Chiêu trò nhào nặn thông tin “hậu trường chính trị”

15:08 | 06/01/2015

67,913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, dư luận xôn xao về việc một số trang web, tờ báo hải ngoại tung ra những thông tin “sốc” liên quan tới ông Nguyễn Bá Thanh kèm theo nhiều suy diễn nguy hiểm liên quan tới các cán bộ lãnh đạo cấp cao. Sự thật câu chuyện này rồi đây sẽ được làm rõ nhưng có thể nhận thấy, đây là chiêu trò không mới của những phần tử cơ hội chính trị thường “ném đá giấu tay” thực hiện mấy năm gần đây...

>> Chuyện về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh (Bài cuối)

>> Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…

>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

 

Chiêu trò không mới

Thông thường, trước mỗi kỳ Đại hội hay hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch thường tung ra những thông tin hậu trường chính trị nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Còn nhớ, giữa năm 2012, khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay thì dư luận cũng xôn xao việc “xê-ri” các trang “quan làm báo”, “dân làm báo”, “vua làm báo” liên tiếp tung ra các thông tin liên quan tới cán bộ lãnh đạo.

Những thông tin chúng đưa ra liên quan đến nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, đến vấn đề ngân hàng, tài chính và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nên đã tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, Đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Sang năm 2013, khi mà các trang “làm báo” đã trở nên nhàm chán thì lại rộ lên một trang mạng khác nói xấu một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Và từ cuối năm 2014 đến nay, lại xuất hiện trang “Chân dung quyền lực” với câu chuyện hậu trường liên quan tới ông Nguyễn Bá Thanh cùng nhiều suy diễn thâm độc khác…

Với ông Thanh, đây không phải là lần đầu bị tung tin xấu. Trên một trang mạng mạo danh mang tên ông khi ông còn là Bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng từng có nhiều thông tin sai sự thật và chính ông đã phải lên tiếng trên báo chí nói rõ sự thật.

Ông Nguyễn Bá Thanh.

 

Điểm lại hoạt động của những trang blog này cho thấy chúng có điểm chung là đều xuyên tạc sự thật, hướng sự công kích vào một vài cán bộ lãnh đạo cấp cao theo kiểu “đồn nhảm”. Kẻ xấu đã lợi dụng, đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự quan tâm của dư luận trước những sự kiện chính trị lớn của đất nước. Chúng luôn dựng lên các cuộc “đấu đá”, các “phe nhóm” trong hệ thống chính trị.

Nếu như năm 2012, mục tiêu chúng hướng tới nhằm vào việc triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của Đảng thì năm 2013, mục tiêu xuyên tạc của chúng nhằm vào việc lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Và lần này, có thể thấy ngay mục tiêu của chúng nhằm gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng.

“Bịp bợm, lá cải”

Nhìn lại chiêu trò của những trang web đen này mấy năm qua thì thấy ban đầu chúng cũng tạo ra sức hút bởi đánh vào tâm lý tò mò, “thông tin lạ” nhưng sau khi sự kiện diễn ra, nhìn lại mới thấy hầu hết thông tin chúng đưa ra đều là “bịp bợm”, “lá cải”.

Câu chuyện về trang “Quan làm báo” là một ví dụ.

Một cán bộ an ninh, một nhà báo có kinh nghiệm, có nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng liên quan tới lĩnh vực phòng chống phản động đã “bóc mẽ” thủ đoạn, “tiểu xảo” trong đưa tin của “Quan làm báo” cũng như dã tâm của các phần tử phá hoại.

Theo ông, chúng thường nhào nặn thông tin dựa trên những sự kiện cụ thể. Ví dụ: Hôm nay cán bộ A có cuộc họp quan trọng với cấp trên hoặc các cơ quan nào đó. Thông qua những nguồn tin, chúng biết được địa điểm tổ chức cuộc họp, thành phần cuộc họp… rồi từ đó suy diễn.

Chúng thường “mạnh mồm” tung hỏa mù tuyên bố “tài liệu bóc băng ghi âm” nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận ra, chúng đã nhiều lần “hứa” tung băng ghi âm song chưa lần nào làm được việc đó. Chúng cũng lợi dụng một số mâu thuẫn trong nội bộ các cơ quan, doanh nghiệp thêm thắt các thông tin theo hướng suy diễn, kích động khiến cho người đọc tin là thật. Những mâu thuẫn này thường khá rõ ràng trên thực tế và nhiều người có thể thấy được.

Khi đã “bấu” được vào điểm cốt yếu này, chúng suy diễn, kết nối thêm các thông tin “ngoài lề” khiến người đọc đối chiếu vào thực tế thấy mâu thuẫn này là có thật thì sẽ tin và tin luôn cả những thông tin mà chúng cài vào.

>> Thủ đoạn “ném đá giấu tay” của “Quan làm báo”

 

Cảnh giác với chiêu trò nhào nặn thông tin “hậu trường chính trị”

(Ảnh minh họa)

Người Việt vốn có tâm lý tò mò, kiểu “đám đông”, thấy gì lạ thì phải xem bằng được nên những tin đồn, tin bịa trên internet dễ có đất sống. Những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng việc cung cấp thông tin chưa kịp thời của các cơ quan chức năng để dẫn dụ người đọc vào thế giới “tin lá cải”.

Xin ví dụ sự việc liên quan tới “bầu Kiên”, chúng tung tin về việc “mua chuộc báo chí”, cho rằng một số tờ báo trong đó có cả Thanh Niên, đã đăng tải các bài viết “nhằm tô son, trát phấn” cho các ông Trầm Bê và bầu Kiên.

Tuy nhiên, sau đó, chính lãnh đạo báo Thanh Niên đã thông báo với bạn đọc rằng, những thông tin đó là hoàn toàn bịa đặt. Tờ Thanh Niên không đăng bất cứ một bài viết nào về các nhân vật được đề cập. Nhiều thông tin khác chúng tung ra như người này, người kia bị công an bắt về sau đều "trật lất” đã khiến cho những trang này dần dần im bặt và thật sự trở thành “lá cải”, không còn được dư luận quan tâm.

Tương tự, với trang mạng bôi xấu một lãnh đạo Nhà nước năm 2013, chúng thêu dệt rất nhiều chuyện xấu xa về đời tư cán bộ này, thậm chí viết bài theo kiểu chửi đổng thiếu văn hoá nhằm hạ thấp uy tín cán bộ trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Cùng với đó, loạt bài mà chúng phát tán bịa đặt trắng trợn, “chỉ mặt đặt tên” những “ai làm khánh kiệt đất nước” còn bôi xấu một loạt cán bộ Quốc hội, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Tuy nhiên, "vải thưa không che được mắt thánh", qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm, những nhân vật mà chúng muốn hạ bệ vẫn được Quốc hội tín nhiệm rất cao, nhiều người còn có số phiếu cao hơn lần lấy phiếu thứ nhất, chứng tỏ chiêu bài tung tin đồn nhảm của chúng không có tác dụng.

Trở lại với câu chuyện trang Chân dung quyền lực, trước khi tung thông tin về ông Nguyễn Bá Thanh, lợi dụng vụ việc liên quan tới sai phạm ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, kẻ xấu còn thêu dệt nhiều thông tin xấu liên quan tới các cán bộ cấp cao khác ngay trước dịp kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII lấy phiếu tín nhiệm.

Song âm mưu này cũng thất bại khi những cán bộ bị bêu xấu trên trang này vẫn có số phiếu tín nhiệm cao hơn cả lần lấy phiếu thứ nhất. Còn lần này, với những thông tin liên quan tới ông Nguyễn Bá Thanh, chúng đã lợi dụng chuyện về tình hình sức khỏe của ông để “thêm mắm thêm muối”, dựng lên câu chuyện "đấu đá nội bộ".

Người đọc hiếu kỳ dễ tin khi việc ông Thanh lâm bệnh từ lâu, vắng mặt tại nhiều sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước gần đây là có thật. Nhưng nếu tinh ý, có thể thấy ngay thủ đoạn tô vẽ của chúng khi cũng giống như “Quan làm báo”, thông tin chúng đưa ra nhiều lần đã thể hiện rõ là bịa đặt, sai sự thật, khi chính trên trang này, lúc thì nói ông Thanh đã qua đời bên Mỹ, lúc thì lại bảo bệnh viện "bó tay" và ông Thanh được đưa về nước để "chờ"...

Riêng thông tin về ngày giờ, chuyến bay đưa ông Thanh về nước đã được kiểm chứng là không đúng, nhiều tờ báo trong nước mấy ngày qua đã đăng ý kiến khẳng định thông tin trên trang này là sai sự thật.

(Còn tiếp)

>> Chuyện về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh (Bài cuối)

>> Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…

>> Khi ông Nguyễn Bá Thanh không còn là "huấn luyện viên"?

>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

>> Tiết lộ chi tiết hội thoại ông Nguyễn Bá Thanh "truy” Giám đốc Sở

>> Thủ đoạn “ném đá giấu tay” của “Quan làm báo”

>> “Quan làm báo” đã bịa đặt như thế nào?

 

 

Nguyên Minh (tổng hợp)