“Đom đóm lập lòe” sắp tắt ở Lý Sơn

07:00 | 08/09/2014

977 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Suốt 10 năm qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục đến huyện đảo Lý Sơn khảo sát để đầu tư dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời… Song tất cả đều không thành hiện thực, hơn 21.000 người dân nơi đây vẫn phải chịu cảnh thiếu điện trầm trọng. Người dân “đói” điện, doanh nghiệp không thể phát triển vì thiếu điện, đảo nhỏ tiền tiêu giàu tiềm năng nhưng tất cả vẫn chỉ là tiềm năng vì… thiếu điện! Sắp hết rồi cảnh “đom đóm lập lòe”.

Năng lượng Mới số 354

Chỉ cuối tháng 9 này thôi khi những mét cáp cuối cùng trong Dự án “Cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm” vượt biển ra đảo và đấu nối với đường 22kV trên không vừa mới thi công xong, Lý Sơn sẽ bừng sáng, chấm dứt chuỗi ngày dài mong ngóng. Đường băng đã sẵn sàng cho Lý Sơn cất cánh…

Niềm vui nhân đôi

Chúng tôi có mặt ở bến cảng số 1 Dung Quất (Quảng Ngãi). Trong buổi Lễ tiếp nhận cáp của “Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm” về đích sớm hơn kế hoạch 12 ngày.

Các đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã có mặt từ rất sớm để đón chuyến hàng đặc biệt này. Con tàu lớn chở hơn 500 tấn cáp ngầm từ Na Uy cập cảng Dung Quất từ 20 giờ ngày 22/8 nằm sừng sững bên cầu cảng, sóng biển tung bọt trắng xóa mơn man mạn tàu, thủy thủ đoàn trong sắc phục chuyên ngành đứng thành hàng ngang trên boong tàu, nụ cười sáng lấp lánh trên khuôn mặt sạm nắng, những cái bắt tay siết chặt, những bó hoa tươi thắm được các đồng chí lãnh đạo lên tận tàu tặng hoa cho các chuyên gia của liên danh nhà thầu Thái Dương - Prysimian và thủy thủ đoàn.

Siết chặt tay ông Nguyễn Hồng Thái đại diện liên danh nhà thầu Prysimian - Thái Dương, bà Đinh Thị Loan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xúc động nói: “Đưa cáp về sớm 12 ngày là nhà thầu đã góp công, góp sức cùng chính quyền và ngành điện để sớm đưa điện ra đảo Lý Sơn. Không lâu nữa đảo tiền tiêu này sẽ có điện lưới Quốc gia, đây là điều kiện quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực quốc phòng, để bảo vệ và giữ vững an ninh chủ quyền biển, đảo…”.

“Đom đóm lập lòe” sắp tắt ở Lý Sơn

Cáp đang được chuyển từ tàu xuống sà lan ra đảo Lý Sơn để thi công

Ngay sau buổi lễ ngắn gọn giàu ý nghĩa, nhà thầu triển khai ngay việc chuyển cáp từ tàu vận tải sang tàu thi công. Cuộn cáp như con trăn khổng lồ trườn trên hệ thống cần cẩu chuyên dụng khoanh tròn trên boong tàu. Đúng 11 giờ ngày 25/8/2014, tàu thi công rải cáp đã được lai dắt đến điểm đầu tuyến (Đ2) tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Bắt đầu cho cho giai đoạn quan trọng nhất: “Rải cáp xuyên biển” của Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.

Các hạng mục về đích vượt thời gian 

Có thể nói, chưa có dự án nào việc thi công từng hạng mục lại bảo đảm đúng và vượt tiến độ như “Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Đến nay, phần đường dây trên không (trên đất liền), có quy mô 8,746km đường dây 22kV; lắp đặt 1 máy cắt hợp bộ tại TBA 110kV Dung Quất, khởi công từ ngày 1/4/2014 đã hoàn thành 100% khối lượng. Phần đường dây trên không trên đảo Lý Sơn, quy mô: gồm 7,4km đường dây 22kV; 8,5km đường dây 0,4kV; 15TBA-3.330kVA, khởi công từ ngày 24/2/2014, đến ngày 30/7/2014 cũng đã hoàn thành. Cùng với đó, Điện lực Lý Sơn cũng đã thay thế xong toàn bộ 4.178 công tơ 1 pha cơ khí bằng công tơ điện tử 1 pha DT01P-RF (công tơ điện tử có công nghệ đọc chỉ số từ xa qua tần số radio) và hoàn thành thay thế 11 công tơ 3 pha cơ khí bằng công tơ điện tử 3 pha DT03P-RF một biểu giá. Toàn bộ nhân viên tại điện lực đã được đào tạo và sử dụng thành thạo thiết bị đọc chỉ số công tơ cầm tay và ghép nối số liệu vào chương trình quản lý thông tin khách hàng (CMIS) để phát hành hóa đơn hằng tháng cho khách hàng…

Đặc biệt tuyến cáp ngầm xuyên biển, do liên doanh nhà thầu Prysmian (Italia) - Thái Dương (Việt Nam) đảm nhiệm tất cả các công đoạn từ sản xuất, thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và thi công. Với khối lượng 27.400m cáp ngầm nguyên sợi không mối nối, nặng khoảng 500 tấn, đã được vận chuyển về cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) vượt thời gian 12 ngày. Trong ngày đưa hơn 500 tấn cáp ngầm về bến cảng số 1 Dung Quất, nhận bó hoa từ lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hồng Thái đại diện liên danh nhà thầu Prysimian - Thái Dương cho biết: “Gói thầu cáp ngầm được phê duyệt 11/7/2014, thì chỉ  sau đó 4 ngày chúng tôi bắt tay triển khai thực hiện ngay. Ngày 16/7, cáp được vận chuyển từ nơi sản xuất là Italia về thử nghiệm tại Na Uy, sau đó mới rời Na Uy về Việt Nam. Hải trình dự kiến là 45 ngày, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, thuyền viên, đúng 20 giờ đêm ngày 22/8, hơn 500 tấn cáp ngầm đã về đến vị trí tập kết an toàn, vượt thời gian 12 ngày”.

“Đom đóm lập lòe” sắp tắt ở Lý Sơn

Điện ra Lý Sơn

 Tăng tốc cho giai đoạn cuối

Có mặt chứng kiến giai đoạn quan trọng nhất và cũng là hạng mục khó khăn nhất. Đúng 9 giờ 45 phút ngày 26/8/2014, những mét cáp đầu tiên đã được kéo vào hầm cáp và cột đấu nối Đ2. Tiếng máy rền vang, tiếng người hò reo làm náo nhiệt cả một vùng biển. Hai tàu kéo như căng ra, nhích dần, nhích dần từ từ thả 200m cáp từ sà lan xuống biển. Không chỉ người dân xã Bình Hải, mà còn có rất nhiều khách du lịch đến Quảng Ngãi trong dịp này đổ xô về đây chứng kiến những giây phút đầu tiên khởi đầu cho giai đoạn quan trọng của dự án. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết để cố định đầu cáp vào bờ, nhà thầu đã sử dụng hệ thống máy động lực và 2 tàu kéo di chuyển 200m cáp ngầm trung áp 22kV từ sà lan xuống đáy biển; đồng thời sử dụng phao điều khiển cố định cáp vào đúng rãnh và vị trí đã được định vị. Cáp được kéo qua hệ thống ống dẫn và đường hầm được xây dựng sẵn tại bờ biển, đầu cáp được kéo lên để cố định và đấu nối với đường dây trên không.

 Để chuẩn bị cho việc rải cáp dưới đáy biển, nhà thầu đã hoàn thành tất cả các công đoạn như: đưa vào vận hành robot xẻ rãnh và chôn lấp cáp xuống đáy biển. Các thiết bị cảm biến, camera quan sát đã được lắp đặt lên robot để theo dõi quá trình vận hành và điều khiển việc thi công. Camera và các thiết bị cảm biến được tích hợp có nhiệm vụ ghi nhận về tình trạng địa chất và các thông số kỹ thuật cần thiết, truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển để phục vụ cho công tác chỉ đạo thi công. Hệ thống định vị được vận hành liên tục, phân tích dữ liệu đồng thời bằng hai phần mềm để có được kết quả tốt nhất. Tất cả đã sẵn sàng cho giai đoạn quan trọng nhất… Và 2 giờ sáng ngày 27/8/2014, những mét cáp đầu tiên được rải xuống biển trong sự tự tin của những người thợ đang thi công.

Trao đổi với chúng tôi ngay tại chân sóng, ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung - đơn vị chủ đầu tư cho biết: “Đây là lần thứ ba Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai dự án kéo cáp ngầm xuyên biển cấp điện Quốc gia nối đất liền với các huyện đảo. So với dự án ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh), dự án kéo cáp ngầm ra huyện đảo Lý Sơn phức tạp hơn nhiều. Vùng biển đảo Lý Sơn có nhiều rạn đá san hô hóa thạch, có nơi sâu đến 90m, thi công trong giai đoạn hiện nay nếu không khẩn trương sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết…”.

Ông Nhân cho biết thêm, để tham gia theo dõi thi công và hỗ trợ nhà thầu, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã thành lập tổ công tác với đầy đủ các thành phần từ cơ quan chức năng của tổng công ty, Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Các thành viên sẽ luân phiên bám sát công trình, theo dõi toàn bộ quá trình thi công và tham gia nghiệm thu công trình trước khi hoàn thành đóng điện.

“Đom đóm lập lòe” sắp tắt ở Lý Sơn

Thay thế, lắp đặt công tơ điện tử tại Lý Sơn

Ngày 31/8, chúng tôi chúng tôi đến công trình. Với tinh thần khẩn trương chạy đua với thời gian, đội ngũ chuyên gia và công nhân đang thi công tại đây đã rải được hơn 5km cáp ngầm. Ông Nguyễn Hồng Thái, người đã từng tham gia thi công thành công hai hạng mục rải cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo Cô Tô và Phú Quốc cho biết: “Tuyến cáp ngầm chúng tôi đang thi công, có độ sâu trung bình 50m, có đoạn sâu tới 90m, nhiều đoạn gặp những dải đá lớn trên tuyến trục…nhưng toàn bộ 120 chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật đang nỗ lực hết sức mình chạy đua với thời gian, tập trung khắc phục những khó khăn mới nảy sinh, để tránh những trận áp thấp nhiệt đới, tránh những cơn bão đầu mùa, quyết tâm đưa tiến độ vượt thời gian quy định…”.

Con tàu chuyên dụng mang quốc tịch Singapore chở những kỹ sư, chuyên gia thi công hiện ra trong tầm mắt chúng tôi qua hệ thống quan sát bằng quang học. Sóng biển tung bọt trắng xóa dội vào mạn tàu, qua hình ảnh ấy, không nói ra nhưng ai cũng cầu mong cho trời yên biển lặng để giảm bớt đi những khó khăn cho những người đang làm nhiệm vụ trên biển. Họ đang nỗ lực và quyết tâm rất cao thực hiện những thao tác đòi hỏi chính xác tuyệt đối, không cho phép có những sai số. Cuộc tăng tốc một cách thầm lặng giữa muôn trùng sóng gió với một quyết tâm cao độ để dòng điện sớm đến với quân dân huyện đảo, đang là động lực thôi thúc tất cả những người đang thi công dự án này vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình để về đích một cách thành công nhất.

Trong lúc chúng tôi đang tác nghiệp, thì nhận được điện thoại của Trung tá Đặng Văn Học, Chính trị viên phó, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Lý Sơn. Anh thông báo, để đón điện ra đảo UBND huyện Lý Sơn đã quyết định tổ chức lễ hội đua thuyền vào đúng ngày đóng điện; Đoàn Thanh niên các xã trên đảo tổ chức tập luyện văn nghệ để chào mừng sự kiện này. Các chủ khách sạn, nhà hàng đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng cơ sở kinh doanh. Các cửa hàng bán đồ điện gia dụng hầu như cháy hàng vì sức mua tăng mạnh… Qua giọng nói hồ hởi của anh chúng tôi thấy quê hương của những đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đang bừng sáng, đang lung linh rực rỡ những sắc màu, đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.

Lâm Quý