Vì sao hiệu phó trường Phương Nam vay được số tiền "khủng"?

20:38 | 17/08/2013

803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đơn tố cáo của 18 chủ nợ thì số tiền mà Phó hiệu trưởng Trương Thị Hải Yến vay không phải nhỏ, vậy tại sao số tiền và nạn nhân lại nhiều như vậy. Nữ hiệu phó này dùng thủ đoạn gì để lừa đảo? Và để đòi nợ, chủ nợ đã làm gì tại trường THPT Dân lập Phương Nam?

>> Phó hiệu trưởng bị tố "xù nợ" hàng trăm tỉ

Vào trường gây áp lực để đòi nợ

Như đã đưa tin, theo đơn tố cáo của 18 cá nhân, tổng số tiền mà họ cho bà Trương Thị Hải Yến - Phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam (địa chỉ tại Lô 18, khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vay hơn 268 tỉ và 16 quyển sổ đỏ. Đã quá hạn nhiều năm nhưng bà Yến vẫn không hoàn trả.

Theo ghi nhận của PetroTimes, hàng ngày vẫn có hàng chục người tự xưng là chủ nợ tụ tập ở khu vực cổng trường THPT Dân lập Phương Nam. Họ lập danh sách tên chủ nợ, thu thập giấy vay nợ viết tay, bản cam kết ngày hoàn trả... để tố cáo hành vi lừa đảo của phó hiệu trưởng Trương Thị Hải Yến. Tuy nhiên, bà Yến vẫn không xuất hiện vì lo sợ bị những người này đe dọa.

Để đòi nợ, chủ nợ huy động cả trẻ em vào cuộc. 

Để đòi nợ, chiều 14/8, tại khu vực hội trường của ngôi trường này xuất hiện một nhóm hơn chục người, gồm 4 gia đình đã mang gường chiếu, đồ đạc vào căng tin của trường để sinh sống, với mong muốn sẽ đòi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiền cho vay.

Chị Nguyễn Thị Lan Dương (36 tuổi, ở phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội), một trong những người tố bà Yến mượn 700 triệu đồng (tính cả gốc lẫn lãi –PV) , kể: “Sau nhiều lần đòi nợ không được, khi bị gây áp lực, bà Yến đã chấp nhận viết giấy hẹn đến ngày 25/6 sẽ trả. Do tiền vay lãi, quá hạn không trả, tôi bị chủ nợ đến tịch thu nhà. Vì không có nhà, gia đình tôi gồm 8 người, trong đó có mẹ đẻ là cụ Hoàn Thị Lư (68 tuổi), 3 đứa con (đứa nhỏ nhất 19 tháng) vào căng tin của trường để sống, chờ đòi tiền. “Con sắp nhập trường nhưng không có tiền mua đồng phục, học phí, vậy mà nhiều lần đòi nợ nhưng chị Yến chỉ viết giấy hẹn sau bỏ đó” - chị Dương bức xúc.

Theo lời chị Dương, bất kể lần nào vào trường thì hiệu phó này cũng viết giấy hẹn và thời gian chi trả như thế nào cũng ký. Thế nhưng chẳng bao giờ giữ lời hứa.

Theo tìm hiểu, từ lúc vào trường sống, cháu nhỏ 19 tháng được một người bác nấu cháo mang vào cho ăn, còn hai đứa con khác cũng như chị Dương đều phải ăn mì gói. Trước đây có rất nhiều gia đình vào trường sinh sống, trong đó có cả những hộ gia đình phải mất 8 tháng sinh sống tại trường mà không lấy được sổ đỏ. Chiều ngày 15/8, Công an phường Định Công yêu cầu các chủ nợ  phải giải tán nếu không sẽ cưỡng chế.

Thủ đoạn lừa đảo của nữ phó hiệu trưởng?!

Theo tìm hiểu, để lừa được tiền của người dân, nữ hiệu phó trường THPT Dân lập Phương Nam đều dùng thủ đoạn tạo lòng tin trước khi ra tay. Tất cả những chủ nợ viết đơn tố cáo bà Yến xù nợ đều khẳng định: bà hiệu phó này đã từng giúp gia đình vay mượn tiền trong lúc gặp khó khăn nên khi bà Yến hỏi vay tiền, mọi người không ngần ngại để trả ơn.

Theo lời chủ nợ Lê Ngọc Đại, cuối năm 2012 khi gia đình ông Đại cần vay một khoản tiền khoảng 1,5 tỉ đồng để làm ăn, bà Yến nhận giúp đỡ và dẫn ông đến gặp một người trên phố Hàng Bông để vay với lãi suất cao. Sau khi làm thủ tục thế chấp sổ đỏ, bà Yến đứng ra bảo lãnh nên ông Đại đã vay được số tiền như mong muốn. Sau khi lấy tiền, vị hiệu phó này mượn lại của ông Đại số tiền 900 triệu đồng với lãi suất cao và hứa trong một vài ngày để giải quyết việc nóng. Vì tin tưởng nên ông Đại đã đồng ý để bà Yến cầm 900 triệu đồng vừa thế chấp nhà để vay.

