Một góc nhìn khác về chiến tranh

07:30 | 05/01/2016

698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2015 có thể sẽ là nỗi ám ảnh với nhân loại sau những vụ đánh bom, khủng bố, chặt đầu và thảm sát ở nhà hát Bataclan và chiến tranh chưa có dấu hiệu chấm dứt ở Syria, Ukraina… Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học thuộc Trường Đại học Harvard (Mỹ) Steven Pinker, xu hướng suy giảm bạo lực về dài hạn đang tiếp tục. Nói cách khác, vẫn có lý do để lạc quan về tương lai…  

Năng lượng Mới 488

Ông Pinker nói: “Chiến tranh đã trở nên ít thường xuyên và chết chóc hơn so với quá khứ gần đây, khủng bố cũng ít đi và cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu cũng không phải là điều gì mới mẻ… Nhưng chính truyền thông đã gây ra sự hiểu lầm có hệ thống về tình hình thế giới”.

Trả lời phỏng vấn Quỹ Thomson Reuters, nhà tâm lý học phân tích rằng, chỉ tính riêng trong 5 năm vừa qua, các cuộc xung đột đã chấm dứt ở Chad, Peru, Iran, Ấn Độ, Sri Lanka và Angola và nếu các cuộc đàm phán hòa bình đang được thực hiện tại Columbia đi đến thành công, thì chiến tranh coi như sẽ kết thúc ở Tây Bán cầu.

Trong cuốn sách “The better angels of our nature” (tạm dịch: “Những thiên thần tốt đẹp của tạo hóa chúng ta”), tác giả Pinker đã gọi sự suy giảm bạo lực là “sự phát triển có ý nghĩa nhất nhưng lại ít được đánh giá xác đáng nhất trong lịch sử nhân loại chúng ta”. So với hầu hết các giai đoạn thời hậu chiến, năm 2015 tương đối bình yên, đặc biệt khi so sánh với những năm đầu thế kỷ. Tuy nhiên, đã có một sự gia tăng nho nhỏ về số lượng người chết vì bạo lực trên toàn thế giới trong hai năm vừa qua.

mot goc nhin khac ve chien tranh

Nến và hoa tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố vào Nhà hàng Le Crillon ở thủ đô Paris

Chiến tranh đã kết thúc?

Dựa theo các số liệu từ Chương trình tính toán số liệu chiến tranh Upsala ở Thụy Điển và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo ở Na Uy, hai tổ chức tính toán số thương vong trong các giai đoạn chiến tranh, Pinker nhận định rằng xu hướng bạo lực đang đi xuống.

Trong khi tục lệ ăn thịt đồng loại man rợ và chế độ chiếm hữu nô lệ hầu như không còn tồn tại trong thế giới hiện đại, thì các loại hình bạo lực khác hiện nay cũng có khả năng suy giảm, chẳng hạn như án phạt tử hình và những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia cũng sẽ không còn nữa.

Ông nói: “Trong vòng 500 năm, các quốc gia Tây Âu đã tiến hành hai cuộc chiến mới mỗi năm; sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, số lượng này đã giảm xuống bằng 0. Những năm gần đây và tương lai, con số thương vong do xung đột chủ yếu là từ các cuộc nội chiến”.

Cũng theo ông Pinker, phạm vi địa lý của các cuộc chiến cũng đã được thu hẹp lại. Ông nói: “Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1990, đã có 30 cuộc chiến tranh trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 100 nghìn người/năm, trong đó có các cuộc chiến ở Hy Lạp, Trung Quốc, Mozambique, Algeria, Tây Tạng, Guatemala, Uganda và Đông Timor.

Và ngoài trường hợp ngoại lệ là cuộc chiến quy mô nhỏ ở Ukraina trong năm 2014 thì khu vực chiến sự chỉ tập trung trong một vùng giới hạn hình lưỡi liềm từ Trung Phi, qua Trung Đông đến Nam Á”.

Tuy nhiên, sử gia tại Trường đại học Yale (Mỹ), ông Timothy Snyder, lại ít lạc quan hơn khi chỉ trích một số luận điểm của ông Pinker.

Ông Snyder nói với Quỹ Thomson Reuters rằng: “Có một mối quan ngại cho hiện tại và tương lai, đó chính là sự sụp đổ của các nhà nước và sự ấm lên toàn cầu và dù hai điều này không liên quan hay tương tác lẫn nhau, thì chúng ta đều có thể kết thúc giai đoạn yên bình hiếm hoi đang dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta cho rằng hòa bình là cái gì đó tự đến, thì có vẻ chúng ta đã quá tự mãn với những nhân tố đã mang lại điều này”.

Chiến tranh vẫn còn, nhưng đã suy giảm?

Pinker nêu quan điểm cho rằng, hầu hết mọi loại hình bạo lực khác, như là giết người, án tử hình, bạo lực gia đình, tra tấn và truy diệt, cũng đều suy giảm.

Theo Pinker, các vụ tấn công nhằm vào dân thường ở Paris, Ankara, California, Beirut và Garisssa ở Kenya trong năm qua đã gây chấn động bởi loại hình bạo lực này khá hiếm.

“Các vụ xả súng điên cuồng đã tạo ra một chiến dịch thông tin rầm rộ trên truyền thông dù số lượng thương vong từ những vụ này lại tương đối nhỏ. Đó là lý do vì sao các vụ xả súng kinh hoàng thường xuyên được truyền thông khai thác, bởi việc đăng tải thông tin vài người dân thường bị sát hại mỗi lần là phương pháp duy nhất để các tờ báo thu hút sự chú ý của công chúng”.

Tuy nhiên, sự tấn công vào dân thường vì lý do mang tên chính trị không phải là điều gì mới. Theo nghiên cứu của Pinker, tại châu Âu, số dân thường thiệt mạng bởi các nhóm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ly khai trong các thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX còn nhiều hơn rất nhiều so với số người bị các chiến binh Hồi giáo sát hại trong gần 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, nơi chứng kiến làn sóng hơn 1 triệu người tị nạn và nhập cư đổ vào trong năm 2015, hầu hết là để chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria, nhà tâm lý học của Trường đại học Harvard cũng có một cái nhìn khác biệt.

Ông nhấn mạnh rằng châu Âu đã phải bố trí chỗ ở cho 60 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một con số cao gấp nhiều lần tổng số người đang phải tha hương trên toàn thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, bất chấp những nghiên cứu có phần xoa dịu về những sự kiện nổi bật trong năm 2015 của mình, nhà tâm lý học có sách bán chạy nhất thế giới này vẫn không dám đánh cược về những gì mà năm 2016 sẽ mang lại. “Các nhà khoa học xã hội đừng bao giờ cố gắng dự báo tương lai, bởi chúng ta đã có quá đủ phiền toái khi nói về quá khứ rồi”, Pinker kết luận.

Báo cáo công bố hôm 9-12-2015 của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền cho biết, đã có hơn 9.000 người, bao gồm cả binh sĩ và dân thường, đã thiệt mạng trong 21 tháng nội chiến ở miền đông Ukraina, mặc dù đã tình hình chiến sự đã có dấu hiệu xuống thang từ tháng 8-2015.

Trong khi đó, theo Đài quan sát nhân quyền Syria, năm 2015 không phải là năm đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria, nhưng trong năm qua, đã có hơn 55.000 người thiệt mạng, trong đó có gần 21.000 dân thường và 2.574 người trong số đó là trẻ em.

Kể từ khi nổ ra vào năm 2011, cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người.

Linh Phương