Thủ tướng Nhật “không còn gì để mất” với Trung Quốc?

18:40 | 28/12/2013

17,319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc ông Abe đến cầu nguyện tại đền Yasukuni hôm 26/12 đang gây chấn động tại Trung Quốc. Sau nhiều lần cố gắng né tránh thăm ngôi đền tranh cãi này, giờ đây ông Abe đã cảm thấy không còn gì để mất.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) đến viếng đền Yasukuni ngày 26/12/2013

Theo các nhà quan sát, tinh thần dân tộc chủ nghĩa của ông Shinzo Abe không phải là điều bí mật, và việc đến cầu nguyện tại “thánh địa” của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản là đền Yasukuni đối với ông là một điều tự nhiên. Thế nhưng, từ khi lên lãnh đạo Nhật Bản, ông đã cố tránh thực hiện điều này, vì không muốn gây thêm căng thẳng với hai láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn rất nhạy cảm với vấn đề này.

Trở lại ghế Thủ tướng Nhật cách đây đúng một năm, vào thời điểm quan hệ Tokyo-Bắc Kinh ngày càng căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Shinzo Abe đã nhiều lần tỏ thái độ hòa hoãn với Trung Quốc, đề nghị một cuộc họp tay đôi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giảm nhẹ căng thẳng, nhưng chưa thành.

Ông Abe đồng thời được cho là cố tránh những động thái có thể gây căng thẳng, trong đó có việc viếng đền Yasukuni. Trong một số dịp trước đây, ông đã bật đèn xanh cho các bộ trưởng của ông, muốn viếng đền thì viếng, nhưng bản thân ông chỉ gửi lễ vật.

Thế nhưng, tất cả những đề nghị hòa hoãn của ông Abe đều bị Trung Quốc gạt qua một bên. Thậm chí, Bắc Kinh ngày càng gia tăng các hành động lấn lướt Nhật Bản trên vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, với các vụ thâm nhập thường xuyên vùng biển chung quanh quần đảo - trên nguyên tắc, nằm dưới quyền quản lý của Nhật Bản, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền nhân danh lịch sử.

Tháng 11 vừa qua, không bằng lòng với các vụ thâm nhập hải phận và không phận Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã tăng cường áp lực trên Nhật Bản khi tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo mà họ đang tranh chấp, đồng thời đe dọa có biện pháp mạnh đối với bất kỳ máy bay nào đi vào vùng phòng không mà không thông báo trước.

Theo một số nhà phân tích, chính thái độ coi thường Tokyo của Bắc Kinh đã kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa nơi Thủ tướng Nhật. Ed Griffith, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật tại Đại học Leeds ở Anh, cho rằng chính bế tắc kéo dài trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã làm cho ông Abe thấy rằng ông không có gì để mất khi đi viếng đền Yasukuni.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia này xác định: “Ông Abe đã luôn luôn muốn đến thăm ngôi đền trong khi làm thủ tướng, nhưng trước đây ông tránh không làm vì không muốn phá hoại bang giao Nhật-Trung. Tuy nhiên, với các tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm cho quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1945 đến nay, ông Abe rõ ràng là không còn nhìn thấy việc đi viếng đền Yasukuni là một trở ngại”.

Theo chuyên gia Ed Griffith, “Trung Quốc nhiều lần cho biết rõ là họ không chấp nhận việc một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm đi viếng đền Yasukuni”. Trong bối cảnh đó, hành động này của ông Abe có thể được xem là một đòn khiêu khích ngược lại của Nhật Bản nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, vốn bị cho là đã khiêu khích Tokyo qua vụ lập vùng nhận dạng phòng không bao gồm cả khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Vấn đề là những hành động khiêu khích lẫn nhau như trên có nguy cơ làm xung đột bùng lên, đặc biệt vào lúc mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới lên cầm quyền.

Cổ Khánh Quốc, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, đã cho rằng Thủ tướng Abe đang lao vào một trò chơi ai lì hơn ai đầy nguy hiểm vì những lý do chính trị nội bộ. Trả lời AFP, chuyên gia này nhận định: “Tính toán là như sau: Ai đứng lên chống Trung Quốc... dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, đều được khoác vẻ can đảm và anh hùng”.

Đối với chuyên gia này, việc làm hôm 26/12 của ông Abe đã làm cho quan hệ Nhật-Trung vốn đã rất khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Phản ứng đến từ Bắc Kinh đối với chuyến thăm đền Yasukuni đặc biệt dữ dội. Trung Quốc hôm 26/12, đã triệu mời đại sứ Nhật lên để phản đối. Bài xã luận trên tờ China Daily, hôm 27/12, khẳng định: "Nên chấm dứt việc nói suông mà phải có hành động “trước một sự sỉ nhục” không thể chấp nhận được".

Báo chí Trung Quốc đề nghị đặt ông Shinzo Abe vào danh sách đen những người cần tẩy chay trong các cuộc gặp quốc tế. Những tài xế taxi hay những người gặp trong các cuộc diễn hành chống Nhật cũng có đề nghị tương tự.

Tờ Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc viết rằng hành động của ông Abe là hành động không thể chấp nhận hay tha thứ, đòi hỏi chính phủ Bắc Kinh phải có biện pháp cứng rắn hơn với Nhật Bản.

Bài bình luận của tờ báo này nói rằng điều dân chúng Trung Quốc sẽ không bao giờ quên là một mặt ông Abe viếng đền dâng hương, cầu nguyện trước “những kẻ phạm pháp”, trong khi mặt khác ông lại lên tiếng nói sẵn sàng tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đền tử sĩ Yasukuni là nơi thờ phụng những vị anh hùng của Xứ Phù Tang, trong đó có cả những tướng lĩnh của quân đội Thiên Hoàng bị xếp vào danh sách tội phạm chiến tranh vì từng gây tang tóc cho các nước châu Á trong thời gian các quốc gia này bị Nhật đô hộ.

Bài bình luận của tờ Nhân Dân đưa ra những lời lẽ nặng nề hơn, ngụ ý cho rằng một quốc gia không dám nhìn nhận lịch sử, không biết phân biệt giữa quỷ dữ và người lương thiện, thì quốc gia đó sẽ chẳng bao giờ trưởng thành!

Biểu tình đốt cờ Nhật trước lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồng Kông, ngày 27/12/2013

Điều hiếm hoi là hành động thăm đền Yasukuni của ông Abe cũng bị đồng minh thân thiết là Mỹ chỉ trích. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng lên tiếng tỏ thái độ bất bình.

Trong một bản thông báo công bố hôm 26/12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công khai bày tỏ quan điểm bất đồng tình với việc làm của người đứng đầu một quốc gia được Washington xem là “đồng minh và bạn bè quan trọng”. Thông cáo nói rõ: “Mỹ thất vọng trước việc lãnh đạo Nhật Bản đã có một hành động sẽ làm cho quan hệ với các láng giềng thêm căng thẳng”.

Lời chỉ trích của Mỹ đã thu hút sự chú ý vì cho đến nay, Washington hầu như không bao giờ công khai chỉ trích Tokyo, một đồng minh gắn bò với mình bằng một hiệp ước phòng thủ chung, và đóng một vai trò thiết yếu đối với nền an ninh Mỹ trong một khu vực được đánh dấu bằng sự vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc và các mối đe dọa tiềm tàng đến từ Triều Tiên.

Cùng một quan điểm phê phán, Liên minh châu Âu vào hôm 26/12 cũng đánh giá rằng chuyến ghé thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản “không phải là một cơ hội tốt” cho việc giảm bớt căng thẳng trong khu vực. Trong một bản thông cáo, bà Catherine Ashton, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên minh châu Âu đã cho rằng các quốc gia trong khu vực nên tránh những hành động có nguy cơ gây thêm căng thẳng.

H.Phan

tổng hợp