Lo việc làm cho người dân

22:37 | 15/07/2017

1,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bản dự thảo “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra cách đây ít lâu, đến nay, đã hoàn thành việc lấy ý kiến tham vấn.

Đây cũng là một trong những nỗ lực của Chính phủ về chiến lược tạo công ăn việc làm cho người dân.

Đã từ lâu, việc làm không chỉ là vấn đề của xã hội mà là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược tranh cử của các chính trị gia tại hầu hết các quốc gia. Thậm chí, có nước còn hy sinh lợi ích đối ngoại để lo toan vấn đề đối nội hết sức nhạy cảm này.

Nước ta hiện nay có một bài toán khá nan giải, đó là số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp khá cao, khoảng 220.000 người. Vậy tương lai của họ sẽ ra sao khi không có công ăn việc làm? Bao nhiêu nỗ lực của quốc gia, của cha mẹ cho ngần ấy năm ăn học liệu có đổ xuống sông xuống biển? Đây hoặc là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển hoặc là một gánh nặng cho xã hội một khi các bậc cha ông đã dạy “nhàn cư vi bất thiện”?...

lo viec lam cho nguoi dan

Vì thế, bản đề án này được nhiều người quan tâm.

Các nguồn thông tin cho hay, theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.300 tỉ đồng với mục tiêu sẽ đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc làm có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Đề án có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018-2020) kinh phí gần 432 tỉ đồng, dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học; 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí sang Nhật Bản; 1.800 lao động là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin và điện tử và 150 người nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng sang Hàn Quốc.

Giai đoạn 2 (2021-2025), kinh phí là 874 tỉ đồng, dự kiến đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại 3 nước trên và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động. Thị trường Nhật Bản bổ sung thêm ngành kỹ sư công nghệ thông tin, sinh học; Đức bổ sung ngành cơ khí chính xác như: Tiện phay, hàn trình độ cao...; Hàn Quốc thêm công nghệ thông tin, thuyền viên hàng hải. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn - nhà hàng, cơ khí, xây dựng...

Hiện đã có nhiều tham vấn đều với mong muốn đề án này thành công, bởi đây là cuộc đầu tư dài hạn với nhiều hy vọng tốt đẹp. Nhân đây xin bàn một khía cạnh khác, ấy là chuyện hằng năm, nước ta vẫn đều đặn cho ra đời một đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đông đảo. Vậy liệu có phải tiếp tục ra đời những đề án nhằm lo việc làm cho đội ngũ này?

Khi phân tích nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, sinh viên nhà mình ra trường còn “non” nhiều thứ quá, cuộc sống không dễ dàng tha thứ và chấp nhận.

Thôi, đấy là một câu chuyện rất dài và không phải tất cả đều như vậy.

Cách đây ít lâu, TS Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (IUH) đã khẳng định tại hội thảo “Những phương thức đào tạo tốt cần nhân rộng từ Dự án JICA-IUH” rằng: 100% sinh viên của trường ra sẽ có việc làm.

Thử nghĩ, nếu cơ sở đào tạo nào cũng tự tin như thế thì cần gì Chính phủ phải tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho cuộc đầu tư tiếp theo như đề án nêu trên nữa?

Dự án JICA-IUH được Chính phủ Nhật Bản (JICA) và Bộ Công Thương lựa chọn thực hiện đi vào hoạt động từ tháng 10-2013, với mục tiêu xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực mới nhằm cung cấp các kỹ sư có năng lực thực hành và có tinh thần sáng tạo cho các ngành công nghiệp hóa chất và công nghiệp cơ khí Việt Nam. Đến nay, dự án đã thực hiện được hơn 3 năm và được mở rộng thêm cho đến năm 2018. Từ khi triển khai dự án đến nay, IUH đã tuyển sinh được 2 khóa, với tổng số 251 sinh viên. Khóa tuyển sinh đầu tiên của dự án gồm 131 sinh viên, trong đó có 67 sinh viên ngành hóa học và 64 sinh viên ngành cơ khí. Tháng 3-2017, toàn bộ sinh viên theo học đã báo cáo giữa kỳ việc thực hiện đề án tốt nghiệp, hầu hết được đánh giá có kết quả tốt...

Chưa hết, cách đây cũng chỉ ít lâu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc khẳng định: “Chúng tôi cam kết 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường và hiệu trưởng ký cam kết trực tiếp với sinh viên, nếu không lo việc làm cho sinh viên, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm và trả lại tiền học phí do sinh viên đóng. Đây là cam kết nghiêm túc và trách nhiệm”.

Nêu những ví dụ trên đây để mọi người có thể “vỡ” ra một điều rằng, sinh viên ra trường nếu thất nghiệp, một phần trách nhiệm là do... nhà trường! Đó là việc đào tạo ra những nhân tố lao động mà xã hội đang cần chứ không phải mình đang muốn, tránh xa những chương trình viển vông.

Nhân đây, xin bàn thêm một góc độ khác. Ấy là tạo ra việc làm trong nước.

Thật ra, ai cũng muốn con em mình khi học xong đại học phải tìm được việc làm.

Mà một tin mừng là những năm gần đây, nhờ có những cải cách rất đáng khích lệ của Chính phủ, cơ hội có việc làm ngày càng mở rộng khi số lượng doanh nghiệp tư nhân ra đời ngày càng nhiều. Riêng năm 2016 là khoảng 110.000 doanh nghiệp. Chỉ tính bình quân, mỗi doanh nghiệp tạo ra 10 việc làm thì cũng đã giải quyết được trên 1.100.000 chỗ làm việc.

Một phép tính đơn giản, để lo cho 54.000 việc làm theo đề án đã nêu trên, ngân sách Nhà nước tốn khoảng 1.300 tỉ đồng. Vậy nếu tạo ra 1.000.000 việc làm thì cần bao nhiêu tiền ngân sách?

Vì vậy, mặc dù vẫn ghi nhận đề án trên đây của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là một sự nỗ lực đầy hy vọng, nhưng nếu để có sự bền vững trong chiến lược lo việc làm cho người dân, một cánh cửa quan trọng là phải phát triển việc làm trong nước.

Nguyễn Long Vân