Việt Nam cần 45 năm để trở thành nước thu nhập cao

17:34 | 28/11/2013

1,763 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Malaysia, Trung Quốc hay Thái Lan chỉ mất trên dưới 10 năm nữa để trở thành nước thu nhập cao thì Việt Nam dù theo mô phỏng kịch bản tốt nhất cũng cần tới 45 năm nữa (2051) mới góp mặt trong các nước có thu nhập cao (tổng thu nhập quốc gia trên đầu người hàng năm từ 12.000 USD trở lên).

Việt Nam hiện đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình (Ảnh: Ngọc Thọ).

 

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra 1 ngày 27/11 tại Hà Nội do Bộ Công thương tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và lãnh đạo là đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tham dự.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là thành viên tích cực trong các hoạt động của Ủy ban kinh tế thuộc APEC, đặc biệt là hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Lê Xuân Sang – Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô thuộc Việt Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn là tăng trưởng chất lượng thấp và chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên. Cụ thể, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) cao và tăng dần từ 4,9 cho giai đoạn 2000-2006 thì giai đoạn 2007-2012 đã là 7,6. Năng suất lao động vẫn thấp và nền kinh tế sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng hơn nước khác để tạo ra GDP.

Cũng theo tiến sỹ Sang thì nguyên nhân chất lượng tăng trưởng thấp là trong thời gian dài theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, bệnh thành tích  và doanh nghiệp nhà nước thì yếu kém, đầu tư công cũng còn chưa hiệu quả, phân tán, tràn lan với mức thất thoát, lãng phí cao mà hiệu quả giám sát lại thấp. Đặc biệt, chi phí kinh doanh cao do môi trường kinh doanh chưa thực sự thân thiện và hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém. Ngoải ra, chất lượng nhân lực còn yếu kém, trình độ chuyên môn không cao và cuối cùng là thiếu vắng hệ thống công nghiệp hỗ trợ, các công cụ kết nối doanh nghiệp và vườn ươm doanh nghiệp công nghệ.

Trưởng ban châu Á – Trung tâm Phát triển OECD Kensuke Tanaka (Ảnh: Ngọc Thọ)

 

Trưởng ban châu Á – Trung tâm Phát triển OECD Kensuke Tanaka cho hay, kinh tế các nước châu Á mới nổi tiếp tục phục hồi và trong số đó có Việt Nam. Và nhu cầu trong nước là động lực chính cho tăng trưởng. Đông Nam Á vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư. Cũng theo ông Kensuke Tanaka nếu như Malaysia, Trung Quốc hay Thái Lan chỉ mất trên dưới 10 năm nữa để trở thành nước thu nhập cao thì Việt Nam dù trong mô phỏng kịch bản tốt nhất cũng cần tới 45 năm nữa (2051) mới góp mặt trong các nước có thu nhập cao.

Cũng theo ông Tanaka, để thay đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới nâng cao chất lượng tăng trưởng toàn diện và đồng bộ, các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam cần có cái giải pháp cụ thể như điều chỉnh lại cơ cấu lực lượng lao động, định hướng quan hệ cung - cầu quốc gia, cơ cấu ngành, kiểm soát được tác động tràn lan của luồng vốn, cải cách chính sách cơ cấu để đảm bảo tăng năng suất đều đặn và mạnh mẽ, nâng cao năng lực thể chế để hội nhập khu vực chặt chẽ hơn. Và đây là những biện pháp thích hợp, đã và đang diễn ra từng bước trong thời gian khá dài và tùy theo tình hình cụ thể của từng quốc gia.

Ngọc Thọ