Palantir - một “cánh cửa sau” của CIA ít được biết

06:40 | 21/06/2013

1,374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong loạt công ty bị phanh phui dính vào scandal nghe trộm mà tờ Washington Post (7/6/2013) liệt kê (Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype…), người ta không thấy tên hãng phần mềm Palantir. Tuy nhiên, ít người biết rằng, Palantir Technologies vài năm gần đây là một trong những “cánh cửa sau” đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng tình báo Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nói riêng và rình rập nghe trộm nói chung…

Bí mật Palantir

Tháng 10, một người nước ngoài tên Mike Fikri mua vé máy bay một chiều từ Cairo đến Miami, nơi đương sự thuê phòng trọ. Vài tuần trước, Fikri thực hiện nhiều cuộc rút tiền lớn từ tài khoản một ngân hàng Nga và gọi loạt cuộc điện đến ai đó ở Syria. Gần đây hơn, Fikri thuê một xe tải, chạy đến Orlando thăm công viên giải trí Walt Disney World. Thoạt nhìn, Fikri chẳng có hành vi nào đáng ngờ và tất nhiên đương sự không hề biết rằng nhất cử nhất động đều được ghi nhận. Khi gõ tên Fikri vào ô tìm kiếm trên chiếc máy tính tại văn phòng Palantir, một chuyên gia phân tích có thể lôi ra hàng núi thông tin liên quan, từ dấu tay cho đến ADN; từ đoạn băng ghi cảnh đương sự rút tiền ở máy tự động tại Miami đến những bức ảnh chụp biển số chiếc xe mà đương sự thuê, từ danh sách các cuộc điện thoại thậm chí bản đồ chi tiết cho thấy tất cả địa điểm thế giới mà đương sự từng đến.

Mọi thông tin được hiển thị trên màn hình với giao diện được thiết kế như thấy trong phim Mission: Impossible. Một cái nhấp chuột, người ta biết Fikri chuyển tiền cho những người nhận cuộc gọi tại Syria; một cái nhấp chuột nữa giúp CIA truy cập các báo cáo về những người Syria mà Fikri liên hệ; một cú click nữa cho thấy nhóm người Syria trên đã mua vé máy bay đến Miami sau khi nhận được tiền mà Fikri gửi… Mike Fikri là một nhân vật không có thật. Đó là một hình mẫu tưởng tượng mà Palantir dựng lên để minh họa cho các phần mềm theo dõi độc nhất vô nhị của họ…

Peter Thiel - người sáng lập Palantir Technologies

Thành lập năm 2004, Palantir đã phát triển được những công cụ hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng tình báo Mỹ. Với CIA và FBI, họ có hàng ngàn kho dữ liệu khác nhau với ngồn ngộn thông tin liên quan mọi thứ, từ hồ sơ tài chính, mẫu ADN, mẫu giọng nói, băng hình, bản đồ lịch trình di chuyển đến vô số bức ảnh… Kết nối tất cả dữ liệu vốn như một ma trận, có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Mà thậm chí khi kết nối hợp nhất được dữ liệu thì người ta cũng không dễ dàng sắp xếp, phân loại một cách hệ thống để có thể truy xuất loại thông tin cần tìm trong thời gian ngắn. Palantir đã tìm được giải pháp cho vấn đề hóc búa trên. Cho nên, chẳng phải tự nhiên mà khách hàng Palantir toàn là các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Mỹ: Bộ Quốc phòng, CIA, FBI, Lục quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, Sở Cảnh sát New York và Los Angeles… và thậm chí các nhà băng...

Palantir có nguồn gốc từ PayPal - hãng thanh toán trực tuyến thành lập năm 1998 với một trong những người sáng lập là Peter Thiel. Trong nhiều năm, PayPal là một trong những cánh cửa tuyệt hảo của bọn tội phạm khi chúng sử dụng công cụ thanh toán này để rửa tiền. Nhằm đối phó với tội phạm, kỹ sư PayPal đã phát triển các thuật toán giúp nhận biết các vụ chuyển tiền đáng ngờ. Sau khi EBay mua PayPal năm 2002, Peter Thiel rời đi và thành lập quỹ đầu tư rủi ro Clarium Capital Management. Cùng Joe Lonsdale (một viên chức điều hành Clarium), Thiel xây dựng và phát triển phần mềm nhận biết tội phạm thành một hệ thống phân tích dữ liệu kết hợp giữa tình báo truyền thống và phần mềm tin học. Ngay từ lúc đó, nhóm Thiel đã xác định đối tượng khách hàng của họ là các cơ quan nhà nước. Cần uy tín để phát triển công ty (mà sau này đặt tên là Palantir), họ mời Tiến sĩ Alex Karp ngồi ghế Tổng giám đốc điều hành.

Tuy nhiên, Palantir chưa cho thấy tiềm năng nên nhiều công ty tài chính đã ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời kêu gọi vốn đầu tư của họ, từ Kleiner Perkins Caufield & Byers, Sequoia Capital đến Greylock Partners… Joe Lonsdale kể rằng một nhà đầu tư thậm chí còn cười vang trong điện thoại khi nghe mời tham gia. Thiel cùng Karp thậm chí tìm cách tiếp cận với giới chức an ninh tình báo. Một trong những người đầu tiên họ liên lạc là John Poindexter, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ronald Reagan. Ngoài ra, còn có Bryan Cunningham, viên chức CIA từng làm việc cho (cựu) Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Thông qua các mối quen biết, họ tiếp cận được In-Q-Tel, công ty tài chính riêng mà CIA thành lập năm 1999. In-Q-Tel đồng ý đầu tư với số tiền khiêm tốn 2 triệu USD. Cho đến giữa năm 2008, Palantir vẫn chưa ký được hợp đồng nào với Chính phủ Mỹ và mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ sau sự kiện khủng bố nước Mỹ 11/9/2001...

Palantir dính dáng đến scandal PRISM?

Trưa 15/2/2011, Jaime Zapata - nhân viên điều tra đặc biệt của Cơ quan Hải quan - Di trú Mỹ bị bọn buôn ma túy bắn chết tại một xa lộ ở Mexico. Người đồng sự sống sót, Victor Ávila, kể rằng có đến 15 tay súng vãi đạn vào xe nạn nhân. Để nhanh chóng tìm ra manh mối, Cơ quan Phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) đến gõ cửa Palantir. Cung cấp cho Palantir tất cả dữ liệu có được liên quan nhóm buôn lậu ma túy tình nghi, DEA đã có một hồ sơ hoàn hảo chỉ sau vài ngày mà nếu không nhờ phần mềm Palantir họ phải mất hàng tháng mới tổng hợp được. Mở chiến dịch truy quét bất ngờ, DEA cùng đồng sự Mexico và một số nước Nam Mỹ tịch thu được 467kg cocaine, 30kg methamphetamine và 282 vũ khí đồng thời bắt được 675 người, trong đó có nhóm sát thủ giết Jaime Zapata...

Bây giờ, Palantir đã là công ty quen mặt với giới Chính phủ Mỹ. Trụ sở của họ tại Tysons Corner (bang Virginia) chỉ cách tổng hành dinh CIA 10km. Palantir còn mở văn phòng tại Anh. Dịch vụ Palantir hiện được cung cấp không chỉ cho tình báo Mỹ mà còn cho lực lượng an ninh - tình báo Anh, Australia, Canada và New Zealand. Tháng 4/2010, an ninh Canada đã dùng phần mềm Palantir để phá một nhóm gián điệp mà một trong những hoạt động của chúng là đột nhập vào hệ thống mạng Bộ Quốc phòng Ấn Độ để cài “bọ” vào trương mục e-mail của Dalai Lama.

Edward Snowden - người phanh phui toàn bộ hồ sơ theo dõi công dân của Cơ quan An ninh Mỹ trong scandal tháng 6/2013

Tại Afghanistan, lực lượng đặc nhiệm Mỹ dùng phần mềm Palantir để hoạch định các kế hoạch tấn công. Họ gõ tên một ngôi làng vào hệ thống Palantir và bản đồ ngôi làng lập tức hiện lên với đầy đủ dữ liệu liên quan, từ số vụ tấn công du kích từng xảy ra trong quá khứ đến những vụ lính Mỹ bị trúng mìn bên vệ đường. Dùng chức năng tính toán thời gian, đặc nhiệm Mỹ bây giờ có thể biết những nơi nào thường xuyên xảy ra tấn công và xuất phát từ đâu…

Với dữ liệu chi tiết và hệ thống được cung cấp nhờ Palantir, đặc nhiệm Mỹ có thể dễ dàng lập chiến lược lẫn chiến thuật đột kích cho một chiến dịch. Phần mềm tối ưu hóa dữ liệu của Palantir còn được dùng trong ngân hàng. Vài năm gần đây, JPMorgan Chase đã dùng Palantir để giúp phát hiện các vụ gian lận chuyển khoản. Một trong những phần mềm hữu dụng đặc biệt của Palantir được ứng dụng trong ngành ngân hàng là BustOut, giúp dò ra nhanh chóng bọn tội phạm chuyên đánh cắp tài khoản trực tuyến cá nhân…

