Nước Nhật: Dương thịnh, âm suy!

07:00 | 24/02/2014

2,921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
30 năm sau khi Quốc hội Nhật thông qua đạo luật bình đẳng nam nữ nơi công sở và một số tạp chí nam giới từng thực hiện phóng sự nghiêm túc về hiện tượng quý ông lần đầu tiên nếm mùi cọ rửa nhà vệ sinh, tình hình dường như tiếp tục dậm chân tại chỗ…

“Búp bê pha trà”

Yuka Tanimoto biết rót trà và cô phát thanh viên 33 tuổi tất nhiên làm được nhiều việc khác. Tuy nhiên, Ban Giám đốc công ty - toàn nam giới - gần như không hề quan tâm gì khác hơn là kỹ năng rót trà của Tanimoto. Người ta chỉ muốn các nữ nhân viên như Tanimoto im lặng thực hiện công việc văn phòng quen thuộc và đơn giản, chẳng hạn chụp bản sao giấy tờ hơn là tham gia ý kiến này nọ liên quan số phận công ty.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ năm 2004, Tanimoto không thể hình dung nổi viễn cảnh làm việc cho công ty Nhật và vậy là vào tháng 3/2005, cô làm cho Hãng tin CNBC với nghề phóng viên thị trường. Yuka Tanimoto là điển hình của tình trạng phụ nữ bị đánh giá thấp tại Nhật. Chuyện này không mới.

Văn hóa Phù Tang là văn hóa của thói quen và tư duy trọng nam khinh nữ. Thập niên 80 của thế kỷ trước, khi kinh tế bùng nổ, phụ nữ Nhật trở thành lực lượng nhân công đáng kể. Khi kinh tế khủng hoảng, phụ nữ Nhật là đối tượng đầu tiên bị sa thải. Dù hiện có nhiều phụ nữ đi làm hơn so với cách đây một thập niên, phụ nữ Nhật vẫn là thành phần thứ yếu được thuê làm việc toàn thời gian.

Thiếu nữ Nhật thường được thuê cho các chương trình quảng bá sản phẩm ngắn hạn hơn là làm việc dài hạn tại công ty

Khảo sát khoảng cách giới tính do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện cho biết xét về cơ hội kinh tế, phụ nữ Nhật đứng hạng 52; và xét về quyền lực chính trị, họ xếp hạng 54 (trong 58 quốc gia phát triển và đang phát triển mạnh). Dù có hai gương mặt nữ giới được bổ nhiệm làm sếp hai công ty lớn tại Nhật cách đây vài năm (dây chuyền siêu thị Daiei và Hãng điện tử Sanyo), chỉ 7,7% giám đốc tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này là thành phần mặc váy.

Và trong số những người cố gắng “tồn tại” trong môi trường dương thịnh âm suy, chỉ 30% là tiếp tục làm việc sau khi sinh - theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật. Đây quả là giai đoạn khủng hoảng của lịch sử Nhật - nhận xét của Hiroko Hara, thành viên Ban Cố vấn Văn phòng bình đẳng giới tính thuộc Phủ thủ tướng Nhật.

Vấn đề còn kéo theo bi kịch gay cấn và nghiêm trọng hơn cho tương lai xứ Mặt trời mọc. Do quan niệm xã hội phổ biến rằng phụ nữ phải từ bỏ công việc và dành thời gian chăm sóc gia đình sau khi sinh nên hệ quả là các cô gái Nhật bây giờ không vội lấy chồng. 1/4 phụ nữ Nhật ở tuổi 30 hiện tiếp tục hưởng thụ cảm giác tự do, tăng 14% so với cách đây một thập niên. Do đó, tỷ lệ sinh tại Nhật đã giảm ở mức kỷ lục (một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới).

Phụ nữ - vấn đề vi mô hay vĩ mô?

Dân số Phù Tang đang giảm nghiêm trọng. Nếu xu hướng này không cải thiện, nước Nhật sẽ giảm từ 127 triệu người hiện thời còn 64 triệu vào cuối thế kỷ XXI. Trong khi đó, đàn bà xứ Thái dương thần nữ tiếp tục bị “ruồng rẫy”. Ngay thời điểm hiện tại, theo khảo sát Văn phòng Nội các công bố tháng 7/2013, 63% công ty Nhật không có kế hoạch tuyển thêm nữ nhân công. Và con đường đi lên địa vị đối với phụ nữ Nhật vẫn đầy chông gai.

