“Màn chào hỏi” đầu năm học

07:15 | 13/09/2016

955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy hôm nay, nhiều phụ huynh phải chạy ngược chạy xuôi lo cho con nhập học đại học. Cứ ngỡ chỉ làm mấy thủ tục đơn thuần, ai ngờ phát sinh rất nhiều yêu cầu bất ngờ khác.

Một phụ huynh ở ngoại thành Hà Nội cho biết: nhà có cậu con trai năm nay trúng tuyển vào Đại học Thủy lợi. Hồ sơ mà học sinh phải nộp cần có giấy xác nhận của cơ quan quân sự địa phương là chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hầu hết học sinh phổ thông vừa thi tốt nghiệp xong, mới đủ 18 tuổi thì đã có ai đi nghĩa vụ quân sự. Có nhiều học sinh chưa qua đăng ký và khám tuyển sức khỏe để làm nghĩa vụ quân sự theo quy định. Ban Chỉ huy Quân sự địa phương đã yêu cầu nộp phạt 1 triệu đồng mới cấp giấy xác nhận, trong khi mức phạt quy định là 200-600 nghìn.

man chao hoi dau nam hoc

Khi đến trường nộp hồ sơ thì việc đầu tiên là mỗi học sinh phải mua bộ sách gồm 3 quyển do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và nhà trường phát hành. Đó là các cuốn: “Cẩm nang hướng dẫn sử dụng thư viện Đại học Thủy lợi”, “Niên giám năm học 2016-2017”, “Những điều cần biết về quy chế, chế độ chính sách đối với sinh viên hệ chính quy” kèm theo 100 tin nhắn cho sổ liên lạc điện tử. Tổng số tiền là 330 nghìn đồng nhưng không có phiếu thu. Tiếp đó là mỗi học sinh phải mở một tài khoản Vietinbank (mặc dù đã có tài khoản ngân hàng khác nhưng không được). Tiếp đến là đóng tiền học phí 5,5 triệu đồng học kỳ 1. Khoản học phí này năm nay có tăng nhưng phụ huynh và học sinh không thắc mắc. Còn khoản tiền đoàn phí cũng thu luôn 2 năm; tiền hội phí thu cả 4 năm. Điều này cũng vô lý. Đoàn phí xưa nay nộp hằng tháng chứ không ở đâu thu cả năm như vậy.

Có 3 cuốn sách mà học sinh bắt buộc phải mua ấy chắc chắn sẽ không có học sinh nào đọc và cũng bỏ phí luôn. Cuốn “Những điều cần biết về quy chế, chế độ chính sách với sinh viên hệ chính quy” dày cả trăm trang, in những văn bản và thông tin không cần thiết. Cuốn “Niên giám năm học 2016-2017” giới thiệu toàn bộ ảnh chân dung cán bộ chủ chốt của nhà trường, từ Ban Giám hiệu tới các khoa, phòng, ban nhưng lại thiếu thông tin như năm sinh, đã tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành gì… Còn cuốn “Cẩm nang hướng dẫn sử dụng thư viện” thì thư viện nào chẳng có nội quy và hướng dẫn mà phải in sách bắt học sinh mua. Thật lãng phí và ảnh hưởng đến túi tiền của các phụ huynh. Đã thế, theo lời phụ huynh mô tả thì cô nhân viên nhà trường có thái độ lạnh lùng vô cảm trước các phụ huynh và học sinh, khiến ai nấy mất đi phần nào niềm hứng thú khi có con vào học ở đây.

Trường nào cũng nghĩ ra những cách thu tiền tùy tiện như thế. Vì vậy mà có những học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng nhưng do nhà nghèo nên đành phải bỏ học.

Đối với học sinh tiểu học cũng có những điều vô lý. Mặc dù ngành giáo dục đã yêu cầu các sở giáo dục và các nhà trường không nên phát hành những loại sách tham khảo bán cho học sinh nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) thì làm sao đọc được những cuốn sách chuyên đề. Ấy thế mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phát hành và bắt buộc các cháu học sinh phải mua cuốn “Tài liệu chuyên đề - Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Trong khi chương trình học của các cháu đã có môn giáo dục công dân, có thầy cô giảng bài mà còn chưa tiếp thu hết thì làm sao các cháu đọc được tài liệu chuyên đề ấy được.

Tiền học phí, tiền ăn bán trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, tiền nước uống, photo, quỹ cha mẹ học sinh, tiền mua quạt, lắp điều hòa, rèm cửa... tổng cộng từ 3 triệu đến 5 triệu đồng là những khoản đóng góp đầu năm học của không ít trường ở Hà Nội. Những việc làm trên đây thực chất là sự bày vẽ để thu tiền của học sinh chứ không phải là biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Mà mỗi trường lại đề ra những quy định khác nhau đề hành phụ huynh và học sinh.

Các khoản thu tự nguyện, nhất là khoản Quỹ cha mẹ học sinh ngày càng biến tướng, với mức đóng góp mỗi trường một kiểu. Trung bình mỗi phụ huynh tiểu học đóng 500.000 đồng/học sinh/năm... Có trường thu tới 700.000 đồng/năm, trong đó 200.000 đồng được đại diện cha mẹ học sinh giải thích là nộp vào quỹ của trường và 500.000 đồng để lại quỹ lớp. Rồi mỗi năm lại có vài đợt yêu cầu học sinh nộp giấy, báo cũ; quyên góp ủng hộ các trường ở miền núi, dân tộc.

Do điều kiện kinh tế vùng miền mà tạo ra hai đẳng cấp giáo viên: ở thành phố thì giàu còn ở nông thôn, miền núi thì nghèo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi các sở cứ ra chỉ thị cấm nhưng không có sự giám sát cụ thể, kiểm tra thường xuyên thì không thể nào chấm dứt được những việc làm vô lý ấy của các nhà trường. Còn phụ huynh học sinh thì tự răn mình: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” và gồng sức chịu đựng.

Đức Toàn

Năng lượng Mới 557