Khởi động ngân sách cho năm 2018

08:58 | 13/12/2017

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong giai đoạn 2018-2020, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách Trung ương; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017; thu vào NSNN 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1-7-2018, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trên cơ sở dự toán NSNN được giao, chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định để bảo đảm dành nguồn tự cân đối thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-6-2018 và mức 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2018.

khoi dong ngan sach cho nam 2018

Nhiệm vụ thu, chi ngân sách mà Quốc hội giao ở tầm vĩ mô được triển khai cụ thể và thực hiện như thế nào lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện của các bộ, ngành và địa phương. Nhưng dù ở vào hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi hay khó khăn gì thì vấn đề kỷ luật trong thu, chi vẫn phải đặt lên hàng đầu. Sự mất cân đối trong thu, chi diễn ra nhiều năm nhưng việc siết chặt kỷ cương lại chưa được thực hiện nghiêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngân sách phải đối mặt với một số thách thức như: tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, giá dầu biến động khó lường, các khoản thu có tính chất một lần (như tiền sử dụng đất) giảm mạnh… trong khi áp lực chi ngân sách vẫn tăng. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo an ninh tài chính công, đồng thời phục vụ tăng trưởng bền vững.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức diễn đàn tài chính Việt Nam 2017 với chủ đề: “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững”.

Từ diễn đàn này, một thực trạng đã được chỉ ra là: 15 năm qua, quy mô thu ngân sách so với GDP sau một giai đoạn mở rộng, từ mức bình quân 24,5% GDP (2001-2005) lên mức 26,3% GDP (giai đoạn 2006-2010) thì từ năm 2011 đến nay đã bắt đầu xu hướng sụt giảm. Nguồn thu sụt giảm nhưng mức chi lại vẫn cao nên đã gây áp lực không nhỏ đối với cân đối ngân sách. Nguyên nhân quy mô thu ngân sách giảm do: tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% (áp dụng từ 1-1-2016); sụt giảm số thu từ dầu thô…

Cơ cấu thu còn phụ thuộc vào khoản thu không tái tạo như: thu từ quyền sử dụng đất, thoái vốn Nhà nước, thu từ tài nguyên đã đặt ra thách thức trong duy trì cân đối ngân sách, khiến cho chi đầu tư phát triển trong 5 năm qua có xu hướng giảm nhưng chi thường xuyên lại tăng.

Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong chi đầu tư phát triển vẫn diễn ra, từ khâu lập quy hoạch, lập dự án đầu tư đến triển khai thực hiện và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Không ít dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn hàng chục phần trăm, thậm chí vài lần so với dự toán ban đầu đã khiến chi ngân sách gặp khó khăn.

Kỷ luật chi ngân sách chưa nghiêm khi tổng chi sau quyết toán thường vượt hơn 30% so với dự toán. Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo để cho chi tiêu vượt dự toán một số lượng quá lớn thì không còn là chuyện bình thường.

Trong vấn đề chi, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn ngừa, hạn chế thất thoát, lãng phí vốn đầu tư từ ngân sách trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp thì việc bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách như vốn mồi. Đồng thời mở rộng các phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Từng bước thực hiện tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế.

Cơ chế xin - cho tạo ra tiêu cực trong chi phí. Để có kinh phí, cơ sở dùng cách “bôi trơn” rồi khấu trừ phần trăm hoa hồng, gây thất thoát vốn. Biên chế cồng kềnh cũng chiếm dụng một khoản ngân sách không nhỏ. Nhưng để chấm dứt những tình trạng này thì chưa biết đến khi nào. Do đó, cân đối thu, chi ngân sách vẫn còn nan giải.

Bùi Đức