Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

08:47 | 06/07/2015

1,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo những kết quả mới nhất về cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, có ít nhất 61% cử tri nước này đã nói “Không” với các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ châu Âu - một kết quả được dự báo là sẽ đưa Athens vào một vòng xoáy xung đột mới với phần còn lại của khu vực đồng Euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Phe nói "Không" ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý ngay đêm 5/7/2015

Sự thách thức từ lá phiếu “Không”

Với hơn 87% số phiếu được kiểm, kết quả sơ bộ cho thấy, hơn 61% cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu bác bỏ các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” có trong điều khoản cho vay từ các chủ nợ của nước này trong một cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tổ chức ngày hôm qua (5/7/2015).

Đây là một kết quả bất ngờ nếu xét về số lượng những người phản đối yêu cầu từ các chủ nợ bởi trong các cuộc thăm dò mới nhất trước trưng cầu, tỉ lệ cử tri định bỏ phiếu “Có” vẫn nhỉnh hơn so với phe phản đối.

Tuy nhiên, kết quả này là không đáng ngạc nhiên quá nếu xét đến nội dung trưng cầu dân ý. Bởi, trong các câu hỏi mà chính phủ Hy Lạp đặt ra để yêu cầu dân chúng cho ý kiến, có những nội dung mà gần như chắc chắn nhiều người Hy Lạp sẽ không chấp nhận, chẳng hạn như việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 23% nhằm vào lĩnh vực du lịch - ngành công nghiệp số 1 của Hy Lạp, hay cắt giảm lương hưu.

Đa số dân chúng Hy Lạp đã bỏ phiếu “Không” vì hai lý do. Thứ nhất, họ thấy rằng những đòi hỏi từ phía các chủ nợ là không chấp nhận được và sẽ vắt kiệt cuộc sống vốn đã rất chật vật trong mấy năm qua của họ.

Thứ hai, họ cũng nuôi một hi vọng rằng, bằng lá phiếu “Không”, họ sẽ chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến châu Âu và buộc các chủ nợ phải có những nhượng bộ.

Bên cạnh đó, kết quả trưng cầu dân ý cũng phản ánh thực tế ở một đất nước Hy Lạp bị chia rẽ theo độ tuổi, sự sung túc và ý thức hệ. Những người trẻ, người về hưu và những người có quan điểm cánh tả rõ rệt hay cánh hữu dân tộc đã nghiêng về lựa chọn “Không”. Trong khi đó, tầng lớp trung niên và có quan điểm chính trị trung dung có nhiều khả năng đã chọn “Có” để bảo vệ vị trí của Hy lạp trong khu vực đồng Euro.

Bình luận về kết quả này, tờ Thời báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ cho rằng, lựa chọn của đa số cử tri Hy Lạp dự kiến sẽ làm tăng cường vị thế trong nước của Thủ tướng nước này, ông Alexis Tsipras - người đã vận động kịch liệt người dân nói “Không” với yêu cầu thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ tài chính, bất chấp khủng hoảng ngân hàng và tình trạng hạn chế rút tiền tại các cây ATM.

WSJ thốt lên: “Đó là sự thật. Người Hy Lạp đã được đưa ra 2 lựa chọn, dù đều tồi tệ cả, nhưng họ vẫn chọn điều tồi tệ nhất” và “họ không thể đổ lỗi cho người Đức những gì xảy ra tiếp theo”.

Phản ứng của châu Âu

Thật khó đoán về phản ứng của dư luận và chính giới châu Âu vào thời điểm này, mà có lẽ phải đợi đến cuộc họp Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 6/7 tại Brussels (Bỉ) mới có thể rõ ràng quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với vấn đề Hy Lạp là như thế nào. Tuy nhiên, mọi cái nhìn đang đổ dồn về nước Đức - “đầu tàu” của khối Eurozone và là nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Hy Lạp, cũng như các động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel vẫn chưa phát biểu hay bình luận gì về kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Phát ngôn viên của “người đàn bà thép” chỉ thông báo bà Merkel sẽ bay đến Paris vào hôm nay (6/7/2015) để thảo luận về tình hình Hy Lạp với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel thì cho biết là “rất khó hình dung” sẽ có các cuộc thương lượng mới với chính phủ Hy Lạp.