Tomoyo Nonaka - người được bổ nhiệm chủ tịch Sanyo vào tháng 6/2005 - cho biết bà từng nỗ lực chứng minh năng lực cá nhân thời còn là phóng viên ảnh nhưng vẫn không thể thăng tiến chỉ bởi mình là phụ nữ! Yukari Yamashita-Yui - người giúp phát triển mạng vệ tinh cho Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật - cũng cho biết “số” mình hên, bởi 1/2 bạn thời đại học của bà đều bỏ nghề thiên văn.

Và diễn đàn của phụ nữ Nhật thường là các tổ chức từ thiện xã hội hơn là chính trị

Cần nói thêm, chỉ 11,6% nhà nghiên cứu Nhật là nữ giới (so với 1/3 tại Mỹ). Giới hoạch định chính sách tất nhiên không thể không có trách nhiệm. Năm 2004, một tiểu ban thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) đề nghị hiệu chỉnh Điều 24 trong Hiến pháp (nội dung về bình quyền) bởi nó ủng hộ “chủ nghĩa vị kỷ tại Nhật thời hậu chiến, đưa đến sự sụp đổ giá trị gia đình và cộng đồng”. Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori thậm chí nói rằng phụ nữ không con không nên được hưởng chế độ lương hưu. “Sự đàn bà” trong chính trường Nhật thật ra khá rách việc.

Ngay trong hàng ngũ đảng Dân chủ Tự do (LDP), người ta vẫn chưa thống nhất như thế nào là bình đẳng nam nữ hoặc thế nào mới là thể hiện sự tôn trọng quý bà. Thủ tướng Shinzo Abe từng chỉ trích một báo cáo sơ khởi của chính phủ về phương cách thực hiện chính sách bình đẳng. “Bất kỳ ý tưởng tự do bình đẳng nào mà phớt lờ giá trị hôn nhân và gia đình thì cũng chỉ dẫn đến sự sụp đổ văn hóa” - Shinzo Abe phát biểu tại một hội nghị.

Khảo sát của Cơ quan Truyền thông Nhật Bản cho biết phụ nữ Nhật bỏ ra trung bình 3 giờ 49 phút cho việc nhà; trong khi thời gian làm công tác gia đình để thể hiện vai trò trụ cột của các ông chỉ có 32 phút. Phụ nữ Nhật bị xem thường - thế là đã rõ. Nhưng nghĩ rằng phụ nữ Nhật cam chịu là sai. Họ liên tục kêu gọi bình quyền và thậm chí chửi khéo ra trò.

Cách đây vài năm, Junko Sakai (38 tuổi, độc thân) đã ấn hành tuyển tập mang tựa “Tiếng tru của bầy chó bại” (bán được hơn 340.000 bản) với nội dung chửi xa mắng gần các ông xem thường phụ nữ. Ngoài ra, còn có nhiều tạp chí phụ nữ cổ súy phong trào nữ giới độc lập. Trong thực tế, hiện có 65.000 công ty Nhật được sở hữu bởi phụ nữ trong đó có một số công ty lớn, chẳng hạn Peach John của Mika Noguchi (chuyên hàng lót). Và nhiều phụ nữ Nhật tiếp tục thành công khi làm việc cho công ty nước ngoài. Izumi Kobayashi - từng mất 4 năm pha trà cho quý ông đồng nghiệp tại Mitsubishi - sau đó làm chủ tịch Merrill Lynch Japan Securities.

Fumiko Hayashi cũng khẳng định năng lực cá nhân (trước thời điểm được chọn làm sếp dây chuyền Daiei), khi từng được Volkswagen bổ nhiệm Giám đốc phân nhánh Hãng xe này tại thị trường Nhật. Trước đó, Hayashi từng gõ cửa nhiều công ty trong nước (trong đó có Honda) nhưng chẳng ai tin bà.

Cuối cùng, một trong những hệ quả nữa của hiện trạng khinh thường chị em là phụ nữ Nhật bắt đầu khoái lấy chồng nước ngoài để trốn cảnh “chồng chúa vợ tôi” theo văn hóa truyền thống Nhật. Theo Christian Science Monitor, thông qua các trang web môi giới hôn nhân, nhiều cô gái Nhật hiện có xu hướng tìm chồng ngoại kiều!

Cao Trí