Không quân Iran: Hổ thật hay hổ giấy?

10:20 | 31/01/2014

9,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ít ai biết rằng hầu hết máy bay chiến đấu của Iran hiện nay đều được mua từ Mỹ trước kia và Washington hiện rất lo sợ vì loại máy bay chiến đấu “gà nhà” đang quay sang chống lại chính mình và là mối đe dọa chủ yếu đối với các chiến hạm Mỹ thường trực ở Trung Đông.

Lực lượng không quân Iran hiện có tổng quân số khoảng 450.000 người (bao gồm cả 150.000 lính phòng không) được biên chế thành 9 chi đội máy bay cường kích và 7 chi đội máy bay tiêm kích, trang bị hơn 300 máy bay chiến đấu các loại. Trong đó, có một số loại máy bay tương đối hiện đại, thuộc thế hệ thứ 3 của cả Nga lẫn Mỹ là F-14, Mirage-M1 và MiG-29.

Ngoài ra, không quân Iran còn một số lượng lớn các máy bay phục vụ, bảo đảm được biên chế thành 1 chi đội máy bay trinh sát, 1 chi đội máy bay vận tải kiêm tiếp dầu, 5 chi đội máy bay vận tải chuyên dụng, 12 tiểu đoàn tên lửa không đối đất. Nòng cốt trong lực lượng không quân Iran là máy bay Nga, Mỹ (chiếm trên 90%) và một số ít máy bay của Pháp, Trung Quốc…

Hiện nay, không quân Iran có 1 chiếc máy bay cảnh báo sớm/trinh sát điện tử A-50 của Nga mang tên Adnan. Đây là 1 trong 3 chiếc máy bay cùng loại được biên chế trong lực lượng không quân Iraq. Phi công của loại máy bay này đã đào ngũ sang Iran trước khi cuộc chiến tranh Iran-Iraq (giai đoạn 1980-1988) kết thúc. Sau chiến tranh, Tehran đã cự tuyệt yêu cầu đòi lại chiếc máy bay trên của Baghdad và cho biên chế vào lực lượng không quân nước mình.

Bộ 3 máy bay chiến đấu F-4, F-14 (Mỹ) và MiG-29 (Nga) của Iran

Ngoài ra, không quân Iran còn một số máy bay khá tốt như 6 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3F của Mỹ; một số máy bay vận tải Boeing 707, 747 và C-130 của Mỹ; vài chiếc máy bay vận tải Y-12 nhập khẩu từ Trung Quốc; máy bay vận tải An-72, máy bay vận tải Il-76, tiếp dầu Il-78 của Nga; máy bay trinh sát điện tử và cảnh báo sớm Boeing 707, RC-130 của Mỹ. Các loại máy bay này tuy cũ nhưng cơ bản vẫn còn sử dụng tốt, hiện vẫn đang phục vụ trong không quân nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, chủ lực trong các loại máy bay chiến đấu của Iran là F-14AM Tomcat của Mỹ (gần 50 chiếc), MiG-29A/UB của Nga (40 chiếc) và Mirage-F1 của Pháp (10 chiếc). Ngoài ra, không quân Iran còn có khoảng 40 máy bay cường kích Su-24, Su-25 của Nga; 120 chiếc máy bay chiến đấu đa năng F-4 Phantom II và F-5 Tiger II của Mỹ; gần 20 chiếc F-7 (phiên bản xuất khẩu của J-7 Trung Quốc) và một số loại máy bay khác.

Trên thực tế, suốt một thời gian dài, tiêm kích F-14A là loại máy bay chiến đấu đáng sợ nhất trong biên chế không quân Iran. Trong cuộc chiến Iran-Iraq kéo dài 8 năm từ 1980-1988, với 2 loại máy bay Mỹ là F-14A và F-4, không quân Iran đã giành ưu thế tuyệt đối trên không và gây ra rất nhiều tổn thất cho không quân Iraq có số lượng máy bay nhiều gấp bội. Sau khi Mỹ cho loại máy bay này nghỉ hưu, hiện nay Iran là nước duy nhất sở hữu máy bay tiêm kích F-14A.

Bộ 3 máy bay vận tải Boeing-707,  máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3F (Mỹ) và máy bay cảnh báo sớm A-50 (Nga)

Đứng ngoài quan sát cuộc đấu giữa máy bay chiến đấu Iran (chủ yếu máy bay Mỹ) và Iraq (chủ yếu máy bay Nga), Mỹ rất quan tâm đến hiệu suất chiến đấu tuyệt vời của loại máy bay chiến đấu “gà nhà”, giờ đang quay sang chống lại chính mình và coi nó là mối đe dọa chủ yếu đối với các chiến hạm Mỹ thường trực ở khu vực này. Chính sự sợ hãi thái quá trên đã gây ra một thảm kịch kinh hoàng đối với hàng không dân dụng.

Ngày 3-7-1988, một chiếc máy bay dân dụng của Iran trên đường bay sang Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã bị tuần dương hạm Mỹ CG-49 USS Vincennes đang tuần tiễu tại biển vùng Vịnh nhận lầm là một chiếc F-14 của không quân Iran đang lao tới. “Tiên hạ thủ vi cường”, tuần dương hạm này đã phóng tên lửa đối không tiêu diệt máy bay làm toàn bộ 290 hàng khách tử vong.

Trong khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ đã xuất khẩu cho Iran khoảng 80 chiếc máy bay tiêm kích F-14A. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo, Washington quay sang cấm vận Tehran, không cung cấp bảo đảm kỹ thuật cho số máy bay trên. Tuy nhiên, bằng các con đường “phi chính thống”, Iran vẫn kiếm được linh kiện thay thế nên quá nửa số máy bay F-14A hiện vẫn đang hoạt động bình thường.

Không quân Iran: Hổ giấy?

Không quân Iran có số lượng máy bay không lớn nhưng trong đó có không ít máy bay được coi là hiện đại. Trong khoảng thời gian 20 năm bị phương Tây cấm vận, các loại máy bay trong không quân Iran không tìm được nguồn cung cấp linh kiện và bảo dưỡng kỹ thuật theo tiêu chuẩn, lại bị tổn thương nặng nề trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Vì vậy, một số chuyên gia phương Tây đã có những nhận định bi quan về khả năng hoạt động của các máy bay chiến đấu Iran.

Máy bay không người lái trinh sát - tấn công chiến lược Fotros 

Nhưng trên thực tế, lực lượng máy bay của Iran có khả năng tác chiến không hề yếu kém và vẫn được coi là một lực lượng tác chiến trên không đáng gờm trong khu vực. Trải qua quá trình nỗ lực phát triển công nghệ hàng không, Iran đã có những thành tựu nhất định trong chế tạo máy bay chiến đấu có và không người lái, thậm chí là cả những loại thuộc công nghệ hàng đầu thế giới.

Đơn cử trong năm qua, Iran đã ra mắt máy bay không người lái trinh sát - tấn công chiến lược Fotros, được sử dụng cho các mục đích trinh sát và giám sát và có thể được trang bị tên lửa không đối đất để thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Máy bay có bán kính hoạt động lên đến 2.000 km, trần bay 7.600m và có thể hoạt động liên tục từ 16 đến 30 giờ.

Ngoài ra, tháng 11-2013, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thế hệ thứ 5 “Kẻ chinh phục” (tên gọi: Qaher-313, ký hiệu máy bay là F-313) của Iran đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thực địa, dập tắt mọi nghi ngờ về tính chất “giả mạo”của nó mà các chuyên gia phương Tây luôn tuyên truyền. Đây là loại máy bay do các chuyên gia hàng không vũ trụ Iran nghiên cứu, chế tạo, hoàn toàn tự chủ về công nghệ.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 "Qaher-313" đang được vận chuyển trên đường

"Qaher-313" được xếp vào loại máy bay tiêm kích đa năng cỡ nhỏ giống như F-35 của Mỹ. Đây là loại máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi, có khả năng “làm mù” mọi loại radar, đồng thời có khả năng tấn công đối không và đối đất rất mạnh. 

Ngoài ra, Iran còn chế tạo hàng loạt loại máy bay không người lái khác, trong đó có cả những loại theo công nghệ Mỹ; cải tiến, nâng cấp các loại tên lửa phòng không cũ của Nga như S-200 lên tầm cao mới, phát triển hàng loạt tên lửa tấn công; phóng nhiều vệ tinh và vật nuôi vào vũ trụ. Có thể nói, hiện nay Iran đã trở thành một trong những cường quốc công nghiệp quốc phòng nói chung và công nghệ hàng không - vũ trụ nói riêng.

Với những thành tựu như trên, có thể nhận định, việc duy trì sức mạnh cho lực lượng máy bay chiến đấu đã già cũ không phải là điều quá khó khăn đối với Iran. Số máy bay trên không phải là “vật trang trí” như các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá và có thể duy trì được năng lực tác chiến tốt trong khoảng thời gian hàng chục năm nữa, đủ để Iran cho ra mắt một thế hệ máy bay chiến đấu quốc nội hiện đại hơn.

Toàn Thắng

tổng hợp