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Cánh cửa EU có thể sẽ "đóng" với Hy Lạp

Vậy, liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu có cắt giảm tính thanh khoản của Hy Lạp hay không? Chủ tịch ECB Mario Draghi đã quyết định chủ trì một cuộc họp vào sáng 6/7 để quyết định có nên mở rộng “hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp” (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp hay không. Cho đến nay, ECB đã chi gần như toàn bộ quỹ cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp, tức là khoảng 89 tỉ Euro và đã quyết định vào tuần trước là sẽ không cung cấp thêm nữa.

Nếu ELA bị đình chỉ hoàn toàn thì Hy Lạp có thể sẽ không còn cách nào khác là rời khỏi Eurozone và EU. Nhưng theo các nhà phân tích tại Société Générale, có vẻ ECB sẽ không muốn làm điều đó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp ngay trong đêm 5/7/2015 đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các chủ ngân hàng ở nước này vì lo ngại khả năng cạn kiệt tiền mặt hoàn toàn. Các ngân hàng đã báo cáo họ chỉ còn lại khoảng 500.000 Euro tiền mặt, có nghĩa là một người dân Hy Lạp chỉ có thể được rút tối đa bình quân 45 Euro/người.

Tương lai của con nợ Hy Lạp

Dù dân Hy Lạp nói “Không” với các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ nhưng trong sâu thẳm, ¾ người dân Hy Lạp vẫn muốn nước này ở lại Eurozone, kể cả Thủ tướng Tsipras. Nhưng trước khi bỏ phiếu, lãnh đạo các nước châu Âu đã cảnh báo họ rằng, việc từ chối các điều khoản vay nợ cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể sẽ phải rời khỏi Eurozone và sau đó là rời khỏi EU.

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Biểu ngữ: "Hy Lạp: Nơi tôi sinh ra. Châu Âu: Quê hương tôi" cho thấy nhiều người Hy Lạp thực lòng vẫn không muốn rời EU

Vì lẽ đó, những ngày sắp tới sẽ vô cùng khó khăn với chính phủ và người dân Hy Lạp. Họ muốn bằng mọi giá có được một thỏa thuận có lợi nhất với nhóm chủ nợ nhưng nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Đức, lại không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp hay nhượng bộ nào với phía Hy Lạp vì đã “thấm” cảm giác “bị phản bội” trước sự “tự cao, tự đại” của Athens trong các cuộc đàm phán về nợ.

Vì thế, việc đạt được thỏa thuận với nhóm chủ nợ là vô cùng khó khăn, thậm chí nguy cơ Hy Lạp đổ vỡ vẫn còn cao không kém gì so với trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone bằng mọi giá đang là ưu tiên của một số nước, nhất là Pháp. Nhưng cũng có những nước sẵn sàng “phũ” với Hy Lạp, như
Đức, vì họ cho rằng Hy Lạp không xứng đáng được hưởng tiếp các gói cứu trợ và rằng, dù Hy Lạp ra khỏi eurozone thì đó cũng không phải thảm họa cho châu Âu.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng, thoạt nhìn, sự vỡ nợ của Hy Lạp và việc nước này rời khỏi EU sẽ chi rlamf cho các nước châu Âu bị mất số tiền đã cho vay, làm gia tăng phần nào nợ công của họ, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó mà trong những cuộc khủng hoảng sắp tới. Eurozone sẽ phải gánh chịu những cơn bão tài chính dữ dội, do mức độ tín nhiệm bị lung lay. Không chỉ Hy Lạp đang trượt trên bờ dốc mà toàn thể châu Âu đang có nguy cơ tan rã vào lúc mà châu Á, châu Phi và châu Mỹ đang tìm cách khai thác con đường hội nhập.

Vì sao Mỹ sợ Hy Lạp vỡ nợ?

Vì sao Mỹ sợ Hy Lạp vỡ nợ?

Lãnh đạo Mỹ liên tiếp lên tiếng hối thúc cả châu Âu và Hy Lạp phải cứu lấy Athens trước bờ vực vỡ nợ và nguy cơ ra khỏi khối đồng tiền euro. Đằng sau sự lo lắng này của Washington là gì?

Hy Lạp: Thủ tướng “bán cái” cho người dân

Hy Lạp: Thủ tướng “bán cái” cho người dân

Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ công của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras được cho là hành động “đá quả bóng” trách nhiệm sang chân người dân. Liệu đây có phải là “cửa thoát hiểm” an toàn cho ông Tsipras?

Linh Phương

Năng Lượng Mới