Bi kịch giá dầu và những nạn nhân (Kỳ 2):

Iran nuôi hi vọng

07:00 | 13/04/2016

1,043 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
So với các nạn nhân khác của bi kịch giá dầu, tình cảnh của Iran có lẽ là trớ trêu nhất, kiểu “anh hùng không gặp thời”, bởi, “đại gia” dầu khí này vừa mới thoát khỏi “xiềng xích” trừng phạt quốc tế và “chân ướt, chân ráo” quay trở lại thị trường, thì lại gặp cảnh giá dầu xuống thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Lấy số lượng bù doanh thu

Kể từ ngày 16-1-2016, sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận, Iran bắt tay vào thực hiện kế hoạch gia tăng xuất khẩu dầu mỏ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 2-2016, sản lượng khai thác dầu của Iran đã tăng thêm 300.000 thùng lên 3,2 triệu thùng/ngày - mức cao trong 4 năm trở lại đây. Mặc dù con số này “khiêm tốn” hơn so với dự đoán và so với công bố chính thức từ Iran, nhưng lượng dầu này vẫn cứ khiến cho nguồn cung dầu toàn cầu thêm dư thừa, qua đó góp phần vào sự kéo dài chu kỳ giá dầu thấp. Thật vậy, sự sụt giảm giá dầu đáng kể bắt đầu từ giữa năm 2014 rõ ràng đã gây hại cho Iran - một trong số ít nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới, khiến Tehran buộc phải lấy số lượng bù cho doanh thu.

Thế nhưng, cho đến nay Iran vẫn khước từ những lời kêu gọi “đóng băng” hay cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà Nga và một số nước xuất khẩu dầu mỏ đưa ra. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh thậm chí đã chế giễu ý tưởng đó là một “trò đùa” và tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu dầu thô cho đến khi đạt ngưỡng tương đương trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế, tức là khoảng trên 4 triệu thùng/ngày.

iran nuoi hi vong

Mỏ khí đốt South Pars của Iran

Điều gì đã làm nên “dũng khí” đó của Tehran?

Giới phân tích cho rằng, so với các nước xuất khẩu dầu lớn khác, đặc biệt là Arập Xêút, Iran vẫn ở một vị thế tốt hơn để đối phó với giá dầu thấp - kể cả trong dài hạn, bởi những lý do sau:

Trước hết, Iran phải qua những cú sốc tài chính lớn trong vấn đề ngân sách sớm hơn so với các nước xuất khẩu dầu khác. Ngay từ năm 2011, Tehran đã phải đối mặt với sự suy giảm mạnh mẽ trong doanh thu xuất khẩu dầu do lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Để đối phó với cuộc “chiến tranh kinh tế” này, Iran đã phải tiến hành một loạt các chính sách, bao gồm cả việc tăng thuế cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phi dầu mỏ.

Thứ hai, nền kinh tế của Iran ngày càng đa dạng hơn trong khi ngành năng lượng ngày càng hội nhập vào nền kinh tế của đất nước. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, hơn 90% sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên của Iran được dành cho xuất khẩu, chỉ có chưa đầy 10% tiêu thụ trong nước. Đến năm 2014, tiêu thụ trong nước chiếm 76% lượng dầu và khí tự nhiên khai thác tại Iran, nhu cầu khí đốt cũng tăng gần 9 lần kể từ năm 1970 đến 2014. Mặc dù sự gia tăng này cũng có liên quan đến sự tăng trưởng dân số, nhưng không thể phủ nhận được sự hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành năng lượng vào nền kinh tế Iran đi kèm với sự gia tăng của các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ.

Thứ ba, thâm hụt thương mại phi dầu mỏ của Iran đang thu hẹp. Việc tăng cường các hoạt động kinh tế ngoài năng lượng đã cho phép Iran mở rộng xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ. Kết quả là trong năm tài chính 2014-2015, thâm hụt thương mại phi dầu mỏ của Iran đã giảm xuống còn 2,7 tỉ USD, giảm từ 33,8 tỉ USD của 5 năm trước đó. Không giống như quá khứ, Iran ngày nay chỉ cần tương đối ít ngoại tệ mạnh từ xuất khẩu dầu để bù đắp thâm hụt thương mại phi dầu mỏ của mình.

Bên cạnh đó, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng doanh thu dầu mỏ vẫn đang chiếm khoảng 29% doanh thu của chính phủ trong năm tài chính vừa kết thúc vào ngày 19-3 vừa qua của Iran, nhưng dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế phi dầu mỏ, ngân sách nhà nước của Iran có thể dùng đến các phương tiện tài chính khác như thuế hoặc bán tài sản.

Cuối cùng, trong ngắn hạn, Iran sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận với nguồn vốn và các tài sản của nước này bị phong tỏa ở nước ngoài trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận, theo Kế hoạch hành động chung toàn diện, ước tính lên tới 100 tỉ USD.

Ưu tiên các dự án khí

Song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu dầu, Iran cũng tăng cường tập trung cho các dự án khí, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu vào kế hoạch phát triển và vận hành đầy đủ mỏ khí tự nhiên khổng lồ South Pars vào tháng 3-2018.

South Pars là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, với trữ lượng ước tính khoảng 14.000 tỉ m3 khí đốt và 18 tỉ thùng khí hóa lỏng. Mỏ khí này nằm trong vịnh Ba Tư, trên đường biên giới chung giữa Iran và Qatar, thuộc sở hữu chung của hai nước với tổng diện tích 9.700km2, trong đó 3.700km2 nằm trong vùng lãnh hải của Iran ở vịnh Ba Tư và 6.000km2 nằm trong vùng lãnh hải của Qatar. Dự án phát triển mỏ South Pars gồm 24 Phase và mới chỉ qua giai đoạn thứ 15 và 16 dự kiến sẽ bổ sung thêm 50 triệu m3 khí/ngày và 80 triệu thùng condensate/ngày cho Iran.

Năm ngoái, sản lượng khai thác khí đốt từ South Pars đã tăng 15% lên 130 triệu m3 khí. Khí đốt và các sản phẩm khác khai thác được từ mỏ South Pars có thể mang lại 4,5 triệu doanh thu cho Chính phủ Iran. Do đó, Tehran rất kỳ vọng vào South Pars.

Bên cạnh đó, với tiềm năng trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới, Iran không che giấu tham vọng gia nhập “câu lạc bộ các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn” của thế giới. Cuối năm 2015, Tehran đã rục rịch công bố kế hoạch xây dựng 5 dự án xuất khẩu LNG trong 3 năm tới. Đầu năm 2016, Giám đốc điều hành tập đoàn xuất khẩu khí đốt quốc gia của Iran, ông Alireza Kameli lại tuyên bố nước này đang đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất LNG để kịp tiến độ cung cấp cho thị trường châu Âu trong vòng 2 năm tới.

Khởi đầu cho tiến trình cạnh tranh thị trường xuất khẩu khí đốt, Iran sẽ thực hiện dự án đầy tham vọng mang tên Iran LNG, vốn bị trì hoãn từ năm 2012 do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong đó, dự án này còn liên quan tới chương trình xây dựng đường ống dẫn dưới vịnh Persian tới nước láng giềng Oman mà hai nước đã triển khai từ năm 2014 và đến tháng 12 này hết hạn thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran hiện đang đàm phán với một số công ty châu Âu để tiến hành xây dựng các nhà máy nổi sản xuất LNG.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì mục tiêu trong 2 năm tới cung cấp LNG cho thị trường châu Âu đối với Iran là “nhiệm vụ bất khả thi”. Bởi gần đây, đối với cả những nước đi đầu trong lĩnh vực LNG như Mỹ, Australia thì đầu tư vào LNG hiện tại đang có vấn đề phải cân nhắc khi mà giá năng lượng đang thấp và nguồn cung đang thừa. Điều này có thể thay đổi trong tương lai gần nhưng dù sao đầu tư vào LNG cũng cực kỳ tốn kém và Iran phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng dầu khí hiện có của Iran để phục vụ cho phát triển các dự án LNG không những mất nhiều năm mà tính ra còn tốn kém tới 200 tỉ USD.

Trong khi kế hoạch xuất khẩu LNG của Iran còn xa vời và bị hoài nghi thì các dự án đường ống dẫn từ các mỏ dầu phía Nam của Iran đến Pakistan lại đang có cơ hội trở thành hiện thực hơn cả. Dự án từng được gọi là “đường ống hòa bình” này đã trải qua nhiều vòng đàm phán, do cả hai bên đều do dự trước chi phí quá lớn để xây dựng đường ống dài gần 2.000km. Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Iran Rouhani khi đi thăm Pakistan đã tuyên bố rằng Iran đã hoàn thành phần đường ống trên lãnh thổ của mình và kêu gọi Pakistan hoàn thành nốt phần của họ.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang nối lại đàm phán với Iran về kế hoạch xây dựng đường ống ngầm dưới biển trị giá 4,5 tỉ USD sau 7 năm trì hoãn, cân nhắc về chi phí và các mối lo ngại an ninh.

Giống như các thỏa thuận đường ống với Oman, việc hoàn thành dự án đường ống đã chờ đợi từ lâu với Pakistan có thể đánh dấu một sự gia tăng vị thế trong hồ sơ khu vực của Iran và là bước đi thiết thực để quốc gia này thực hiện mục tiêu tăng cường sản xuất năng lượng, cũng như lấy lại vị thế nước xuất khẩu năng lượng lớn của thế giới trước kia.

(Xem tiếp kỳ sau)

iran nuoi hi vong

Bi kịch giá dầu và những nạn nhân

Cho dù chi phí trung bình khai thác dầu ở Nga tính cho 1 thùng dầu chỉ là khoảng 2USD, còn chi phí khai thác ở nhưng nơi khó khai thác nhất và ở vùng ngoài khơi xa bờ cũng chỉ trên dưới 20USD/thùng như lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kiril Molodtsov “tâm sự” với tờ Rossiyskaya Gazeta, thì người ta vẫn không khỏi hoài nghi về sự hụt hơi của nước Nga khi giá dầu vẫn chưa có động lực rõ ràng để “an tâm” tăng lên một cách chắc chắn và cũng chưa biết đâu đã là đáy.  

Linh Phương

Năng lượng Mới 512