Vòng luẩn quẩn cai và tái nghiện

17:28 | 13/11/2011

701 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi cai nghiện khó, tái nghiện vô cùng dễ thì ở Việt Nam lại rất dễ tìm thấy ma túy các loại.

Có những người làm công chức Nhà nước sơ sểnh một phút cũng sa chân vào vòng nghiện ngập để rồi thất nghiệp. Có những chàng trai, cô gái chỉ vì ham vui, theo bạn bè gắn chặt đời mình với ma túy để rồi chẳng còn tương lai. Cái sự trót, nhỡ ấy nhanh như chớp mắt, nhưng để dứt khỏi vòng xoáy của sự nghiện ngập ấy lại chẳng dễ dàng. Cai nghiện rồi lại tái nghiện như cái vòng luẩn quẩn, bám riết lấy những con người đã trót dại…

Giật mình bởi những số liệu mới

Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là cuộc chiến giữa những người nghiện với chính bản thân họ. Bởi nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính của não. Bệnh mạn tính thường dễ tái phát, với người nghiện sẽ là tái nghiện. Với con số thống kê mới nhất, riêng Hà Nội có tới 21.000 người nghiện, nhưng theo ông Nguyễn Đăng Quyền (Ban Chỉ đạo Phòng chống ma túy Hà Nội) con số này chưa bao gồm các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, các loại ma túy gây ảo giác… Đó mới chỉ là số người nghiện các loại ma túy cổ điển như thuốc phiện, hêrôin, côcain, cần sa… Những người nghiện các loại ma túy tổng hợp khác rất khó phát hiện và thống kê bởi dấu hiệu nghiện rất khó xác định.

Còn tại TP HCM, Ban Chỉ đạo Phòng chống ma túy thống kê được hơn 80% người nghiện ma túy có độ tuổi dưới 35, trong đó có tới 73% là tiêm chích ma túy. Đáng lo ngại nhất là hình thức tiêm chích ma túy đóng vai trò lớn trong quy trình lây lan các căn bệnh, chủ yếu là nhiễm HIV, AIDS.

Những người cai nghiện học nghề trong trung tâm

Theo báo cáo của Bộ Y tế đến tháng 10/2011, cả nước có 193.350 người nhiễm HIV còn sống trong đó 47.000 người đã mắc AIDS, 51.300 người chết vì AIDS. 60% số người mắc HIV là do tiêm chích ma túy, gần 40% do lây truyền qua đường tình dục. Năm 2011 chỉ tính đến tháng 10/2011 đã phát hiện mới 9.200 người mắc HIV, trong đó có 3.700 người đã bị AIDS, trong thời gian này đã có 1.400 người chết vì AIDS.

Dư luận xã hội lo ngại hơn cả là những con số thống kê trong 9 tháng đầu năm 2011 cho thấy, có tới 70% các vụ án hình sự liên quan tới ma túy và người nghiện ma túy. Thậm chí loại tội phạm cướp giật có tới 90% thủ phạm là người nghiện ma túy. Nhiều vụ đâm chém, trả thù, xô xát gây hậu quả nghiêm trọng cũng liên quan tới người nghiện.

Dở khóc, dở cười

Trong lần đi công tác về muộn, tôi từng kinh ngạc trước cảnh một cô gái còn đang mặc đồng phục học sinh cấp ba một mình nhảy nhót điên cuồng trên hè phố Vạn Bảo, với chiếc điện thoại di động phát nhạc. Một đồng nghiệp đã giải thích đó chỉ là trạng thái phê ma túy đá chứ cô bé đó thực sự không phải người điên. Người khác lại bảo cứ ra đoạn phố Giang Văn Minh, ngồi ở quán nước vỉa hè, thi thoảng sẽ thấy vài trường hợp có biểu hiện bất thường như khóc, cười vô cớ, đờ đẫn ngồi nhìn vào khoảng không hàng tiếng đồng hồ… Ngán nhất là những trường hợp này còn đang ở độ tuổi học trò.

Nói về cai nghiện và tự cai, có rất nhiều chuyện khiến không ít người kinh ngạc. Ví dụ câu chuyện về một con nghiện mới chết vì sốc thuốc hồi đầu năm nay. Chàng trai miền núi ấy bị gia đình nhốt trong một lồng sắt lớn trong suốt 3 năm để cai nghiện. Ma túy đã ăn sâu vào não, khiến chàng thanh niên chỉ dùng có một cái thìa để đào một đường hầm dài hơn 20m để tìm đường đến với… “hàng trắng”. Có gia đình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội từng phải đền tới 47 chiếc xe máy bởi quý tử trong nhà đã rước đi “cúng” cho ma túy.

Lực lượng chức năng căng mình ngăn chặn nạn ma túy

Chắc hẳn nhiều người sẽ phải tròn mắt bởi chiến tích cai nghiện 64 lần của một cựu cầu thủ U16 đã từng được dự giải Đông Nam Á. Đến nay, trải qua 14 năm nghiện ngập, chàng cầu thủ đã được gia đình đưa đến rất nhiều trung tâm cai nghiện, sử dụng nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành. Bố mẹ cậu cho rằng, môi trường tiếp xúc của chàng cầu thủ này quá nhiều “bạn nghiện” nên việc tái nghiện của con trai mình hoàn toàn dễ xảy ra. Chàng sinh viên chuyên toán – tin, học giỏi nổi tiếng trong khu dân cư Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội ấy trót thử một lần rồi nghiện lúc nào chẳng nhớ. Chàng quyết tự cai bằng cách nhờ em gái xích mình vào chân giường, rồi khóa cửa, nhốt trong nhà. Vậy mà từ sáng đến trưa, cô em gái về nhà đã thấy anh trai phá khóa xích, bẻ chấn song sắt ở cửa sổ rồi tụt ống máng từ tầng 4 xuống đường đi tìm “thuốc”.

Có trường hợp suốt 7 năm “bất đắc dĩ” cai nghiện vì phải đi tù, trong thời gian ấy, tù nhân này không được tiếp tế, không người tới thăm, anh ta lầm lũi lao động. Mãn hạn tù, số tiền lao động trong 7 năm được anh vác ngay về phía “có mùi ma túy”. Nửa năm sau, cán bộ trại lại nhận anh ta vào lao động cải tạo vì tội trộm cắp. Tính đến lúc đó, anh ta vẫn chưa một lần về thăm nhà sau 7 năm tù lần trước.

Lương y Nguyễn Hữu Cường từng nhận rất nhiều bệnh nhân cai nghiện tới trung tâm của mình. Nhiều người trong số đó là những công chức Nhà nước, như Trần Trọng D kể: “Công chức như em dính vào ma túy không hề ít. Chỉ khác nhau ở bản lĩnh có cai được hay không. Em tốt nghiệp Đại học Ngoại thương rồi vào TP HCM nhận công tác. Năm 1999 em lấy vợ rồi sinh con, để được gần vợ con, em chuyển ra Hà Nội sống, chuyển cả việc làm. Nhưng công việc mới cứ cuốn em đi, vợ không chịu nổi nên đã đòi ly dị. Em sa chân vào ma túy. Lại bỏ việc, bỏ gia đình, em vào Nam tìm việc. Ê chề, khốn khổ, giờ em quyết tâm cai”.

Cũng là học viên cai nghiện trong trung tâm của lương y Nguyễn Hữu Cường, một chàng trai trẻ khác ngượng ngùng nhưng vẫn thú thật rằng mình “đã từng nhập ngũ, từng làm công tác ngăn chặn đường dây buôn lậu, thế mà rồi lại nghiện ma túy. Đến khi lấy vợ, vợ phát hiện nên ra điều kiện nếu không cai sẽ bỏ”.

Báo động: 99% tái nghiện?

Theo các chuyên gia phân tích: Các trung tâm cai nghiện chỉ giải quyết được khâu cắt cơn nghiện, loại trừ tức thời triệu chứng cai nghiện, chứ không hề làm thay đổi bản chất bệnh mạn tính của não. Bất kỳ khi nào xuất hiện các điều kiện cần và đủ, cơn bệnh sẽ tái phát. Vậy những điều kiện cần và đủ đó là những gì? Trước tiên là ở ý chí và quyết tâm của người cai nghiện. Xét về mặt tâm lý, ngay sau khi đi cai nghiện về, 100% người nghiện đều muốn thoát khỏi tình trạng nghiện ma túy. Họ quyết tâm, họ hứa hẹn, họ tìm kiếm việc làm… Nhưng với quá khứ, với mặc cảm về những lỗi lầm của người nghiện cùng với sự coi thường, nghi kỵ và xa lánh của cộng đồng và cả gia đình, chút quyết tâm, chút ý chí ấy suy giảm dần và cuối cùng điều kiện cần đầu tiên đã xuất hiện. Họ đi tìm sự trợ giúp để có thể có niềm vui.

Còn có niềm vui nào dễ tìm và quen thuộc hơn ma túy? Dấu ấn của ma túy trong não người nghiện mạnh đến mức dễ dàng đè bẹp mọi quyết tâm cũng như ý chí của người nghiện. Trong khi đó, môi trường thì đầy rẫy ma túy. Với người nghiện, chỉ một hơi khói ma túy phảng phất trong không khí thôi thì não người nghiện đã tê liệt mọi phản kháng”.

Trong khi cai nghiện khó, tái nghiện vô cùng dễ như thế thì ở Việt Nam lại rất dễ tìm thấy ma túy các loại. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, lực lượng bảo vệ pháp luật đã khám phá 12.800 vụ án ma túy, bắt giữ 22.500 tội phạm, thu giữ 233,62kg và 167 bánh hêrôin, 2.618kg thuốc phiện, 7 tấn cần sa tươi, 500kg cần sa khô, 61,8kg và 300 nghìn viên ma túy tổng hợp. Riêng ở Hà Nội, 9 tháng đầu năm đã phát hiện xử lý 1.900 vụ án ma túy, có vụ thu được 11 bánh hêrôin. Nhưng ma túy vẫn cứ len lỏi ở rất nhiều ngóc ngách, giá cả nhiều mức bình dân.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội vừa đưa ra số liệu thống kê: Hiện nay có 34.076 người nghiện đang cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện và cộng đồng, tính từ đầu năm 2011 đã có 110.720 lượt người cai nghiện bắt buộc, 2.473 lượt người cai nghiện tự nguyện và 5.141 lượt người cai nghiện tại cộng đồng. Gọi là lượt bởi vì mỗi người nghiện đều có số lần cai nghiện lên đến hàng chục lần. Riêng Hà Nội hiện có gần 10.000 người đang được cai tại các trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên người cai nghiện thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phú Vinh