Trung Quốc trước nguy cơ đại dịch H7N9

11:00 | 22/04/2013

1,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã có 101 trường hợp nhiễm virus H7N9 trong đó 20 tử vong; cơ chế lây nhiễm vẫn còn bí ẩn. Những diễn liên quan đến virus cúm gia cầm mới khiến dư luận nhớ lại dịch bệnh SARS bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2003.

 

Tiêu hủy gia cầm tại một chợ ở Thượng Hải

Bí ẩn bao trùm dịch cúm gia cầm H7N9

Cuối tháng 3/2013, chính quyền Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ba trường hợp nhiễm bệnh cho con người do virus H7N9 gây ra tại thành phố Thượng Hải và tỉnh An Huy ở bên cạnh. Dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc giờ đây dường như vẫn còn là một ẩn số. Gần phân nửa số bệnh nhân của bệnh dịch này không hề tiếp xúc với gia cầm và rất ít gia cầm bị nhiễm bệnh.

Cơ chế lây lan của loại virus mới H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc vẫn còn rất bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một nhóm nghiên cứu bao gồm 15 chuyên gia giỏi nhất về dịch cúm gia cầm để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân lây sang người.

Theo số liệu từ WHO, tính đến ngày 22/4/2013 có đến 101 trường hợp nhiễm bệnh trong đó 20 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, Giám đốc văn phòng phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cho biết 40% bệnh nhân không có tiếp xúc với gia cầm. Cho đến nay, người ta vẫn nghi ngờ gia cầm là nguyên nhân chính lây bệnh. Phát ngôn viên của WHO khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh dịch lây từ người sang người.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong 50.000 mẫu xét nghiệm trên gia cầm, chỉ có 39 con bị nhiễm bệnh. Câu hỏi về con đường lây lan của bệnh dịch càng trở nên phức tạp, khi mà bất cứ ai cũng có khả năng tiếp xúc với gia cầm còn sống khi đi chợ, vì tại Trung Quốc, người ta vẫn thích mua đồ tươi sống được giết mổ tại chỗ.

Rõ ràng thì mối liên hệ này chưa đủ để thiết lập nguyên nhân của của sự lây nhiễm. Do đó, cần phải mở rộng hướng điều tra ra các loài vật khác, ví dụ như lợn là cầu nối của nhiều động vật khác. Theo Vincent Martin, thuộc tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), “chúng ta có một loại virus bệnh rất khó dò tìm mà đã gây ra tử vong cho con người”.

H7N9 là gì?

Người ta thường gọi chung một số chứng bệnh là cúm (flu, hay đúng hơn, influenza) do virus gây ra. Virus có thể xuất phát từ giống chim hay loài có vú và lây cho con người. Loại cúm A (Influenza A) xuất phát từ giống chim (kể cả gia cầm) được gọi chung là “cúm chim” như “cúm heo”, “cúm bò”, “cúm chó”, lây ra từ súc vật. Trong loại cúm A (từ chữ avian là chim) có một chi lạ vừa xuất hiện, gọi là H7N9. Khi nói đến “Influenza A (H7N9)” thì ta biết đến loại cúm chim, thuộc chi H7N9, vừa thấy xuất hiện tại Trung Quốc.

Nguyên nhân từ đâu thì chưa ai rõ, dù nhiều người nghĩ ra mối liên hệ đến sự kiện lạ vào đầu tháng ba vừa qua.

Trước khi có tin về bệnh H7N9, người ta đã thấy cả vạn xác heo và vịt nổi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố chảy ngang Thượng Hải rồi nhiều con sông khác trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Lý do có thể là vì nhiều hãng xưởng hay lò sát sinh đã thủ tiêu xác chết bằng cách đơn giản (theo kiểu Trung Quốc) là quăng xuống sông. Nhưng nguyên nhân vì sao mà heo gà lại chết cả vạn con như vậy thì chưa ai rõ. Còn giới chức Bắc Kinh phủ nhận là các con vật này đã chết vì bệnh H7N9.

Trở lại chuyện H7N9, sau khi Trung Quốc xác nhận với tổ chức WHO, người ta được biết thêm hai trường hợp dẫn đến tử vong ở Thượng Hải. Tính đến ngày 8/4 vừa qua, có 24 trường hợp mắc bệnh và 7 người thiệt mạng tại nhiều tỉnh khác ở miền Ðông của Trung Quốc. Tại hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang cũng đã thấy phát hiện loại bệnh này. Trong những ngày tới, người ta chờ đợi là còn được biết thêm về nhiều trường hợp khác, ở nơi khác.

Cho đến nay, bệnh vẫn còn mới và cả trăm người đã có tiếp cận với bệnh nhân đang được cách ly để chẩn bệnh và chưa thấy nói đến tình trạng lây bệnh...

