6 điều bạn có thể thực hiện để bỏ thuốc lá và sống lành mạnh hơn

13:24 | 27/10/2022

340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hút thuốc lá rất dễ gây nghiện và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài. Nhưng giờ đây, những người muốn cai nghiện đã có thể sử dụng những ứng dụng hiện đại, những đường dây trợ giúp và phương pháp đối phó cơn nghiện đã được kiểm chứng hiệu quả.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, năm 2019, hơn 30,8 triệu người Mỹ hút thuốc. Đó là gần 12,5% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên.

Hút thuốc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được ở Hoa Kỳ, chiếm gần 1/5 số ca tử vong.

Jonathan Bricker, Giáo sư khoa học sức khỏe cộng đồng tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson thuộc Đại học Washington, Seattle, cho biết, thuốc lá chứa các chất hóa học có thể khiến cho chứng nghiện trở nên nghiêm trọng hơn. Khi những chất này xâm nhập vào phổi, chúng có thể gây ra những bệnh như viêm phế quản.

Theo thời gian, hút thuốc có thể dẫn đến ung thư phổi, với tỷ lệ sống sót dưới 18% trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.

“May mắn thay, ung thư phổi có thể được ngăn ngừa nếu bạn ngừng hút thuốc và học cách bỏ thuốc lá”, Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, Giám đốc Phòng khám Điều trị Thuốc lá tại Johns Hopkins Medicine ở Baltimore, Maryland nói.

Sáu hành động bạn có thể thực hiện dưới đây sẽ giúp bạn hoặc người thân bỏ thuốc lá và tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh hơn:

1. Tập trung vào cách bỏ thuốc lá

Bạn thấy khó bỏ thuốc lá vĩnh viễn? Chia mục tiêu của bạn thành các bước nhỏ hơn, dễ quản lý hơn.
Bạn thấy khó bỏ thuốc lá vĩnh viễn? Chia mục tiêu của bạn thành các bước nhỏ hơn, dễ quản lý hơn.

Tiến sĩ Galiatsatos chia sẻ, mục tiêu không nên là “bỏ thuốc lá”; đúng hơn, nó phải là “làm thế nào để bỏ thuốc lá”. Ông cho biết, bệnh nhân của ông nói rằng họ đã bỏ thuốc nhiều lần, nhưng họ không thể cai vĩnh viễn.

Tiến sĩ Galiatsatos khuyên mọi người nên chia nhỏ mục tiêu lớn hơn của họ thành những mục tiêu nhỏ hơn.

Ví dụ: tìm hiểu các yếu tố khiến bạn muốn hút thuốc. Bằng cách đó, bạn có thể lưu tâm và tìm ra giải pháp cho những hành động đó.

2. Tạo ra bài học kinh nghiệm từ những lần bỏ thuốc

Vì tính chất gây nghiện của thuốc lá, hầu hết những người hút đều bỏ thuốc lá từ 8 đến 12 lần trước khi họ bỏ thuốc thành công, Giáo sư Bricker chia sẻ.

Do tình trạng tái nghiện rất phổ biến, ông nói với các bệnh nhân của mình rằng hãy tìm ra bài học mà họ có thể rút ra từ mỗi lần trải nghiệm.

"Mọi người sẽ nói những điều như: Tôi đã học được sức mạnh của những cơn thèm này như thế nào, tôi học được rằng nhìn thấy bạn mình hút thuốc là nguyên nhân khiến tôi thèm thuốc hoặc tôi học được rằng căng thẳng trong cuộc sống là nguyên nhân khiến tôi hút thuốc" - Giáo sư Bricker nói.

Theo Giáo sư Bricker, bệnh nhân nên tiếp cận việc bỏ thuốc từ quan điểm rằng họ càng học được nhiều điều từ những lần tái phát, cơ hội bỏ thuốc vĩnh viễn của họ càng lớn.

3. Sử dụng các đường dây trợ giúp và ứng dụng để được hỗ trợ

6 điều bạn có thể thực hiện để bỏ thuốc lá và sống lành mạnh hơn
liên hệ đường dây hỗ trợ cai nghiện hoặc tải các ứng dụnghỗ trợ để bỏ thuốc.

Các nhóm hỗ trợ cho những người muốn bỏ hút thuốc đang ngày càng ít đi, vì vậy Giáo sư Bricker khuyên bạn nên gọi đường dây trợ giúp cai thuốc để nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài.

CDC tài trợ cho một đường dây nóng cai thuốc lá, 1-800-QUIT-NOW (784-8669), miễn phí cho cư dân Hoa Kỳ ở tất cả các tiểu bang, cộng với Quận Columbia, Guam và Puerto Rico. Cuộc gọi sẽ tự động chuyển sang đường dây trong tiểu bang hoặc lãnh thổ của bạn.

Người gọi được kết nối với các huấn luyện viên giúp người hút thuốc lập kế hoạch bỏ thuốc. Huấn luyện viên sẽ cho họ lời khuyên khi đối mặt với việc rút thuốc và thèm thuốc.

Hiện tại, các đường dây nóng về ngừng thuốc của tiểu bang chỉ tiếp cận được khoảng 1% số người hút thuốc, mà CDC cho rằng phần lớn do thiếu kinh phí để quảng bá dịch vụ.

Nhóm của Bricker tại Fred Hutch đã giúp tạo ra ứng dụng iCanQuit, được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

Ứng dụng tập trung vào liệu pháp chấp nhận và cam kết, khuyến khích mọi người chấp nhận cảm xúc và suy nghĩ của họ thay vì đẩy chúng ra xa. Bricker cho biết, công cụ này cũng cung cấp các tài nguyên để bỏ thuốc và xử lý cảm giác thèm ăn khi chúng xuất hiện.

Tổng đài tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai): 1800 6606.

4. Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ y tế của bạn

Hãy trung thực với bác sĩ về tình trạng hút thuốc của bạn để tìm ra giải pháp phù hợp.
Hãy trung thực với bác sĩ về tình trạng hút thuốc của bạn để tìm ra giải pháp phù hợp.

“Những người muốn bỏ thuốc có thể nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ y tế của họ để đưa ra một kế hoạch với nhiều chiến lược”, Tiến sĩ Galiatsatos nói.

Theo Giáo sư Bricker, các bác sĩ có thể liệt kê đơn thuốc để hạn chế cơn thèm thuốc lá và làm cho chúng dễ kiểm soát hơn. Đây là một giải pháp ngắn hạn để giúp bạn rèn luyện trí não để không thèm thuốc lá.

Các loại thuốc mà bác sĩ cung cấp sẽ tùy thuộc vào trạng thái của bạn, Bricker nói. Ban đầu, các đơn thuốc có xu hướng tối thiểu sau đó tăng dần lên tùy thuộc vào mức độ nghiện.

5. Hỗ trợ người nghiện thuốc lá

Tiến sĩ Galiatsatos cho biết, ông chưa bao giờ gặp một bệnh nhân không biết rằng hút thuốc có hại, vì vậy ông đưa ra lời khuyên nên tránh lập luận đó khi giúp một người đang nghiện hút thuốc.

Ông nói: “Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong việc giúp người thân của mình cai nghiện, bạn phải tiếp cận người đó với tư cách vừa là người ủng hộ vừa chống hút thuốc”.

Khi cố gắng giúp một người hút thuốc, hãy nói rõ rằng bạn đang giúp mà không có sự kỳ thị hay phán xét. Khi niềm tin đã được thiết lập, hãy đề nghị bạn bè và các thành viên trong gia đình giúp những người hút thuốc tìm các nguồn thông tin về cách bỏ thuốc.

“Các nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng nên hỗ trợ những bệnh nhân hút thuốc của họ”, Tiến sĩ Galiatsatos nói.

Nếu bệnh nhân cảm thấy bị bác sĩ đánh giá về việc hút thuốc, họ có thể chỉ nói dối về điều đó. Và điều đó không giúp ích gì cho họ cả.

Ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy không có động lực để bỏ thuốc vào ngày hôm đó, điều quan trọng là phải vạch ra các phương pháp điều trị khác nhau để họ có động lực sau này.

6. Giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề

Thuốc lá rất khó bỏ vì các chất hóa học trong đó có thể khiến não bộ của bạn bị mê hoặc theo thời gian.
Thuốc lá rất khó bỏ vì các chất hóa học trong đó có thể khiến não bộ của bạn bị mê hoặc theo thời gian.

“Nhiều khi mọi người hút thuốc để đối phó với một số vấn đề tiềm ẩn trong cuộc sống của họ như: căng thẳng, lo âu”, Tiến sĩ Galiatsatos nói. Khi họ đối mặt lại với những cảm xúc đó trong khi cai thuốc, bản năng họ sẽ chuyển sang hút thuốc.

"Nếu bạn luôn dựa vào thuốc lá để làm cơ chế đối phó đó và bạn không có giải pháp thay thế, nghiện thuốc là tất cả những gì chúng ta sẽ thấy", Tiến sĩ Galiatsatos nói.

Để chống lại thách thức này, Tiến sĩ Galiatsatos khuyến nghị những người đang cố gắng bỏ hút thuốc nên đi tiếp nhận tư vấn hành vi. Họ sẽ có thể xác định rõ hơn lý do tại sao họ hút thuốc và suy nghĩ để tìm ra những cách lành mạnh hơn để xử lý những cảm xúc đó.

Minh Đức (Theo CNN)

Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tửThanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử
Ngừng hút thuốc sau 10 năm giảm hàng loạt nguy cơ ung thưNgừng hút thuốc sau 10 năm giảm hàng loạt nguy cơ ung thư