Vấn đề vốn được tranh cãi - tính xâm phạm quyền riêng tư công dân của những công cụ tương tự những phần mềm mà Palantir thiết kế - đang càng được chú ý sau scandal mà báo chí vừa lật tẩy thượng tuần tháng 6/2013. Điều đáng để ý là mật danh của chương trình nghe lén - đọc trộm của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - PRISM - lại trùng tên với một phần mềm nổi tiếng có tính năng tương tự của Palantir. Phản ứng trước nghi vấn rằng có đóng vai trò làm “cửa sau” cho hệ thống an ninh - tình báo Mỹ hay không, đại diện Palantir cho hay, họ không hề liên quan.

Cách đây không lâu, Christopher Soghoian thuộc Trung tâm An ninh mạng ứng dụng của Trường Tin học thuộc Đại học Indiana từng bày tỏ lo ngại rằng, Palantir sẽ gián tiếp giúp các cơ quan an ninh trở nên “vô độ” hơn trong các vụ thâm nhập dữ liệu cá nhân và cho rằng, Palantir không có tội. Soghoian đồng thời tin rằng, chính nó lại khiến các cơ quan an ninh dễ có tội khi lạm dụng công cụ được Palantir cung cấp. Điều này lại xảy ra với những gì như đang được thấy. Soghoian từng chỉ ra rằng, Bryan Cunningham - cố vấn pháp lý của Palantir - chính là người tỏ ra ủng hộ nhiệt tình chiến dịch nghe trộm công dân Mỹ thời Tổng thống George W. Bush.

Scandal PRISM đang trở thành chủ đề nổi cộm của báo chí Mỹ những ngày qua

Cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ sử dụng một (hoặc nhiều công ty tư nhân) cho mục đích thâm nhập hay mua hồ sơ cá nhân. Năm 2003, tờ The Guardian từng phanh phui vụ Washington bí mật mua hồ sơ cá nhân công dân tại nhiều nước Mỹ Latinh trong thời gian dài, với giúp đỡ của công ty Mỹ ChoicePoint. Tất cả mọi chi tiết, từ khai sinh, giới tính, tình trạng gia đình đến nghề nghiệp… đều bị tiếp cận đầy đủ.

ChoicePoint - trụ sở chính gần Atlanta - từng là công ty tham gia kiểm phiếu của cử tri Florida trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ 2000 và sau đó có kết luận nghiêng về ứng cử viên George W. Bush (hơn là Al Gore). Chi nhánh Database Technologies của ChoicePoint cũng từng được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê lập danh sách đăng ký đại cử tri và cuối cùng tính toán sai bét khiến mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Điều tra của báo Anh The Observer và Hãng thông tấn BBC từng tiết lộ rằng, Database Technologies “tài” đến mức đã xóa tên hàng ngàn cử tri vì cho rằng không đủ tiêu chuẩn bởi họ thuộc thành phần bất hảo nhưng hóa ra trong số hàng ngàn “kẻ bất hảo” trên có người chỉ phạm tội ngủ trên ghế đá công viên!

Sau đó, Database Technologies tung ra danh sách hiệu chỉnh với 57.700 đối tượng “có khả năng bất hảo” và rồi kết quả cũng không chính xác. Sau vụ bầu cử Tổng thống Mỹ 2000, ChoicePoint được “ân sủng” đáng kể, trở thành một trong những công ty được quyền tiếp cận hồ sơ cá nhân, căn cứ vào Đạo luật Ái quốc (ban hành sau vụ 11/9, với nội dung cho phép nhà chức trách được quyền theo dõi và tiếp cận hồ sơ cá nhân mà không cần trình báo tòa). Luật trên cũng cho phép các công ty như ChoicePoint được quyền tiếp cận hồ sơ cá nhân trong ngân hàng…

Bất luận thế nào, vụ việc (liên quan chương trình PRISM) cũng đang ngày càng vượt khỏi phạm vi kiểm soát dư luận của Chính phủ Mỹ. Daniel Ellsberg, người từng gây chấn động thế giới khi tiết lộ bộ hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ New York Times thời chiến tranh Việt Nam, đã gọi vụ PRISM là “một trong những vụ rò rỉ an ninh quốc gia lớn nhất lịch sử Mỹ cận đại”…

Cao Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc