Vì sao lại chỉ có người Mỹ và Anh bị chặt đầu?

06:30 | 15/09/2014

1,968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong một tháng vừa qua, đã có ba nạn nhân bị Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu, trong đó có hai người Mỹ và một người Anh. Mặc dù giữ trong tay nhiều con tin nước ngoài nhưng vì sao IS chỉ chặt đầu các công dân người Mỹ và Anh?

Ba con tin người Mỹ và Anh bị IS hành quyết trong một tháng qua

Ngày 13/9, IS vừa chặt đầu nhân viên cứu trợ người Anh, David Haines. Đây là điều có thể dự đoán được vì trong đoạn video quay cảnh xử tử nhà báo Mỹ Steven Sotloff hồi gần đây, IS đã cảnh báo nạn nhân tiếp theo của chúng sẽ là David Haines. Nạn nhân đầu tiên trong “làn sóng chặt đầu” của IS là nhà báo Mỹ James Foley, xảy ra hồi giữa tháng 8/2014.

Lý do được IS đưa ra trong vụ hành quyết nhân viên cứu trợ David Haines là “Thủ tướng Anh David Cameron đã vào hùa theo Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo”.

Thực tế IS đang giữ rất nhiều con tin nước ngoài, đa phần là công dân các nước phương Tây. Nhưng việc chúng chỉ chặt đầu 2 người Mỹ và một người Anh có nhiều nguyên do. Thứ nhất có thể dễ dàng nhận thấy, đây là sự trả thù của IS trước những cuộc không kích của Mỹ tại Iraq. Điều này được IS nói rõ trong các đoạn video quay cảnh hành quyết những công dân Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa. Trong số các nước phương Tây, Mỹ và Anh là hai quốc gia kiên quyết không chấp nhận chung tiền cho bọn bắt cóc. Mỹ cho rằng trả tiền chuộc chỉ có lợi trong ngắn hạn nhưng không giải quyết được vấn đề mà còn gián tiếp “tài trợ cho quân khủng bố, giúp chúng tăng cường ảnh hưởng và khả năng chiến đấu”.

David Cohen, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ đặc trách tình báo về tài chính của khủng bố, giải thích: “Chúng ta phải tìm ra phương cách bẻ gẫy chu trình này. Không chấp nhận trả tiền chuộc là cách đúng nhất. Bởi vì nếu những kẻ bắt cóc chắc chắn không kiếm ra tiền như chúng muốn, thì chúng sẽ chẳng bắt giữ con tin làm gì nữa”.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh ngày càng coi việc trả tiền chuộc như là một nỗ lực tuyệt vọng để giải thoát cho công dân mình. Theo điều tra riêng của tờ New York Times thì Pháp từ 2008 đến nay đã trả 58 triệu USD tiền chuộc mạng cho công dân của họ, nhiều nhất trong tất cả mọi nước. Tiếp theo là Thụy Sĩ 12.4 triệu USD và Tây Ban Nha 5.9 triệu USD.

Al-Qaida và các nhóm Hồi giáo cực đoan xem việc bắt cóc các con tin phương Tây như là một ngành kinh doanh béo bở và có thể thu về hàng trăm triệu USD từ các khoản tiền chuộc. Những khoản tiền chuộc mà châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh đã trả giúp cho các nhóm khủng bố có sẵn một tài khoản rất lớn để tổ chức, tuyển mộ và hoạt động. Nhóm IS được coi là nhóm có hệ thống tống tiền và tuyên truyền hiệu quả hơn cả Al-Qaeda và có ngân sách ước lượng 2 tỷ USD.

Việc các nạn nhân Mỹ và Anh bị IS chặt đầu đang làm sống lại những tranh luận nên hay không nên chấp nhận trả tiền chuộc. Ngày 13/9, gia đình của nhà báo Mỹ James Foley, nạn nhân đầu tiên bị các phần tử IS chặt đầu tại Syria, đã bắt đầu lập một quỹ hỗ trợ cho các gia đình những người Mỹ khác bị bắt tại những vùng thù địch.

Quỹ Di sản James W. Foley cũng sẽ hoạt động để xây dựng một chính sách toàn cầu ngăn ngừa bắt cóc. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình tuần trước, mẹ của Foley chỉ trích Chính phủ Mỹ không làm nhiều hơn nữa để cứu con bà. Nhà báo Foley đáng lý sẽ không bị giết nếu phía Mỹ chịu chung 100 trệu USD tiền chuộc mạng cho IS. Một khoảng thời gian trước khi hành hình, bọn khủng bố đã liên lạc với người thân của James Foley và đòi nộp khoản tiền chuộc lớn mà gia đình này không đủ khả năng lo liệu. Cũng trong thời gian này, các đại diện của Chính quyền Obama mấy lần cảnh báo gia đình Foley về những hậu quả nghiêm trọng mà họ sẽ phải đối mặt, nếu vẫn quyết trả khoản tiền chuộc để cứu người con trai đang bị IS giam giữ.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc