Khánh Hòa quyết giữ “báu vật biển”

21:33 | 10/01/2018

482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng loạt các biện pháp được các ngành, các cấp của Khánh Hòa triển khai đồng bộ để khôi phục, giữ gìn các rạn san hô tự nhiên khi những “báu vật biển” này đối diện với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.  

Cứu nguy cho hơn 350ha san hô

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, sau 3 tháng triển khai Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CSRD), tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống phao bù, công tác bảo vệ các rạn san hô trong khu vực cắm mốc đã phát huy hiệu quả.

Trong Dự án CSRD, 3 khu vực rạn của 3 địa phương được chọn thí điểm là: Ninh Vân, Ninh Phước (Ninh Hòa) và thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) để lắp đặt hệ thống phao bù với tổng diện tích hơn 350ha. Việc lắp đặt triển khai từ ngày 17-8 đến 30-9-2017. Đơn vị chủ công là Công ty CP Hùng Sơn phối hợp với Ban Quản lý Dự án CRSD Khánh Hòa, chính quyền địa phương và các tổ đồng quản lý trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng ban Quản lý Dự án CSRD Khánh Hòa, để lắp đặt hệ thống phao bù, tổng kinh phí thực hiện là gần 600 triệu đồng.

khanh hoa quyet giu bau vat bien
Khách du lịch lặn biển Nha Trang thích thú với những rạn san hô tự nhiên không ở đâu có được

Ông Nguyễn Văn Quân - Trưởng ban Đại diện cộng đồng mô hình đồng quản lý xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) - 1 trong 3 khu vực thí điểm - cho biết, Ninh Vân có 181ha rạn san hô tập trung tại 4 điểm là: rạn Cầu (24ha), rạn Chảo (17ha), rạn Mát (70ha) và rạn Cỏ (70ha) đã có những chuyển biến tích cực.

“Trước đây, khu vực này là tâm điểm của việc đánh bắt thủy sản gây hư hại rạn san hô - bãi đẻ của các loài thủy sinh. Tuy nhiên, sau khi triển khai dự án, ngư dân có ý thức hơn trong việc đánh bắt, chỉ đánh ngoài khu vực thả phao, hạn chế đánh bắt theo mùa sinh sản, vùng rạn được bảo vệ. Bên cạnh đó, tổ đồng quản lý thường xuyên tổ chức họp dân, tuyên truyền về hiệu quả của cách khai thác không hủy diệt, không dùng các nghề cấm, bảo vệ bãi đẻ của các loài thủy sinh, tạo thuận lợi cho ngư trường khai thác bền vững” - ông Quân nói.

Phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang

Cùng với việc dùng phao bù để bảo vệ san hô, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang” nằm về phía tây đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là dự án áp dụng xây dựng mô hình rạn nhân tạo hướng đến nhiều mục tiêu, bao gồm phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học biển, đặc biệt là kết hợp để phát triển ngành du lịch lặn biển.

Với tổng kinh phí trên 940 triệu đồng, phần lớn từ nguồn ngân sách dành cho sự nghiệp khoa học của địa phương, đề tài này được tiến hành trong 3 năm (tháng 10-2013 đến tháng 9-2016). Qua đó các nhà khoa học thiết lập 100 giá thể rạn nhân tạo với chiều dài 150m để trồng phục hồi san hô, cũng như mở rộng san hô ở nền đáy trong khu vực, với tổng diện tích san hô 4.000m2.

Bên cạnh đó, đề tài còn tiến hành đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước biển, đo đạc thủy thạch động lực học vùng biển vịnh Nha Trang... làm cơ sở để mở rộng các mô hình phục hồi rạn san hô trong vịnh.

Trước đó, một kết quả tích cực từ Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm” cũng do Viện Hải dương học Nha Trang chủ trì và thực hiện trong thời gian 2011-2013, đã có hơn 5.550m2 san hô ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang được phục hồi và phát triển vững chắc, với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Quy chế về quản lý tổ chức hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đã nghiêm cấm các hành vi gây hại đối với các loài sinh vật biển, các loại san hô dưới mọi hình thức; nghiêm cấm hành vi thả neo tại các vùng có rạn san hô... Các cơ sở tham gia kinh doanh phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch trong phạm vi hoạt động.

An An