Chúng ta nên chú ý đến hai chuyện: 1) bệnh có thể lây từ súc vật (chim chóc, gà vịt) qua con người và 2) từ con người lây qua con người. Trường hợp thứ hai này nguy hiểm hơn vì sau khi bột phát lại dễ lan thành dịch hay đại dịch khi mà con người dễ chung đụng với con người và bệnh có thể lây qua không khí (hít thở) hay tiếp cận (bắt tay).

Theo tổ chức WHO thì chưa có triệu chứng là bệnh H7N9 có thể lây từ người qua người.

Từ H7N9 nhớ về hội chứng SARS

Năm 2003, Trung Quốc đã bị bệnh SARS (Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng), suýt trở thành đại dịch vì lây bệnh cho hơn 8.000 người và gây ra 775 trường hợp tử vong.

Khi nhớ lại thì lần ấy, giới chức hữu trách của Trung Quốc đã ém tin và mất bốn tháng giấu giếm trước khi xác nhận và truy nguyên ra căn bệnh. Từ khi họ phát giác là vào tháng 11/2002 cho đến khi xác định là tháng 3/2003, bệnh cúm hô hấp đã lan qua Quảng Ðông, Hong Kong, Việt Nam, Singapore, Canada rồi nhiều nước khác. Lần này thì họ phản ứng nhanh hơn.

Phải chăng vì Chủ tịch Quốc hội Trương Ðức Giang (nhân vật đứng hàng thứ ba dưới Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường) đã học kinh nghiệm của lần trước, khi ông ta làm bí thư Quảng Ðông lúc dịch SARS vừa bùng nổ. Và lần đó lại còn hạn chế thông tin vì sợ người dân hốt hoảng?

Một lý do lạc quan thứ hai là phản ứng khá bén nhạy mau mắn của Tổ chức WHO khi theo dõi và trao đổi tin tức về bệnh H7N9. Khác với vụ SARS, lần này chính quyền Bắc Kinh chịu khó cung cấp thông tin cho quốc tế và trung tâm hợp tác của Trung Quốc với Tổ chức WHO đã xác nhận rằng dù chưa có thuốc ngừa, bệnh H7N9 vẫn có thể trị được.

Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) cũng cho biết là đã chuẩn bị bào chế thuốc chủng ngừa nếu cần thiết. CDC không là một cơ quan cứu hộ y tế ở cấp liên bang hay toàn cầu, nhưng là một lò thí nghiệm lớn, với kho thông tin dồi dào cho cả thế giới. Dù rằng từ khi CDC quyết định đến khi sản xuất ra thuốc chủng cũng phải mất 6 tháng, việc cơ quan này đã biết và thu thập dữ kiện nghiên cứu để phổ biến cho nơi khác.

Yếu tố thứ ba là ngay sau khi có tin tức về bệnh H7N9, các nước láng giềng của Trung Quốc lập tức ban hành biện pháp phòng ngừa. Nhật Bản dựng trạm kiểm soát tại các sân bay và báo động về triệu chứng nhiễm bệnh của du khách đến từ Trung Quốc. Việt Nam thì ra lệnh cấm nhập khẩu gà vịt từ Trung Quốc.

Diễn biến dịch cúm H7N9 tại Trung  Quốc

Hoảng loạn và thiệt hại kinh tế

Năm 2003, khi dịch bệnh H5N1, một loại cúm chim khác, bùng nổ tại Ðông Nam Á, hơn 400 triệu gia cầm đã bị giết để trừ bệnh. Trung Quốc là một nước sản xuất rất nhiều gia cầm, mỗi tuần có hơn 300 nghìn tấn. Khi bệnh H7N9 được phát giác lần đầu từ một con bồ câu ở Thượng Hải, chính quyền sở tại đã ra lệnh giết hai vạn gia cầm và đóng cửa các trại gia cầm ở hai thành phố Thượng Hải, Nam Kinh và trong tỉnh Giang Tô. Con số thiệt hại này kể ra vẫn còn ít so với sản lượng gà vịt của Trung Quốc. Nhưng tình hình có thể nguy ngập hơn trong thời gian tới.

Một lý do đáng ngại là khác với bệnh H5N1, bệnh H7N9 lại không để lại triệu chứng nhiễm bệnh trên giống gia cầm. Con vật mắc bệnh có thể gieo bệnh mà loài người lại không biết để ngừa. Khi ấy, người ta có thể trở lại hiện tượng “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, tức là sẽ phải giết rất nhiều gà vịt chim chóc. Bồ câu hay chim cút gì thì cũng vào hỏa lò! Gặp trường hợp đó, tổn thất kinh tế sẽ rất cao.

Một hậu quả khác là để tránh tổn thất, người ta sẽ giấu bệnh và dịch cúm càng dễ lây lan.

