Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Phải tự lực, tự cường

06:00 | 28/04/2014

1,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tối 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thủ đô Tokyo, Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước châu Á. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Nhật Bản trong 18 năm qua.

Năng lượng Mới số 316

Ngày 24/4, Tổng thống Barack Obama hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ 23/4) bởi diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về việc Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hãng Yonhap dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy về một vụ thử hạt nhân tại khu vực Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên.

Những nhận định khác nhau

Tổng thống Barack Obama đã chọc giận Trung Quốc khi khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ bảo vệ Nhật Bản trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Barack Obama tuyên bố rõ về vấn đề này. Tuyên bố kể trên (đăng trên tờ Yomiuri Shinbun hôm 23/4) được Tổng thống Barack Obama đưa ra chỉ vài giờ trước thềm chuyến thăm tới Tokyo. Và điều này đã được thông báo tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó, tất cả các quốc gia đều có quyền lợi trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trước đó, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cũng khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ Tokyo theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại cuộc họp báo ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh, Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc đặt quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khuôn khổ Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Tổng thống Mỹ (trái) và Thủ tướng Nhật

Giới truyền thông cho rằng, an ninh và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dự kiến sẽ là trọng tâm trong nghị trình chuyến thăm châu Á một tuần của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ 23/4). Tuy chỉ tới 4 quốc gia, nhưng do Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines đều có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nên chuyến công du của ông chủ Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng tới nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được xác định “xoay trục” từ 3 năm trước (2011-2014). Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, chuyến công du châu Á lần thứ 5 của Tổng thống Barack Obama có vai trò then chốt đối với tương lai của Mỹ và Washington cam kết thực hiện những kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi tờ Nhân dân nhật báo bày tỏ nghi ngờ (22/4) về chuyến công du của ông Barack Obama vì cho rằng, việc này chỉ làm leo thang các vấn đề trong khu vực, thì tờ USA Today cho rằng, Toktyo kỳ vọng vào những kết quả đóng vai trò bước ngoặt trong quan hệ Nhật - Mỹ nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ kể từ thời ông Bill Clinton, còn Manila hy vọng về sự ra đời của thỏa ước an ninh mới Philippines - Mỹ. Theo nhận định của tờ Washington Post, chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama nhằm tiếp sức sống cho chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương.

Giới bình luận cho rằng, chuyến đi của Tổng thống Barack Obama nhằm khôi phục niềm tin cho chiến lược “xoay trục”, đồng thời mở rộng hợp tác quân sự với Nhật Bản và Philippines. Ngoài ra cũng thể hiện mối quan hệ giữa Trung Quốc với các đồng minh, đối tác của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đang bị vướng vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Bên cạnh đó là sự thách thức vai trò của Mỹ tại khu vực của Trung Quốc - Washington vừa phải tái bố trí lực lượng quân sự để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, vừa phải hợp tác theo “quan hệ nước lớn kiểu mới” do Bắc Kinh đưa ra trong tình trạng Trung - Nhật gia tăng căng thẳng xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hitoshi Tanaka cho rằng, Tokyo và Washington cần kiên quyết, thể hiện rõ thái độ: Không muốn thấy Trung Quốc đơn phương áp dụng các hành động cưỡng chế thay đổi hiện trạng đảo. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản hy vọng Tổng thống Barack Obama cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước sự đe dọa của Trung Quốc. Giới chuyên môn cho rằng, tất cả nỗ lực của Nhật Bản đều thất bại nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ. Ông Yukio Okamoto, nguyên cố vấn Chính phủ Nhật Bản về đối ngoại cho rằng, Mỹ chưa có dấu hiệu thực sự thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương. Bởi từ năm 2011 đến nay, Mỹ mới có kế hoạch triển khai luân phiên 2.500 lính thủy đánh bộ đến căn cứ Darwin ở Australia.

