“Mùa xuân Arập” hồi sinh?

10:59 | 30/06/2013

797 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hàng loạt chính thể trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình của người dân vốn xuất phát từ những lý do rất đơn giản, được phát tán nhân rộng qua các trang mạng xã hội. Bất chấp nhượng bộ sau đó của chính quyền, người biểu tình vẫn “được đà lấn tới” khiến nhiều người cho rằng mùa Xuân Arập đang hồi sinh ở khắp nơi.

Chính quyền Brazil đang gồng mình trước áp lực của người biểu tình trong suốt hơn 1 tuần qua; tại Bulgary, cho đến ngày 21/6, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bước qua ngày thứ 8 liên tiếp; làn sóng biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang tuần thứ 4; còn ngay tại một trong những nơi phát sinh ra “mùa xuân Arập”, chính quyền Tổng thống Morsi của Ai Cập cũng đang phải chống chọi với người biểu tình phản đối…

Nếu nhìn tổng thể người ta có thể thấy tất cả những cuộc biểu tình phản đối này đều có mẫu số chung. Đó là đều xuất phát từ những lý do cụ thể đơn giản, sau đó được phát tán qua các mạng xã hội như facebook hoặc twitter rồi phát triển mạnh chệch mục tiêu ban đầu.

Ở một quốc gia yên bình, vốn cách rất xa phong trào mùa Xuân Arập như Brazil nay cũng đang phải chịu làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Chuyện là người dân lúc đầu chỉ tụ tập vài nơi để phản đối việc chính quyền 2 thành phố Sao Paulo và Rio de Janeiro tăng giá xe buýt và tàu điện ngầm. Những sau đó, phong trào phản kháng đã lan rộng khắp gần 10 thành phố lớn của Brazil, với sự phẫn nộ trước ngân sách khổng lồ của chính phủ dành cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chuẩn bị World Cup 2014, Thế vận hội 2016 và nạn tham nhũng nói chung. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại Brazil kể từ năm 1992. Khi đó người dân Brazil xuống đường phản đối tổng thống Fernando Collor de Mello, bị cáo buộc tham nhũng.

Cảnh sát bắt giữ 1 người biểu tình chống chính phủ tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 20/6/2013

Trước tình hình này, ngày 19/6, lãnh đạo tại 2 thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo và Rio de Janeiro, đã hủy bỏ kế hoạch tăng giá vé dịch vụ chuyên chở công cộng. Nhiều thành phố khác của Brazil trước đó cũng đã rút lại kế hoạch tăng giá vé. Bất chấp sự nhượng bộ đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên một số khu vực của Brazil trong ngày 19-6. Một người biểu tình tên Leandro Pergula nói rằng biểu tình không phải chỉ vì tăng giá vé xe buýt, mà dân Brazil biểu tình là để đòi các quyền của mình. Người này nói dân chúng đã thức tỉnh. Việc chính phủ tăng giá vé là thời điểm người dân thức tỉnh và nay họ đang đấu tranh để đòi cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế, đòi tăng cường an ninh và gia tăng cơ hội giáo dục.

Phong trào phản kháng chống giá cả đắt đỏ tại Brazil dường như mới chỉ bắt đầu. Nhưng đặc điểm của các cuộc biểu tình lần này là những người xuống đường không thuộc đảng phái hay công đoàn nào, mà là hoàn toàn tự phát. Theo giải thích của dân biểu đảng Xã hội Chico Alencar với Hãng tin AFP, “toàn bộ các chính đảng, kể cả đảng cấp tiến nhất, đều bị bất ngờ, vì đây là một phong trào nằm ngoài các khuôn khổ truyền thống. Đó là một phong trào của các cá nhân đi từ mạng xã hội Facebook ra đường phố”.

Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Brazil, Gilberto Carvalho, cũng nhìn nhận ông không hiểu nổi phong trào này, vì ngay cả vào giai đoạn hưng thịnh nhất, đảng Những người lao động (đang cầm quyền ở Brazil ) cũng không huy động được 100.000 người xuống đường trong một đất nước nay có đến gần 200 triệu dân.

Tại Bulgary, cho đến ngày 21/6, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bước qua ngày thứ 8 liên tiếp. Hàng nghìn người biểu tình ở các thành phố lớn để bày tỏ nỗi phẫn nộ trước nạn tham nhũng, câu kết chính trị. Tuyên bố của người biểu tình Bulgary truyền đi trên các mạng xã hội nói rõ họ đòi chính phủ dựa trên những câu kết chính trị thao túng đất nước phải từ chức để Bulgary phát triển theo chuẩn mực của châu Âu. Những người phản kháng chính quyền tỏ ra thất vọng về hệ thống chính trị của Bulgary mà họ cho rằng đang bị lũng đoạn tham nhũng bởi những kẻ cầm quyền câu kết với các nhóm lợi ích. Bulgary là một trong những quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu đang lâm vào khủng hoảng chính trị kéo dài từ nhiều tháng qua. Các cuộc biểu tình đồng loạt của dân chúng phản đối giá cả sinh họat đắt đỏ và tham nhũng đã dẫn đến việc chính phủ của Thủ tướng Boiko Borissov phải từ chức ngày 20/2/2013. Một chính phủ mới đã được thành lập do Plamen Orecharski, một nhân vật kỹ trị lãnh đạo. Ông này đã bị mất uy tín nghiêm trọng khi chọn các thành viên chính phủ gồm những người bị cho là câu kết quyền lợi với nhau.

