Người duy nhất đề nghị Tổng Tư lệnh xem lại kế hoạch đánh nhanh

06:00 | 01/05/2014

10,606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm dự lễ mừng đại thọ cụ bà Phạm Thị Trinh, em gái tướng Phạm Kiệt, 100 tuổi đời, 83 năm tuổi Đảng, tôi được xem một tư liệu lịch sử, một kỷ vật vô cùng quý báu của gia đình: Đó là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 19/1/1995 gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Trung tướng Phạm Hồng Cư

Trong thư, Đại tướng tham gia ý kiến vào buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Trung tướng Phạm Kiệt.

Sau đây là đoạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến vai trò của Trung tướng Phạm Kiệt tại Mặt trận Điện Biên Phủ: “Đặc biệt, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía đông bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Kiệt (bên trái) trên vùng biển Quảng Ninh năm 1973

Đoạn thư trên đây cung cấp một căn cứ để tìm hiểu thêm về “Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Thế hệ chúng tôi, những cựu chiến binh Điện Biên Phủ nay đều đã là những lính già đầu bạc, ai ai cũng nhất trí với ý kiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 nói trong dịp Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, tướng Vương Thừa Vũ thì nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh  nhanh, giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lùi lại mươi năm!”.

Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ. Từ khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu theo kế hoạch đánh nhanh (14/1/1954) cho đến ngày N (trước là ngày 25 sau hoãn 24 tiếng nên là 26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm trăn trở, vừa theo dõi tình hình địch, vừa suy nghĩ thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Suy nghĩ lung đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu.

Đến sáng ngày N (26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận.

Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuật lại không khí căng thẳng của cuộc họp Đảng ủy Mặt trận: Đảng ủy vẫn giữ ý kiến đánh nhanh. Đại tướng phải nói lại chỉ thị của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Cuối cùng, Đảng ủy mới đi đến nhất trí là trận đánh có thể thất bại nếu không thay đổi phương châm tác chiến, đồng ý rút quân ra, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm mới “Đánh chắc, tiến chắc”.

Đây là một bài học mẫu mực về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân, đồng thời tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của cấp ủy Đảng.

Về Trung tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thư: “Lúc bấy giờ toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày. Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt trận gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.

Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi xin trích giới thiệu bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Trung tướng Phạm Kiệt để tưởng nhớ đến người duy nhất lúc đó đề nghị Đại tướng xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, qua đó đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

P.H.C

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc