Ghi ở “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế

20:14 | 28/04/2014

1,306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 28/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11B Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra một sự kiện quan trọng là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Tiêu đề này có lẽ chưa phản ánh đầy đủ chiều sâu bản chất của hội nghị. Nói đúng ra đây là cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp để  nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những cơ chế mới, cách làm mới, suy nghĩ mới để nền kinh tế Việt Nam có đà bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Lần đầu tiên có một hội nghị dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh và 13 Bộ trưởng, các Tổng cục trưởng như Hải quan, Thuế…, 52 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nhiều tổ chức kinh tế nước ngoài.

Ghi ở “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị sáng 28/4 (Ảnh: Đức Tám).

Ngay trong lời phát biểu gợi mở những vấn đề cần tập trung bàn thảo trong hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị mọi người phải cùng đánh giá những gì đã làm được, những gì chưa làm được trong xây dựng và phát triển kinh tế để Chính phủ và doanh nghiệp cùng đưa ra những giải pháp. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các ngành sẽ giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và sau đó, Thủ tướng sẽ có kết luận.

Với cách nói thân tình của người đứng đầu Chính phủ và với những yêu cầu đặt ra, cộng với không khí phấn khởi, hồ hởi của những người tham gia hội nghị, có cảm giác đây là một “hội nghị Diên Hồng” về kinh tế.

Sau lời dẫn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu. Bà khẳng định trên thế giới, những hội nghị như thế này là rất cần thiết, để Chính phủ và doanh nghiệp hiểu nhau hơn và làm thế nào để các doanh nghiệp hợp tác tốt với Chính phủ, sự hợp tác ở đây phải được hiểu là thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển kinh tế mà Chính phủ đưa ra. Trong bài phát biểu của mình, bà nói nhiều về việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Theo bà, để khu vực kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, họ phải được 4 yếu tố thúc đẩy là: Đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch cho các chính sách và sự nghiêm túc của những người thực thi các chính sách này từ Chính phủ, các Bộ, ngành; Phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời khu vực pháp lý này phải được thực hiện công bằng; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống nạn quan liêu và Doanh nghiệp khu vực tư nhân phải được hỗ trợ về vốn. Bà hoan nghênh lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức cuộc trao đổi này, đồng thời mong muốn sẽ có một cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp quốc tế ở Việt Nam với Chính phủ.

Đánh giá về tình hình kinh tế, trong báo cáo của mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra những con số lạc quan, nhưng đồng thời cũng cảnh báo một số nguy cơ: “Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng bắt đầu từ năm 2010. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế lên xấp xỉ 3 triệu 578 ngàn tỷ đồng (tương đương 170,4 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm (tương đương 1.900 USD). Kinh tế vĩ mô đã được ổn định. Lạm phát năm 2013 thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18% năm 2011 xuống 6,8% năm 2012 và năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2013 tăng 5,9%, cao hơn mức tăng năm 2012. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã có những chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại (đạt gần 77.000 doanh nghiệp), tăng 10% so với năm 2012”.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang tái cấu trúc mạnh mẽ, thu hẹp dần phạm vi hoạt động, tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, những lĩnh vực, địa bàn then chốt, đóng góp 36% ngân sách Nhà nước. Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp tới 61% kim ngạch xuất khẩu năm 2013.

Ghi ở “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng tại hội nghị (Ảnh: Đức Tám).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kiên quyết loại bỏ những quy định về điều kiện kinh doanh nếu các điều kiện đó không thực sự cần thiết hay không gây tác hại xấu đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự xã hội.

Tuy vậy, bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nói đến 3 vấn đề đáng lo ngại. Đó là:

- Tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp và chất lượng hoạt động chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vẫn ở mức khá cao. Nếu trong giai đoạn 2006-2010, 65% số doanh nghiệp có lãi và 35% số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì dến tháng 9 năm 2013, con số này đã đảo ngược là 65% doanh nghiệp thua lỗ.

- Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đều thấp hơn cùng kỳ cho thấy việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù chiếm 96% số lượng, nhưng chỉ có 36% trong số này đang hoạt động có tiếp cận vốn ngân hàng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn từ các ngân hàng thương mại giảm hơn 1.200 doanh nghiệp. Tổng dư nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay cũng giảm 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, tồn kho cao. Tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Điều mà lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn nhất là làm thế nào giải được bài toán hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo chất lượng tín dụng, nhưng lại phải mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Giải quyết vấn đề này thì riêng ngành Ngân hàng không làm nổi, phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và bản thân các doanh nghiệp.

Nền kinh tế của chúng ta đang bị phá hoại ghê gớm bởi tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển lành mạnh khi phải cạnh tranh với hàng gian, hàng giả, hàng phế phẩm, hàng trốn lậu thuế. Ngăn chặn được sự xâm lăng của hàng lậu, hàng giả chính là yếu tố quan trọng để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì sự tồn vong của doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần phải ra tay mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một bài phát biểu rất sinh động với tiêu đề “Cần chương trình đột phá thể chế, tạo khí thế mới, động lực mới cho khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2014-2015”. Ông ví von rằng, 96% doanh nghiệp của chúng ta là nhỏ và siêu nhỏ và đây là “đội thuyền thúng”, đã là thuyền thúng thì làm sao ra biển lớn được. Thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề  (hoàn thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU khả năng xong vào cuối năm nay và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP cũng đang đàm phán nước rút). Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị.

Ghi ở  “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các doanh nhân (Ảnh: Đức Tám).

Ông Vũ Tiến Lộc hy vọng từ sau hội nghị này, một giai đoạn tái khởi động khu vực doanh nghiệp với sự đồng hành của các cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lĩnh xướng và điều hành của Thủ tướng sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ông gửi tới hội nghị một lời chúc: “Ý Đảng. Lòng dân. Tâm Chính phủ. Doanh nhân hành động ắt thành công”.

Đúng như mong muốn của Thủ tướng, là muốn lắng nghe những ý kiến phát biểu thẳng thắn, xây dựng, có trách nhiệm của doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã chất vấn ngay Bộ Tài chính về việc truy thu 400 tỷ tiền thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất. Ông cũng nói rõ là Hiệp hội đã gửi nhiều công văn phản ứng về công văn CV-17060 của Bộ Tài chính về việc truy thu thuế và đề nghị Bộ Tài chính cho thu hồi công văn đó. Bộ Tài chính thì khẳng định quyết định của mình là đúng, nhưng lại không chỉ ra được là đúng ở chỗ nào.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệp hội Tư vấn Thuế và Tài chính, nguyên là một cán bộ lãnh đạo của ngành Thuế cũng nói về các thủ tục nộp thuế đã được cải tiến rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp, nhưng bà cũng nói về sự tiêu cực của nhân viên ngành Thuế và Hải quan. Bà mong muốn có chế tài, biện pháp để nhân viên ngành này không dám tiêu cực và không thể tiêu cực. Bà cũng nói về sự mập mờ, khó hiểu của nhiều văn bản về chính sách thuế, khiến cho cùng một văn bản mà mỗi đơn vị hiểu một kiểu.

Ông Tô Hoài Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thì thẳng thắn nêu lên 7 nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ngân hàng thận trọng khi cho vay vốn; Thủ tục vay rất khắt khe; Cơ sở tín dụng không quan tâm đến những doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ cao; Chính sách bảo lãnh còn rắc rối; Lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp; Các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, vì vậy muốn cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngân hàng phải giải bài toán về cho vay…

Cũng phải nói thêm rằng trước đó, VCCI đã tập hợp được hơn 300 câu hỏi, kiến nghị từ các doanh nghiệp để gửi lên Chính phủ và các Bộ, Ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng lắng nghe rất chăm chú các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân. Thủ tướng rất thông cảm, chia sẻ với doanh nghiệp những bức xúc mà lẽ ra không đáng có, như chuyện thủ tục nộp thuế quá nhiêu khê… Thủ tướng đã xin lỗi các doanh nghiệp, đồng thời hứa sẽ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ ngay những rào cản…

Ghi ở  “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị (Ảnh: Đức Tám).

Trong bài kết luận “vo” của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực và những đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua.

Hơn 3 năm qua, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nổi bật là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị - xã hội ổn định; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Những thành quả đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế. Không nói nhiều về những thành tích, Thủ tướng đã tập trung phân tích nhưng yếu kém nội tại của các doanh nghiệp Việt Nam và khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Trước mắt, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Muốn làm được điều này, trước hết phải đảm bảo được sự ổn định chính trị-xã hội; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế, vì có tăng trưởng kinh tế mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; hết sức quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, thủ tục thanh tra, kiểm tra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là những hành động theo Thủ tướng là “phá hoại sản xuất ghê gớm”, đồng thời mong muốn doanh nghiệp đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhất là văn hóa ứng xử với người lao động và nghiêm túc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước... Thủ tướng cũng cho biết sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo chức trách của mình nhằm tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Như Phong

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc