao Chủ tịch đề ra.

Để có được quyết sách đó là một việc vô cùng khó khăn.

Ngày 29-11-1959, Mao Trạch Đông đã phê vào báo cáo của Trương Kinh Phu: “Cho in và chuyển tới các đồng chí khác - Chú ý: Dùng làm tài liệu cho Hội nghị Hàng Châu, in và phát cho các đại biểu dự họp”.

Ngày 4-3-1960, “Tổ phối hợp công tác nghiên cứu chim sẻ” đã được thành lập với sự tham gia của đại biểu các cơ quan như: Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Vệ sinh, Bộ Lương thực, Ủy ban Phong trào vệ sinh yêu nước, Viện Khoa học Trung Quốc, Viện Khoa học Y học quân sự, Phòng Bảo vệ thực vật Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Phòng Động vật và Côn trùng. Hội nghị nhất trí cử ông Đổng Đệ Chu, chủ nhiệm bộ môn sinh vật học làm chủ nhiệm “Ban phối hợp công tác” nói trên.

Tháng 3-1960, Mao Chủ tịch thảo chỉ thị về công tác vệ sinh cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản chỉ thị nêu rõ: “Không được giết chim sẻ nữa, để chúng bắt sâu bọ. Khẩu hiệu lúc này là: Trừ hết chuột, sâu bọ, ruồi nhặng và muỗi”.

Vậy là cuối cùng Mao Trạch Đông đã “sửa sai” cho chim sẻ. “Chiến dịch chim sẻ” ở Trung Quốc kéo dài 5 năm đã hạ màn.

V.H

(Theo Văn túy Trung Quốc)