Thỏa thuận hành xử trên biển

Ngày 22/4, Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (với sự tham dự của hơn 140 đại biểu đến từ 21 nước thành viên và 3 nước quan sát viên là Bangladesh, Ấn Độ, Mexico) đã thông qua thỏa thuận “Bộ quy tắc hành xử trong tình huống đối đầu ngoài dự kiến trên biển” nhằm ngăn ngừa hiểu lầm giữa các tàu hải quân trên biển phát triển thành xung đột. Theo đó, hải quân các nước có liên quan bắt buộc phải bắn pháo sáng xanh, vàng và đỏ tùy vào tình huống và thông báo với nhau bằng các thuật ngữ tiếng Anh. Nhưng theo Phó đô đốc Hải quân Trung Quốc Từ Hồng Mãnh, thỏa thuận này tuy sẽ tác động tích cực đến cách ứng xử hàng hải, song không liên quan đến cách ứng xử ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời phản đối hoạt động giám sát của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc. Trước đó, tờ Phượng Hoàng đưa tin, Trung Quốc đã hủy lễ duyệt binh trên biển ở Thanh Đảo vốn dự kiến tổ chức vào ngày 23/4 vì Washington từ chối tham gia sau khi Bắc Kinh loại Tokyo khỏi danh sách khách mời. Kể từ khi diễn đàn này thành lập vào năm 1987, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ - Philippines diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông năm 2012

Phát biểu bên lề Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) khai mạc ngày 21/4 tại tỉnh Chonburi (Thái Lan), Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot cho biết, việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là một quá trình làm việc không có khung thời gian. Ông Arthayudh Srisamoot cũng nhấn mạnh, quá trình COC mới chỉ bắt đầu và đã có tiến triển tốt. Còn theo Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Evan Medeiros cho biết, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của chuyến công du là tái khẳng định cam kết của Washington đối với chính sách cân bằng toàn diện tại Châu Á - Thái Bình Dương. Và Tổng thống Barack Obama sẽ nhấn mạnh tới COC giữa ASEAN và Trung Quốc là cơ chế quan trọng trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Ông Evan Medeiros cũng hoan nghênh việc Nhật Bản xem xét lại cơ sở pháp lý của “quyền phòng vệ tập thể”.

Ngày 22/4, ông Renato Reyes, Tổng thư ký tổ chức Bagong Alyansang Makabayan (Liên minh yêu nước mới) ở Philippines đã tuyên bố, Manila cần thúc đẩy công nghiệp hóa, xây dựng kinh tế và tránh lệ thuộc vào Mỹ để tăng dần khả năng quân sự phòng thủ; đồng thời lên án hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Renato Reyes, để đương đầu với Bắc Kinh, Manila phải tự lực, tự cường. Trước đó (21/4), mạng tin Manila Bulletin dẫn lời Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, Manila sẽ chi 2,5 tỉ peso (56 triệu USD) để mua 8 tàu tấn công đổ bộ cho hải quân nước này.

Trong khi đó, tờ Inquirer dẫn lời Tổng chưởng lý Francis Jardeleza cho biết, vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế của Philippines sẽ được giải quyết sớm nhất vào năm 2015 hoặc năm 2016. Còn theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippinese Herminio Coloma, Manila quan tâm tới việc Washington tái khẳng định tuân thủ Hiệp ước Phòng thủ Mỹ - Philippines, ủng hộ vụ kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã hội đàm với Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam tại thủ đô Manila, nhưng trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo không đề cập cụ thể đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 20/4, Hãng ABS CBN News đưa tin, Trung Quốc không những duy trì sự hiện diện (bất hợp pháp) của tàu khảo sát và lực lượng hải quân trên Biển Đông, mà còn sử dụng các thiết bị thông tin, viễn thông tiên tiến để nghe trộm tin tức, hoạt động của hải quân và cảnh sát biển Philippines. Và tâm điểm nghe trộm điện tử của Trung Quốc là Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, vì đây là nơi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Manila tại Biển Đông. Trung Quốc coi đây là “phản ứng thái quá” của Philippines để bào chữa cho việc tăng cường triển khai quân của Manila ở Biển Đông.

Bé xé ra to

Đền Yasukuni tiếp tục gây sóng gió trong quan hệ Nhật - Trung - Hàn sau khi có khoảng 150 nghị sĩ tới viếng (22/4), còn Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ lễ (21/4). Năm ngoái khoảng 160 nghị sĩ đã tới viếng đền Yasukuni vào lễ hội mùa xuân và mùa thu. Cũng trong ngày 21/4, các nhà hoạt động đã kiện chính phủ và đền Yasukuni lên Tòa án Tokyo, trong đó cáo buộc chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 26/12/2013 là vi hiến; đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại 10.000 yen/người. Trước đó (11/4), 540 công dân tại Osaka cũng kiện lên Tòa án Osaka với nội dung tương tự.

