Khó xóa nhà siêu mỏng, siêu méo vì thiếu kinh phí

22:13 | 30/07/2013

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội vẫn tồn tại 191 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo. Những người phụ trách trực tiếp cho biết công tác xử lý khó có thể hoàn thành đúng thời hạn UBND TP giao vì “thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng”.

Vừa qua, tại buổi giám sát của HĐND Hà Nội về trật tự xây dựng, ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: năm 2012, tình hình vi phạm về trật tự xây dựng vẫn không giải quyết được triệt để với 778 trường hợp vi phạm về nhà siêu mỏng siêu méo. Chính vì vậy, năm nay lãnh đạo TP đã kiên quyết lập lại kỷ cương. Một năm qua, Hà Nội có 142 cán bộ trật tự xây dựng bị xử lý kỷ luật, trong đó: 44 người bị khiển trách, cảnh cáo 30 người, 4 người bị cách chức và buộc thôi việc 5 người…

Bên cạnh đó, đội ngũ thanh tra xây dựng đã làm việc tích cực và kỷ cương hơn và không né tránh xử lý vi phạm. “Đã có khoảng 10% cán bộ bị xử lý, song đổi lại cán bộ hiện hoạt động tích cực hơn, không né tránh xử lý vi phạm”, ông Học cho biết.

Công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo gặp khó khăn vì thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng.

Sau một năm đã có hơn 500 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng được các quận huyện xử lý, tình hình xây dựng trái phép, sai phép chuyển biến rõ rệt, các vi phạm trắng trợn đã giảm hẳn. Các tòa nhà lớn ở phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương bị xử lý cương quyết nên làm gương cho chủ các công trình vi phạm khác. Toàn TP có gần 400 nhà siêu mỏng, đã xử lý được khoảng 200 trường hợp, hiện còn 191 nhà tại 9 quận, huyện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc còn nhiều trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại là do các cấp chính quyền vào cuộc còn chậm, lúng túng trong việc giải quyết và xử lý chưa quyết liệt, chưa đáp ứng được tiến độc TP đề ra.

Việc hợp khối khối các thửa đất siêu mỏng còn khó khăn, một số hộ muốn hợp khối nhà nhưng không hợp thửa đất cũng chưa được chính quyền giải quyết. Với các thửa đất trong diện TP thu hồi, kinh phí đền bù rất lớn, như quận Ba Đình tạm tính thu hồi 36 trường hợp, kinh phí đã lên tới gần 450 tỷ đồng. Cụ thể, để thu hồi một nhà siêu mỏng ở quận Ba Đình cần tới hơn 12 tỷ đồng, trong khi toàn TP hiện vẫn còn gần 200 nhà mỏng ở 9 quận, huyện cần phải xử lý. Như vậy, mỗi quận cần ít nhất 5 tỷ đồng, quận nhiều nhất như Ba Đình cần tới 450 tỷ đồng. Với 148 trường hợp siêu mỏng cần thu hồi thì cần số tiền rất lớn.

Lý giải nguyên nhân khiến chưa thể xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng siêu méo, Sở Xây dựng cho biết, rất khó vận động người dân tự thỏa thuận hợp khối, hợp thửa. Ở quận Ba Đình, toàn bộ 69 trường hợp đang giải quyết đều năm ngoài chỉ giới mở đường tồn tại từ trước ngày 15/3/2005 đến nay. Các hộ dân đã sử dụng  trong thời gian dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh. Nhiều hộ dân không đồng thuận với việc áp dụng chính sách cơ chế thu hồi đất, bồi thường GPMB. Nhiều quận, huyện tỏ ra lúng túng, liên tục đề nghị được hướng dẫn... Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, Sở đã nhiều lần hướng dẫn nhưng các đơn vị vẫn chưa hết thắc mắc.

Trước câu hỏi với số lượng các công trình mỏng méo còn nhiều như vậy, liệu các quận huyện có kịp hoàn thành xử lý đúng hạn TP giao (trong quý III-2013), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học thừa nhận: “Theo tôi là khó thực hiện. Thực ra, nhiều quận, huyện muốn gia hạn tới hết năm nhưng TP không đồng ý. Trong quý III-2013, sẽ có quận huyện làm kịp song cũng có nơi không thể xong nổi. Chỉ nói việc tìm nguồn vốn để chi GPMB các trường hợp mỏng méo đã rất khó. Thu hồi không dễ chút nào. Dù chỉ thu 1 m2 đất cũng phải lập dự án đầy đủ các bước như với 1 công trình lớn nên rất mất thời gian. Không chỉ có vậy, quận, huyện còn phải đau đầu tính xem thu hồi xong để làm gì? Nhiều nơi chẳng thể làm gì cả nên tính đi tính lại vẫn còn rất bất cập...”.

Phan Linh