Pháp khủng hoảng chính trị

08:35 | 26/08/2014

834 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ nước Pháp lại rơi vào tình cảnh như hiện nay: một số bộ trưởng lại phản đối chính sách của Thủ tướng Manuel Valls. Tất cả đều bắt nguồn từ việc nền kinh tế của xứ Gaulois ngày càng đi xuống.

 Tổng thống Pháp François Hollande (trái) và Thủ tướng Manuel Valls sau cuộc họp tại Điện Elysée, ngày 24/8

Sau những chỉ trích mạnh mẽ của một số bộ trưởng về chính sách kinh tế của chính phủ, ngày 25/8, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã đệ đơn xin giải thể nội các. Tuy nhiên, Tổng thống François Hollande đã đề nghị ông Manuel Valls tiếp tục đứng ra lập nội các mới.

Trong những ngày qua, một số bộ trưởng được coi là thuộc cánh tả của đảng Xã hội, như Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, đã công khai chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của Pháp và châu Âu.

Cả hai đều yêu cầu Tổng thống Pháp thay đổi đường lối để khôi phục tăng trưởng. Thủ tướng Valls dĩ nhiên không bằng lòng. Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg chủ trương thay đổi hướng đi hiện nay. Ông cũng kêu gọi gây nên một cú sốc trong vùng đồng euro, nơi mà các lãnh đạo vẫn khăng khăng với các chính sách ngăn chặn tăng trưởng và không làm thất nghiệp giảm đi.

Theo những người thân cận của Thủ tướng Manuel Valls, các chỉ trích của Bộ trưởng Kinh tế Montebourg là không thể chấp nhận được. Một cố vấn của Văn phòng Thủ tướng nói rằng ông Montebourg đã đi quá giới hạn, “một Bộ trưởng Kinh tế không thể bày tỏ lập trường trong những điều kiện như vậy về đường lối kinh tế của chính phủ và về một đối tác châu Âu, như nước Đức”. Chính vì thế “Thủ tướng đã quyết định phải hành động”, tức là thay đổi nội các.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde, ngày 23/8, ông Montebourg đã không tán đồng chính sách kinh tế của Tổng thống và Thủ tướng Pháp. Ông nói: “Nước Đức đã rơi vào cái bẫy của chính sách hà khắc mà họ đã áp đặt đối với châu Âu” và theo ông, “đây là chính sách của cánh hữu Đức, ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel. Nước Pháp không có thiên hướng chấp nhận những tiên đề tư tưởng của cánh hữu Đức”.

Ông Arnaud Montebourg đã có những phát biểu như trên sau khi Đức tuyên bố không chấp nhận lời kêu gọi của Tổng thống Pháp François Hollande là châu Âu cần xem xét lại các chính sách để có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm.

Tờ Le Figaro trong bài xã luận tỏ ra rất mỉa mai khi nhìn thấy đây là một phát súng mở một lỗ hổng to trong thành trì của chính quyền. Đây là sự cố hy hữu trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, vì chưa bao giờ có bộ trưởng nổi lên chống chính sách của chính phủ mình như thế. Tờ báo giải thích là Bộ trưởng Kinh tế phải thực hiện chính sách kinh tế của Tổng thống Hollande, muốn thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đồng thời giới hạn thâm thủng ngân sách. Thế nhưng ông Montebourg lại không đồng ý chút nào với quan điểm hạn chế chi tiêu, thâm thủng.

Le Figaro cho rằng tranh luận trên các chủ đề này không là điều cấm kỵ, nhưng khi một Bộ trưởng Kinh tế bày tỏ công khai bất đồng về đường lối của Tổng thống, điều này đặt ra hai vấn đề: Trước tiên là tính rõ ràng của chính sách nhà nước Pháp, và thứ hai là vấn đề uy tín. Ai còn có thể tin tưởng vào một đất nước với món nợ cao ngút và không muốn đặt ưu tiên cho việc giảm thâm thủng ngân sách? Tờ báo kết luận: cho dù hệ quả chính trị như thế nào chăng nữa, ông Hollande phải chấm dứt tình trạng lộn xộn này.

Báo Libération cũng cho rằng sự kiện một bộ trưởng kinh tế đánh giá chính sách kinh tế của chính phủ là tồi tệ, thì đó quả là một điều bất thường.

 

Th.Long

tổng hợp