Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng:

Không huy động tiết kiệm vàng là đáng tiếc!

10:05 | 04/12/2012

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo Petrotimes trao đổi với ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank về những bất ổn trên thị trường vàng trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy những biện pháp quản lý để ổn định thị trường vàng vừa qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Giá vàng trong nước luôn chênh trên 3 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới, vàng các thương hiệu khác bị mất giá so với vàng SJC, vàng giả vàng nhái xuất hiện nhiều, người dân gặp khó khăn trong bán, chuyển đổi sang vàng miếng SJC… PV

PV: Quan điểm của ông về chính sách cấm nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thực tế Ngân hàng Nhà nước phải cấm nhập khẩu vàng với lý do sợ gây ra nhập siêu lớn.

PV: Thế nhưng, liệu Ngân hàng Nhà nước có đảm bảo không có tình trạng nhập lậu vàng không khi mà giá vàng trên thị trường trong nước đang rất chênh so với thế giới?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Việc nhập khẩu vàng lậu chênh giá nhiều là khó tránh khỏi. Nhưng hiện nay điều quan trọng là việc chênh lệch giữa vàng bốn số chín trong nước với nước ngoài không nhiều lắm, chỉ khoảng trên dưới 1 triệu mà chủ yếu là chênh giữa vàng SJC với vàng bốn số chín trong nước và nước ngoài ở mức khoảng trên 3 triệu/lượng. Chênh lệch giữa vàng SJC và vàng miếng bốn số chín vừa rồi cũng chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước hạn chế dập ra vàng miếng SJC tức là chuyển đổi từ vàng PNJ ra SJC. Một mặt do Ngân hàng Nhà nước cũng phải xem xét kỹ mới cho chuyển đổi, mặt khác Công ty SJC kiểm định chậm nên số lượng một ngày nhập chỉ khoảng nghìn sáu đến nghìn tám, quá ít so với nhu cầu nên nguồn cung SJC khan hiếm dẫn đến vàng miếng SJC và vàng miếng bốn số chín trong nước đã chênh gần 3 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc

PV: Thế nhưng, trên thực tế vàng miếng SJC khi đi giao dịch tại các ngân hàng vẫn bị từ chối. Ông nghĩ gì về hiện tượng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Về vấn đề bao bì SJC do Nhà nước chỉ đạo một phần, phần còn lại do SJC tránh hiện tượng làm nhái, làm giả nên họ phải thay đổi khuôn. Vì thế gần đây đã xảy ra chuyện, ngay cả vàng của SJC sản xuất cách đây 3, 4 tháng lúc giao dịch đã phải trừ đi 50-60 nghìn đồng/lượng. Đó là một việc dở. Tất nhiên việc thay đổi bao bì là một hình thức chống hàng giả, tuy nhiên chuyện vàng cũ sản xuất cách đây mấy tháng khi giao dịch lẽ ra phải được bảo toàn giá cho khách hàng. Đây là do bản thân các ngân hàng thiếu trách nhiệm với khách hàng và giữa SJC với các ngân hàng và doanh nghiệp vàng chưa có thống nhất cụ thể, dẫn đến chuyện tùy tiện ai muốn làm gì thì làm.

PV: Vậy còn chuyện một số chuyên gia nhận định rằng, có thể do thị trường vàng sẽ biến động nên các ngân hàng liên thông với nhau, chỉ vay mượn của nhau chứ không muốn mua của người dân?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Điều đó không đúng, nếu vay được người ta đã không mua. Hiện nay vay mượn nhau không dễ đâu mà người ta mua phải chọn thời điểm, mua lúc nào giá thấp thì tốt. Có thể thời điểm giá cao họ không muốn mua, đó là quyền của mỗi người. Tất nhiên họ không mua giá cao thì phải mua giá thấp, ví dụ vàng đang 47 triệu/lượng, cảm thấy giá cao họ vẫn có thể hạ xuống 100-200 nghìn chẳng hạn, cũng có ngân hàng người ta có nhu cầu mua vì chuyện mua này không phải để kinh doanh.

Như doanh nghiệp vàng chúng tôi chẳng hạn, lúc nào cũng sẵn sàng mua, sẵn sàng bán nhưng tất nhiên thấy giá cao quá mình có thể hạ xuống để có lãi. Bản thân ngân hàng khác, có nhiều ngân hàng không kinh doanh đâu nhưng vì trước đây huy động của dân, của khách hàng và người ta đã bán đi rồi để lấy tiền VNĐ kinh doanh, cho vay, giờ họ buộc mua vàng lại để trả cho dân thì họ phải mua vào còn ngân hàng nào cảm thấy đủ dự trữ, chi trả rồi có thể ngừng mua. Tốt nhất với khách hàng nếu người ta không mua thì mang đi ngân hàng khác.

PV: Vậy là những bất ổn trên thị trường vàng miếng vừa qua, người dân là thiệt thòi nhất đúng không?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Tất nhiên rồi. Mặc dù vừa qua cũng có một số người nói rằng, chủ yếu các ngân hàng hiện nay mua vàng vào là chính mà chệnh lệch SJC với vàng bốn số chín lên tới 3 triệu nên chính các ngân hàng cũng thiệt thòi nhiều. Nhưng thực tế thì người dân mới là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tóm lại không nên để tình trạng đó xảy ra, nên để giá vàng trở lại bình thường như trước đây và bình ổn giá vàng để giá vàng trong nước với quốc tế gần nhau.

Từ những năm 2006 trở về trước, Tổng Công ty Vàng bạc luôn duy trì được giá vàng trong nước chênh lệch ở mức khoảng 1% giá vàng thế giới. Bây giờ chênh lệch 300-400 ngàn cũng chấp nhận được nhưng nó thậm chí chênh tới 3-4 triệu/lượng thì đó là chuyện không tốt. Vì thế nếu người dân đi bán tưởng được lợi nhưng chưa chắc đã hay ho gì. Người dân sẽ bị thiệt thòi vì đến một lúc nào đó, giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế sẽ xích lại gần nhau.

PV: Theo ông, câu chuyện vàng miếng có bị chi phối bởi một lợi ích nhóm nào đó không?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Tôi nghĩ, hiện tượng tiêu cực trong đó có thể có và cũng có thể không. Tất nhiên cụ thể ở khâu nào, bộ phận nào nếu chịu khó tìm hiểu cũng có thể biết được. Khi đẻ ra cơ chế xin cho, thì tiêu cực là khó tránh. Vấn đề đặt ra là nếu độc quyền không vì mục đích lợi nhuận, ví dụ thương hiệu đó của một cơ quan thuộc Nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu khách hàng cần dập ra chừng đó vàng miếng SJC, anh đủ nguyên liệu và tiêu chuẩn tôi sẵn sàng dập cho anh. Thế giới đang làm như thế trong khi đó mình phải xét này xét kia, nếu để duy trì lâu dài điều đó tôi nghĩ sẽ không ổn.

Tới đây những nhà điều hành thị trường vàng nên có biện pháp đúng đắn hơn. Thực ra cũng là độc quyền vàng miếng SJC nhưng nếu độc quyền đó đúng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng, đây là thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước làm việc phi lợi nhuận hay là thương hiệu Ngân hàng Nhà nước đứng ra quản lý và tổ chức. Ngân hàng Nhà nước có thể tổ chức quản lý hộ hoặc giao cho một đơn vị khác, nếu khẳng định rằng đây là thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước. Và Ngân hàng Nhà nước không thể để SJC độc quyền một mình sản xuất.

Hiện nay có 8 đơn vị sản xuất. Tổng Công ty Vàng Agribank của Việt Nam của Tổng Công ty Vàng bạc ngày xưa là đơn vị đầu tiên sản xuất vàng miếng và lớn nhất của Việt Nam thì sao mà không có đủ khả năng sản xuất vàng miếng SJC? Nếu muốn chứng minh không phải độc quyền của SJC phải làm được việc đó. Tôi nghĩ giờ đó mới là vấn đề mấu chốt. Trên thế giới người ta cũng làm thế cả, sao chúng ta không nghiên cứu theo hướng đi của họ.

PV: Theo ông, trên thế giới cũng chưa từng có câu chuyện độc quyền về vàng miếng?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Không có một quốc gia nào độc quyền về vàng miếng cả, ít thì có 4-5 thương hiệu vàng miếng. Trên thế giới vàng miếng là thương hiệu Ngân hàng Nhà nước hoặc bộ, ngành Nhà nước cấp cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vàng lớn và các ngân hàng lớn có tổ chức sản xuất kinh doanh vàng. Miễn là có khả năng sản xuất, đảm bảo uy tín chất lượng và an toàn cho khách hàng thì đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Bản thân doanh nghiệp đăng ký đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về chất lượng, nếu sai bị xử lý trước pháp luật rất nặng. Tất cả các nước khác là vậy, không nước nào có thương hiệu vàng miếng độc quyền như Việt Nam.

PV: Thương hiệu vàng miếng này cũng do Ngân hàng Nhà nước độc quyền chứ không phải của  SJC, SJC chỉ là cái tên được ngân hàng lấy. Câu chuyện ở đây chỉ là Ngân hàng Nhà nước đứng ra độc quyền nhưng liệu họ có giao cho một công ty độc quyền hay không?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Chúng tôi đề nghị không nên giao như thế, mà nên cho thêm một đơn vị thứ hai nữa sản xuất. Đó là những đơn vị có đủ điều kiện. Trước đây cũng đã có 8 đơn vị sản xuất vàng miếng như ACB, Đông Á, Ngân hàng Ngoại thương… Đó là những đơn vị đủ điều kiện tham gia sản xuất.

PV: Trên thực tế, giá trị của vàng căn cứ theo định lượng và độ tinh khiết chứ không nằm trên giá trị thương hiệu. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định độc quyền kinh doanh vàng miếng theo thương hiệu SJC thì việc kinh doanh dựa trên giá trị vàng lại bị chuyển thành kinh doanh trên thương hiệu. Như vậy, thị trường vàng sẽ xảy ra những bất ổn gì mà ông có thể dự đoán trước?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Vừa rồi chính là bất ổn về chênh lệch giá, nếu không khắc phục được bất ổn này sẽ kéo dài. Người dân Việt Nam nếu ở thời điểm này đi mua vàng, so với dân Campuchia thì cũng đã bị mua đắt hơn khoảng trên 100 USD/lượng vàng.

Tận dụng nguồn vàng từ dân sẽ giúp ích nhiều cho nền kinh tế

PV: Đến nay đã có 3 chính sách lớn liên quan đến vàng được Ngân hàng Nhà nước triển khai để làm minh bạch thị trường vàng. Thế nhưng, thực tế thì đến nay thị trường vàng có nhiều diễn biến bất lợi đối với người dân. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Quan điểm của tôi thì bất cứ chính sách gì cũng phải quan tâm đến quyền lợi người dân, khách hàng. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách cần phải có thời gian để thực hiện. Ví như có thể thông cảm được với quyết định hạn chế nhập khẩu để chống nhập siêu, còn lại những việc khác như để một thương hiệu vàng miếng SJC độc quyền mà khan hiếm nguồn cung như SJC vừa rồi nên được khắc phục. Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp khác phải sửa nhanh và làm sao để khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng bốn số chín trở lại bình thường và giá vàng Việt Nam và nước ngoài trở về chênh lệch dưới một triệu/lượng. Làm như vậy thị trường vàng mới trở lại bình thường được. Việc người dân đi mua hay bán, lợi hay thiệt cũng không nên bàn nhiều vì làm tốt những việc kia, việc mua bán của người dân tất nhiên sẽ thuận lợi.

Nhưng có một điểm đáng lưu ý là, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn sử dụng lượng ngoại tệ rất lớn ở trong dân mà không tổ chức huy động tiết kiệm vàng thì đó là điều đáng tiếc. Bởi thực tế người Việt luôn có tâm lý ưu tiên tích trữ vàng là chính. Ngay cả nước láng giềng Trung Quốc cũng khuyến khích người dân mua vàng rồi gửi vào các ngân hàng. Như trước đây, kể cả Ngân hàng Nhà nước không cho các ngân hàng thương mại huy động để sử dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại huy động hộ chẳng hạn thì việc đó cũng nên làm.

PV: Ông nghĩ gì về chuyện một Phó thống đốc ngân hàng tuyên bố chỉ vài tháng nữa các đại gia sẽ ngừng các cuộc chơi trên thị trường vàng. Ông cho rằng điều này có khả thi không?

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LA NGỌC THOÁNG

Khi sở hữu vàng miếng cùng có chất lượng giống nhau nhưng thương hiệu khác nhau thì chỉ một quyết định của Nhà nước người dân đã mất đi một số tiền không nhỏ. Vậy, mỗi chính sách ban hành cần phải đảm bảo không để thiệt hại cho người dân.

Tại sao Ngân hàng Nhà nước không đặt ra khoảng thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm chuyển đổi tất cả các vàng thương hiệu khác sang vàng SJC bằng cách mua lại của người dân theo giá vàng SJC trên thị trường có tính đầy đủ tất cả các loại phí chuyển đổi cần thiết.

Có người so sánh rằng, với lượng vàng thương hiệu SJC tổ chức có thẩm quyền chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng để dập lại vàng thương hiệu SJC thì đã tạo khoảng lợi nhuận từ 1-2 triệu đồng. Đây thực sự là một câu hỏi mà người dân cần câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Việc kinh doanh vàng lúc sôi động thì quy mô lớn, lúc bị hạn chế do chính sách Nhà nước không khuyến khích thì quy mô sẽ nhỏ lại, còn ngừng thì không đúng. Trên thị trường công khai có thể giảm nhưng biết đâu thị trường ngầm lại phát sinh sôi động.

Thực tế muôn đời nay, cái gì có lợi nhuận, có chênh lệch giá nhiều thì có buôn, có bán, có thị trường làm ăn. Đây là quy luật rồi, chỉ trừ trường hợp không còn lợi nhuận nữa người ta mới dừng thôi. Vì vàng dù gì vẫn là vàng và một khi đồng nội tệ của mình vẫn chưa chuyển đổi được để so tầm quốc tế thì chuyện cất trữ, mua bán vàng là đương nhiên. Vì thế, khó có thể nói ngừng trao đổi trên thị trường vàng được.

PV: Bây giờ để ổn định thị trường vàng, ngoài chuyện cho những doanh nghiệp khác kinh doanh sản xuất vàng miếng thì Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành những bước thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Nghị định và thông tư đều đã ban hành rồi nên trước mắt phải thực hiện quy định của pháp luật, tất nhiên trong quá trình thực hiện có điều gì không phù hợp phải sửa đổi thôi.

PV: Đứng trên cương vị của một người đã từng tham gia vào thị trường vàng rất lâu, ông đánh giá những nghị định, thông tư đó có bám sát và kịp thời thị trường vàng Việt Nam không? Hiệu quả của nó đến đâu khi điều tiết thị trường vàng?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Câu đó tôi sẽ trả lời sau một thời gian nữa.

PV: Vậy, hiện tại ông thấy diễn biến thị trường vàng sắp tới của Việt Nam và quốc tế sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Vàng Việt Nam vẫn phải đi theo thị trường vàng thế giới nhưng sẽ chậm hơn. Vàng thế giới cuối năm nay, đầu 2013 có thể sẽ lên. Đó là xu hướng tất yếu, nhưng tôi hy vọng nó sẽ không lên quá cao. Tuy nhiên, việc giá vàng trong nước lên cao cũng không ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế trong nước. Vì lúc đó nếu biết tận dụng tốt nguồn vàng trong dân thì rất tốt cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là Nhà nước, các bộ, ngành có tận dụng được nguồn vàng này không?

Theo ước tính, vàng trong dân hiện có tối thiểu khoảng 2.500 tấn. Nếu tính tỷ giá hiện tại là 1.730 USD/oz thì Việt Nam có ít nhất hơn 14 tỉ USD. Nếu vàng lên trên 2.000 USD/oz, lượng vàng trong dân quy ra tiền sẽ khoảng 15,5 tỉ USD. Tận dụng được nguồn vàng này sẽ giúp nền kinh tế rất nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ba chính sách lớn liên quan tới vàng đã được Ngân hàng Nhà nước ráo riết triển khai suốt từ tháng 4 năm ngoái đến nay. Trong đó, Nghị định 95 trực tiếp đánh vào giới đầu cơ ngoại tệ, buôn lậu vàng, với quy định xử phạt hành chính tới 500 triệu đồng và tịch thu tang vật mỗi lần vi phạm. Còn Thông tư 12 nhắm vào các ngân hàng, yêu cầu chấm dứt cho vay và từng bước ngừng huy động vàng từ 1/5/2011, tiến tới tất toán các hợp đồng huy động trước 25/11/2012.

Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng sau hơn 2 năm thai nghén đã ra đời và có hiệu lực từ 25/5 năm nay, khẳng định Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, tất cả các đơn vị được cấp phép dập đúc trước đây đều phải dừng hoạt động. Duy nhất SJC được lựa chọn để gia công theo đơn đặt hàng của Nhà nước.


Lâm Chi (thực hiện)