Bởi vậy mà lần này phong trào biểu tình mang hình thái mới với đòi hỏi phải lành mạnh hóa nền chính trị của đất nước. Hàng chục người phản kháng khác thông qua các mạng xã hội đã yêu cầu Thủ tướng Plamen Orecharski từ chức trước ngày 22/6, nếu không họ đe dọa phong tỏa cung văn hóa tại Sofia không cho đại biểu của đảng Xã hội châu Âu, (PSE) đảng cầm quyền vào họp…

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tiên người dân chỉ tụ tập để phản đối việc chính quyền thành phố Istanbul thu hồi một công viên công cộng để xây dựng một công trình khác. Nhưng khi cảnh sát giải tán đám đông đã sử dụng vũ lực khiến biểu tình bùng phát, từ một thành phố lan ra cả nước, từ mục tiêu ban đầu biến tướng thành mục đích chính trị to lớn. Vài ngày sau đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng xin lỗi về hành động đàn áp biểu tình của cảnh sát và hứa lần sau khi xây dựng cái gì sẽ xin ý kiến dân trước. Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn, làn sóng biểu tình tiếp tục dâng cao và đe dọa tới cả hệ thống chính trị.

Ở một trong những nơi khởi nguồn của mùa Xuân Arập, Ai Cập lại rơi vào cảnh người dân xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống, trước kia là Tổng thống Mubarak, còn hiện tại là Tổng thống Morsi. Một trong những trọng tâm của người biểu tình là lên án việc ông Morsi muốn “Hồi giáo hóa” đất nước. Người phản đối ông Morsi còn hẹn nhau trên facebook xuống đường vào ngày 30/6 này.

Mùa xuân Arập là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Arập: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Arập Xêút, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Các cuộc biểu tình tại Tunisia và Ai Cập đã được đề cập với tên gọi các cuộc cách mạng.

Nhiều yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối, bao gồm các cáo buộc tham nhũng chính phủ, các vi phạm nhân quyền và tình trạng đói nghèo cùng cực. Việc gia tăng giá lương thực và nạn đói toàn cầu cũng là lý do chính, liên quan đến các đe dọa cho an ninh lương thực khắp thế giới và giá cả đã đạt mức giá trong khủng hoảng giá lương thực thế giới 2007-2008.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 18/12/2010 với một cuộc nổi dậy biến thành một cuộc cách mạng tại Tunisia, sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi để phản đối tham nhũng và việc cảnh sát ngược đãi. Do những khó khăn tương tự trong khu vực và cuối cùng thành công trong cuộc biểu tình Tunisia, một chuỗi các tình trạng bất ổn đã bắt đầu mà đã được theo sau cuộc biểu tình tại Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen và đến một mức độ ít hơn ở các quốc gia Arập khác. Trong nhiều trường hợp những ngày này đã được gọi là “ngày thịnh nộ”, hoặc vài biến thể của nó.

Cho đến nay, 3 chính phủ đã bị lật đổ, tại Tunisia vào ngày 14/1/2011, Ai Cập vào ngày 11/2/2011 và Lybia vào ngày 20/10 cùng năm. Các chính phủ đầu tiên bị lật đổ là kết quả của các cuộc biểu tình tại Tunisia (một sự kiện được gọi là cuộc Cách mạng hoa nhài trong truyền thông phương Tây) khi cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali đã trốn sang Arập Xêút. Sự chú ý của thế giới sau đó tập trung vào Ai Cập, nơi cuộc biểu tình lớn bắt đầu vào ngày 25/1/2011. Sau 4 ngày kể từ ngày cuộc biểu tình, Tổng thống Mubarak, người đã cai trị Ai Cập trong 30 năm qua, đề nghị cải cách nhưng cá nhân không từ chức, dù sự từ chức của ông là mục tiêu của những người biểu tình. Vào ngày thứ 18 của cuộc biểu tình, ông Mubarak buộc phải tuyên bố từ chức. Khoảng thời gian đó, vua Jordan Abdullah đã bổ nhiệm một thủ tướng mới. Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh, tuyên bố ông cũng sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ nữa sau 32 năm cầm quyền.

Nếu soi những gì đang diễn biến tại Brazil, Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập vào lược sử “mùa Xuân Arập” thì chúng ta dễ dàng có thể nhận thấy có những nét tương đồng và chỉ khác nhau ở chỗ “mùa Xuân Arập” ở những nước này chưa kết thúc và đây chính là điều mà chính phủ các nước này rất đáng phải quan tâm.

H.Phan