Giáo dục suông là hỏng!

07:00 | 06/07/2015

3,236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND TP Hà Nội lại vừa giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội như nói tục, chửi bậy.
Cấm công chức nói tục
Tội mất dạy, trị sao đây?

Dư luận lại cho rằng, Hà Nội bỗng dưng vội vã quy định rất khó thực hiện này. Người ta nhắc đến quy định cấm hút thuốc lá nơi cộng cộng là quy định cái rất đúng đắn và cần thiết, nhưng vẫn không khả thi dù việc bắt quả tang không có gì khó khăn. Vấn đề là ở chỗ, cơ quan nào đứng ra xử phạt? Trên 60% người trưởng thành ở ta hút thuốc lá, bắt để xử phạt có mà bắt suốt ngày dài lại đêm thâu. Trong khi lực lượng cảnh sát đang căng mình chống tội phạm hình sự, tham nhũng, ma túy, ma men lái xe… nay lại thêm việc xử phạt mấy ông phì phèo nữa thì thật quá tải.

Người dân có ý kiến rằng: Hiện nay người Việt mình nói tục, chửi bậy quá nhiều. Thế nên, ra văn bản quy định riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, công an, bộ đội thì nên làm, chứ đòi xử lý người dân văng tục nơi công cộng là một quy định không khả thi. Bởi lẽ, lấy đâu ra quy định cụ thể thế nào là văng tục, từ nào là tục, từ nào nói tục nghĩa thanh. Cơ quan văn hóa liệu có đủ bản lĩnh để đưa những từ ngữ tục tĩu vào văn bản để dựa vào đó mà phạt? Mà cho dù có hướng dẫn mục từ bị cấm đoán thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý? Cảnh sát văn hóa cần bao nhiêu người phục sẵn ở nơi công cộng để nghe và xử lý kẻ văng tục, chửi bậy? Bà già quê mất gà, ông chủ hộ mất chó đứng ra chửi cả buổi, người dân nghe hết, nhưng lại đồng tình thì xử làm sao đây, kể cả có ghi âm người nói tục, lời nói tục để có bằng chứng xử lý? Người dân cho là quy định viển vông. Thật không biết nên cười hay mếu.

Xin nhớ rằng, Nghị định 73 có hiệu lực từ năm 2010 có quy định, “nếu không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người”, “có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng” đều bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, nhưng hầu như vô hiệu vì có phạt được ai đâu. Đám du khách Tây balô cởi trần trùng trục, hở hang thỗn thện ngoài đường có ai phạt đâu? Hẳn vì vậy, dự thảo mới lần này đã không còn các quy định nói trên nữa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cách đây vài năm Hà Nội đã thực hiện khảo sát, xác định các hành vi, cử chỉ, lời nói được cho là “nói tục” tại những nơi công cộng, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố… nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy, hành vi nói tục là hành vi không đẹp, gây bức xúc trong dư luận, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Những hành vi đó không chỉ tạo những thói quen xấu với người già, người có tuổi, nó còn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thế hệ trẻ. Thậm chí, nói tục gần đây đã trở nên phổ biến, trở thành thói quen trên khắp vỉa hè, đường phố, ngoài chợ, trường học, cơ quan, từ học trò đến giới văn nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ…

Hẳn đây là lý do khiến lãnh đạo Hà Nội sốt ruột muốn phải giải quyết sớm và triệt để vấn nạn này. Tuy nhiên, việc xác định hành vi đã khó, định nghĩa để xác định được hành vi này lại còn khó hơn.

Từ những khó khăn nêu trên, các chuyên gia cho rằng, kể cả khi có định nghĩa được hành vi nói tục thì việc xử lý hành vi này cũng không hề đơn giản. Để xử phạt được người nói tục, rõ ràng phải có bằng chứng, chứng cứ cụ thể.

Vì vậy, chỉ nên xem các quy tắc, quy định ứng xử là công cụ để tuyên truyền, giáo dục định hướng, phát huy tính tự giác của từng đối tượng trước. Sau đó mới áp dụng những công cụ xử lý tiếp theo. Không nên đặt ra quá nhiều những quy định áp đặt mà nguy cơ thất bại của các quy định này đã hiện hữu ngay khi văn bản mới ban bố.

Theo các chuyên gia, hãy nhìn cách trẻ em miền Nam hồi mới giải phóng khoanh tay chào thưa người lớn, hãy xem trẻ em và cả người lớn Hàn Quốc, Nhật Bản cúi chào trong giao tiếp để thấy người ta ứng xử văn minh, lễ phép như thế nào. Còn nhớ trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Hồ Chủ tịch viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn; Phần nhiều do giáo dục mà nên” đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc phải coi trọng giáo dục. Theo quan niệm của Bác Hồ, người ta khi mới sinh ra vốn bản chất là tốt (tính bản thiện). Nếu xã hội chúng ta muốn có nhiều người hiền, hạn chế những điều ác, thì xã hội cần quan tâm đến việc giáo dục. Miệng dân ý quan phải gặp nhau khi học lại lời Bác dạy. Hãy vận động giáo dục để nâng niu sự trong sáng của ngôn ngữ Việt, thay vì tìm cách cấm, phạt.

Tuy nhiên, nếu chỉ giáo dục mà không có biện pháp xử lý đúng thì cũng chỉ là giáo dục suông. Và nói mãi thì mỏi miệng, còn hiệu quả thì chẳng thấy đâu.

Thọ Vinh