Màn quan họ mừng chiến thắng

07:00 | 01/01/2014

1,441 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyễn Chí Thanh là một trong hai vị đại tướng trẻ nhất và tài ba nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ở cả 3 lĩnh vực: quân sự, chính trị và nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều ghi đậm dấu ấn bởi những cống hiến xuất sắc. Dưới đây là câu chuyện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm, in trong cuốn “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người” của nhà văn Trần Công Tấn, NXB Văn học, 2008 và cuốn “99 góc nhìn văn hiến Việt Nam”, NXB Thông tấn, 2006.

Năng lượng Mới xuân Giáp Ngọ 2014

Nhà thơ Hoàng Cầm khi đã ngoài 80 tuổi vẫn còn nhớ rõ một kỷ niệm: Ngay sau chiến thắng giòn giã Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  Nguyễn Chí Thanh đứng ra tổ chức lễ hội “khao quân”.

Lúc đó, tôi là Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, nhận được lệnh tổ chức một đêm văn nghệ cho khoảng 1.000 người xem. Suy tính mãi, tôi quyết định chọn 10 tiết mục, trong đó phải có tiết mục nói về tình yêu. Nhất định phải có một màn quan họ, từ 20 đến 25 phút.

Ngay sau lời tuyên bố “bắt đầu”, 3 hồi trống giòn giã và bài hát “Giải phóng Điện Biên” vang lên, màn nhung từ từ mở, hiện ra cảnh quân dân miền ngược, miền xuôi quây quần. Cả đoàn gần 100 người hát vang như sấm động.

Và đến khi màn quan họ vang lên, tôi nhìn thấy miệng cười tươi rói của Đại tướng Tổng tư lệnh mới 43 tuổi và vẻ mặt rất hồ hởi của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng mới tròn tuổi 40.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi vào chiến trường miền Nam (1964)

Tôi yêu cầu tốp nữ quan họ phải hát thật bay bướm, cái nón quai thao phải e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ, nửa mở ra tròn trịa mời đón người tình: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”. Đến câu hát đỉnh điểm chót vót của tình yêu nam nữ: “Gió giục cái đêm đông trường/ Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai” thì từ hàng ghế thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, các vị cán bộ trung đoàn đã bắt đầu ghé tai nhau bàn về một cái gì đó hơi nghiêm trọng. Rồi từ phía bên trái sân khấu nhìn xuống, một tiếng sét đã nổ ra, dữ dội đến mức tôi giật thót người, chân tay run lật bật.

- Hạ màn xuống! Đả đảo!

Tiếp theo đó, như hàng tràng sấm sét lan nhanh, hàng trăm người đồng thanh tương ứng:

- Đả đảo văn công! Hạ màn xuống!

- Cất hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!

- Đả đảo hòa bình chủ nghĩa! Đả đảo hưởng lạc!

- Chim chuột nhau trên sân khấu đấy! Đả đảo!

- Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống!

Như theo bản năng, tôi run run vẫy tay cho một đồng chí hậu đài hạ màn tức khắc. Nhưng tôi vẫn hé màn nhìn xuống. Tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại phía sau nhìn xem là “cái gì”. Sau đó, nét mặt ông tướng chiến thắng ấy vẫn bình thản. Nhưng tôi chưa kịp định thần thì bỗng có người bước nhanh lên sân khấu, đứng trước bức màn rêu, nói như thét:

- Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à?

Hình như làn sóng phản đối có nguôi đi nhưng vẫn sôi động. Vị tướng ấy nói tiếp, giọng càng gay gắt:

- Tổng cục nuôi đoàn văn công để văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn thể quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân. Các ông thật là vô kỷ luật. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha.

Vậy, bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông về mà ngủ; ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!

Người vừa dội xuống khán giả một tràng dài ấy là Nguyễn Chí Thanh.

Khi ông Thái Dũng cùng vài người vừa lách qua các hàng ghế sắp ra đến cửa thì ông Nguyễn Chí Thanh gọi giật lại:

- Này, các ông bỏ về hả! Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công đến nhà riêng của tôi, đoàn của anh Hoàng Cầm diễn lại màn quan họ này, cái tiết mục mà các ông đả đảo ấy, diễn lại ở sân nhà tôi. Có cả kẹo bánh và thuốc lá của Tây thua trận đấy. Mai, các ông sẽ tranh luận và tha hồ ý kiến! Chứ như vừa rồi, tôi phản đối cái thái độ và tác phong vô kỷ luật của các ông. Nào ngày mai, tôi nhắc lại, đúng 2 giờ chiều, mời ông Thái Dũng và các đồng chí đến xem lại, rồi thảo luận.

Nói dứt lời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bước xuống, về chỗ ngồi và hô to:

- Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn lại!

Và 5 tiết mục tiếp theo, nhất là màn múa sạp đã chiếm lĩnh tâm hồn tất cả tướng sĩ, tâm hồn những người vừa thắng trận lịch sử. Khi đêm diễn vừa kết thúc, gần chục tướng tá nhảy lên sân khấu, ôm hôn, bắt tay, xoa tóc diễn viên.

Chiều hôm sau, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Chí Thanh rất đúng giờ. Anh Thanh đón văn công, vẻ mặt rạng rỡ:

- Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh hát, hát thật hay vào!

Tôi thấy tiếng vỗ tay hoan nghênh hình như chỉ có một nửa.

Chấm dứt 25 phút biểu diễn, các diễn viên thẹn thùng chào các vị tướng tá đầy kiêu hãnh. Nhiều người đứng dậy vỗ tay lâu đến vài ba phút, pha với những tiếng “hoan hô!”, “tuyệt vời!”. Ông Thái Dũng cũng vỗ tay nhưng không mặn mà, có vẻ “bất đắc dĩ”. Anh Thanh nói:

- Bây giờ tôi yêu cầu tất cả thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm phát biểu trước!

Tôi đứng lên, nói y như nội dung đã bàn với cả Đoàn khi nhận chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh để chuẩn bị tiết mục. Tôi thấy anh Thanh mủm mỉm cười, nhìn tôi rất yêu mến, nên tôi càng vững tâm.

Sau khi tôi nói hết, ông Thái Dũng đứng dậy, lúc đầu ông nói nhỏ:

- Trước hết, tôi thành thực xin lỗi các đồng chí cấp trên ở Tổng cục, xin lỗi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhất là xin lỗi anh Hoàng Cầm và Đoàn Văn công Tổng cục vì thái độ của một số anh em chúng tôi tối qua. Đó là vì chúng tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Nhất là tôi từ 15 tuổi đã theo cách mạng, 17 tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi luyện tập, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa hề thấy một đoàn văn công to nhỏ nào hát những lời như thế bao giờ. Quanh năm, tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con là tôi “chỉnh” ngay, có khi tôi đuổi ra khỏi đơn vị, vì thế cái tính thẳng thắn, cứng nhắc ấy nó quen đi nên mới quát to lên lúc tối qua, thành ra có lỗi với cấp trên và đồng chí Hoàng Cầm.

Anh Thái Dũng vừa ngồi xuống, một tràng pháo tay nổi lên đồng tình. Lại có hàng chục cánh tay giơ lên. Anh Nguyễn Chí Thanh chỉ định, thế là liên tục đến gần chục người phát biểu, mở rộng hoặc nhấn mạnh ý kiến của Thái Dũng. Tôi thấy anh Thanh mặt vẫn tươi như hoa. Xem chừng những ý kiến phản đối đã vãn, anh Thanh hỏi:

- Có ai có ý kiến gì khác nữa không chứ mấy ông cứ nhắc đi nhắc lại cái ý ông Thái Dũng, nghe cũng không bổ ích gì.
Không khí vẫn trầm lặng. Anh Thanh lại khuấy bầu không khí:

- Này, tôi hỏi mấy ông chính ủy và chính trị viên nhé. Trước mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh lớn nhỏ, các ông thường động viên các anh binh nhì thế nào nhỉ?

Một anh ngồi tại chỗ đáp lại vẻ hơi ngang bướng, hình như là một chính ủy trung đoàn:

- Báo cáo anh, cứ tuân theo tất cả các chỉ thị của Tổng cục và các cục trực thuộc mà động viên.

Anh Thanh hỏi ngay:

- Các ông không có sáng kiến riêng gì à?

Đáp:

- Chả cần, vì các tài liệu Tổng cục gửi xuống đều rất tỉ mỉ và đầy đủ rồi.

Anh Thanh phê bình:

- Này các ông, tôi có thể nói ngay rằng, Đảng cần những đảng viên có nhiều sáng kiến, nhiều cách thức riêng để động viên chính trị ở các đơn vị khác nhau chứ Đảng không cần đến những con người máy, bảo sao làm vậy đâu nhé!

Bị bất ngờ đánh một đòn khá nặng, mấy anh hùng ngồi im re. Bỗng có một người dáng mập và thấp, đứng bật lên giơ tay. Tôi nhìn kỹ, hóa ra anh Quyết Thắng, Tham mưu trưởng Quân khu Việt Bắc. Anh nói ngay:

- Màn quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân miền Trung du, tỉnh Bắc Ninh. Chỉ có hơn 20 phút cái màn này mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính, có văn hóa bậc nhất, văn hóa lâu đời, hiện lên qua tất cả những diễn viên có mặt ở đây. Thì tôi phải nói ngay: màn quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Mà dân tộc cũng ở trong bài hát ấy... Cả hạnh phúc cũng ở đấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng...

Anh Văn Cương, Chính trị viên tiểu đoàn thuộc Liên khu Việt Bắc, cũng quê ở Bắc Ninh với tôi, nói:

- Đúng thế. Tổ quốc ta có quan họ, đẹp biết chừng nào, đáng yêu biết chừng nào. Thế thì hát lên, tôi thấy nó rất hay. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó có thể làm nhụt ý chí chiến đấu?

Lại một anh khác cướp lời:

- Bộ đội đã thừa khói lửa, được lúc xem văn công lại thấy toàn cảnh bắn nhau, nghe toàn tiếng hô tiến lên, xung phong thì có thấy phát ngấy lên không? Vậy thì đêm qua, chúng tôi cảm ơn anh Hoàng Cầm và cả Đoàn Văn công đã cho chúng tôi vài chục phút say sưa. Thanh cao đấy, làm gì có chuyện nhảm nhí mà anh Thái Dũng cứ át giọng người ta?

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (thứ nhất từ trái sang) cưỡi voi trên đường Trường Sơn, khu vực Đường 9 - Nam Lào (năm 1964)

Đến lúc ấy thì tiếng vỗ tay nổi lên mạnh mẽ. Bỗng nhiên có một giọng nữ lanh lảnh cất lên. Đó là chị Tý, Tổ trưởng nuôi quân ở văn phòng Tổng cục. Chị mới trên ba mươi tuổi, vợ một liệt sĩ:

- Em đề nghị anh Thanh cho văn công vào trại tù binh diễn cả cho thằng Đờ-cát-tờ-ri xem, để nó biết người của đất nước ta xinh đẹp duyên dáng thế nào, rồi liệu mà bảo nhau cút ngay đi!

Anh Thanh chạy đến bắt tay chị Tý trong lúc tất cả, kể cả anh Thái Dũng vỗ tay rào rạt không muốn ngớt. Xem chừng đã đến lúc có thể kết luận, anh Thanh mới đứng hẳn lên bậc thềm, nói:

- Tôi nghĩ các ông tranh luận thế này là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết với nhau, phải không ông Thái Dũng? Tối qua một số ông hô đả đảo cái quan họ này chắc chưa thể lại nghĩ rằng, mình đã giơ quả đấm của cánh tay phải thụi ngay vào giữa ngực mình. Các ông nhiều gân cốt quá hay là mấy ông cố làm ra thế cho oai, để ra cái điều ta là anh hùng, khí phách? Có cô gái đẹp dịu hiền, lướt qua trước mắt, lại quay ngoắt đi không thèm nhìn. Đã không nhìn, chưa biết cô gái đẹp là ai, có xấu tính xấu nết hay không, chưa chi gọi người ta là con đĩ ư? Ừ thì không mê mẩn cô ta, nhưng tại sao lại không nhìn, không thưởng thức cái nhan sắc mà trời phú cho cô ấy? Các ông sợ cái đẹp nó quyến rũ mình à? Ồ, nếu thế thì đâu phải là khí phách? Người có gan, vẫn có thể kết bạn với một cô gái đẹp, miễn là giữ lòng mình không sa ngã thì mới hay chứ! Sao lại xua đuổi cái đẹp? Cá nhân tôi nghĩ: màn quan họ này có đủ ba phẩm chất cơ bản của văn nghệ là chân - thiện - mỹ. Mà lại là cái vốn lâu năm của dân tộc, cụ thể là tỉnh Bắc Ninh, chứ Đoàn Văn công cũng chưa đủ tài năng mà sáng tác được vậy đâu. Như tranh dân gian của làng Hồ, quê anh Hoàng Cầm, cái Đánh ghen mà tôi đã được xem, tôi rất thích. Cái anh đàn ông ôm giữ khư khư hai quả dừa của cô vợ bé (có tiếng cười ran ran) bảo vệ không cho bà vợ cả xâm phạm vào, thật là hay! Ai bảo là thô tục nào?

Vậy nên cái vốn văn hóa của dân tộc, chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ hằng trăm năm nay đã lọc, đã gạn đi hết rồi. Còn lại là trong sáng, là cao quý, tồn kho được càng lâu, không bị chuột gặm, mối xông, lại càng có giá trị. Uống nước nhớ nguồn, phải biết ơn Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm, mà hẳn là tắm trong trướng rủ màn che thì khỏa thân gì chứ? (cười). Mà có thô tục đâu? Cô Kiều tắm trần, mà nhà thơ vẽ ra thành một bức tranh thanh tao, đẹp lồng lộng, ta được thưởng thức, vậy chắc chắn ông Thái Dũng cũng không nỡ mắng Nguyễn Du (cười to), ông cũng không nỡ giằng lấy Kiều trong tay con giai ông lúc nó đang đọc đến chỗ ấy chứ? (lại càng cười to). Đấy là ý kiến cá nhân Nguyễn Chí Thanh, chưa phải ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí nào phản đối mấy lời tôi vừa nói, xin cứ tự do, và tôi cũng hoan nghênh...

Nhiều người đứng cả lên vỗ tay, vỗ tay rất dài. Hơn chục diễn viên và tôi thì muốn ôm hôn ngay vị tướng vừa đanh thép lại vừa hoa lá ấy.
 

Minh Long