Mấy đề xuất vĩ mô

18:34 | 04/12/2011

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lạm phát cao và những khủng hoảng, trì trệ trong kinh tế thế giới đã, đang và sẽ còn làm nhiều doanh nghiệp lao đao…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 9 tháng năm 2011, bên cạnh 57.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới, thì cũng có ngót nghét 50.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể và dừng hoạt động. Lạm phát cao và những khủng hoảng, trì trệ trong kinh tế thế giới đã, đang và sẽ còn làm nhiều doanh nghiệp lao đao… Trong bối cảnh đó, để góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và động lực tăng trưởng cần chú ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất, giảm thuế và giảm thiểu các chi phí, tổn thất cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia và rút khỏi thị trường phải là một trong các khuyến nghị cần nhấn mạnh hàng đầu.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và những chi phí sản xuất gắn với tiêu cực và tham nhũng trong quản lý Nhà nước sẽ trực tiếp và thiết thực nhất giúp cho doanh nghiệp (nhất là ở những lĩnh vực cần đầu tư phát triển) giảm chi phí sản xuất, giảm giá đầu ra và do đó giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy theo mục tiêu chung của Nghị quyết 11/NQ-CP. Bên cạnh kết quả bước đầu cải cách hành chính khá ấn tượng với việc rà soát và cắt giảm, cải thiện hàng ngàn quy trình quản lý và văn bản hành chính trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp đang tiến hành, cần có nhiều đột phá thể chế hơn nữa trong hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, thắt chặt hơn nữa đầu tư công và điều hòa nguồn một phần vốn đầu tư công cho đầu tư của các khu vực và mục tiêu kinh tế khác.

Trước mắt, cần làm rõ được 3 yếu tố: tiêu chí, cơ chế thực hiện, kiểm soát lợi ích và các chế tài gắn liền việc cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư từ ngân sáh Nhà nước và tín dụng đầu tư Nhà nước. Đồng thời, sớm nghiên cứu chuyển một phần vốn tiết kiệm được hay bị thu hồi từ đầu tư công sai mục đích để tạo nguồn vốn bổ xung với lãi suất thấp, ưu đãi cho các tổ chức tín dụng và tài chính, trong đó có việc lập ra các thể chế tài chính mới và có chính sách để tăng nguồn lực trực tiếp cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay phát triển nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nhất là hỗ trợ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; ngăn chặn hiệu quả các trường hợp “đánh bùn sang ao” và sự chi phối của lợi ích nhóm, nhiệm kỳ như diễn văn kết luận Hội nghị Trung ương 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở.

Thứ ba, nghiên cứu điều chỉnh cách quản lý lãi suất ngân hàng vì lợi ích toàn cục, đồng thời phát triển thị trường vốn đa dạng hơn và có tính thị trường lành mạnh hơn.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, việc duy trì trần lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp không bị xử ép và chạy đua “đấu giá” chịu vay lãi suất cao khi tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng với tư cách nguồn vốn chủ yếu trong hoạt động của mình, trong khi chưa có sự bình đẳng trong điều kiện và khả năng kinh doanh. Đồng thời, trần lãi suất cho vay cũng cần để hạn chế các ngân hàng và tổ chức tín dụng không phát động cuộc chạy đua cho vay lãi suất cao, tạo sự dồn ứ, tập trung dư nợ tín dụng vào các khu vực kinh doanh phi sản xuất, có tính đầu cơ cao, gây rủi ro cho bản thân các ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế, cũng như gây thiếu hụt nguồn tín dụng cho vay phát triển và ổn định cần thiết của các khu vực kinh tế – xã hội khác; đồng thời, vừa giúp cho việc sử dụng vốn tín dụng đúng mục tiêu an toàn và đạt hiệu quả xã hội cao hơn theo yêu cầu quản lý Nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tỉ giá VND phải tiếp tục và thực sự mềm dẻo, linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường, để không lặp lại cả tình trạng chênh biệt 2 tỉ giá kéo dài, cũng như những cú “sốc tỉ giá” lợi ít, hại nhiều như thời gian qua.

Thứ tư, chủ động thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, ngân hàng và đầu tư xã hội theo nguyên tắc thị trường, phát triển theo chiều sâu, hiện đại và bền vững.

Trong quá trình tái cơ cấu cần tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời, có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường. Yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Nhưng mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật Đầu tư công tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN trong 2 dạng hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài NSNN trong tổng đầu tư xã hội; Tái cơ cấu đầu tư công, tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; khoa học và công nghệ, đào tạo và y tế; tiết giảm việc cấp vốn ngân sách cho nhu cầu đầu tư của khối các tổng công ty; tập đoàn Nhà nước và chuyển trọng tâm đầu tư công ra ngoài lĩnh vực kinh tế, để tập trung vào phát triển các lĩnh vực hạ tầng và xã hội.

Thứ năm, tăng phát hiện và chế tài những vi phạm về giá cả, đầu cơ và lũng đoạn, chống lobby mang tính chất ngành và doanh nghiệp.

Cần có cơ chế mới ngăn chặn kiên quyết hơn và hiệu quả hơn những biểu hiện và hoạt động “lobby” chính sách và sự chi phối chính sách, kế hoạch và hoạt động đầu tư vì lợi ích nhóm, ngành, cục bộ và lối tư duy nhiệm kỳ, không phải vì lợi ích chung và sự phát triển quốc gia. Khi có sự lobby ngành nào đó, nó tạo ra sự lệch hướng hay thiếu thống nhất về chính sách của Chính phủ và gây thiệt hại chung cho xã hội.

Trong vấn đề kiểm soát thị trường, chú ý đến liều lượng, thời lượng, chính sách bổ trợ khi xây dựng và thực thi những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai. Bất kỳ chính sách nào cũng có 2 mặt của nó, vì vậy phải lưu ý dự báo trước, chuẩn bị trước phương án, xác định cơ chế phản hồi, phản biện, tiếp thu và không ngừng hoàn chỉnh, để phát huy mặt tích cực, giảm tiêu cực của các chính sách được lựa chọn.

TS Nguyễn Minh Phong