Italy: Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng?

07:00 | 02/10/2013

627 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 28/9, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã chính thức quyết định rút tất cả 5 Bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân tự do do (PDL) do ông ta lãnh đạo ra khỏi chính phủ liên minh của đương kim Thủ tướng Enrico Letta. Một lần nữa, đất nước hình chiếc ủng lại lâm vào một cuộc khủng hoảng chính phủ mới - kịch bản tồi tệ nhất trong bối cảnh Italia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế vốn được nhiều người cho là tồi tệ nhất ở nước này kể từ Thế chiến thứ hai.

“Kẻ lừa dối nhân dân”

Chính phủ liên minh trung - tả Italia do ông Enrico Letta đứng đầu ra đời cuối tháng 4 vừa qua trong hoàn cảnh đất nước hình chiếc ủng lâm vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài 2 tháng vì đảng Dân chủ, vốn mang tiếng là thắng cử hồi tháng 2/2013, nhưng vẫn không tìm được đa số để lập chính phủ. Và do đó, Tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano đã bắt buộc phải chọn mô hình chính phủ “đại đoàn kết” với sự tham gia của cả hai lực lượng chính trị đối địch nhau là đảng Dân chủ và đảng Nhân dân tự do, với hy vọng là tạo ra được sự ổn định chính trị tối thiểu để có thể giúp nước Italia thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chính.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy nửa năm, chính phủ của ông Enrico Letta lại có nguy cơ đổ vỡ, mà nguyên nhân chính là do 5 Bộ trưởng thuộc Đảng PDL - phe cựu Thủ tướng Berlusconi đã đồng loạt ký thư từ nhiệm.

Cựu Thủ tướng, ông chủ của câu lạc bộ bóng đá AC Milan biện minh cho quyết định rút nhân sự ra khỏi chính phủ liên minh là vì chính phủ muốn tăng thuế giá trị gia tăng (từ 21% lên 22%) trên hàng hóa tiêu dùng - và điều này đi ngược lại với chủ trương không tăng thuế của PDL, vi phạm nghiêm trọng các thỏa ước vốn là nền tảng của chính phủ liên hiệp.

Thủ tướng Enrico Letta thẳng thừng vạch mặt Berlusconi là một kẻ "lừa dối nhân dân" Italia

Trên thực tế, kể từ hồi tháng 8, khi Tòa án Tối cao kết án vĩnh viễn Silvio Berlusconi 4 năm tù vì tội gian lận thuế má trong vụ tập đoàn truyền hình Mediaset và đặc biệt là quyết định 5 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ Nhà nước, trong đó có chức đại biểu Quốc hội. Mà theo sắc luật mới ra đời hồi năm ngoái, sắc luật mà trước đó chính đảng PDL của Berlusconi cũng đã bỏ phiếu thông qua, theo đó, những người bị kết án vĩnh viễn từ 2 năm tù trở lên sẽ không có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Đây chính là cốt lõi của vấn đề bởi nếu không còn giữ được ghế đại biểu Quốc hội, nghĩa là bị tước quyền miễn tố thì coi như lá chắn cuối cùng để trốn tránh những nợ nần công lý của Berlusconi cũng bị quét đi, bởi sau vụ án gian lận thuế má, cựu Thủ tướng 77 tuổi vẫn còn phải đối mặt với một loạt các cáo buộc khác trong vụ “mua dâm và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và lạm quyền” (hay còn gọi là vụ Rubygate), hay vụ án “mua chuộc đại biểu Quốc hội” để lật đổ chính phủ trung tả của Romano Prodi hồi năm 2008.

Đây cũng chính là mấu chốt khiến Berlusconi điều khiển “âm binh” trong Quốc hội bắt đầu “tra tấn” chính phủ của Thủ tướng Letta ngày đêm với những đe dọa lật đổ chính phủ bằng đủ mọi cách với hy vọng gây được áp lực lên đảng Dân chủ hòng tìm ra một thỏa hiệp chính trị nào đó cho phép Silvio Berlusconi không bị trục xuất khỏi Quốc hội.

Việc rút các Bộ trưởng ra khỏi chính phủ sẽ khiến chính phủ sụp đổ và có thể dẫn đến bầu cử sớm. Và như thế là ông ta sẽ còn có khả năng tranh cử tiếp với hy vọng thắng cử, sẽ có thể thay đổi luật lệ nhằm cho phép ông ta có thể tiếp tục giữ lại ghế đại biểu Quốc hội. Berlusconi cũng chẳng giấu giếm mục tiêu đó của mình khi tuyên bố trong lễ mừng thọ 77 tuổi của mình hôm 29/9 là ông ta “sẵn sàng lao vào các cuộc chiến đấu một lần nữa” và thậm chí còn tự tin “sẽ giành chiến thắng”.

Chẳng khó để nhận ra, chuyện tăng thuế chỉ là cái cớ hòng giải quyết “nợ nần công lý riêng tư” của cá nhân Berlusconi - kẻ “lừa dối nhân dân” Italia - như Thủ tướng Enrico Letta cáo buộc.

Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Hiện nay người ta chỉ có thể dự đoán được hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất là, ông Enrico Letta sẽ trở lại Quốc hội để đi tìm một đa số mới để lập ra một chính phủ mới. Chắc chắn là mô hình “đại đoàn kết” (với sự tham gia của cả hai đảng đối địch Dân chủ và Nhân dân tự do) không còn tính khả thi và như vậy, khả năng lớn là ông Letta sẽ liên minh với lực lượng trung dung của cựu Thủ tướng Mario Monti kết hợp với một số nghị sỹ đang có dấu hiệu muốn “đào ngũ” khỏi phe Berlusconi.

Kịch bản chính phủ mới cũng là kịch bản mà Tổng thống Giorgio Napolitano mong muốn, vì đó là kịch bản giảm thiểu tối đa các hệ lụy chính trị, kinh tế tài chính và tình trạng bất ổn cho nước Italia.

Kịch bản thứ hai là, nếu không tìm ra được đa số mới, Tổng thống Giorgio Napolitano bắt buộc phải tuyên bố giải tán Quốc hội trước nhiệm kỳ và nước Italia lại trở lại mùa tranh cử một cách vô bổ. Đây là kịch bản tồi tệ nhất cho đất nước hình chiếc ủng khi các nỗ lực cứu vãn nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu ra khỏi 2 năm suy thoái, một thập kỷ kinh tế, 2.000 tỉ euro nợ công và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vào khoảng 40% cứ bị ngắt quãng vì đấu đá nội bộ, vì tranh cử liên miên.

Nếu không thay đổi luật bầu cử hiện hành, vốn không cho phép thành lập chính phủ khi không có được một đa số ổn định trong Quốc hội, khả năng rơi vào cái vòng bất ổn chính trị như chính phủ hiện nay ở Italia là khó tránh khỏi.

Linh Linh (tổng hợp)