Lý do đáng ngại thứ hai là vì chính sách khoanh vùng hoặc vì sự sợ hãi, người ta dễ loan tin nhảm và càng gây lúng túng cho chính quyền khi thiếu sự tín nhiệm hai chiều. Dân không tin là nhà nước nói thật và nhà nước chỉ sợ là dân chúng sẽ gian lận trốn tránh. Hậu quả là bệnh càng dễ lan và thiệt hại kinh tế sẽ tích lũy. Người ta thấy ra điều ấy khi cổ phiếu của các công ty hàng không của Trung Quốc đều sụt giá sau khi có tin về bệnh H7N9. Và thức ăn cho gia súc, như ngô bắp, đều sẽ bị ảnh hưởng. Các trung tâm nghiên cứu về việc mua bán lương thực hay ngũ cốc đều đã chú ý đến hậu quả của bệnh H7N9.

Kinh nghiệm của dịch SARS lần trước cho thấy là sản lượng kinh tế Trung Quốc sụt mất 1%, thay vì 10% thì chỉ còn có 9%. Và Hong Kong mất 2.6%. Số du khách tại các nơi nhiễm bệnh thì sụt mất phân nửa. Ngày nay, đà gia tăng sản xuất của kinh tế Trung Quốc lại thấp hơn 10 năm trước và một vụ thiệt hại tương tự có thể là mất 16 tỷ USD. Con số này không nhiều, nếu dịch bệnh được khoanh vùng và mau chóng đẩy lui. Và nếu như virus gây bệnh lại không biến thể để tồn tại dưới dạng khác hoặc gây hốt hoảng lan rộng.

Người ta đang gặp trường hợp có khá nhiều cái “nếu”... Chúng ta thường thấy truyền thông báo chí loan tin khi có một chứng bệnh lạ, như cúm chim, hay dịch bệnh SARS năm xưa. Ðấy là lúc dư luận có thể bị hốt hoảng mà lấy phản ứng thái quá.

Từ tháng 2/2013 đến giờ đã có tin tức dồn dập về dịch bệnh, nào là bệnh H5N1 ở Campuchia, H1N1 ở Ấn Ðộ và một chứng bệnh SARS khác tại Anh. Tại Mỹ thì từ mấy tháng qua người ta thấy bệnh cúm bột phát nhiều hơn mọi năm. Lại còn có trường hợp một người dân Nepal đi qua nhiều nước trước khi đến Mỹ và bị phát giác là mang bệnh lao nhưng lại khó trị bằng các dược liệu thông thường. Trung tâm CDC của Mỹ cũng cho biết là có sự gia tăng bất thường của nhiều trường hợp nhiễm độc mà không thể trị bằng thuốc trụ sinh…

Loại tin như vậy dễ gây ra hốt hoảng và các cơ quan hữu trách bị đặt trước bài toán lưỡng nan. Ðó là phải có thông tin để mọi người biết mà phòng ngừa, nhưng thông tin ấy cũng có thể gây sợ hãi và dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, họ phải vừa thông báo, vừa ráo riết tìm giải pháp trị liệu, vừa trấn an mọi người để không ai giấu bệnh hoặc ai ai cũng nghi ngờ thực phẩm hay du khách của nước khác...

Trong thế kỷ 20, thế giới đã bị một trận đại dịch từ tháng 1/1918 đến cuối năm 1920 khiến 500 triệu người mắc bệnh cúm và từ 40 đến 50 triệu người thiệt mạng ở khắp nơi trên thế giới. Trận đại dịch ấy bị gọi sai là Cúm Tây Ban Nha (Spain Flu) vì thời ấy nước này cho loan truyền tin tức nhiều hơn cả và gây ấn tượng là bệnh cúm xuất phát từ đây. Sau này, mỗi khi có trường hợp dịch bệnh bột phát, người ta lại so sánh với trận đại dịch 1918 và làm thiên hạ rùng mình.

Thế rồi chính là nỗi lo sợ ấy mới dễ gây hốt hoảng trong khi các trường hợp dịch bệnh như SARS hay H5N1 hoặc H7N9 đang xảy ra lại ít có khả năng biến thái làm y khoa phải bó tay. Khi biết được như vậy thì người ta đỡ sợ, nhưng chưa biết thì lại gây hốt hoảng và làm kinh tế thêm suy sụp.

Trong vụ H7N9 lần này, lãnh đạo Trung Quốc đã không ém tin và còn sớm nhờ quốc tế giúp đỡ. Vì vậy, người ta hy vọng là bệnh H7N9 sẽ bị chặn đứng và thoái trào. Nhưng ngoài thiệt hại về nhân mạng, thiệt hại về kinh tế cũng đáng kể, nếu gia cầm chim chóc đều bị giết như chuyện đã xảy ra 10 năm về trước.

Chỉ mong rằng gà vịt bị nhiễm bệnh tại Trung Quốc lại không nhập lậu vào Việt Nam.

Khuyến cáo phòng chống cúm A/H7N9

-Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, nơi ở phải thông thoáng, giữ gìn an toàn thực phẩm và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Không nên sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Người dân khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có các biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Những người trở về nước từ khi vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế để được theo dõi sức khỏe.

H.Phan (Tổng hợp)