Đến ngày hẹn trả nhưng không thấy bà Yến nói gì, gọi điện thì trả lời trốn tránh, sau đó thì tắt máy. Do chủ nợ ở Hàng Bông thúc nợ và cũng sợ lãi mẹ đẻ lãi con nên ông Đại chấp nhận đi vay chỗ khác đắp vào số tiền mà bà Yến đang cầm. Tổng số tiền cả gốc lẫn lãi mà ông Đại phải trả thay cho bà Yến là 1,7 tỉ đồng.

Băng rôn mà các chủ nợ căng ở cổng trường THPT Dân lập Phương Nam để đòi nợ.

Còn theo lời chủ nợ Ngô Thị Anh Thư (ở số B29, Lô 20, khu đô thị mới Định Công) là người đã cho bà Yến vay hơn 140 tỉ đồng thì: "Nhiều lần bà Yến rủ tôi tham gia cổ đông của một trường mầm non. Vì cũng muốn làm ăn nên tôi hỏi phải đóng bao nhiêu thì vị này bảo phải đóng 60 tỉ đồng. Thấy khoản tiền lớn nên tôi trả lời là không tham gia”.

Không lôi kéo vào làm cổ đông được, bà Yến quay sang nhờ chị Thư vay hộ 400 triệu đồng để giải quyết nợ nóng. Do chơi với nhau từ lâu nên cả nể, chị Thư đã cho bà Yến vay số tiền trên. Không chịu bỏ cuộc, nhiều lần vị phó hiệu trường này đưa cho chị Thư xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của trường mầm non Bình Minh (đóng trên địa bàn phường Định Công) nhưng chưa có chứ ký và dấu để tạo lòng tin.

“Bà Yến bảo tôi vay hộ 2 tỉ đồng để lo thủ tục làm giấy chứng nhận sử dụng đất. Sau đó sẽ trả toàn bộ cả gốc lẫn lãi. Sau mỗi lần vay hộ, bà Yến lại quay sang bảo chưa đủ để lo lót làm thủ tục nên nhờ vay hộ tiếp. Để tạo lòng tin, bà Yến khẳng định nếu không trả được sẽ đưa vào danh sách cổ đông” – chị Thư cho hay.

Mỗi lần một ít, số tiền chị Thư đã trót đưa cho bà Yến lên đến 140 tỉ đồng. Sau nhiều lần bị đòi nợ, bà Yến đã gọi chị Thư đến trường và bảo khoản tiền cho vay này giờ chuyển ngang sang làm cổ đông của trường mầm non Bình Minh. Yên tâm mình là cổ đông của trường, chị Thư không thúc nợ nữa. Thế nhưng khi trường mầm non đi vào hoạt động, bà Yến quay sang lật lọng và khẳng định không hề có chuyện vay mượn gì với chị Thư.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan Dương mới thể hiện rõ sự cao thủ về lừa đảo của phó hiệu trưởng này. Chị Dương cho biết: “Giữa năm 2012, gia đình chị cần 1 tỉ đồng để kinh doanh. Qua môi giới tôi đã gặp bà Yến nhờ vay hộ. Trước khi vay hộ tiền cho gia đình tôi, bà Yến yêu cầu tôi phải viết giấy ủy quyền sử dụng nhà đất tại phố Khâm Thiên cho bà ấy. Sau khi vay được tiền, bà Yến đã cắt phế 40 triệu đồng”.

Hơn 4 tháng sau, chị Dương phát hiện ngôi nhà mà mình đang ở đã bị bà Yến bán cho một người ở đường Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) với giá 3 tỉ đồng. Tá hỏa về việc mình bị lừa, chị Dương liền vay mượn các nơi cho đủ khoản tiền mình đã vay, rồi đi tìm gặp bà Yến đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất mà mình đã viết giấy ủy quyền. Thế nhưng khi gặp, bà Yến lại lật lọng và bảo: Muốn lấy nhà thì màn 3 tỉ đồng đến.

Sau nhiều lần làm đơn đến cơ quan chức năng cầu cứu nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt", chị Dương quyết định bán nhà cho một người quen với giá 3,7 tỉ đồng và ứng tiền trước để chuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất. Thế nhưng khi đã có tiền để chuộc nhà thì bà Yến nhất quyết không ký giấy hủy ủy quyền trước đó mà ra điều kiện là phải cho vay 550 triệu đồng thì mới ký. Chị Dương một lần nữa ngậm đắng nuốt cay, đưa cho bà Yến vay 550 triệu đồng để lấy chứ ký. Thế rồi, số tiền cho vay này đến hạn bà Yến cũng trốn tránh không chịu trả. Mất nhà, chị Dương quyết đưa cả gia đình vào trường THPT Dân lập Phương Nam để ở.

PetroTimes sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc tới độc giả!

T.Minh