Những động thái kể trên diễn ra đúng thời điểm tòa án về hàng hải ở Thượng Hải, Trung Quốc ra lệnh bắt giữ tàu hàng Baosteel Emotion của Công ty Hàng hải Mitsui OSK Lines, Nhật Bản hôm 19/4. Bởi công ty kể trên không thanh toán tiền bồi thường xuất phát từ các nghĩa vụ thời chiến và việc này đang tác động bất lợi tới hoạt động thương mại của Nhật Bản ở Trung Quốc. Ngày 22/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo đã chính thức trao công hàm phản đối vụ Trung Quốc thu giữ tàu hàng Baosteel Emotion liên quan tới những hóa đơn chưa thanh toán từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Theo ông Yoshihide Suga, phán quyết thu giữ tàu của Thượng Hải có thể đe dọa các công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại Trung Quốc, và Tokyo vô cùng quan ngại về điều này.

Theo giới chuyên môn, chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của Tổng thống Barack Obama nhằm thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình của Mỹ ở khu vực với việc xoa dịu những bất đồng hiện nay giữa Tokyo và Seoul. Bởi Tokyo vừa khẳng định, chỉ thực hiện “quyền phòng vệ tập thể” khi xảy ra tình trạng khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên với sự chấp thuận của Seoul. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức bày tỏ lập trường liên quan đến việc sử dụng “quyền phòng vệ tập thể” thông qua kênh ngoại giao với Hàn Quốc. Nhưng trước đó (16/4), Nhật - Hàn vẫn không thu hẹp được bất đồng trong cuộc đàm phán tại Seoul về vấn đề phụ nữ Triều Tiên bị ép làm “nô lệ tình dục” cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Phát biểu sau khi cuộc đàm phán với Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang-deok, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara cho biết, đây là cuộc tham vấn có ý nghĩa vì 2 bên hiểu biết thêm về lập trường cũng như tình hình của nhau. Và 2 bên đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 5 tại Tokyo.

Trong khi đó, Mỹ - Philippines sẽ tập trận thường niên mang tên Balikatan (từ 5 đến 16/5) với sự tham gia của 3.000 binh sĩ Philippines và 2.500 quân nhân Mỹ. Đại úy Annalea Cazcarro, phát ngôn viên của cuộc tập trận cho biết, cuộc tập trận chung lần thứ 30 này nhằm nâng cao khả năng của quân đội Philippines trong việc lập kế hoạch hành động chống khủng hoảng và khủng bố, đồng thời nâng cao khả năng tương tác với các lực lượng vũ trang Mỹ.

Theo giới truyền thông, trước khi kết thúc năm 2014, Ấn Độ sẽ tiếp tục nhận 6 tiêm kích hạm MiG-29KUB để trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya, nâng tổng số máy bay loại này lên con số 13 trên tổng số 45 tiêm kích hạm. Và điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ đang tiến dần tới ngôi vị cường quốc tàu sân bay thế giới trong tương lai.

Ngày 22/4, phát biểu tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston khẳng định, F-35 là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới và việc trang bị thêm máy bay này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia của Australia trong nhiều thập niên tới. Được biết, Australia sẽ chi hơn 12 tỉ AUD (gần 12 tỉ USD) để mua thêm 58 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 trang bị cho không quân. Dự kiến chiếc máy bay F-35 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Australia vào năm 2018 và chính thức đi vào hoạt động năm 2020. Giới chuyên môn cũng đang quan tâm tới chiến lược phát triển vũ khí của Indonesia sau khi nước này tăng tốc phát triển ngành công nghiệp quân sự nội địa nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí nhập khẩu. Điều này có được kể từ khi ông Susilo Bambang Yudhoyono trở thành Tổng thống cách đây 10 năm (2004-2014). Từ năm 2012, ông Susilo Bambang Yudhoyono chỉ đạo quân đội mua vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước, trừ một số ngoại lệ, đồng thời cam kết hiện đại hóa quân đội và tăng gần 4 lần ngân sách để mua vũ khí.


Hồng Thất Công -Tuấn Quỳnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc