Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh:

Cán bộ giải quyết công việc cho dân phải thấu tình, chuẩn lý

22:05 | 28/04/2014

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/4, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính, đại biểu Quốc Hội, đơn vị Đà Nẵng nói với cán bộ chủ chốt thành phố Đà Nẵng rằng, chuyện dân bức xúc, khiếu kiện thì ở đâu cũng có. Mình là cán bộ thì phải xuống dân để tìm hiểu và giải quyết cho thấu tình, chuẩn lý. Chứ các anh đừng có ngồi trong phòng đọc lướt hồ sơ rồi phán. Như thế, dân không phục.

Cử tri nên thông cảm chuyện phong tướng

Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm tại biểu tiếp xúc là tình trạng phong quá nhiều cấp tướng, cấp tá trong lực lượng vũ trang hiện nay. Cử tri Nguyễn Thị Tám (quận Thanh Khê) cho rằng, ngày xưa chúng ta đã đánh tan hai kẻ thù xâm lược sừng sỏ nhưng cũng chỉ ít cấp tướng, cấp tá. “Còn nay, đất nước đã hòa bình thì lại phong nhiều tướng, tá quá. Mà tại sao tướng tá nhiều thế sao không có ông nào ở quần đảo Trường Sa? Chúng ta đang còn nghèo nên việc phong nhiều cấp tướng, tá cũng đồng nghĩa với việc phải chi nhiều tiền để trả lương”, bà Tám nói.

Cử tri Hà Ngọc Trúc (phường Thanh Khê Đông), cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, dân còn nghèo, thì việc phong tướng, tá tràn lan như thời gian qua khiến dư luận không đồng tình. “Làm gì mà cấp tướng lên tới hàng trăm vị như thế? Còn cấp tá thì nhiều vô kể. Phong tướng, tá như hiện nay là quá loãng, chưa kể khi về hưu còn lên một cấp nữa. Phong như thế lấy tiền đâu mà trả. Tôi đề nghị Quốc hội nên kiểm tra lại điều này, không có nước nào đề bạt như Việt Nam cả đâu!”, ông Trúc kiến nghị.

Ông Nguyễn Bá Thanh trong buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 28/4

Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh mong muốn bà con thông cảm vì đây cũng là vấn đề rất nhạy cảm và đang còn phải bàn nhiều. Ông Thanh nói: “Việc phong hàm cấp tướng, cấp tá rất nhạy cảm vì có nơi thế này, có nơi thế nọ. Việc phong tướng hay không phong tướng đều có quy định”. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc, ông Thanh cũng nhắc đi nhắc lại với các cử tri là ông “không phản đối” ý kiến của các cử tri.

Trở lại câu hỏi của một cử tri quận Thanh Khê là tại sao tướng, tá nhiều thế mà không có ông nào ở quần đảo Trường Sa, ông Thanh nói: “Cử tri hỏi tôi, bây giờ tôi biết hỏi ai? Cái ni thì tôi chịu. Nhưng đúng là, trong kháng chiến chống Mỹ chỉ có bảy mấy vị tướng thôi, bây giờ lực lượng quân đội cũng đông, công an cũng đông, nhiệm vụ càng ngày càng nặng nề. Dư luận người ta nói rất nhiều về chuyện phong tướng, nhưng thôi, sắp đến sửa đổi Luật Công an nhân dân và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân thì sẽ tốt lên thôi”.

Làm được hay không phải trả lời cho dân biết

Nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng có quá nhiều dự án treo ở Đà Nẵng. Cử tri quận Ngũ Hành Sơn phản ánh, năm 1997, dự án xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng (nằm trên phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn và xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Chính phủ phê duyệt tiền khả thi với diện tích 300ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên; tổng kinh phí đầu tư dự kiến ở thời điểm đó là 1.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước lúc bấy giờ đang tập trung vốn cho nhiều công trình trọng điểm như điện, thủy nông... nên mãi đến năm 1999, Làng Đại học Đà Nẵng mới tiếp tục được Chính phủ phê duyệt dự án khả thi. Thế nhưng chỉ hai năm sau, lại có sự điều chỉnh quy hoạch. Từ đó đến nay, dự án “dậm chân tại chỗ” và đã “treo” gần mười năm!

Hậu quả, người dân sống trong vùng quy hoạch luôn phải thấp thỏm âu lo, không biết đến bao giờ mới được đền bù giải tỏa, tái định cư để an cư lạc nghiệp. Cử tri Lê Thị Lài (quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc: “Hơn 40 hộ dân chung quanh tui đây đã thấp thỏm chờ đợi cả chục năm rồi. Trong khi đất đã quy hoạch nên sản xuất hầu như ngưng trệ, người dân không thế chấp được tài sản để vay vốn đầu tư; nhà cửa xuống cấp, dột nát cũng không được xây dựng lại; đời sống gia đình bị xáo trộn, ai nấy hoang mang!”.

Cử tri Vũ Đức Tuyên cũng bức xúc phản ánh, dự án Nam Việt Á giai đoạn hai cũng đang khiến hàng chục hộ dân khốn đốn. Theo ông Tuyên, dự án này đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay khu dân cư vẫn chưa có điện chiếu sáng. “Để có điện, chúng tôi phải bỏ tiền ra mua 300m dây điện từ ngoài trụ lớn về nhưng đèn cũng chỉ sáng như cái đèn dầu”, ông Tuyên bức xúc nói.

Trước những thắc mắc của các cử tri, ông Thanh nghiêm nghị yêu cầu ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng: “Các anh phải rà soát lại xem trên địa bàn còn bao nhiêu dự án treo, bao nhiêu dự án triển khai chậm. Đồng thời gặp ngay chủ đầu tư hỏi xem tại sao lại treo? “Treo” đến bao giờ? 5 năm hay 10 năm nữa triển khai để báo cho dân biết. Chứ cứ im lặng vậy sao được. Còn nữa, chính quyền thành phố và quận cũng nên xuống kiểm tra thực tế, nếu dự án chậm triển khai mà dân bức xúc về chỗ ở thì các anh cũng phải tạo điều kiện cho họ cơi nới, sửa sang nhà cửa để ở, chứ đừng để dân sống trong cảnh chật chội, nhếch nhác. Còn những hộ muốn tách thửa để dựng vợ, gả chồng cho con, cho cháu cũng nên xem xét”.

“Nhưng cũng thẳng thắn nói với nhau, đồng ý tách thửa nhưng chỉ tách cho những hộ tách để cho con, cháu có nhu cầu xây nhà ở thực sự. Chứ không tách thửa để chiếm dụng rồi sau này lấy tiền đền bù đâu nhé. Khi dự án chưa triển khai, cũng nên cho họ xây cái nhà tạm để ở đã, sau này rồi tính”, ông Thanh dứt khoát nói.

"Bây giờ ăn cái chi cũng sợ"

Nhiều cử tri Đà Nẵng cũng bức xúc trước việc an toàn thực phẩm hiện nay. Cử tri Phạm Ngọc Đức (quận Ngũ Hành Sơn) kể rằng, gia đình ông có khách nên ra chợ mua 2kg cam. Không biết cam tàu hay cam ta nhưng thấy tươi và đẹp nên mua. Về nhà khách không ăn hết. Ông đem cất cả tháng thì thấy cam vẫn tươi rói. Nhưng bóc ra thì thấy mốc, thối… ăn không được.

Nhiều cử tri cũng chỉ ra rằng, hiện nay ở các chợ bán tràn làn thực phẩm trộn hóa chất. “Nào là cá ướp urê, rượu thì chứa cồn, bánh kẹo thì toàn là hóa phẩm. Chúng tôi là dân thường sao biết cái nào độc, cái nào không độc. Ở nước ta có rất nhiều lực lượng thanh kiểm tra nhưng tình trạng sản phẩm độc hại vẫn bày bán tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải xử thật nặng để các doanh nghiệp làm ăn gian dối không còn đất để sống”, một cử tri quận Ngũ Hành Sơn nêu quan điểm.

Sau khi nghe cử tri nói vậy, ông Thanh cho biết: “Vấn đề này dân biết, tôi biết và Trung ương cũng biết. Nói thật, bây giờ ăn cái chi cũng sợ. Như vụ rượu 29 Hà Nội đó, nếu không phát hiện được thì chưa biết hậu quả ghê gớm đến mức nào. Nhưng cũng phải thừa nhận là công tác kiểm soát của chúng ta làm chưa tốt. Cái này cũng phải từ từ thôi”.

Nghe ông Thanh nói vậy, một cử tri đặt câu hỏi: “Rứa sao các nước như Mỹ, Nhật Bản họ kiểm soát được, còn ta thì không?!”. Ông Thanh nói: “Sự so sánh này cũng khá khập khiễng. Nhưng chúng ta cũng đang cố gắng kiểm soát đó thôi. Dần dần cũng sẽ tốt lên. Nhưng thôi, để bảo vệ sức khỏe, mình đi mua cái chi cũng nên cẩn thận, chọn mấy cái có nguồn gốc, xuất xứ và có dấu kiểm duyệt mà mua, chứ đừng có ham của rẻ”.

Đoàn Nguyên