Ai làm “mía đắng, sữa chua”?

08:42 | 13/01/2015

1,454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 2008, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, mấy năm qua, thực tế triển khai thực hiện nghị quyết này vẫn có nhiều khó khăn, người nông dân vẫn có lúc điêu đứng...

Năng lượng Mới số 390

Từ năm 2008, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nội dung nghị quyết này có đoạn: “… khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn… phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn; hợp tác xã phải làm tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định sự gắn kết 4 “nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Tất cả nhằm mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến lên quy mô sản xuất hàng hóa lớn.

Phản đối doanh nghiệp người dân đổ sữa ra đường

Tuy nhiên, mấy năm qua, thực tế triển khai thực hiện nghị quyết này vẫn có nhiều khó khăn, người nông dân vẫn có lúc điêu đứng bởi chưa có sự vào cuộc đồng bộ của 4 “nhà”. Riêng việc quy hoạch các vùng chuyên canh để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa lớn đã khiến bà con nông dân ở nhiều nơi dở khóc, dở cười. Không vay được vốn để đầu tư cho sản xuất, không tiêu thụ được sản phẩm bởi thiếu đầu ra; rồi tình trạng ép giá, nợ nần vẫn xảy ra như cơm bữa.

Câu chuyện tiêu thụ mía nguyên liệu ở Gia Lai hiện nay là một ví dụ sinh động.

Nông dân trồng mía nhập cho Nhà máy Đường Bình Định lại thêm một mùa “mía đắng”. HTX nông nghiệp Xuân Chung (thôn 4, xã An Thành, huyện Đắk Pơ) đã nhập cho Nhà máy Đường Bình Định hơn 3.000 tấn mía, nhưng hầu hết không được nhà máy đường trả bằng tiền mặt mà bằng... phiếu đường!

Mỗi lần nhập mía, nhà máy lại xuất cho một phiếu đường tương đương với số mía vì nhà máy hiện đang khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, mức giá đường mà nhà máy bán cho dân lại cao hơn giá thực tế mà người dân bán cho thương lái. Cụ thể, giá đường mà các chủ mía được thanh toán là 11.100 đồng/kg. Số đường quá lớn nên nông dân không thể vận chuyển về nhà mà phải bán lại cho đầu mối thu mua tại cổng nhà máy.

Để liên hệ với các đầu mối này, Nhà máy Đường Bình Định lại tiếp tục đứng ra làm trung gian và khi đường đến tay được các đầu mối thì mức giá chỉ còn... 10.900 đồng/kg. Thế là đường không còn ngọt ngào mà chỉ thấy vị đắng cay! Người trồng mía đã làm ăn với Nhà máy Đường Bình Định lâu dài nên rất thông cảm, các đại lý đã đồng ý nhận phiếu đường thay tiền mặt để hỗ trợ công ty trong thời điểm khó khăn này. Việc nông dân chấp nhận lấy phiếu đường là do “sợ nhà máy nợ tiền quá lâu” mà trước đây đã từng thế. Tuy nhiên, mỗi kg đường bán ra, nông dân bị thiệt 200 đồng, với số mía nhiều thì số tiền đó không hề nhỏ. Thậm chí việc nông dân muốn đưa đường về nhà để bán thì bị Nhà máy Đường Bình Định áp mức giá đường xuất kho cao hơn 2-3 giá so với giá bán phiếu đường tại chỗ.

Lại thêm một khó khăn nữa là số mía của nông dân không thể nhập cho nhà máy khác bởi không nằm trong vùng nguyên liệu của các công ty. Nếu nhập thì bà con phải chịu mức giá rất thấp hoặc các khoản chi phí khác. Nghĩa là, “đất có thổ công”, mỗi công ty đưa ra những quy định bắt buộc người dân vùng nguyên liệu phải làm theo. Khi đã ở thế “tiến thoái lưỡng nan” thì vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.

Còn ở tỉnh Lâm Đồng mấy ngày nay, người chăn nuôi bò sữa ở hai xã Tu Tra và Đạ Ròn, thuộc huyện Đơn Dương đã kéo nhau lên trạm thu mua sữa của Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk để phản đối về việc công ty này tự ý phá vỡ hợp đồng thu mua sữa như đã cam kết, khiến hàng nghìn lít sữa tươi phải đổ ra đường. Người chăn nuôi bò sữa bức xúc bởi Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk đột ngột ra thông báo với nội dung chỉ thu mua sữa bò tươi của người dân, mỗi con là 16 lít/ngày. Quy định này hoàn toàn trái ngược với hợp đồng đã được ký kết trước đó giữa công ty với người nuôi bò sữa là sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hậu quả, nông dân buộc phải đổ bỏ hàng ngàn lít sữa tươi đi vì không thể bảo quản được.

Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương huyện Đơn Dương đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk. Qua đó, đề nghị đơn vị này phải tiếp tục thu mua sữa bò tươi đầy đủ cho người dân theo đúng cam kết, sau đó mới tiến hành đi đến thương thảo để tìm biện pháp giải quyết hợp lý, tránh tình trạng nông dân phải đổ bỏ sữa bò tươi như trong mấy ngày qua. Hiện nay tỉnh Lâm Đồng có 3 đơn vị thu mua sữa tươi cho nông dân, trong đó Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk chỉ thu mua khoảng 10% trên tổng sản lượng sữa bò tươi trong toàn tỉnh.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) ra đời đã hơn 6 năm nhưng thực tiễn còn nhiều điều bất cập. Như vậy, cần có sự đôn đốc, kiểm tra và tìm ra những vướng mắc để tháo gỡ. Đặc biệt trong gia đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay, quy trình gắn kết vai trò của 4 “nhà” càng phải được củng cố vững chắc hơn nữa để bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững. Không thể để nông dân “đơn thương, độc mã” quanh năm vất vả để rồi được mùa thì rớt giá, mất mùa thì lại đói ăn!

Bùi Đức