Rosneft - “Đế chế” dầu khí mới của thế giới

13:00 | 28/10/2012

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tập đoàn Dầu mỏ quốc doanh Rosneft sẽ thành thủ lĩnh trong số các công ty đại chúng về lượng khai thác dầu mỏ - một “đế chế” dầu khí mới của thế giới.

Bỏ ra gần 61 tỉ USD cả bằng tiền mặt và chuyển nhượng cổ phiếu để mua lại 100% cổ phần của 2 đồng sở hữu 50:50 cổ phần liên doanh TNK-BP là BP và tập đoàn của các tỉ phú Nga AAR, Tập đoàn Dầu mỏ quốc doanh Rosneft sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty dầu khí lớn thứ 3 của Nga. Đồng thời, thương vụ lịch sử này sẽ đưa Rosneft vào nhóm 10 hãng dầu khí lớn nhất thế giới về tổng khối lượng khai thác hydrocarbon. Ngoài ra, tập đoàn này sẽ thành thủ lĩnh trong số các công ty đại chúng về lượng khai thác dầu mỏ - một “đế chế” dầu khí mới của thế giới.

Đoạn kết cuộc tình sóng gió

BP đã đầu tư gần 8 tỉ USD tiền mặt, cổ phiếu và tài sản để hình thành nên liên doanh TNK-BP với AAR vào năm 2003 trong nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh sang Nga. Đây là một thành công tài chính to lớn của BP khi mỗi năm, cổ tức từ liên doanh này mang lại cho BP trung bình khoảng 19 tỉ USD, chiếm khoảng 10% lợi nhuận của hãng, mặc dù thuế suất dầu mỏ của Nga thuộc loại cao.

Tuy nhiên, ngay sau khi liên doanh được thành lập, Kremlin lại sử dụng nhiều biện pháp để dành ưu đãi nhiều hơn cho các tập đoàn năng lượng nhà nước, do đó, hạn chế khả năng mở rộng của TNK-BP ở Nga. Trong khi đó, BP lại liên tục có những tranh chấp bất đồng với các đồng chủ sở hữu của TNK-BP.

Chủ tịch Rosneft Igor Sechin báo cáo với Tổng thống Nga Putin về kết quả thương vụ mua lại cổ phần của BP trong TNK-BP hôm 22/10.

Sự leo thang của cuộc xung đột nội bộ TNK-BP dường như là kết quả trực tiếp của cuộc tranh cãi nóng bỏng xung quanh việc BP muốn kết đối tác với Rosneft để có cơ hội tham gia vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng thềm lục địa Bắc cực của Nga. Nhưng AAR cảm thấy thỏa thuận ý định này đã vi phạm thỏa thuận độc quyền giữa AAR và BP trong việc phát triển các dự án khác tại Nga và thậm chí đã thách thức thỏa thuận BP-Rosneft tại Tòa án Trọng tài Quốc tế. Cuối cùng, thỏa thuận Liên doanh BP-Rosneft sụp đổ.

Về phần mình, Igor Sechin - Chủ tịch Rosneft và khi đó còn là Phó thủ tướng phụ trách năng lượng của Nga cũng từ chối luôn đề nghị hợp tác với Rosneft của AAR trong kế hoạch phát triển thềm lục địa Bắc cực. Rosneft sau đó đã hình thành một liên doanh với ExxonMobil. Còn BP thì “ấm ức” mãi cho đến khi quyết định “giải thoát” khỏi “cuộc hôn nhân” lục đục với AAR bằng tuyên bố bán cổ phần trong liên doanh TNK-BP hồi tháng 6/2012.

Vẹn cả đôi đường

Theo báo cáo của người đứng đầu Rosneft Igor Sechin với Tổng thống Putin, BP sẵn sàng trao 50% cổ phần trong TNK-BP để đổi lấy 17,1 tỉ USD và 12,84% cổ phần trong hãng dầu mỏ lớn nhất nước Nga. Ngoài ra, sau khi hoàn thành giao dịch, BP sẽ nhận được một ghế trong Hội đồng Quản trị gồm 9 người của Rosneft. Quyết định này đã được phê duyệt trong Hội đồng Quản trị của “đại gia” dầu khí nước Anh. Trong khi đó, Rosneft cũng đang tiến hành một giao dịch độc lập với các cổ đông Nga trong TNK-BP là Tập đoàn AAR của nhóm tỉ phú Nga, với giá 28 tỉ USD. Biên bản ghi nhớ đã được ký kết, mặc dù, vẫn còn tùy thuộc vào các điều kiện khác. Và tuy Rosneft sẽ phải sử dụng vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài cũng như huy động tiền từ việc bán các tài sản không cốt lõi để thanh toán cho thương vụ thâu tóm TNK-BP nhưng hãng dầu mỏ lớn nhất nước Nga đầy lạc quan hy vọng sẽ tiếp quản hoàn toàn TNK-BP trong vòng 6 tháng tới.

Đánh giá về thương vụ này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là một “tín hiệu tốt đẹp” không chỉ đối với ngành năng lượng Nga mà còn đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Thật vậy, không chỉ giúp tiếp tục củng cố kiểm soát của nhà nước Nga với ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước, thương vụ này còn đưa Rosneft vào nhóm 10 hãng dầu khí lớn nhất thế giới về sản lượng khai thác hydrocarbon. Ngoài ra, tập đoàn này sẽ thành thủ lĩnh trong số các công ty đại chúng về lượng khai thác dầu mỏ, với khoảng hơn 4,5 triệu thùng dầu/ngày, “trên cơ” cả PetroChina (Trung Quốc), ExxonMobil (Mỹ) và ngang hàng với sản lượng khai thác dầu thô của Iran. Theo ý kiến của các chuyên gia, điều đó cho phép Rosneft thu được những điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, liên minh với BP mở ra cho tập đoàn Nga lối tiếp cận rộng rãi đến những công nghệ tiên tiến nhất có thể áp dụng ở địa bàn Bắc cực. Thêm vào đó, từ nay, Rosneftsẽ có vị thế nổi bật với quy chế tập đoàn quốc tế.

Ưu thế tuyệt đối đang thuộc về Rosneft, khi mới đây, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng, Tổng thống Putin đã ủy thác phấn đấu hoàn thành sớm trong thời hạn ngắn để chuyển giao cho Rosneft quyền sở hữu thăm dò khai thác 75% toàn bộ trữ lượng thềm lục địa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, với những ưu thế đã và đang có khi sẽ tiếp quản TNK-BP, Rosneft sẽ trở thành một “đế chế” mới của thế giới dầu khí và là một trong những công cụ quan trọng trong kế hoạch của Tổng thống Putin trên con đường đưa Liên bang Nga trở lại vị thế cường quốc năng lượng vốn có từ thời Liên Xô cũ.

Linh Phương